Ở bên bờ tả ngạn sông Lam, nơi ngã ba, ngay chỗ giáp lưu sông Lam với sông La có một dãy núi khá lớn gọi là Lam Thành Sơn. Lam Thành Sơn thuộc làng Phú Điền, tổng Văn Viên (nay là xã Hưng Khánh) và làng Yên Cư, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Lam), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lam Thành cách thị trấn huyện ngày nay 18 Km về phía Nam.
Núi này còn có tên là Hùng Sơn (núi gấu); Triều Khẩu sơn (Do gắn với cửa khẩu Lương Trường, đối diện bên hữu ngạn – nay thuộc xã Nam Tân); núi gồm 3 quả: Triều Khẩu Sơn, Phượng Hoàng Sơn, Nghĩa Liệt Sơn. Tại Nghĩa Liệt Sơn có Khe Hương Tuyền (suối thơm). Nước khe trong mát, có hương thơm, dùng làm nước ăn uống rất tốt. Tương truyền, xưa dân ở đây phải lấy nước đóng vào chai đưa tiến cho kinh đô. Phượng Hoàng Sơn liền với Nhuyễn sơn, hay Châu Phong là chỗ eo thắt lại, tạo ra đường đi qua núi. Tương truyền chỗ ấy bị eo thắt lại là vì ngày xưa Cao Biền đã dùng phép chặt đứt đi để yểm long mạch và triệt linh khí nước Nam, nhưng chỉ là một hoang truyền, không có chứng cớ xác thực. Tại núi Triều Khẩu có mỏ Măng gan, thời phát xít Nhật đã có khai thác…
Xung quanh chân dãy núi Lam Thành, làng xóm sầm uất, ruộng đồng phì nhiêu, nước sông trong mát. Nơi đây từng đóng lỵ sở của trấn Nghệ An (thời Lê). Phía nam núi ngay sát bờ sông, xưa là vùng đất rộng, với phố xá đông đúc, lâu đài đồ sộ nguy nga, có dinh Hiến sát, có trường thi Hương đã có hàng ngàn người xứ Nghệ thi đậu Hiệu sinh, Hương cống ở đây, (nay có chợ Tràng là dấu tích gọi từ tên Tràng Thi xưa), có lầu Thưởng Xuân, có Lam Kiều (cầu Lam) cong cong vắt qua dòng nước biếc tươi đẹp, bên cạnh có bến thuyền… Phía đông núi, xưa có phố Phù Thạch lớn vào loại nhất Bắc Miền Trung, là trung tâm thương mại, kinh tế, chính trị của trấn Nghệ An. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, như đền Vua Lê, đền Chiêu Trưng… Nhiều công trình đẹp, nguy nga xưa đã bị lũ lụt xói lở, cuốn trôi. Nay chỉ còn lại đền Vua Lê ở xã Hưng Khánh (thờ 3 vị vua đầu triều Lê Sơ: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông) đền Thanh Liệt, nay thuộc xóm 28, xã Hưng Lam, phía bên ngoài đê tả Lam (thờ thần: Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Biểu, Long Vương, Liễu Hạnh, Đào Hoa, Độc Cước… Việc thờ cúng chủ yếu dành cho dân làm nghề sông nước, như đánh cá, đi bè, cào hến trên sông Lam, nên hàng năm ở đây có diễn ra lễ hội rước hến)…
Trên đỉnh núi Triều Khẩu, nay còn để lại dấu tích một cái thành cổ, gọi là thành Triều Khẩu, hay Lam Thành. Thành này có từ triều Trần Hồ. Thời Trần Quý Khóang, Vua sai Nguyễn Biểu sang thương thuyết với tướng giặc Minh là Trương Phụ. Nguyễn Biểu đã tỏ khí phách bằng việc tự nhiên ngồi ăn cỗ đầu người, khiến Trương Phụ khiếp sợ phải trói ông vào chân cầu Lam để nước triều lên dìm chết. Trương Phụ đã ra công bồi trúc thêm kiên cố để cố thủ, đàn áp cuộc kháng chiến chống Minh của nhân dân ta. Nghĩa quân Trần Quý Khóang và Trần Ngỗi đã có lần chiếm được thành Nghệ An. Sau quân Minh chiếm lại và cử các tướng Trần Trí, Sơn Thọ, Phương Chính trấn giữ. Năm 1426 khi Phương Chính và đồng bọn ra Bắc cứu nguy cho Đông Đô, thì cử Thái Phúc trấn giữ.
