Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Dầu dừa, tóc mượn, vòng cẩm thạch cẩn

Sau cơn mưa chiều tháng bảy, nhà nhà đã bật đèn thì cả xóm trong hẻm nhỏ Phú Nhuận lại nghe tiếng rao văng vẳng từ xa của bà Bánh Men: “Ai…i…i dầu dừa, dầu bông lài, dầu hải đường!”, rồi lại rao tiếp: “Ai…i…i xỏ lỗ tai, đeo bông liền!”.

Trong một tiệm làm tóc dành cho phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960 ẢNH: TƯ LIỆU LÊ HOAN HƯNG

Đó là những năm giữa thập niên 1960. Bà Bánh Men đi vào ký ức tôi từ những thứ dầu thảo mộc thơm tho bà đem bán cho phụ nữ trong xóm nhỏ này.

Những phụ nữ trong các xóm nhỏ Sài Gòn – Gia Định xưa, nghèo mấy cũng cố sao cho đẹp đẽ, tươm tất, thơm tho. Đó là lòng ham chuộng cái đẹp và tự trọng, muốn mình tươi tắn, rạng rỡ để vừa lòng ông xã, hãnh diện với chị em.

Thời nào cũng vậy, mái tóc được xem là thể hiện sức sống của cô gái. Đi xe đi đò, nhìn từ phía sau cô nào có mái tóc mướt dày thì mọi người thường cố nhìn mặt cho được. Muốn tóc mướt, phải dưỡng phải chăm. Thời đó, hầu hết phụ nữ miền Nam và một số tỉnh miền Trung dùng dầu dừa để xức tóc, vừa dưỡng vừa làm đẹp. Bà ngoại tôi cũng thắng dầu để phụ nữ trong nhà dùng. Tóc gội xong để khô, dầu rót vào lòng bàn tay xoa lên tóc. Dì Út đi học thì xức dầu dừa mỗi ngày, tóc luôn thoảng mùi dầu thơm nhẹ, nhìn mướt và nhờ dầu dưỡng tóc.

Dì Út nhớ lúc lên mười, cuối thập niên 1940, kẹp tóc bằng chiếc kẹp của Pháp mua ở tiệm chạp phô hay chợ Sài Gòn. Loại kẹp đó tốt, dùng hoài không bung, là miếng đồi mồi vàng nâu vừa dẻo vừa cứng dán trên miếng kim loại xi trắng. Dì kẹp tóc suốt những năm đi học Trường Gia Long. Đến tuổi cập kê mười sáu, bà ngoại dạy dì bới tóc kiểu “bánh lái, thả vòng”, tức có mảng tóc giống kiểu bánh lái của tàu thuyền chúi xuống phía sau và có những vòng tóc kế bên. Dì còn trẻ, không thích bới kiểu đó vì trông già quá. Má tôi buôn bán ở chợ thì bới tóc kiểu thông thường, mua cái lưới tóc bán ở chợ bao bên ngoài, xiên cái trâm qua để giữ tóc cho cứng là được. Hôm nào đi tiệc, má bới tóc, bao lưới y chang vậy nhưng xài cái trâm có nhận hột đá lấp lánh cho đẹp.

Bà ngoại ở nhà chỉ bới cho gọn, không kiểu cọ nhưng do tóc ít, bà phải dùng “tóc mượn”. Đây là mớ tóc giả kết lại bằng chính tóc mình. Phụ nữ từ tứ tuần tóc bắt đầu rụng nên khi bới chỉ đủ tạo một “củ tỏi” nhỏ phía sau, cần độn tóc cho búi tóc lớn như hồi trẻ. Thứ dùng độn tóc chính là “tóc mượn” do các bà tự làm. Tóc rụng, bà ngoại tôi không bỏ đi mà để dành. Có nhiều rồi, ngoại trải tóc trên mặt phẳng, vuốt từng sợi cho thẳng, so một đầu hoặc dùng kéo cắt cho bằng, đầu kia để dài tự nhiên. Xong, dùng vài sợ tóc se cho dính nhau thành một loại dây rồi cột chặt đầu bằng của mớ tóc. Số tóc làm sao có thể bó thành chùm có đường kính ít nhất ba phân, khi ghép vào đầu để búi mới đủ độ đầy đặn. Hầu như thời đó phụ nữ trung niên trở lên đều có dây “tóc mượn”. Người nào tóc nhiều cũng dùng để búi tóc đầy thêm. Ngoài chợ có bán loại tóc này nhưng ai cũng tự làm “tóc mượn” bằng tóc chính mình hay tóc người thân, ngại mua vì sợ mua phải tóc… người chết.

