Vùng cao Appalachia, trải dài từ New York tới Alabama, và vùng núi Ozark-Ouachita bị chia cắt bởi một vùng đất có chiều rộng khoảng 400 km. Thực chất, chúng là hai bộ phận tách rời của một khu vực tự nhiên duy nhất, có chung đặc điểm địa hình và sự kết hợp đặc biệt chặt chẽ giữa địa hình và việc định cư của con người.
Khi đặt chân lên bờ biển của nước Mỹ thuộc địa, những người đến lập nghiệp đã được nghe các câu chuyện kể về dãy núi cao hùng vĩ trải dài về phía tây. Đi sâu vào vùng đó, họ khám phá ra rằng độ cao của những núi này đã được cường điệu lên. Chỉ tại một vài khu vực nhỏ trên vùng Appalachia và Ozark, người ta mới có thể tiếp cận được với quang cảnh đầy ấn tượng, rất phổ biến ở miền Tây.
Tuy nhiên, hầu hết những người quan tâm đến hiện tượng trên đều nhất trí rằng có thể nói phần lớn địa hình của Appalachia và Ozark là núi. Chênh lệch độ cao giữa núi và thung lũng trong vùng vượt quá 500 m, có nơi trên 1000 m. Sườn núi thường rất dốc.
Địa lý nhân văn vùng Appalachia có mối quan hệ chặt chẽ với địa hình nơi đây. Nếu không có núi, Appalachia chỉ là bộ phận của một khu vực gồm vài vùng tiếp giáp với nhau, như Deep South chẳng hạn. Nhưng nhờ có núi, Appalachia và Ozark tồn tại với tư cách là một khu vực của nước Mỹ, rất khác biệt và có thể nhận biết được (bản đồ 6).
Một địa hình đa dạng
Appalachia bao gồm ít nhất ba vùng địa hình. Những tiểu vùng này tạo thành các vành đai chạy song song gần như từ Đông Bắc sang Tây Nam.
Vành đai xa nhất về phía đông là Blue Ridge. Được tạo nên bởi lớp đá cổ Precambrian, nó đã từng bị bào mòn dữ dội và độ cao hiện nay của vành đai này chỉ bằng một phần nhỏ độ cao vốn có của nó. Vùng Piedmont trên vùng đất thấp nam Đại Tây Dương tiếp giáp với Blue Ridge dọc theo sườn đông của dãy Appalachia, từ New York tới Alabama.
Nhìn chung, Blue Ridge có độ cao và chiều rộng tăng dần từ bắc xuống nam. Phía nam, đặc biệt là Nam Roanoke thuộc bang Virginia, là nơi núi non trùng điệp nhất vùng Appalachia. Từ Piedmont sang Blue Ridge, độ cao thường thay đổi nhiều và đột ngột. Trên địa phận bang Pennsylvania và bang Virginia, Blue Ridge tạo thành một dãy núi hẹp chạy giữa Piedmont và Great Valley (Thung lũng Lớn) sang phía tây; dọc theo ranh giới Bắc Carolina-Tennessee, nó lại mở ra rộng tới 150 km.
Đi về phía tây của Blue Ridge sẽ bắt gặp một bộ phận gồm thung lũng và dải núi hẹp. Nó nằm trong một khu vực rộng mênh mông được cấu tạo bởi những tầng đá trầm tích ở giữa Blue Ridge và Rocky Mountains. Rìa phía đông của những lớp đá này đã bị gãy, nứt nghiêm trọng khiến cho địa hình có dạng thẳng chứ không lồi lõm khúc khuỷu.
Vùng thung lũng và dải núi hẹp này rộng trung bình khoảng 80 km. Các dải núi khá nhiều và thường cao hơn các thung lũng phân cách chúng từ 100 đến 200 m. Sống núi ít khi bị gián đoạn và nếu có thì đó thường là những nơi có sông chạy cắt ngang. Các thung lũng với chiều rộng khoảng vài kilômet cung cấp một phần đất nông nghiệp tốt nhất ở Appalachia. Núi được cấu tạo bởi diệp thạch và sa thạch tương đối trơ, còn bề mặt các thung lũng thường được lót một lớp đá vôi.
