Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Phụ Nữ Trong Vương Triều Nhà Lý

Lý Công Uẩn sáng lập ra vương triều nhà Lý thay nhà Tiền Lê, lên làm vua dưới danh hiệu là Lý Thái Tổ năm 1010 và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước Việt là việc dời đô Hoa Lư từ Ninh Bình ra thành Đại La để đặt ra kinh đô Thăng Long.

Nhà Lý truyền 8 đời vua và để nhiều công trình trong lịch sử như thành lập Quốc tử giám, mở khoa thi, cất chùa một cột, đắp đê Cơ xá, xây dựng chùa chiền, mở mang bờ cõi, chống ngoại xâm, đánh Tống, bình Chiêm…

Vua Thái Tổ tổ chức việc cai trị trong nước, đặt ra luật lệ triều đình, quy định việc truyền ngôi, chính sách ngoại giao với các thủ lĩnh để làm phên dậu giữ yên bờ cõi.


Hoàng thành thời Lý

Nhà Lý phong con đích (con vợ cả) làm vương, các con thứ được làm hoàng tử mà không đặt ngôi thái tử kế vị. Đến khi sắp băng hà, nhà vua mới chọn một người trong các con con để nối ngôi. Cách làm như vậy được lưu truyền thành tục lệ, không rõ mục đích là thế nào, có người giải nghĩa là nhà Lý không đặt ngôi Thái tử trước là vì muốn các con chăm làm việc thiện cả.

Theo Đại Việt sử lược thì các vua Thái Tổ và Thái Tông có để lại di chiếu chỉ định người kế vị còn Đại Việt sử ký thì ghi chép lại các di chúc của các vua Thái Tổ Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông. Như thế, các vị hoàng đế có thể nhận định ra tài năng của người kế vị.

Những luật lệ truyền ngôi này đã chứng tỏ rằng Lý Thái Tổ đã lập ra một vương triều phụ hệ trung ương tập quyền, ngôi vua theo thể lệ cha truyền con nối và cho họ hàng thân thích giữ những vai trò trọng yếu, sử cũ không nói đến việc truyền ngôi cho các con gái. Các hoàng tử đều được nhà vua phong tước vương và đều có bổn phận đi đánh dẹp các cuộc nội loạn, nên ai cũng giỏi việc quân sự, như Đông Chinh Vương, Dực Thánh vương cả Thái tử đã đem quân đi dẹp loạn.

Khi nhà vua không có con trai thì họ tìm trong hàng con cháu của họ để lập làm thái tử như trường hợp của vua Lý Nhân Tông.

Để có con trai nối dòng, các vua Lý cưới nhiều vợ để lập hoàng hậu và thứ phi. Kể từ đời vua Nhân Tông các vua nhỏ tuối lên nối ngôi nên các mẹ vua làm nhiếp chánh, vì vậy vai trò của phụ nữ trở nên quan trọng và dẫn đến việc tranh giành ngai vàng và quyền lực làm suy yếu vương triều.

Vai trò của phụ nữ không được xác định rõ ràng. Sự ra đời của vua Thái Tổ và gốc tích mẹ vua là một huyồn thoại trong việc đi tìm nguồn gốc của vua.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) thời Đinh. Việt sử thông giám cương mục cũng chỉ biết tin theo dân gian rằng bà Phạm Thị “đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất…

Dù đã khảo cứu rất kỹ lưỡng, các nhà chép sử đời Nguyễn cũng chỉ biết được “Lý Thái Tổ làm con nuôi sư Lý Khánh Văn, còn bố đẻ không biết là ai” và vua Tự Đức cũng không ngần ngại mà phê vào sách là “gốc tích họ Lý lờ mờ không khảo được”.

Ngô Thì Sỹ viết “Sách sử chép Phạm Thái Hậu đi chơi núi Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Vua. Lý Khánh Vân nuôi làm con, nhận là họ Lý. Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: “Thái Hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi.

Sử cũ cũng không chép rõ đâu là quê quán của cha mẹ và gia đình của Lý Thái Tổ. Vấn đề này là đề tài các cho các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà khảo cổ hiện nay. Theo tấm bia Lý gia linh thạch hiện còn ở chùa Tiêu. xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn là quê Phạm Mẫu, mẹ Lý Công Uẩn.

