Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

“Grù” không phải là tiếng Việt

Báo Công an TP HCM ngày 16-4-2016 có đăng tại trang “Sáng tác” bài “Tiếng bồ câu “grù grù” ngoài cửa sổ” của Trương Thanh Thùy. Xin ông cho hỏi: “Grù grù” có phải là từ tượng thanh của tiếng Việt hay không? Nhân tiện xin ông cho biết những gì có liên quan mà ông cho là bạn đọc nên biết thêm? Xin cảm ơn ông.

Trước nhất, xin khẳng định rằng “grù grù” không phải là cách nghe và cách “ghi âm” riêng của Trương Thanh Thùy. Đây là một hiện tượng mà, tuy có lẽ chưa phải là đã xuất hiện “đều trời”, nhưng vẫn có thể nghe, thấy rất nhiều trong giới nuôi bồ câu và cu gáy, đặc biệt là cu gáy. Xin chỉ nêu vài dẫn chứng.

– “Nhà em có 2 con gáy nuôi non lên cùng bố mẹ được 1 năm rồi cả 2 con gáy rất đều sáng, trưa, chiều, tối cúc cù… cu cu. Khi em mang 2 con để sát lồng nhau thì chỉ có một con grù grù thôi, nó cúi mỏ gần chạm vào lót lồng” (Diễn đàn, ChimCanhViet.vn).

– “Ở Cần Thơ, đi uống ‘cà phê chim’ ít khi thấy cu gáy, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng grù grù trong chiếc lồng tre được phủ vải kín mít, hỏi ra mới biết đó là lồng chim cu gáy” (“Nuôi chim cu gáy”, Diễn đàn, K7 Đại học Cần Thơ).

V.v… và v.v…

Tuy xuất hiện với tần số không phải là thấp nhưng “grù grù” không phải là tiếng Việt, chỉ đơn giản là vì âm tiết tiếng Việt không có tổ hợp phụ âm đầu GR. Để diễn đạt tiếng kêu hoặc động tác kêu của bồ câu, cu gáy, Tây đến như tiếng Anh cũng không biết đến R nên chỉ ghi nhận “coo” cho tiếng kêu mang tính tượng thanh (onomatopoeia) của nó hoặc sử dụng động từ “to coo” cho việc phát ra tiếng kêu. Tiếng Pháp tuy có dùng đến R trong trường hợp này mà ghi nhận tiếng kêu của cu gáy, bồ câu là “rou-rou” nhưng thông dụng hơn thì vẫn phải nhờ đến C [k] mà ghi nhận “roucoul” hoặc “rou-cou” cho tiếng kêu còn động từ là “roucouler”. Cách ghi nhận tiếng kêu của động vật và động từ phỏng theo tiếng kêu của chúng trong ngôn ngữ nào cũng phụ thuộc vào hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ đó chứ không phải theo kiểu của máy ghi âm. Động tác kêu của bồ câu trong tiếng Việt chỉ là “gù”, một từ mà phụ âm đầu chỉ là G chứ không phải GR.

Ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là cái tai của người Việt trước kia cũng có thể nghe “grù grù” như giới chơi cu ngày nay nhưng sở dĩ họ không nói “grù”, mà chỉ nói “gù” là vì họ đã tuân theo đặc trưng của âm tiết tiếng Việt là nó không có phụ âm đầu GR. Chính vì thế nên họ mới ghi nhận tiếng Pháp “gramme” thành “gam”, “gris” thành “ [màu] ghi”. Dĩ nhiên là ta phải phân biệt trường hợp này với trường hợp mà tiếng Việt ghi nhận nhân danh, địa danh hoặc thuật ngữ mới của nước ngoài, đặc biệt là ở thời mà sự giao lưu quốc tế và việc học tập ngoại ngữ trong nước được đẩy mạnh và mở rộng hơn bao giờ hết, chẳng hạn “Gruzia” (tên quốc gia), “Greenland” (một hòn đảo tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch), “Greenwich” (thị trấn ở Đông Nam thủ đô London của Anh), “Gregory” (tên người), “Greta” (cách gọi thân mật của Margaret, tên phụ nữ), v.v… Còn “grù” hay là “gù” thì lại là chuyện kết quả của thính giác ghi nhận theo đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt.

Ta cần chú ý rằng, tuy một số từ tượng thanh có được ghi nhận vào từ điển nhưng nhiều “từ” cùng loại chỉ có thể thích hợp với ngữ cảnh riêng của nó hoặc chỉ là kết quả của một sự ghi nhận chủ quan hoặc tùy hứng nên việc thu nhận nó để đưa vào ngôn ngữ toàn dân là một việc làm phải được cân nhắc thật cẩn thận. Vậy chỉ có “gù” mới là tiếng Việt chứ “grù” thì không. “Gù” là một động từ mà ta còn có thể thấy trong từ tổ “gật gù”, một từ láy giả hiệu, mà nếu theo cách gọi khá thông dụng hồi nửa đầu thế kỷ XX thì sẽ là một từ tượng hình. Đây thực ra là một từ tổ đẳng lập do hai động từ “gật” và “gù” hợp thành, xuất phát từ tập tính sinh hoạt của một loài gia cầm là bồ câu và một loài chim kiểng là cu gáy. Đó là vừa gật [đầu] vừa gù. Ai không tin thì có thể tham khảo sự miêu tả dưới đây của dân chơi chim.