Nằm giữa Blue Ridge và dải núi đầu tiên là Great Valley. Chạy dọc theo chiều dài của gần như toàn bộ vùng Appalachia, Great Valley (mà hầu như trên toàn vùng, nó gồ ghề chứ không phẳng) về mặt lịch sử là một trong những tuyến đường quan trọng ở Mỹ, và chính nó đã ràng buộc con người nơi đây với nhau mạnh hơn bất cứ một yếu tố tự nhiên nào khác ngoại trừ chính các dãy núi.
Phần xa nhất về phía tây của Appalachia là Cao nguyên Appalachia. Tiếp giáp với nó về phía đông là một khu vực đất dốc được gọi là Allegheny Front – hàng rào quan trọng nhất ngăn cản sự di chuyển từ hướng tây vào khu vực miền Đông của Rocky Mountains. Địa hình khu vực này chủ yếu được tạo thành bởi sự bào mòn liên tục lớp nền bằng phẳng trong vùng đất thấp nội địa. Hiện tượng xói mòn đã để lại một địa hình gồ ghề, hỗn tạp với các thung lũng hẹp được bao quanh bởi những sườn núi dựng đứng và sắc nhọn. Bộ phận phía bắc của Allegheny, nằm trên địa phận New York và Pennsylvania, có địa hình thoai thoải và đỡ gồ ghề hơn. Ngoài một số khu vực nhỏ hẹp, những bề mặt bằng phẳng là rất hiếm. Hầu hết các cộng đồng dân cư buộc phải sống chen chúc trên những khoảnh đất hẹp bằng phẳng trong các thung lũng.
Vùng cao Ozark-Ouachita, nếu chiếu theo cách phân vùng theo địa hình, thì hoàn toàn tương tự như Appalachia, chỉ khác là các vành đai chạy theo hướng đông-tây thay vì đông bắc-tây nam. Dãy núi Ouachita chạy về phía nam bao gồm hàng loạt thung lũng và các dãy núi song song và bị đứt đoạn. Chúng bị tách ra khỏi Ozark bởi thung lũng sông Arkansas. Ozark là một vùng gồ ghề, khúc khuỷu, một cao nguyên từng bị xói mòn mạnh có địa hình rất giống với Cao nguyên Appalachia.
Người dân Appalachia
Cho đến tận cuối thời kỳ thuộc địa, khoảng 150 năm kể từ khi Bờ biển phía Đông của Mỹ bị chiếm giữ, những người đến lập nghiệp mới vượt qua vành đai Blue Ridge để tiến vào Cao nguyên Appalachia. Con đường nhỏ dễ dàng nhất và lần đầu tiên được sử dụng để đi tới Great Valley và các dãy núi xa hơn, nằm ở đông nam Pennsylvania, nơi mà vành đai Blue Ridge co hẹp lại thành một dãy đồi không hơn không kém. Đối với nhiều người dân Pennsylvania lúc bấy giờ, vùng núi chạy về phía bắc và tây rất khó sinh sống. Kết quả là họ mở rộng nơi định cư xuống các thung lũng thuộc bang Virginia. Những người trước đó sống ở vùng đất thấp phương nam di cư sâu vào nội địa cũng nhanh chóng theo chân họ.
Sau đó, vào cuối thế kỷ XVIII, dân chúng bắt đầu định cư trong các thung lũng và vịnh nhỏ của khu vực vùng đất cao xung quanh. So với những vùng xa hơn của miền tây, vùng đất họ lựa chọn nghèo nàn hơn. Đất gồ ghề nơi đây cùng với khí hậu vùng cao mát mẻ khiến cho gần như toàn bộ diện tích trong vùng không thích hợp cho việc tạo lập một nền kinh tế đồn điền. Các đồn điền lớn chỉ phát triển được ở một vài vùng đất thấp rộng hơn.
