Chúng ta thường dùng thành ngữ “mẹ tròn con vuông” để chỉ việc sinh sản thuận lợi, sau khi sinh mẹ cũng khoẻ mà con cũng mạnh. Nhưng tại sao lại là “tròn” và “vuông” mà không phải bất cứ hình thù nào khác?
Thực tế, điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa, cho rằng trời tròn, đất vuông. Con người do trời sinh ra, do đất nuôi dưỡng, nên cũng phải vuông tròn như trời đất thì mới trọn vẹn, an ổn. Điều này thấy rõ trong sự tích bánh chưng, bánh giày. Hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được tiên ông hướng dẫn làm bánh giày tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng chưng cho đất để chỉ sự hoà hợp với tạo hoá. Nhờ đem hai thứ bánh này lên dâng tổ tiên mà hoàng tử được vua khen và truyền ngôi cho.
Vậy tại sao nói “mẹ tròn con vuông” mà không nói “mẹ vuông con tròn”? Theo chúng tôi đây chỉ là cách sắp xếp sao cho có vần điệu, vì “tròn” cùng vần với “con”. Tuỳ theo cách đọc nào thuận miệng hơn, người ta cũng có thể đưa “vuông” đứng trước “tròn” như trong “làm sao để vuông tròn mọi việc”.
Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có từ quy củ, Hán tự là 規矩, trong đó quy (規) chỉ cái khuôn hình tròn còn củ (矩) chỉ cái khuôn hình vuông của người thợ mộc. “Quy củ” nghĩa là “nề nếp”, như vậy cũng đủ thấy người xưa coi hình vuông và hình tròn là khuôn thước quan trọng thế nào.
(Tham khảo từ điển Hán Nôm, từ điển Mường – Việt, bài viết của Tâm Liên)