Việt sử lược chép sau khi lên ngôi, mùa đông tháng 11, vua Lý Công Uẩn truy tôn cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu. Đến năm 1018, Lý Công Uẩn tiếp tục truy phong bà nội làm Hậu và đặt tên thụy, năm 1026 xuống chiếu làm Ngọc điệp…

Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi nhận sự kiện này, nhưng lại chê: “Vua đến đây mới truy phong cho bà nội, đó là lỗi chậm trễ”. Tên tuổi của bà nội và mẹ vua không được ghi chép rõ ràng. Vài sử gia chép mẹ vua tên là Phạm thị Ngà, cần xác định lại. Nhiều vương hầu và công chúa được ghi chép bằng tên tước chứ không có tên thật trong các sử cũ. Sự kiện này gây khó khăn cho việc nghiên cứu vì sự trùng hợp tên tước trong việc xác định phả hệ của các công chúa. Danh hiệu trưởng công chúa thường dùng để chỉ chị hay em gái vua đang trị vì không thấy xuất hiện trong thời nhà Lý.

Hoàng hậu và hoàng thái hậu

Lý Thái Tổ

Đại Việt sử ký tiền biên chép, Lý Thái Tổ mới lên ngôi (1010) lập sáu hoàng hậu, mà Lập Giáo hoàng hậu đứng đầu, có quy chế xe kiệu riêng. Năm 1016 lập 3 hoàng hậu: Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu, tên Lập Giáo hoàng hậu lại kể ở sau cùng. Cương mục ghi: Điều này chắc Sử có lầm, tạm chép lại đó chờ tra cứu thêm.

Nhà vua có 9 hoàng hậu và 8 người con trai. Con cháu vua Lý Thái Tổ cũng noi gương mà lập nhiều hoàng hậu. Những hoàng hậu này sống trong cung riêng tại hậu cung, được đối xử như nhau và thường thì hoàng hậu cả (tức vợ cả) có địa vị cao hơn những người khác. Các hoàng hậu đều là con nhà quý tộc hay quan lại nhiều danh vọng.

Hoàng hậu đầu tiên là công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga, có anh em là các vua Đinh Phế Đế, Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh, bà được được Lý Thái Tổ phong làm Trinh Minh Hoàng hậu,các vua nhà Lý phong bà là Bảo Quang Hoàng thái hậu. Bà là mẹ của vua Lý Thái Tông và các hoàng tử Lý Long Bồ và Lý Nhật Quang. Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Lý Thái Tông đoạn mở đầu viết: Mẹ là hoàng hậu họ Lê, sinh vua vào ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý, niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 7 (1000) thời Lê, ở phủ Trường Yên. Cương mục chép Bấy giờ, các con đều phong tước hầu, 13 người con gái đều phong công chúa.

Vua cho các vương hầu,công chúa được quản các thuế theo thứ bậc khác nhau, như vậy các công chúa có khả năng về hành chính. Vua đem người con gái lớn là An Quốc công chúa gả cho Đào Cam Mộc và phong Cam Mộc là Nghĩa Tín Hầu.

Lý Thái Tông

Vua Thái Tổ vừa băng, Thái tử Lý Phật Mã nối ngôi năm Mậu Thìn (1028), tức là Lý Thái Tông, tôn mẹ là Lê thị làm Linh Hiển thái hậu. Vua lập 7 hoàng hậu khi lên ngôi có Linh Cảm hoàng hậu Mai thị, Vương hoàng hậu, Đinh hoàng hậu. Cho những thân phụ các Hoàng hậu là bọn Mai Hựu, Vương Đỗ, Đinh Ngô Thượng làm Thượng tướng. Năm Ất Hợi (1035), lập tiếp Thiên Cảm hoàng hậu là 8, cung nữ, hoàng hậu và phi tần 13 người, ngự nữ 18 người.

Thái Tông có hai người con trai trước đó đều yểu mệnh, Nhật Tôn là con trai thứ con của Nhật Tôn Linh Cảm Hoàng hậu, tước Khai Hoàng Vương được lập làm hoàng thái tử. Năm 1035,hoàng tử Nhật Trung được phong làm Phụng Càn Vương. Các hoàng tử khác đều phong tước hầu. Con thứ 8 là Lý Hoảng hiệu là Nhật Quang: tước Uy Minh hầu, đảm nhiệm việc thuế vụ ở Nghệ An, Đại Việt sử lược chép là Minh Uy hầu, sau được Lý Thái Tông phong làm Uy Minh vương.

