Đại Nam Nhất Thống Chí – Lục Tỉnh Nam Việt của Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi: Văn Thánh Miếu được xây dựng ở địa phận thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương phía đông tỉnh thành Gia Định năm Minh Mệnh thứ 5 (1824).
Từ bến xe Văn Thánh, chợ Văn Thánh
Trên diện tích rộng 5.983,2m2 của địa chỉ số 561A đường Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, trước 1994 là Bến xe Văn Thánh, dành cho một số tuyến xe khách từ TP.HCM đi vài tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Trung bộ.
Từ 1994, chợ Văn Thánh được xây dựng trên bến xe Văn Thánh cũ này. Đây là một trong những ngôi chợ có quy mô lớn ở TP.HCM lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, ngày 30-11-2010, chợ Văn Thánh đã đóng cửa, để bàn giao mặt bằng cho một chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi công năng của chợ Văn Thánh.
Hiện nay, trên khuôn viên Bến xe Văn Thánh, chợ Văn Thánh cũ, tòa cao ốc Pearl Plaza đã được xây dựng với 32 tầng nổi và 4 tầng hầm.
Rạch Văn Thánh và cầu Văn Thánh
Tuy cả bến xe và ngôi chợ mang tên Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ không còn, nhưng hai chữ “Văn Thánh” vẫn còn sử dụng để gọi tên 2 cây cầu bắc qua con rạch cũng mang tên “Văn Thánh”.
Rạch Văn Thánh chảy trong khu vực Q.Bình Thạnh (TP.HCM) một đầu nối với rạch Cầu Sơn, một đầu nối với rạch Thị Nghè, dài 2.352m, rộng 45m.
Như nhiều kênh rạch khác ở TP.HCM, rạch Văn Thánh vừa bị ô nhiễm, vừa bị lấn chiếm làm cho dòng chảy hẹp. Hiện nay, trên một khúc rạch Văn Thánh gần sông Sài Gòn, người ta đang xây dựng cầu dành cho tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.
Đặc biệt, có 2 cây cầu cùng mang tên “cầu Văn Thánh” vì đều bắc ngang qua rạch Văn Thánh: một cây cầu trên đường Điện Biên Phủ, thuộc địa phận P.25 và một cây cầu trên đường Nguyễn Hữu cảnh, thuộc địa phận P.22, Q.Bình Thạnh.
Khu du lịch Văn Thánh
Văn Thánh còn là tên gọi của khu du lịch Văn Thánh ở 48/10 đường Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, cách trung tâm Q.1 khoảng 2km. Khu du lịch có diện tích 7,7ha trong đó có 2ha là hồ nước. Tại đây có các khu vực giải trí, nhà hàng với vườn hoa cây cảnh.
Nhưng tại sao lại mang tên “Văn Thánh”?
Văn Miếu được xây dựng đầu tiên tại Thăng Long (Hà Nội) từ năm 1070 dưới đời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1808, vua Gia Long ra lệnh xây Văn Thánh Miếu và Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế, đồng thời ra lệnh cho xây Văn Thánh Miếu ở các vùng đất học nổi tiếng trong cả nước.
Có một điều đáng chú ý là vua nhà Nguyễn không gọi nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền là Văn Miếu mà gọi là Văn Thánh Miếu. Phải chăng nhà Nguyễn muốn thông tin được rõ ràng hơn: Văn Thánh Miếu là miếu thờ Thánh của ngành Văn – Khổng Tử, thay cho hai chữ “Văn Miếu” ý nghĩa chưa cụ thể lắm?
Riêng tại tỉnh Gia Định, sách Đại Nam Nhất Thống Chí – Lục Tỉnh Nam Việt của Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi: Văn Thánh Miếu được xây dựng ở địa phận thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương phía đông tỉnh thành, sùng bái tiên thánh Khổng Tử, quy chế rộng rãi, phía hữu dựng miếu Khải thánh, dựng năm Minh Mệnh thứ 5 (1824).
Theo thời gian, vùng đất xung quanh Văn Thánh Miếu đã được gọi thành khu Văn Thánh.
Sau khi thành Gia Định thất thủ năm 1859, có tài liệu nói khá trùng khớp với lời kể của các vị cao niên rằng: Văn Thánh Miếu của tỉnh Gia Định đã bị quân Pháp tháo dỡ sau năm 1859 để xây dựng cơ quan quản lý tàu thủy ngay trên mảnh đất đầu rạch Bến Nghé, mà sau này cơ quan này được xây dựng lại một lần nữa để thành Nhà Rồng (tức Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay).
Trên khoảnh đất xưa của Văn Thánh Miếu tỉnh Gia Định, về sau người dân địa phương đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật đặt tên là “chùa Văn Thánh” (hiện ở số 115/9 Ngô Tất Tố, P.22, Q.Bình Thạnh).
Chánh điện chùa là ngôi nhà cổ xưa 3 gian 2 chái, vách chùa trước đây cũng bằng gỗ, nhưng qua thời gian nay thay bằng tường gạch. Phía trước sân chùa là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen cao. Pho tượng Di Lặc với nụ cười hiền hậu ở phía sau, thấp hơn.Trước 1975, khi ở trọ trong hẻm 169 đường Dương Công Trừng (nay là đường Ngô Tất Tố), chúng tôi thường thả bộ đến chùa lúc ấy rộng mênh mông, thoáng mát. Nay khuôn viên đất chùa chỉ còn khoảng 1.000m2.
Chùa không có trụ trì mà chỉ có người phụ trách trông coi hương khói, những ngày lễ tết hay mùng một, ngày rằm, khách đến thăm viếng chùa khá đông.
Dưới gốc cây bồ đề được trồng phía bên phải trước chánh điện chùa Văn Thánh có dựng 1 tấm bia với vài dòng chữ Hán ghi lại gốc tích về sự hình thành ngôi chùa này, trong đó có một chi tiết quan trọng: chùa được xây dựng trên khuôn viên của Văn Thánh Miếu tỉnh Gia Định.
Như vậy đã rõ, Văn Thánh là tên gọi tắt của Văn Thánh Miếu tỉnh Gia Định được xây dựng từ năm 1824. Sau khi thành Gia Định thất thủ năm 1859, Văn Thánh Miếu không còn. Tuy vậy, hai chữ “Văn Thánh” vẫn còn được gọi cho các dấu tích thiên nhiên và nhân tạo cận kề với Văn Thánh Miếu, một biểu tượng của vùng đất học Gia Định xưa.