Song, khi những người dân Mỹ định cư tới đây vào cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19 thì vùng đất này có đủ tiềm năng cho việc phát triển các trang trại nhỏ hơn. Một mảnh đất trống, rộng từ 10 đến 20 hecta là tất cả những gì mà một người nông dân có thể xoay xở được. Những mảnh đất kiểu này lại rất sẵn có trong các thung lũng nơi đây. Gỗ bạt ngàn, các loài thú rất nhiều, và chúng có thể gậm cỏ trong rừng hay trên các đồng cỏ trên núi. Theo những tiêu chuẩn của thời đó thì đây là một vùng đất khá tốt và những người nông dân đã nhanh chóng chiếm lĩnh những trái núi.
Theo thời gian, nơi đây dần dần trở nên tách biệt với các vùng đất khác. Khi vùng đất bằng phẳng và màu mỡ hơn ở miền Tây được khai phá và sản xuất ngũ cốc được cơ khí hoá, địa vị kinh tế của các trang trại nhỏ vùng Appalachia ngày càng trở nên thứ yếu. Thậm chí một số con đường nổi tiếng xuyên qua vùng, như Cumberland Gap ở mũi tây của Virginia và đường Wilderness chạy từ đó tới Lòng chảo Bluegrass thuộc Kentucky, cũng ngoằn ngoèo và khó đi.
Giao thông đông-tây giữa vùng bờ biển đông bắc và khu vực Great Lakes được thực hiện thông qua tuyến đường hành lang Mohawk và vùng bờ Hồ Ontario bằng phẳng, do vậy tránh được miền bắc cao nguyên Appalachia. Không có con đường bộ dễ đi nào chạy qua miền Nam Appalachia. Các tuyến đường sắt chính đều đi men theo khu vực này.
Appalachia, đặc biệt là Nam Appalachia, rất chậm chạp trong việc triển khai một mô hình đô thị lớn. Một trong những lý do là vùng này, cũng như các khu vực phía nam còn lại, vẫn chú trọng vào nông nghiệp, là lĩnh vực vẫn tiếp tục phát triển trong khi nhiều nơi khác đã bắt đầu lao vào lĩnh vực chế tạo và lối sống đô thị. Mặt khác, vùng Appalachia có rất ít sản phẩm công nghiệp, đồng thời nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ cũng hạn chế. Thêm vào đó là tình trạng giao thông thưa thớt cũng là một nguyên nhân.
Sự thiếu vắng các đồn điền và sự phát triển đô thị lớn đã giải thích tại sao hầu như không có thêm người dân nào mới đến định cư ở đây, ngoài những người đến đây từ đầu. Những người này có xu hướng trụ lại nơi họ đã ở, và cùng với thời gian, sự gắn bó của họ với gia đình, với cộng đồng và đất đai ở đây ngày càng sâu sắc. Đặc tính kém lưu động này của khu vực dẫn đến sự phát triển của một bản sắc văn hóa độc đáo không có ở nơi nào khác trên đất Mỹ. Appalachia ngày càng trở nên khác biệt, đơn giản là bởi nó vẫn giữ nguyên như cũ.
Cư dân Appalachia tương đối nghèo. ở một số khu vực, đặc biệt là đông Kentucky – nơi sản xuất than chủ lực của Appalachia, nguyên nhân chính của tình trạng nghèo đói là do sự suy giảm nghiêm trọng nhu cầu về lao động, kết quả của việc cơ giới hóa hoạt động khai thác than trong những năm 1940.
Thái độ của cư dân trong vùng khá bảo thủ. Nhiều trong số các dòng Đạo Tin Lành bảo thủ nhất có cội nguồn ở Appalachia. Một số dòng khác được thấy ở những nơi mà dân chúng vùng núi này di cư đến và mang theo tôn giáo của họ. Về chính trị, hầu hết các quan chức được bầu cử đều kiên quyết theo trường phái bảo thủ, mặc dù cũng có những biểu hiện của chủ nghĩa dân tuý nông thôn. Chủ nghĩa địa phương trong vùng bắt nguồn từ mối liên hệ chặt chẽ trong gia đình và cộng đồng được hình thành trong sự tách biệt một cách tương đối, yếu tố đã khiến các thành viên trong một cộng đồng gắn bó với nhau hơn nhưng lại giảm đi mối liên kết với các cộng đồng khác.