Thành Nghệ An là một cứ điểm quân sự trọng yếu, chiếm giữ một cao điểm lợi hại, khống chế con đường thủy quan trọng nhất ở Nghệ An là sông Lam. Thành còn lợi trấn một vùng đồng bằng giàu có của xứ Nghệ. Quân Minh cố thủ ở đây nhằm ngăn cản sự phát triển của nghĩa quân và có thể chờ quân tiếp viện đến bằng đường biển qua Cửa Hội, ngược sông Lam, rồi cùng phối hợp phản công…
Thành Lam lúc đầu được xây dựng bằng đá khối lớn tự nhiên rất vững chắc, về sau quân Minh mở rộng thành, xây tiếp vào phần đá xuống sườn phía nam, xuống tận bờ sông Lam, bằng gạch vồ. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có viết:
“Thành Trào Khẩu ở xã Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên, khi xưa người nhà Minh đắp thành ở đấy, Lê Thái Tổ đem quân từ Đỗ Hà đến vây. Thành nằm phía tây bắc quay mặt vào núi, phía đông nam xây bằng gạch ống.” (Phan Huy Chú. – Lịch triều hiến chương loại chí. Tập I.- H., Sử học,1960, tr.63.)
Theo truyền kể của người già, Trương Phụ đã dùng những chính sách hết sức tàn bạo để xây thành cho nhanh. Chúng bắt dân phu mỗi làng ở đây phải thực hiện nung xong một lò gạch về trong 5 ngày để xây đền đài, dinh thự, thành luỹ, nếu nung không kịp thì lý trưởng ở làng ấy phải bị bắt bỏ vào lò nung với gạch.
Lam Thành được xây dựng ở trên độ cao 300m so với mặt nước biển. Theo quan sát hiện nay, thành nằm trên sườn đông nam núi Thành, thuộc xã Hưng Phú. Phía bắc thành là xã Hưng Châu, Hưng Tiến; phía tây nam thành là xã Hưng Lam, Hưng Xuân. Phía đông thành là xã Hưng Phú, Hưng Khánh. Đường thành phía tây càng lên cao càng dốc, từ 350 đến 600. Phía đông bắc của thành được nối liền với phía có cửa hậu (dốc với chân núi 700). Phía đông là vách núi đá dựng đứng, dốc gần 900, khiến đối phương không thể vượt qua được, do đó, phía này không cần có các ụ súng, trạm gác. Riêng đường thành phía tây đều có những công sự và ụ súng, vì phía này là mấy ngọn núi thấp như ngọn Hùng Sơn và giữa các ngọn này là các khe, như khe Hương Tuyền, đối phương có thể xâm nhập lên thành được. Hiện nay, phần lớn đường thành ở phía nam đã bị phá gỡ hết, chỉ còn rải rác một số đoạn ngắn ở phía Nhà máy Đường cũ.