Lý Thánh Tông

Thái tử Nhật Tôn lên ngôi năm 1054 tức là Lý Thánh Tông, đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1, phong mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Vua lập 8 hoàng hậu, trong đó có Thượng Dương Hoàng hậu và nguyên phi Ỷ Lan.

Hoàng hậu Thượng Dương sinh hạ được hai công chúa Từ Thục, Từ Huy và một phi tần sinh ra Công chúa Thiên Thành, còn những người khác đều không sinh được con nào. Hai công chúa Từ Thục, Từ Huy xuất gia tu hành, Lý Thánh Tông cho xây dựng tại làng Đông Phù (nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngôi chùa Hưng Long tự (còn gọi là chùa Nhót) cho hai con gái. Vua còn ra lệnh dựng lại chùa Đông Phù, bởi thế chùa còn có tên là Chùa Đền, hiện trong chùa có lưu giữ một số dấu tích bị đốt cháy.

Năm 1062 vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà không có con trai kế tự nên thường đi các nơi để cầu tự. Qua làng Thổ Lỗi, tình cờ vua gặp cô gái hái dâu, vua đưa về cung và phong làm Ỷ Lan phu nhân. Theo chính sử, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (1044 – 1117), cũng có sách ghi bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Bà xuất thân trong một gia đình nghèo thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Giai thoại Tấm Cám trong truyện cổ Việt Nam tả về lúc thiếu thời của bà.

Vua muốn có con trai, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hoá. Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm , Đồng Bông ở phía Tây trước cửa chùa, nay hãy còn.

Năm 1066 tháng Giêng, bà sinh hoàng tử Càn Đức. Nhà vua vốn hiếm muộn con trai nên rất vui mừng; chỉ một ngày sau khi hoàng tử sinh ra, Thánh Tông lập Càn Đức làm Hoàng Thái tử, đổi niên hiệu thành Long Chương Thiên Tự, đại xá thiên hạ và phong Ỷ Lan làm Thần phi. Sau bà sinh ra Minh Nhân vương mùa xuân, tháng 2, năm 1068 và tiếp đó sinh Nghiã Nam vương Lý Hùng Tích là tổ dòng họ Nguyễn gốc Lý ở Vân Điềm – Du Lâm.

Ỷ Lan được phong làm Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong cung. Thần phi là quý phi của vua. Theo chế độ quân chủ thời Lý, vợ cả nhà vua gọi là hoàng hậu, dưới hoàng hậu có ba người vợ nữa gọi là phi hoặc phu nhân. Nguyên phi là một người phi đứng đầu các hàng phu nhân. Ỷ Lan làm giám quốc, khi Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh nước Chiêm Thành năm 1069, mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phía Nam.

Lý Nhân Tông

Thái tử Càn Đức lên ngôi năm 1072 ,lúc 7 tuổi tức Lý Nhân Tông. Quan thái sư là Lý Đạo Thành làm phụ chính.Vua tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn hoàng hậu cả là Thượng Dương thái hậu làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe việc triều chính.

Khi vua băng thì chỉ một hoàng hậu được vua kế vị phong làm hoàng thái hậu. Hoàng hậu ấy chính là mẹ của vua mới. Trong trường hợp vua là con của một phi tần thấp hơn hoàng hậu thì vị hoàng hậu cả sẽ được tôn phong, và trong trường hợp này, ngôi vị hoàng thái hậu sẽ được dành cho cả hai người (mẹ đẻ cùa vua và hoàng hậu cả).

Từ đó về sau, các vua lên ngôi còn nhỏ tuổi thì có đại thần được ủy nhiệm việc triều chính và bà thái hậu buông rèm nghe việc triều chính. Dần dần các anh em của thái hậu nắm giữ quyền lực gây thành cái họa ngoại thích chuyên quyền.

Ỷ Lan được phong làm Thái phi. Vua tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

Ỷ Lan lên làm Hoàng Thái Hậu giúp vua trị nước. Trước họa nhà Tống xâm lăng Đại Việt, bà đã nghe theo lời Lý Thường Kiệt gọi Lý Đạo Thành trở lại giữ chức Thái phó Bình Chương quân quốc trọng sự để lo việc triều chính, Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh sang tận Ung Châu, Liêm Châu, năm sau chận đứng quân Tống ở sông Như Nguyệt.