Phần phía nam của khu vực mới là nơi mang đặc trưng Appalachia rõ nét nhất, và là nơi mà hầu hết người Mỹ nhìn nhận là Appalachia. Nhưng phần lớn những gì đề cập trên đây về dân cư trong vùng cũng hoàn toàn đúng với vùng Ozarks và Bắc Appalachia.
Sự gắn bó với khu vực của người dân miền bắc Appalachia kém rõ nét hơn nhiều. Chắc chắn là họ cũng chia sẻ địa hình núi non, và những khó khăn trong sự phát triển do các sườn dốc tạo nên cũng là khó khăn chung. Nhưng so với miền Nam, tình trạng nghèo đói ở đây đỡ nghiêm trọng hơn nhiều. Hơn nữa, gần đây có thêm nhiều người đến khu vực này định cư, hòa nhập vào cộng đồng những người định cư Tây Bắc Âu đầu tiên. Điều này là đặc biệt đúng với Pennsylvania và phía bắc của Tây Virginia, nơi các mỏ than đã hấp dẫn không ít người di cư từ Đông Âu đến vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Nhiều mô hình văn hóa của người dân vùng bắc Appalachia, nổi bật là tôn giáo, rất khác biệt so với văn hóa của người vùng cao nguyên phía nam. Những dòng đạo chính thống không phổ biến lắm; ở một số quận, đặc biệt là tại Pennsylvania, Đạo Thiên chúa và các thành viên của các giáo hội Chính thống phương Đông (Chính thống giáo) chiếm đa số.
Giao thông trong khu vực Bắc Appalachia nhanh chóng trở nên thuận tiện hơn nhiều so với ở khu vực phía nam, một phần do núi non ở đây thấp và ít liên tục hơn, do đó dễ vượt qua hơn. Mặt khác, khi vùng cao Midwest (Trung Tây) phát triển mạnh, Appalachia trở thành trung tâm chính của sự tăng trưởng thương mại và chế tạo của lục địa. Những tuyến đường giao thông nối hai phần đông – tây của vùng Trọng điểm Chế tạo nhanh chóng vươn dài qua các dãy núi.
Kết quả kinh tế của điều này chính là sự phát triển xa hơn nữa trong khu vực Bắc Appalachia, đặc biệt là tại miền Trung tâm và Tây Pennsylvania và New York so với phía Nam Appalachia.
Hình mẫu kinh tế và định cư
Hình ảnh mang tính chất quốc gia của Appalachia rõ ràng là vùng nông thôn. Trên một vài khía cạnh thì điều này là xác thực. Tỷ lệ đô thị cho khu vực này chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ trung bình quốc gia. Đại bộ phận dân số được phân loại thành cư dân nông thôn hoặc cư dân nông thôn phi nông nghiệp (những người sống ở nông thôn nhưng lại có nghề nghiệp ở thành phố). Tuy nhiên, tỷ lệ nông thôn cao của Appalachia không được hỗ trợ bởi một hệ thống nông nghiệp thương mại quy mô lớn. Trái lại, sự nhỏ bé của những nông trại và khai thác mỏ (chủ yếu là than) là những nhân tố chính gây nên mật độ dân số cao.
Appalachia là khu vực chính trên nước Mỹ có các nông trại do chính các chủ sở hữu thực hiện canh tác mà Kentucky và Tây Virginia dẫn đầu quốc gia về loại hình này. Không có bất kỳ một cây trồng mang tính thương mại quan trọng nào ở Appalachia, hầu như không có sự phát triển sớm của việc thuê mướn trang trại, và mô hình sở hữu và canh tác trang trại cũ vẫn tồn tại.
