Vùng nước mặn Gò Công (Tiền Giang) có khá nhiều sông rạch, bờ bãi nên chuyện đi móc cua biển khá phổ biến bời vừa là cái thú vừa được món ăn ngon.
Dụng cụ móc cua thật đơn giản: một thanh sắt đường kính cỡ 4 tới 6 mm, dài non 1 mét, bẻ cong như lưỡi câu cả hai đầu và một giỏ đựng là đủ bộ.
Khi con nước lớn, cua theo dòng lên bờ ruộng, mé rạch kiếm ăn hoặc đào hang để ở. Muốn bắt cua thì đợi khi thủy triều xuống thấp, đi tìm miệng hang. Người có kinh nghiệm nhận biết cua còn trong hang hay đã ra ngoài bằng cách xem kỹ các dấu chân ngoằn ngoèo cua còn để lại trên mặt bùn.
Giống cua cũng khéo chọn nơi trú ngụ có địa hình phức tạp, gai góc như bọng cây, lùm cốc kèn, ô rô… Tìm được hang, dùng cây móc sắt nhẹ nhàng thăm dò, nghe chạm mai cua kêu lộp cộp thì xoay xoay móc kéo dần ra.
Cảm giác hồi hộp lẫn thích thú lúc lôi con cua ra khỏi hang thật là khó tả. Cua vướng càng, ngoe và bị móc ngang thân nên khó thoát. Dùng dây lạt cột chặt, tiếp tục đưa móc vào hang, có khi tóm được cả cặp cũng nên.
Con nước lớn, cua cái thường có gạch son và cuối tháng âm lịch cua lột nên thời điểm này người ta đi móc cua nhiều hơn. Chịu khó lùng sục chừng đôi giờ đồng hồ là nặng giỏ cua…
Cua biển chế biến được nhiều món ăn ngon như: rang muối, rang me, xào mặn, xào chua, nấu bánh canh, nướng, luộc nước dừa… Gạch son là nguồn dự trữ năng lượng nuôi cơ thể cua trong thời kỳ sắp lột vỏ, rất béo bổ, thơm ngon. Cua “hai da” là cua sắp lột, khi luộc hoặc nướng chín dễ dàng bóc lớp vỏ cứng, phần gạch và thịt dẽ ngọt. Cua lột thì chỉ rửa sạch, bỏ yếm, nhúng bột chiên vàng ăn rất khoái khẩu.
Về món nham cua gạch son, ở quê làm khá đơn giản: cua cái luộc chín, gỡ lấy gạch, thịt rồi trộn với rau càng cua bóp dấm, đường… chấm nước mắm ngon.
Chế biến món nham ở các nhà hàng đặc sản thì cầu kỳ hơn: cua hấp chín gỡ lấy thịt, luộc thịt heo ba rọi thái sợi nhỏ trộn chung với khế, chuối xanh xắt mỏng cùng rau dấp cá rồi sắp ra dĩa. Gạch son cua làm xốt rưới lên trên, nêm chút nước mắm ngon. Thường dùng món nham với bánh phồng tôm chấm nước mắm tỏi ớt, hương vị thơm ngon đặc biệt.
Từ một món ăn đặc trưng địa phương, hiện nay trong các nhà hàng, món “nham Gò Công” đã được nhiều thực khách sành ăn biết đến…
Nguyễn Kim
Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên tạp chí Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com)