Thái hậu chú ý mở mang đạo Phật. Tương truyền bà đã cho xây dựng đến 100 ngôi chùa để mong chuộc lại lỗi đã bức tử Dương Thái Hậu cùng các cung nữ trước kia. Sau khi Dương thái hậu qua đời, bà trở thành Hoàng Thái Hậu nhiếp chính. Ngày nay Ỷ Lan được tôn thờ ở “Khu di tích Đền Ghênh thường gọi là Đền Ỷ Lan, ở Văn Lâm, Hưng Yên và chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm), và đình Yên Thái ở ngõ Tạm Thương, phường hàng Gai quận Hoàn Kiếm.

Tháng Giêng năm 1115, Vua Nhân Tông lập ba hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân,sau thêm 2 hoàng hậu Thánh cực và Chiêu Thánh. Việt sử lược chép: Vua đã cao tuổi, chưa có con thừa tự, nên lập nhiều bà Hậu.Vua làm đàn chạy để cầu tự. Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa. Tục truyền rằng thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan.

Ỷ Lan hoàng thái hậu băng, hỏa táng, bắt 3 người hầu gái chôn theo. Tôn dâng tên thuy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.

Vua không có con trai nên tìm con họ tông thất để nuôi ở trong cung. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Bản kỉ viết: Năm Đinh Dậu, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117) vua xuống chiếu rằng: “Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử, còn 4 cháu con của 4 người em khác được phong làm hoàng tử, trong đó có Lý Dương Côn con của Thành Quảng hầu em ruột vua Lý Nhân Tông.

Có sự việc chưa rõ là theo chính sử, cho đến năm 1112, Sùng Hiền hầu vẫn chưa có con trai, phải đi cầu tự và nhờ phép lạ của sư Từ Đạo Hạnh mới sinh được Dương Hoán coi như hóa thân của Từ Đạo Hạnh.

Năm 1128, Lý Nhân Tông qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Vua Nhân Tông là vị vua trị vì
lâu nhất của nhà Lý.

Lý Thần Tông

Thái tử Lý Dương Hoán là cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra, lên nối ngôi khi mới 12 tuổi, năm Mậu Thân (1128), tức là Lý Thần Tôn. Ngày Giáp Ngọ, Lý Thần Tông tôn thân phụ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân.

Lê Văn Hưu nói: Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ để là Đô thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tõ ra một gốc mới phải. nay lại phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm hoàng thái hậu, chả hoá ra hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mâu Du Đô lại không biết lễ nên mới như thế.

Năm Mậu Thân (1128), vua Thần Tông lập Lý thị làm Hoàng hậu. Trước đó vua sai Viên ngoại lang Lý Khánh Thần và vợ đi đón con gái của Điện tiền chỉ huy sứ Lý Sơn, Viên ngoại lang Trần Ngọc Độ và vợ đi đón con gái của Lê Xương là cháu chú bác của Thái úy Lê Bá Ngọc, sách lập con gái của Sơn làm Lệ Thiên Hoàng hậu, con gái của Xương làm Minh Bảo phu nhân. Thăng trật ký hầu cho Lý Sơn coi việc quân sự ở lạng Châu, ban cho Xương tước Đại liêu ban.

Về sau vua có thêm các bà phu nhân, phi khác: Cảm Thánh phu nhân Lê Thị (mẹ vua Anh Tông), Nhật Phụng phu nhân Lê Thị, Phụng Thánh phu nhân Lê Thị, Chương Anh thứ phi Lý Thị.

Lý Thần Tông không lập nhiều Hoàng hậu như các vua đời trước. Nhưng việc không dứt khoát, thành gây ra cái nạn tranh giành ngôi báu từ thời vua còn sống.

Theo lệ, con dòng đích do Hoàng hậu sinh ra được nối ngôi. Nhưng tháng 5 năm Nhâm Tý (1132), con của người thiếp là trưởng tử Thiên Lộc sinh ra.Vua Thần Tông lập Thiên Lộc làm con thừa tự nối ngôi Nhưng đến năm Bính Thìn (1136), Cảm Thánh phu nhân sinh ra hoàng tử Thiên Tộ . Các phu nhân Cảm Thánh, Phụng Thánh và Nhật Phụng đã dùng tiền hối lộ hoạn quan Từ Văn Thông mà cho vào gặp Thần Tông, xui vua bỏ thái tử Thiên Lộc. Thần Tông nghe theo, bèn lập con nhỏ là Thiên Tộ làm Hoàng thái tử, giáng Thiên Lộc xuống làm Minh Đạo vương.