Trang trại trung bình ở Appalachia chỉ rộng vào khoảng 40 hecta. Hơn nữa, địa hình gồ ghề, chất đất cằn cỗi và mùa sinh trưởng ngắn ở hầu hết khu vực đã khiến cho diện tích đất trồng trọt bị hạn chế và làm cho đồng cỏ và chăn nuôi gia súc được chú trọng hơn nhiều. Do những cánh đồng trong các thung lũng đều nhỏ và nằm rải rác nên việc sử dụng một cách hiệu quả các loại máy móc nông nghiệp lớn hầu như không thể thực hiện. Kết quả của tình trạng này là các nguồn thu nhập từ nông trại rất thấp. Nhiều nông dân trong vùng đã chuyển sang làm nghề phụ, tạo thêm thu nhập để có thể trụ lại được với các nông trại của mình.
Loại hình nông nghiệp có thể nhận thấy ở hầu hết khu vực này được gọi là canh tác tổng hợp, có nghĩa là không có một sản phẩm cụ thể nào hoặc sự kết hợp của nhiều sản phẩm nào mang tính chất chủ đạo trong nền kinh tế nông trại. Nuôi thả súc vật là phổ biến nhất và có lẽ đây chính là việc sử dụng hữu hiệu những sườn đồi dốc cho mục đích nông nghiệp. Một số loại cây trồng như thuốc lá, táo, cà chua, và bắp cải ở những vùng thung lũng có tầm quan trọng mang tính chất địa phương. Những lô đất nhỏ trồng cây thuốc lá chính là loại cây trồng hàng hóa phổ biến nhất ở miền nam Appalachia. Ngô là loại cây nông nghiệp hàng đầu của vùng này nhưng chỉ thường được sử dụng làm thức ăn cho gia súc ở nông trại.
Có một số ngoại lệ rất quan trọng đối với loại hình nông nghiệp này. Thung lũng Shenandoah của Virginia chẳng hạn, trước đây đã từng được gọi là vựa lúa mì của Virginia. Việc cạnh tranh trong việc trồng lúa mì ở những vùng đồng cỏ màu mỡ của Deep South và Great Plains đã đẩy thung lũng này ra khỏi thị trường lúa mì quốc gia vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù lúa mì mùa đông vẫn đang được trồng nhưng cỏ và ngô làm thức ăn gia súc cùng táo hiện đã trở thành những cây trồng chính của thung lũng, cũng như việc chăn nuôi gà tây ở vùng đất này đã có được tầm quan trọng trong khu vực. Những sản phẩm từ sữa và táo có được vị trí quan trọng đối với nhiều thung lũng của trung tâm Pennsylvania. Thung lũng Tennessee cũng là một vùng nông nghiệp rộng lớn, ngành kinh tế quan trọng nhất là các loại cây thức ăn gia súc và chăn nuôi gia súc.
Ở phần lớn Appalachia, cùng với các nông trại là sự hiện diện của than. Hầu như cả vùng Cao nguyên Allegheny đều nằm trên một loạt vỉa than có chứa nhựa đường mà kết hợp lại cùng tạo nên một vùng than lớn nhất thế giới. Các vỉa than đã lộ ra do chính những dòng nước, mà thông qua hoạt động xói mòn đã tạo nên vùng cao nguyên có địa hình gồ ghề này.
Than của Appalachia có được tầm quan trọng ngay sau thời kỳ Nội chiến của Mỹ vào những năm 1860. Sự phát triển những loại sắt nung bằng than cốc và các lò luyện thép đã hình thành nên nhu cầu đối với than, bởi vì than cốc được chế biến từ than có chứa nhựa đường. Các vỉa than dày của vùng Tây Nam Pennsylvania và Tây Bắc Virginia đã cung cấp chất đốt cho Pittsburgh, Pennsylvania, nâng vị thế Thành phố Thép của mình lên trong giai đoạn này. Khi đất nước chuyển sang giai đoạn dùng năng lượng điện vào thế kỷ XX, than từ Appalachia đã cung cấp chất đốt cho các nhà máy điện dọc theo hầu hết Bờ biển phía Đông và trong vùng trung tâm chế tạo nội địa.
Sau thời hoàng kim của một thế kỷ tăng trưởng, ngành than rơi vào giai đoạn suy giảm bắt đầu vào những năm 1950. Sản xuất giảm vì khí tự nhiên và dầu mỏ trở thành các nguồn nhiên liệu chủ yếu thay thế cho than. Giữa năm 1950 và 1960, nhiều địa hạt có than đã mất hoàn toàn 1/4 dân số của mình. Suy thoái kinh tế, đi kèm với đói nghèo phổ biến ở hầu hết vùng Appalachia, đã tạo nên một khu vực có những khó khăn nghiêm trọng.