Đứng trên đỉnh nền Kỳ Đài (cột cờ), nhìn tòan bộ thành Lam giống như một con hổ nằm bò, đầu vục xuống sông Lam uống nước, hoặc giống như hình một bàn chân, mà cửa hậu là gót và tường thành phía nam là 5 ngón chân chạm nước sông Lam. Đoạn thành phía cửa hậu này gần như còn nguyên vẹn, cao 8m, rộng 8m50. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi về
Lam Thành như sau:
“Ở đỉnh núi Hùng Sơn, phía nam huyện Hưng Nguyên, có thành đá cao 6,7 thước (khoảng hơn 2m), chu vi chừng một dặm. Tương truyền do Trương Phụ, nhà Minh đắp; lại có 1 đống đá cao chừng 4,5 thước, tương truyền là chỗ cột cờ của Trương Phụ, dấu cũ vẫn còn. Lại phía tây thành, ngay với xã Nghĩa Liệt là lị sở của ti Hiến sát sứ đời Lê; ngay với xã Trào Khẩu là lị sở của ti Thừa chính, ngay với phường vệ sở là lị sở của ti Trấn thủ” (Đại Nam nhất thống chí/Quốc sử quán triều Nguyễn – Huế, Thuận Hóa, 1977, tr. 177.)
Về cấu trúc Lam Thành gồm có thành Nội và thành Ngoại (nay vẫn còn dấu tích).
Thành Nội có chu vi khoảng 1.360m. Tường thành Nội cao 3m, mặt rộng 2,50m và được xây bằng gạch vồ. Gạch có hình chữ nhật: dài 40cm, rộng 20cm, cao 15cm. Trong thành Nội có xây các kho chứa, như kho lương thực, kho vũ khí, quân trang; cửa thành gọi là cửa Tiền.
Thành Ngoại có chu vi khoảng 1.784,50m. Chỗ rộng nhất 300m, chỗ hẹp nhất 90m. Toàn bộ thành Ngoại bọc lấy ngọn Hùng Sơn, có cửa tả và 2 cửa hậu. Trên đường thành phía tây được bố trí: 1 ụ súng, 3 công sự, chân thành được xếp bằng đá lớn hình vuông, có cạnh 80cm, cao 30em; chỗ thấp 0,30m, chỗ cao nhất 4m; bề mặt chỗ hẹp nhất 1,30m, chỗ rộng nhất 4,50m. Ụ súng có chiều dài 26m, rộng 24,50m, cao 4,50m. Cửa tả rộng 3,50m. Thành Ngoại có các dinh thự, nhà cửa, theo kế lại của người già thì trong thành đếm được 26 nền nhà. Nền nhà có loại dài 55m, có loại 26,50m và 20m… Trong thành có một nền đất hình tròn, chu vi 31m, đường kính 10m, cao 5m là nơi dựng kỳ đài (cột cờ). Tường thành được xếp bằng đá khối tự nhiên, có nơi xếp 5 lớp, có nơi 18 lớp và được kết gắn với nhau bằng vôi vỏ sò…
Như vậy, tổng chu vi của Lam Thành (cả Nội và Ngoại) khoảng 3.144,50m. (Số liệu đo đạc trong bài viết này do Nguyễn Minh Nguyên khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện. Tham khảo Thành Nghệ An và công cuộc bao vây dụ hàng của Nghĩa quân Lam Sơn (1975).Là một trong những thành lớn của quân Minh. Thành lại rất kiên cố đóng ở vị trí đắc địa, nhưng cuối cùng giặc Minh vẫn đại bại bởi lưới bủa vây của lòng dân xứ Nghệ và Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo thắng thế vào năm 1426, giặc Minh do Đô đốc Phương Chính chỉ huy đã đóng chặt cửa Thành Lam cố thủ. Nguyễn Trãi đã gửi thư cho tướng Phương Chính với lời lẽ chế nhạo rằng:
“Lại thư cho Phương Chính:
Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Ta nghe nói người danh tướng trọng nhân nghĩa, kinh quyền mưu. Bọn mày gửi thư cho ta, cứ cười ta núp náu ở nơi rừng núi, thập thò như chuột, không dám ra đồng bằng đất phẳng để đánh nhau. Nay ta đã đến đây, ngoài thành Nghệ An đó đều là chiến trường cả, mày cho đấy là rừng núi chăng? là đồng bằng chăng? Thế mà mày cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy” (Bùi Dương Lịch – Nghệ An ký – H, KHXH, 1993, tr. 120).
