“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu nói vô cùng quen thuộc, mà đôi khi chúng ta thậm chí đã quên mất xuất xứ của nó. Ngày nay, một số bạn trẻ yêu thích thể loại truyện mang bối cảnh cổ xưa, kiếm hiệp, tiên hiệp, v.v. còn thường xuyên dùng câu nói ấy với hàm nghĩa lãng mạn hiện đại. Tuy nhiên hàm nghĩa của câu nói ấy hoàn toàn khác, và xung quanh câu nói ấy có thật nhiều điều đáng phải suy ngẫm.
“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” (窈窕 淑女, 君子 好逑) là hai câu thơ được trích ra từ bài thơ Quan Thư (關雎) trong Kinh Thi(1) nguyên văn như sau:
關關雎鳩,Quan quan thư cưu
在河之洲。Tại hà chi châu.
窈窕 淑女,Yểu điệu thục nữ,
君子 好逑。Quân tử hảo cầu.
參差荇菜,Sâm si hạnh thái,
左右流之。Tả hữu lưu chi
窈窕淑女,Yểu điệu thục nữ,
寤寐求之。Ngụ mị cầu chi.
求之不得,Cầu chi bất đắc,
寤寐思服。Ngụ mị tư phục
悠哉悠哉。Du tai! du tai!
輾轉反側。Triển chuyển phản trắc.
參差荇菜,Sâm si hạnh thái,
左右採之。Tả hữu thái chi
窈窕淑女,Yểu điệu thục nữ,
琴瑟友之。Cầm sắt hữu chi.
參差荇菜,Sâm si hạnh thái
左右芼之。Tả hữu mạo chi
窈窕淑女。Yểu điệu thục nữ.
鐘鼓樂之。Chung cổ lạc chi.
Dịch nghĩa:
Chim Thư cưu cất tiếng kêu quan quan
Ở trên cồn bãi sông.
Người con gái hiền thục dịu dàng
Bậc quân tử mong muốn được sánh duyên.
Rau hạnh mọc so le um tùm
Cả bờ trái bờ phải theo dòng nước chảy
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta thức ngủ đều mơ tưởng đến nàng
Mơ tưởng đến nàng mà không được gặp
Thức ngủ đều mong nhớ
Ôi ! Triền miên! Triền miên!
Để ta luôn trằn trọc trăn trở.
Rau hạnh mọc so le um tùm
Hái bên trái rồi hái bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta ước mong được cùng nàng kết duyên cầm sắt
Rau hạnh mọc so le um tùm
Chọn hái cả bên trái rồi bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta muốn giúp cho nàng vui bằng tiếng chuông trống
Như vậy, “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” ý nói người con trai tốt luôn mong tìm kiếm được người con gái dịu dàng, đức hạnh, đoan trang làm vợ, làm người bạn đời, xứng đôi vừa lứa.
Từ toàn bộ nội dung Kinh Thi mà xét, thì chương này có nguồn gốc như sau:
“Quân tử” trong bài là chỉ vua Văn Vương nhà Chu. Vua sinh có thánh đức, nên cần tuyển chọn người vợ trinh thục để phối với bậc chí tôn, làm chủ tế tông miếu.
Từ “nữ” trong bài thơ là con gái chưa gả chồng, ý nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ. Nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo, dục vọng không lẫn vào nghi dung, ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ.
“Hảo” là đẹp lành, “Cầu” nghĩa là đôi lứa. Những người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch nhàn nhã và trinh chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cưu nghe hót quan quan, đang ứng họa với nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu nầy há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao?
Đó là có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hòa vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.
“Thư cưu” là loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình trạng giống như chim phù y, trong khoảng Trường giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim nầy sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách cổ nói rằng: đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính nó như thế.
“Quan quan” là tiếng chim trống chim mái ứng họa nhau, ý chỉ tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.
Như vậy chương thứ nhất của thiên Quan thư tỏ rõ cho hậu nhân rất nhiều vấn đề trong hôn nhân. Đó là cái đức của người nữ cần trinh thục, u nhã; đức của người nam cần là bậc quân tử; dẫu là trong hôn nhân thì nam nữ cũng rất mực giữ gìn, không lả lơi, buông thả; có vậy mới đạt được phu xướng phụ tùy, tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.
Vậy mới thấy rằng “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” của cổ nhân so với quan niệm “lãng mạn” ngày nay thì quả là khác rất xa.
Như vậy “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu trong chương thứ nhất thiên Quan thư của Kinh Thi. Chương thứ nhất đã tỏ rõ cho hậu nhân những quan niệm về hôn nhân rất khác của người xưa. Chương thứ hai của thiên này lại tập trung vào sự trăn trở của vua Văn vương khi chưa cầu được nàng Thái Tự, còn chương thứ ba thì nói đến niềm sung sướng của vua khi cầu được nàng.
Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Mạnh Tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, nhấn mạnh vào cái đức của nàng Thái Tự. Tại sao thiên Quan thư lại quan trọng đến như vậy?
Chú thích
(1) Kinh Thi (诗经) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, gồm 311 bài thơ.
Bài “quan thư” là bài tình ca mở đầu ở phần Quốc phong (thiên Châu Nam) và cũng là mở đầu cho toàn bộ quyển Kinh Thi. Điều đó cũng có nghĩa là bài thơ này đã tồn tại hơn 2,600 năm mặc dù Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy Hoàng cho đốt sạch.