Ngày nay, do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cùng với những mối lo ngại thường xuyên về tính sẵn có và chi phí của các nguồn cung dầu mỏ cũng như độ an toàn của năng lượng nguyên tử, người ta lại quay về chú trọng nhu cầu than trong sản xuất năng lượng điện. Những nhà máy điện mới sử dụng số lượng lớn than khai thác tại địa phương để sản xuất điện, hầu hết lượng điện này đã được truyền đến những nơi nằm ngoài khu vực này. Gần 100 triệu tấn than của Appalachia được xuất khẩu hàng năm.
Than Appalachia được khai thác theo nhiều phương thức khác nhau. Khai thác than theo đường hầm lò hoặc giếng than được sử dụng trước tiên và đến nay vẫn khá quan trọng, đặc biệt là tại khu vực phía bắc của vùng này. Những kỹ thuật khai thác than dưới lòng đất hiện đại – sử dụng một cách rộng rãi những mũi khoan lưu động cực lớn và những máy khai thác liên hoàn, để bóc tách than khỏi vỉa, sau đó chuyển than vào các băng chuyền để đưa lên mặt đất – đồng nghĩa với việc người ta có thể bóc hàng tấn than ra khỏi vỉa trong mỗi phút.
Khai thác than lộ thiên hay khai thác dưới hình thức bóc tách là phương thức ít tốn kém hơn nếu các vỉa than nằm gần mặt đất, có tầm quan trọng ngày càng tăng. Tại khu vực trung tâm (chủ yếu là Đông Kentucky, Tây Virginia, và phía nam Tây Virginia), nơi đã trở thành khu sản xuất quan trọng nhất ngày nay, các máy móc lớn thực hiện việc di chuyển các tảng đá dọc theo sườn dốc bên trên một vỉa than và sau đó đơn giản bóc lấy những tảng than đã lộ ra. Bóc than dọc theo một số vỉa trên sườn dốc bằng phương pháp này đã tạo nên hình bậc thang, đặc biệt trông xa giống như một loạt những hộp nhỏ xếp chồng lên nhau.
Khoảng 1/2 lượng than được khai thác tại Kentucky và gần như toàn bộ số than được khai thác ở Ohio và Alabama đều từ các mỏ than lộ thiên, trong khi hầu hết số than từ Pennsylvania, Virginia, và Tây Virginia- trong đó 2/3 được khai thác tại Appalachia – đều từ các mỏ than hầm lò.
Vùng than quan trọng nhất ở Appalachia lại không phải là những vùng than có nhựa đường của vùng cao nguyên. Việc khai thác trước tiên được tiến hành tại vùng than ăngtraxít ở đầu phía bắc của đỉnh núi và thung lũng thuộc miền Pennsylvania. Than ăngtraxít là loại than rất cứng, ít khói hơn và rất quan trọng đối với việc sưởi ấm trong nhà. Than ăngtraxít cũng là nguồn nhiên liệu chính trong nung chảy quặng trước khi có các kỹ thuật sản xuất than cốc từ than chứa nhựa đường vào những năm 1860. Sự suy giảm trong việc sử dụng than làm nhiên liệu sưởi ấm đi đôi với việc thiếu những phương án thay thế khác cho than ăngtraxít đã dẫn đến sự suy thoái kinh tế ở vùng than này. Mặc dù vẫn còn những nguồn dự trữ than ăngtraxít nhưng việc sản xuất loại than này ngày nay được hạn chế ở mức tối thiểu.