Sách Quế Hải chí đời Tống cho biết: “Vua Anh Tôn có người anh bị phế, đảng của người ấy chạy sang tố cáo với nhà Tống, nhà Tống lại bắt tội người ấy, ý tất là Thiên Lộc”. Vậy là Thiên Lộc đã cầu cứu cả nhà Tống để đòi lại ngôi báu cho mình, nhưng việc không thành.Công chúa Từ Hoa con gái vua Thần Tông nổi danh là bà chúa nghề tầm tang. Công chúa đã cùng cung nữ chọn đất Nghi Tàm làm nơi mở trại, dạy nhân dân trong vùng trồng dâu, nuôi tằm. Chùa Kim Liên vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa.

Năm 1138, Lý Thần Tông qua đời khi mới 23 tuổi, trị vì được 10 năm.

Lý Anh Tông

Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi năm 1138, tức vua Lý Anh Tông, lúc 3 tuổi. Triều đình muốn tôn hoàng tử Lý Dương Côn (khoảng 22 tuổi) lên ngôi. Nhưng mẹ của thái tử Thiên Tộ là Cảm thánh Hoàng hậu (họ Lê) đã đút lót vàng bạc cho các quan, rồi liên kết với tình nhân là Đỗ Anh Vũ để đưa hoàng tử Thiên tộ lên ngôi tức là vua Anh Tông. Vua còn thơ ấu, quyền lực nằm trong tay Cảm thánh Hoàng thái hậu. Bà trọng dụng người tình Đỗ Anh Vũ là em ruột của Đỗ thái hậu và là cháu gọi Lý Thường Kiệt bằng cậu và là con nuôi của Thái sư Trương Bá Ngọc, cho làm nhiếp chính.

Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, ghi lại rằng: Năm 1138, vua Lý Thần Tông băng, thái tử Thiên Tộ lên ngôi, tức là vua Lý Anh Tông, lúc ấy mới có 3 tuổi. Đến năm Canh ngọ 1150, sử chép: ‘Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn việc nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê Thái hậu (lúc đó có 2 bà thái hậu), nhân thế lại càng kiêu…’

Để củng cố quyền lực bà phải thanh toán mọi nguy cơ có thể xảy tới cho con bà. Vì thế bà cùng Đỗ Anh Vũ thẳng tay sát hại các em nuôi của vua Thần tông và con của các em vua Nhân Tông cùng toàn thể gia quyến của các vị này. Việc đó khiến nhiều đại thần, gồm Điện tiền Chỉ huy sứ Vũ Đái, Phò mã Dương Tự Minh cùng một số thân vương nhà Lý bất bình và làm binh biến bắt Anh Vũ, nhưng không quyết đoán giết ông. Dương Tự Minh là thủ lãnh Phú Lương châu (Thái Nguyên) cưới hai công chúa là Diên Bình (1127) và Thiếu Dung (1142).

Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái Úy phụ chính như cũ, và tìm cách trả thù. Anh Tông còn nhỏ, chuẩn tâu theo Anh Vũ, do đó những người tham gia binh biến đều bị giết hoặc đi đày. Năm 1158, Đỗ Anh Vũ qua đời. Tô Hiến Thành, có họ hàng là Tô thị vợ của Anh Vũ, được thăng làm Thái Úy. Hiến Thành giỏi việc dụng binh, lại là người chính trực, có tài dụng binh, nhiều lần bình định Chiêm Thành, Ai Lao.

Lý Dương Côn được phong tước Kiến hải vương làm Đại đô đốc hải quân đang đóng quân ở Đồ Sơn, thấy tình thế nguy biến, lo sợ việc tranh giành ngôi báu nên khoảng cuối năm 1127 đã cùng gia quyến đã lên thuyền sang Cao Ly tỵ nạn. Ông không sang Trung Hoa là vì nhà Lý đã nhiều lần đánh bại nhà Tống, còn tiến sang đất Tống phá hủy Khâm Châu, Liêm Châu, làm căng thẳng tình trạng đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng. Ông sang Cao Ly là hợp lí trong hoàn cảnh thời bấy giờ.