– “Lúc đầu: Cục cúc cu… cu, cục cúc cu, cục cúc cu… cu… cụ, cục cúc cu… cụ… [sau vài lần như vậy thì nó vừa gật gù cái đầu vừa kêu (AC nhấn mạnh)]” (tungson, Chú cu gáy đầu tiên em nuôi).

– “Khi đến gần lồng, em nó kêu grù grù nhỏ chứ không gục gục đầu gù (AC nhấn mạnh) […..]” (ptd, Forum, Sinh vật cảnh Việt Nam).

– “Chim gù khi đã nói hết lời hơn lẽ thiệt với nhau bằng tiếng trận ở trên mà không anh nào chịu nhường anh nào cả thì phải bật ra tiếng gù thách thức, dọa nạt lẫn nhau: – gù: cù cu, cù cu, cù cu, cù cu [cứ hai tiếng gù cù cu là kèm theo một cái gật đầu (AC nhấn mạnh)]” (“Kinh nghiệm nuôi chim cu gáy”, Hội Chim cảnh, 21-2-2014). V.v… và v.v…

Cứ như trên thì, không còn nghi ngờ gì nữa, “gật gù” vốn là một từ tổ đẳng lập, trong đó “gù” là một động từ dùng để diễn tả động tác phát thành tiếng kêu của bồ câu hoặc cu gáy, thường là của con trống. Có lẽ vì không phải là dân chơi chim nên các từ điển gia, nói chung, chỉ thấy có mục đích tỏ tình trong động tác “gù” của bồ câu, chim gáy, mà không thấy được mục đích cảnh báo của con trống sở tại với con trống “ngoại xâm” nhằm bảo vệ lãnh địa.

Chẳng thế mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (1967) đã giảng từ “gù” là “tiếng chim bồ câu và chim cu trống kêu lúc đến gần chim mái”. Còn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) thì giảng là “[chim cu, bồ câu] kêu tiếng trầm và nhẹ [thường khi con đực (sic), con mái đến gần nhau]”. Để thấy chỗ thiếu sót của hai lời giảng trên đây, xin chép lại đoạn chót trong bài “Gác cu rừng – thú đam mê” của Quốc Dũng (Người lao động, 22-1-2011) để bạn và bạn đọc phán xét:

“Đi sâu vào rừng, chọn chỗ xong, ông Tám Chinh treo chiếc bẫy lục lên cây. Con mồi bên trong bẫy liên tục gáy vang như khích bác đối thủ và mời gọi bạn tình. Chẳng mấy chốc, một chú cu rừng lao tới đáp xuống bẫy gáy trả rồi nhào vô đá con mồi. Chiếc bẫy liền sập xuống, nhốt cả chú cu rừng vào trong […….]. Cu trống rất hung hăng, hiếu đá. Chỉ cần nghe tiếng một con cu lạ gáy trong lãnh địa là nó lập tức bay về đánh đuổi để bảo vệ lãnh địa và giành bạn tình”.

Cứ như trên thì hiển nhiên là các từ điển gia của ta chỉ thấy có khía cạnh tỏ tình mà không hề biết đến khía cạnh chiến đấu để bảo vệ lãnh địa và tình yêu của cu gáy. Trở lại với từ tổ “gật gù”, chúng tôi xin khẳng định rằng, ở đây, “gù” tuyệt đối không phải là một tiếng đệm hoặc một âm tiết láy. Đây là một vị từ động (động từ) chính cống mà nghĩa đã từ từ lu mờ rồi mất hẳn – dĩ nhiên là chỉ trong phạm vi của hai tiếng “gật gù” – làm cho người sử dụng ngôn ngữ không còn “nghe thấy” tiếng “gù” của cu hoặc bồ câu để chỉ còn “nhìn thấy” có cái động tác “gật gật đầu” mà thôi, mà lại chủ yếu là của… con người. Chẳng thế mà từ điển Văn Tân chỉ giảng “gật gù” là “cúi nhẹ đầu rồi ngẩng lên nhiều lần liên tiếp, tỏ vẻ đắc ý” còn từ điển Hoàng Phê thì giảng là “gật nhẹ và nhiều lần, tỏ thái độ đồng tình, tán thưởng”.