Than đem đến cả những thuận lợi và khó khăn cho người dân vùng Appalachia. Từ lâu than đã trở thành rường cột kinh tế cho các vùng rộng lớn trong khu vực và tạo nên công ăn việc làm, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cho hàng trăm nghìn công nhân. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người đã chết trong các tai nạn ở hầm mỏ. Bệnh nám phổi, kết quả của nhiều năm hít thở quá nhiều bụi than đã ảnh hưởng đến vô số người khác. Gần đây, sự phục hồi sản xuất than nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tăng lên chủ yếu là diễn ra song song với quá trình cơ giới hóa mạnh hơn. Hầu hết các quyền lợi về khoáng sản đều nằm trong tay những công ty đã sớm giành được các mỏ than với mức giá thấp trước đây. Mặc dù một số bang ở vùng Appalachia phải trả một khoản phí ban đầu và phí phát sinh cho việc khai thác than ở bang của mình, nhưng thuế đánh vào than vẫn rất thấp và hầu như khu vực này chẳng được lợi ích gì từ than.
Trong các hoạt động khai thác mỏ khác, vùng Tri States (Ba Bang) ở Ozarks, nơi gặp nhau của các đường địa giới của ba bang Oklahoma, Kansas, và Missouri, từ lâu đã là khu vực khai thác chì quan trọng. Đông Nam Missouri, nằm ngoài Appalachia, đã sản xuất chì được 250 năm, và các mỏ lộ thiên vẫn chiếm tầm quan trọng nhất ở Mỹ. Missouri đã cung cấp hầu hết số lượng chì được khai thác ở Hoa Kỳ và hiện đang sản xuất hơn 3/4 tổng sản lượng chì quốc gia.
Giếng dầu đầu tiên ở Hoa Kỳ được khoan ở Bắc Pennsylvania vào năm 1859 và bang này dẫn đầu đất nước về sản xuất dầu trong gần suốt thế kỷ XIX. Ngày nay, khu vực này cung cấp chỉ một phần nhỏ nhu cầu dầu thô của quốc gia nhưng vẫn là một nơi sản xuất quan trọng dầu và dầu nhớt chất lượng cao.
Cuối cùng, vùng Đông Nam Tennessee là khu vực còn lại quan trọng nhất trong sản xuất kẽm ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số mỏ xung quanh Ducktown, Tennessee, gần Bắc Carolina, và ranh giới Georgia, là những nhà sản xuất đồng lớn duy nhất ở miền Đông sông Mississippi.
Các chương trình phát triển khu vực
Giống như than, các dòng sông của Appalachia có tác động hai chiều đối với khu vực này. Một số dòng sông đã trở thành những tuyến giao thông quan trọng, và sức nước đã được sử dụng bởi những cối xay và các xưởng cưa đầu tiên. Mặt bất lợi của những con sông này là chúng thường xuyên gây lũ lụt cho những thung lũng hẹp xung quanh trong thời kỳ mưa lớn. Các vùng đất cao phía nam là những khu vực ẩm ướt nhất của vùng bờ biển phía đông của Thái Bình Dương.
Với ước muốn kiểm soát một trong những con sông này – sông Tennessee, người ta đã thực hiện một chương trình phát triển khu vực lớn nhất và có lẽ thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vào những năm 1930, một kế hoạch được vạch ra nhằm khai thác con sông Tennessee và sử dụng nó để cải thiện các điều kiện kinh tế của toàn bộ Thung lũng Tennessee. Kết quả là, Chính quyền Thung lũng Tennessee được trao trách nhiệm trước tiên phát triển con sông Tennessee thành tuyến đường thuỷ. Ngày nay, một con kênh đào có chiều rộng bằng ba chiếc xà lan nằm cách thượng nguồn con sông một khoảng bằng khoảng cách tới Knoxville thuộc Tennessee.
Hầu hết các hoạt động khác của Chính quyền Thung lũng Tennessee có thể được xem như sự triển khai hợp lôgíc của sự cam kết ban đầu. Phát triển giao thông đường thủy bao gồm cả việc xây dựng hoặc mua lại một loạt các đập nước để bảo đảm luồng chảy và giảm lũ lụt. Chừng nào các đập nước còn tồn tại ở đó, thì điều đương nhiên là phải gắn vào chúng những thiết bị tận dụng sức nước. Ngày nay, trên hầu hết 30 con đập do Chính quyền Thung lũng Tennessee kiểm soát trên các con sông Tennessee và Kentucky đều có những trạm thủy điện, khoảng 80% điện năng được sản xuất tại các cơ sở của chính quyền đều từ các nhà máy nhiệt điện, trong đó có 10 nhà máy sử dụng than, và một số nhà máy dùng năng lượng hạt nhân. Chính quyền Thung lũng Tennessee sử dụng tới gần 50 triệu tấn than hàng năm và là nơi sử dụng than lớn nhất của Appalachia.