Miền Nam nắng chói, lại không muốn duyên phô hết ra ngoài, các bà thích dùng khăn dùng nón để che đầu. Bà nào có gốc miệt vườn Nam bộ thì khoái cái khăn rằn dệt nhiều màu xen kẽ nhau mà có bà gọi là “ịch bậu” theo tiếng Triều Châu. Dần dà, khi khăn “sạc” (châle) mỏng, nhẹ như voan nhập cảng từ Pháp xuất hiện nên từ thập niên 1960, khăn rằn đã bị coi là “quê”. Các bà Sài Gòn khi đi đám tiệc thường bận áo dài, xếp cái khăn lụa vuông thành hình tam giác rồi trùm lên đầu, lộ khuôn mặt hoặc quàng trên vai, thắt hai chéo khăn ở giữa ngực.

Thời Tây, người khá giả cùng lúc đeo tới 2, 3 hoặc có khi 5 sợi dây chuyền mà sợi nào cũng có mề đay hoặc dây chuyền tua (sợi dây có những mảnh vàng rũ xuống); tay đeo vòng cẩn hạt huyền, đá màu hay cẩm thạch; bông tai cẩm thạch hay huyền; cổ đeo dây chuyền với miếng mề đay bằng cẩm thạch chạm hình tượng Phật, chùm nho hay có khi là một vòng khuyên; ngón tay thì đeo cà rá nhận hột xoàn lấm tấm. Nữ trang thì đủ kiểu: vòng mắt tre bằng vàng tây, chạm khúc trơn khúc nổi như mắt cây tre; vòng cẩm thạch cẩn, từng đoạn cẩm thạch cẩn vào cái khuôn hình vòng bằng vàng 18K, nhận hột xoàn. Tai đeo bông cẩm thạch, ở giữa nhận hột xoàn hoặc để trơn. Trên cổ, ngay giữa nút áo cài hai cái cổ áo gắn cái broche bằng vàng tỉa hoa lá. Dây chuyền thì ráng làm sao xoắn như dây neo.

Mọi thứ tươm tất rồi, ra đường thêm cái bóp đầm, cái kiếng mát, giày cao gót, khăn mù xoa, xức dầu thơm hiệu… là coi như đủ bộ, không thua chị kém em.

Phạm Công Luận

Không chiến mà thắng mới là cảnh giới cao nhất

Thời kỳ Chiến Quốc cách đây khoảng 2500 năm trước, danh tướng Tôn Tử (545 TCN – 470 TCN) đã để lại một bộ binh thư “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng sâu...

Các Giải Văn Chương Ở Miền Nam Trước 1945

Trong các thập niên của đầu thế kỷ 20, một số các tư nhân và các Hội học ở miền Nam Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức các...

Tại sao phải có phù dâu

Tục lệ xưa cần có phù dâu vì hôn nhân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 20/25 – Từ vựng bỏ túi

Vào đầu thế kỷ 17, ta di cư vào Nam thì ta học thêm danh từ của bảy dân tộc sau đây: Cao Miên, Nam Dương, Phù Nam, lưu vong...

Việt Nam năm 1985 qua ảnh của Francoise De Mulder

Nhà máy tái chế phế liệu chiến tranh, những đứa con lai mẹ Việt – bố lính Mỹ, các em bé dị tật do di chứng chất độc da cam…...

Cúng tế có nghĩa gì ?

Quỷ thần có hâm hưởng đồ cúng tế không? Có ban phước cho những người cúng tế không?  Một nhà nho trước đây hai ngàn năm nói "không": Không hâm...

Xem ngày kén giờ

Việc cưới xin, việc làm nhà cửa, việc vui mừng khai hạ, việc xuất hành đi xa, việc khai trương cửa hàng, cửa hiệu, việc gieo mạ cấy lúa, việc...

Khoa Cử Việt Nam – Phần 1: Thi Hội – Chương hai: Trường thi

Thi Hội là kỳ thi chung cho sĩ nhân toàn quốc nên trường thi Hội bao giờ cũng ở kinh đô. I - TRƯỜNG THI TRƯỚC THỜI NGUYỀN 1- NHÀ...

Những thiếu sót và bất hợp lý trong sử sách về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc

Nhận thức phổ biến ngày nay về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc dựa chủ yếu vào các bộ sử dưới thời Lê Trung hưng, trên cả phương diện dữ...

Có một Hà Nội trầm lặng và cô đọng…

Có ai đó nói rằng, Hà Nội bây giờ xô bồ, ồn ào và náo nhiệt quá. Nhưng có lẽ, còn một Hà Nội rất khác, trầm lắng, cô đọng,...

60 tấm ảnh màu đẹp nhất của đường phố Saigon thập niên 1960-1970

Đường phố sạch đẹp, hiện đại và văn minh là những ấn tượng đầu tiên khi xem chùm ảnh về đường phố của thành đô Saigon ở dưới đây. Saigon...

Quy hoạch Sài Gòn trước 1975

“Đà phát-triển trong quá khứ, từ thành-phố cổ, thường hướng theo phía Bắc dọc theo những giải phù sa cổ. Kế-hoạch phát-triển tương lai cũng sẽ theo đường hướng nầy,...

Exit mobile version