Dĩ nhiên là An Chi không điên khùng mà đòi các từ điển gia phải trả lại cho chữ “gù” trong “gật gù” cái động tác kêu “grù grù” của cu hoặc bồ câu. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh với các nhà Việt ngữ học và những ai yêu thích tiếng Việt rằng, nói chung, cái mà đa số các vị đã hoặc vẫn gọi là tiếng đệm hoặc tiếng láy thực chất vốn là những từ độc lập, nên dĩ nhiên là những từ vốn đã có nghĩa cụ thể. Liên quan đến vấn đề này, N.V Xtankêvich đã viết:

“Theo chúng tôi, ở trường hợp kết cấu song tiết đang có quan hệ với một từ đơn âm, kiểu như lạnh lùng có quan hệ với lạnh, thật khó nói rằng âm tiết còn lại là một âm tiết hoàn toàn vô nghĩa

[……]. Làm sao có thể tưởng tượng được, trong hoàn cảnh ngôn ngữ đơn lập, người ta lại có thể đem những vỏ ngữ âm hiếm hoi của ngôn ngữ dùng hoang phí vào những việc hoàn toàn không có lý do, không có mục đích như thế!” (Loại hình các ngôn ngữ, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội, 1982, tr.164-65).

Và bà khẳng định:

“Trong tiếng Việt không phải chỉ tuyệt đại đa số trường hợp là hình vị có vỏ ngữ âm một âm tiết. Trường hợp âm tiết có ý nghĩa còn lớn hơn thế nhiều. Hầu như có thể nói rằng âm tiết nào cũng là hình vị” (Sđd, tr.169).

Còn Cao Xuân Hạo thì chứng minh rằng tiếng (âm tiết) vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ trong bài “Về cương vị ngôn ngữ học của «tiếng»” (Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1998, tr.179-211) rồi kết luận:

“Cho nên một công trình nghiên cứu tiếng Việt mà không phản ánh được và không căn cứ vào những đặc tính loại hình học cơ bản có liên quan đến những điều đã trình bày trên đây thì khó lòng có cơ soi sáng thêm chút gì trong những vấn đề lý thuyết và thực hành của tiếng Việt và ngôn ngữ nói chung.

Cứ như lời của N.V Xtankêvich và Cao Xuân Hạo thì hiển nhiên là ta không thể phớt lờ từ nguyên học về từ của tiếng Việt mà lại “có cơ soi sáng thêm chút gì trong những vấn đề lý thuyết và thực hành của thứ tiếng này và ngôn ngữ nói chung”.

Sài Gòn – Trăm nhớ nghìn thương

Tôi là con gái Bắc kỳ chính cống, nhưng lại lớn lên ở Sàigòn, nên Sàigòn đối với tôi là một ‘quê nhà’ thắm thiết vô cùng. Tôi đến với...

Tháp Cói – Tòa bảo tháp 7 tầng thời Hậu Lê

Tháp Cói có tuổi đời gần 300 năm, từng được Viễn Đông Bác Cổ Pháp xếp hạng là một di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam. Nằm trong...

Nguồn gốc và ý nghĩa của tên SÀI GÒN

Trong “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường,...

Nguyên Sa – Màu kỷ niệm khó phai

Nguyên Sa là một nhân vật đa diện, và những ai ở gần ông có lẽ cũng thấy ông là một nhân vật phức tạp. Quỳnh Giao chỉ thấy ở...

Ảnh tư liệu về Sài Gòn thập niên 1860-1870

Cùng xem loạt ảnh hiếm có về Sài Gòn thập niên 1860-1870 do nhiếp ảnh gia Émile Gsell thực hiện, trích từ một album bìa cứng được lưu giữ tại...

Đặc trưng nội dung truyện truyền kỳ Việt Nam qua hai tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục và Thánh Tông di thảo”

Truyện truyền kỳ Việt Nam dù được vay mượn đề tài, thi pháp... từ Trung Quốc, đặc biệt là các tác giả trong văn học trung đại, nhưng đã sáng...

Đi tìm chân dung Vua Quang Trung

1. HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG THEO SỬ CŨ Cho đến gần đây, khuôn mặt vua Quang Trung vẫn còn là một câu hỏi. Tuy chính sử và ngoại sử cũng...

Nhà “đại thể” hay vẫn là nhà xác?

Ở gần nhà tôi có nhà đại thể. Tôi tra trên mạng thấy đó là nhà xác mà sao lại gọi là "đại thể" vậy? Vì bất cứ lý do...

Miếu Bà Thiên Hậu ở Sài Gòn xưa

Miếu Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Hội quán Quảng Triệu. Là một trong các công trình cổ có kiến trúc đẹp mắt của người Hoa ở Sài Gòn...

Mạn đàm về cuộc cờ người của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống, ấy mới cho thấy cái sự cao thâm của Trạng Trình trong thời ly loạn cuối đời Lê. Trạng Trình Nguyễn...

Liệt kê những rạp xi nê ở Sài Gòn trước 1975

Trước 1975, tại Sài Gòn có khoảng hơn 60 rạp hát lớn nhỏ. Thời ấy, người Sài Gòn giải trí chủ yếu là xem xi nê (hay còn gọi là...

Người trong cùng họ có lấy nhau được không?

ở các nước Âu Mỹ, anh chị em con chú bác ruột vẫn có quyền lấy nhau, qua tác phẩm "Ơgiêni Grăngđê" ta thấy mối tình giữa hai anh em con...

Exit mobile version