Điện năng rẻ tiền đã thu hút một số ngành công nghiệp sử dụng điện năng lớn đến thung lũng này, kể cả một số cơ sở chế biến nhôm lớn ở nam Knoxville. Cơ sở nghiên cứu nguyên tử đầu tiên của đất nước được đặt tại Oak Ridge, phía tây Knoxville, một phần cũng vì ở đây sẵn có những nguồn năng lượng lớn. Knoxville, thuộc Chattanooga, và vùng Tri Cities của Bristol, Johnson City, và Kingsport đều là những trung tâm chế tạo chủ yếu. Chính quyền Thung lũng Tennessee trở thành người triển khai chính và là nhà sản xuất phân bón nhân tạo, một ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều điện năng.
Trên các con đập, Chính quyền Thung lũng Tennessee đã lập một chương trình lớn giúp đỡ người nông dân trong thung lũng kiểm soát sự xói mòn ở nông trại. Mục tiêu của chương trình là giữ lại một phần nước lũ tại nông trại và giảm tốc độ bị bùn lấp đầy của các hồ.
Ngoài mặt nước, Chính quyền còn sở hữu 520.000 hécta đất dọc theo các con sông. Các khu giải trí công cộng quan trọng được phát triển trên một phần vùng đất này, và khu vực này ngày nay là địa điểm giải trí lớn.
Năm 1965, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Tái phát triển Appalachia, lập nên Uỷ ban Khu vực Appalachia (ARC). ủy ban có trách nhiệm phát triển vùng mở rộng từ New York đến Alabama, ủy ban này đã chi nhiều tỷ đôla cho một chương trình nhằm cải thiện nền kinh tế khu vực. Mục tiêu cơ bản của ủy ban là nhằm vào việc cải thiện các tuyến đường cao tốc ở Appalachia với hy vọng rằng điều này sẽ làm giảm sự biệt lập của vùng, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất đến xây dựng nhà máy mới trong khu vực.
Một hoạt động nữa của Chính phủ là Hệ thống giao thông đường thủy trên sông Arkansas được xây dựng trong những năm 1960 và 1970, khánh thành vào năm 1971, tạo ra một hệ thống đường thủy rộng 3 mét nối với sông Arkansas từ nơi giao nhau của nó với sông Mississippi, tới Catoosa thuộc Oklahoma, đoạn hạ lưu kể từ Tulsa. Kết quả là sự phát triển ngày càng tăng mật độ giao thông bằng phà cũng như sản xuất thủy điện từ nhiều con đập được xây dựng nhằm ổn định dòng chảy của sông.
Tương lai của khu vực này sẽ như thế nào? Chắc chắn Appalachia và Ozarka sẽ không trở thành một phần của Trọng điểm Chế tạo của nước Mỹ, và cũng có rất ít người trong những vùng này thực sự muốn điều đó xảy ra. Nhưng vẫn có một cảm nhận về sự thay đổi. Các vùng thuộc vùng cao phía nam Georgia, Carolina và Tenessee đã chứng kiến sự bùng nổ việc xây dựng các khu nghỉ ngơi giải trí. Những thiên đường giải trí có thể được tìm thấy ở Bắc Carolina, Virginia và Ozarks và vùng núi Ouachita. Tình trạng di cư kéo dài ra khỏi khu vực này tuy chưa chấm dứt hoàn toàn nhưng đã giảm đi nhiều, và khoảng cách thu nhập trên đầu người giữa khu vực này với toàn bộ Hoa Kỳ cũng đã thu hẹp lại. Xét trên phương diện kinh tế, có lẽ điều tồi tệ nhất đã qua rồi.