Sau ngày Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước, lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, tổ chức lại các đơn vị hành chính, thì trấn Nghệ An do Lê Khôi làm Trấn thủ đã đóng lị sở tại vùng đất Lam Thành. Khi ông mất được triều đình phong là Võ Mục Công, Chiêu Trưng Vương và nhân dân xứ Nghệ tiếc thương, đã lập đền thờ ông ở Phù Thạch để thờ cúng.
Đến triều Tây Sơn, giặc Thanh sang xâm lược nước ta đã chiếm đóng được Kinh thành Thang long. Nguyễn Huệ được tin cấp báo, liền tổ chức làm lễ lên ngôi Hoàng để vào ngày 25 tháng 1 năm Mậu Thân (22/12/1788), đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức ra lệnh xuất quân. Ngày 29 quân đến Nghệ An, đóng tại lỵ sở Lam Thành, Vua sai Đại tướng là Hám Hổ hầu tuyển thêm được hơn 1 vạn quân tinh nhuệ ở xứ Nghệ. Nhà Vua cho mở cuộc duyệt binh lớn ở doanh trấn, rồi chỉ huy đại quân kéo ra Bắc, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng hoàn toàn đất nước chỉ trong vòng 5 ngày đêm, khải hoàn đúng ngày mùng 5 tết (30/1/1789), lập nên một vùng kỳ tích – trong sử vàng oanh liệt của dân tộc ta.
Vùng đất Lam Thành trở thành trung tâm kinh tế, chính trị sầm uất và vững mạnh của xứ Nghệ . Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Đốc học Trấn Nghệ An thời Nguyễn – Gia Long đã ca ngợi Lam Thành Sơn trong sách “Nghệ An ký” như sau:
“Lên núi trông xa thì thấy phía tây có núi Hùng Lĩnh (Đụn Sơn) và núi Đại Huệ, phía bắc có núi Đại Hải và núi La Nham, phía nam có núi Thiên Nhẫn và núi Hồng Lĩnh. Phía đông có núi Kim Nguyên và núi Dũng Quyết, tất cả chầu về núi này. Cây xanh nước biếc, phố gần thôn xa phong cảnh như vẽ. Thật là một nơi đại danh thăng của Nghệ An” (Nguyễn Trãi – Tòan tập, H, KHXH, 1976, tr. 106).
Lam Thành Sơn cũng là đề tài thi hứng của nhiều thị nhân mặc khách khi đến đây. Tiến sĩ Dương Thúc Hạp có bài “Lam Thành Sơn” như sau:
Phiên âm:
Địa hữu cao sơn, sơn hữu thành
Hùng Sơn, Tuyên Nghĩa liệt sơn danh
Diện tiền, chung thủy trùng trùng nhiễu
Vọng ngoại quần phong điệp điệp thành
Minh khấu cơ đồn khôi dĩ lãnh
Nghĩa Vương tráng tiết thạch do minh
Phục Ba đồng trụ tri hà tại ?
Mạc mạc sơn vân tận nhật hoành
(Dương Thúc Hạp – Nghệ Tĩnh sơn thuỷ vịnh – Nghệ An, 2005, tr. 182.)
Dịch thơ:
Hùng Sơn, tuyên nghĩa lưỡng vinh danh
Đất nổi non cao, núi có thành
Mặt trước trùng trùng dòng cuộn sóng
Vành ngoài điệp điệp núi giăng mành
Nghĩa vương trùng liệt bia ngời chói
Minh tặc lụi tàn luỹ lạnh tanh
Mà Tiên đi đâu? Đầu cột trụ?
Ngày ngày mấy núi mịt mờ xanh
(Nguyễn Phương Thoan phiên âm, Cao Thế Lữ dịch)
Ngày nay, Lam Thành đã được Nhà nước cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia và trở thành một điểm danh thẳng du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.