Trong những tháng qua, hồ sơ bảo lãnh cho diện vợ chồng và diện vị hôn phu vị hôn thê đã bị từ chối với một số lượng đáng kể, vì thế tôi sẽ trình bày về phương pháp chuẩn bị hồ sơ và dữ kiện để đi phỏng vấn.
Thường đa số hồ sơ bị từ chối với những lý do như sau:
- Người thừa hưởng không biết chi tiết thông thường về đời sống của người bảo lãnh;
- Những hình ảnh nộp vào chỉ chứng minh người bảo lãnh và người thừa hưởng gặp mặt nhau chỉ có 2, 3, 4 hoặc 5 ngày trong những chuyến đi Việt Nam; và
- Sự liên lạc của hai người chỉ được chứng minh bằng vài lá thơ.
Luật Di Trú: Chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn (Ảnh: minh họa)
Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ quyết định rằng người thừa hưởng không biết chi tiết thông thường về đời sống của người bảo lãnh vì khi người thừa hưởng được phỏng vấn, sĩ quan của lãnh sự quán sẽ hỏi người thừa hưởng về chi tiết đời sống của người bảo lãnh. Những câu hỏi họ thường hỏi là:
- Hai người gặp nhau lần đầu tiên là lúc nào và ở đâu?
- Người bảo lãnh làm việc gì ở Hoa Kỳ và làm ở đâu?
- Người bảo lãnh ở với ai và bao nhiêu người ở cùng nhà?
- Ai cầu hôn và cầu hôn từ lúc nào?
- Nếu người bảo lãnh đi học thì đi học trường nào?
- Nếu người bảo lãnh có gia đình trước đây thì người bảo lãnh ly dị từ lúc nào và lý do tại sao ly dị?
Người bảo lãnh và người thừa hưởng phải tìm hiểu nhau thật kỹ càng về đời sống của nhau vì khi đi phỏng vấn mà trả lời sai một chi tiết không đáng kể thì hồ sơ xin cấp chiếu khán sẽ bị từ chối.
Trước khi vào vấn đề hình ảnh và thư từ, quí vị nên biết rằng người sĩ quan của lãnh sự sẽ không phỏng vấn đương đơn hơn 15 phút cho nên đương đơn phải chuẩn bị tất cả giấy tờ để cho người sĩ quan dễ thấy và dễ hiểu. Nếu những chi tiết gì quan trọng trên một tờ giấy nên dùng viết highlighter để tô màu chỗ đó để giúp người sĩ quan chú ý vào đó.
Còn vấn đề hình ảnh và thư từ thì là một yếu tố cần thiết, tuy nhiên đương sự cần phải biết tổ chức hoặc chuẩn bị trước để không bị lung túng hay vụng về khiến để tạo ra sự nghi ngời của viên chức phỏng vấn.
Nhiều khi người thừa hưởng cầm theo rất nhiều hình ảnh để đi phỏng vấn nhưng khi vào phỏng vấn lại sợ quá và đưa cho người sĩ quan hết những tấm hình không xấp theo thứ tự và người sĩ quan chỉ lựa ra vài tấm hình để giữ lại. Hoặc khi đi phỏng vấn người thừa hưởng chỉ cầm theo vài tấm hình tượng trưng vì đinh ninh rằng hồ sơ mình thiệt mà tại sao phải lo. Thật ra đương sự khi đi phỏng vấn, phải chuẩn bị hình ảnh và đem theo tất cả hình ảnh mình đã có. Hình ảnh nên xấp xếp theo thứ tự theo những chuyến đi về Việt Nam của người phối ngẫu. Và nếu có thể xấp theo thứ tự ngày tháng được thì càng tốt. Nên chọn vài tấm hình và xấp mỗi hai tấm hình trên một tờ giấy trắng và dưới mỗi tấm hình nên ghi chú ngày, tháng, năm và nơi chụp. Khi làm như vậy quí vị sẽ tránh phải người sĩ quan quyết định rằng người bảo lãnh và người thừa hưởng gặp mặt nhau chỉ có 2, 3, 4 hoặc 5 ngày mà thôi.
Những loại giấy tờ sau đây cần phải được xấp theo thứ tự của ngày tháng năm. Những giấy tờ đó là thư từ, hóa đơn điện thoại, vé máy bay, và hóa đơn gửi tiền hoặc quà. Thư từ phải kèm theo bao thơ có mộc của bưu điện. Những hóa đơn điện thoại nên dùng highlighter để tô màu vào số điện thoại của người bảo lãnh và số điện thoại của người thừa hưởng. Nếu người bảo lãnh không đứng tên trên số điện thoại đã dùng để liên lạc với người thừa hưởng thì phải có giấy tờ chứng minh sự liên hệ của người đứng tên và người bảo lãnh. Những vé máy bay nên xấp trên một tờ giấy trắng và phải có boarding pass chứng minh rằng vé đã được dùng. Những sự trình bày trên là một vài điển hình để giúp quí vị chuẩn bị hồ sơ đi phỏng vấn tại tòa lãnh sự Hoa Kỳ.