Gia phả của dòng họ mang tên Tinh Thiện Lý thị tộc phổ được lưu giữ lại Thư viện Quốc gia ở Seoul cho biết, Lý Dương Côn tự Nguyên Minh, là Hoàng tử thứ ba con vua Lý tên là Càn Đức được nhà Tống phong là Nam Bình Vương. Năm Mậu Ngọ (1138), Lý Anh Tông lập Hoàng hậu là Chiêu Linh Hoàng hậu Vũ Thị, chế độ đa hậu bị xóa bỏ, được thay là chế độ nhất hậu. Sau này, vua có thêm Thần phi Bùi Chiêu Dương, Quý phi Hoàng Ngân Hoa, Đức phi Đỗ Kim Hằng, Thục phi Đỗ Thụy Châu (mẹ vua Cao Tông), Hiền phi Lê Mỹ Nga (mẹ Lý Long Tường), Nguyên phi Từ Thị. Công chúa Đoan Nghi là con của vua Lý Anh Tông với bà thần phi Bùi Chiêu Dương, được nhà vua gả cho Trần Thủ Huy là cha Trần Thủ Độ theo gia phả của con cháu Trần Ích Tắc tại Trung Quốc. Như vậy Trần Thủ Độ là cháu ngoại của vua Lý Anh Tông.

Vua Lý Anh Tông sinh 7 hoàng tử: Long Xưởng, được phong thái tử, Long Minh, Long Đức, Long Hòa, Long Ích, Long Trát và Long Tường. Năm 1174, thái tử Long Xưởng gian dâm với cung phi, nên bị phế làm Bảo Quốc vương. Vua Anh Tông phong con của một cung phi là cháu gái Đỗ Anh Vũ, Lý Long Cán làm Hoàng thái tử. Tô Hiến Thành làm Thái phó tước vương, được giao phụ chính giúp vua kế vị.

Lý Cao Tông

Lý Cao Tông lên ngôi năm 1176 khi mới 3 tuổi, mẹ là Đỗ phu nhân trở thành Chiêu Thiên Chí Lý Hoàng thái hậu, Đỗ An Di em trai bà trở thành ngoại thích, Tô Hiến Thành làm phụ chính. Chiêu Linh hoàng thái hậu, mẹ của Long Xưởng muốn giành lại ngôi vua cho con bằng cách hối lộ các đại thần, nhưng không thành vì Tô Hiến Thành không chấp nhận.

Thái úy Tô Hiến Thành mất năm 1179. Đỗ An Di được phong làm phụ chính. Đàm Thị là con gái tướng quân Đàm Phụng, năm Trinh Phù thứ 11 được sách lập làm Nguyên phi. Sinh con trai là Sảm, nguyên phi được sách lập làm An toàn hoàng hậu. Năm 1188, Đỗ An Di qua đời, Ngô Lý Tín được trao quyền phụ chính và mất năm 1190. Đàm Dĩ Mông là em trai của An Toàn hoàng hậu được phong làm phụ chính.

Vua Lý Cao Tông lên trên ngôi hơn 30 năm nhưng không quan tâm đến chính sự, bỏ bê thiết triều, chỉ ham vui chơi săn bắn, lại thích xây dựng cung điện to đẹp, xa hoa làm cho nhân dân khổ nhọc, lầm than, loạn lạc khắp nơi trong nước.

Sử có chép về một vị công chúa thời loạn lạc lúc này là Thiên Cực công chúa và không rõ bà là con của vị vua Lý nào ? Sách Đại Việt sử lược cho biết bà là vợ của Quan nội hầu Vương Thượng, Lang đất Lạng Châu (Lạng Sơn và Bắc Giang). Bà công chúa nầy đã tư thông với Phạm Du được Cao Tông sai đi liên kết với Đoàn Thượng để đánh Quách Bốc và họ Trần nên lỡ hẹn với họ Đoàn và phải chết. Sau đó bà lại tư thông với quan Điện Tiền Tô trung Từ ở Gia Lâm, năm Tân Mùi (1211), Vương phò mã bắt quả tang cuộc thông dâm và đã giết Tô Trung Từ, theo luật pháp trong triều đại này.

Năm 1208  ,lập con là Sảm làm Thái tử. Năm 1209, Quách Bốc làm loạn, vào kinh sư rồi lập con thứ của Cao Tông là Lý Thầm 7 tuổi lên ở ngôi vua được khoảng 5 tháng. Cao Tông chạy loạn lên vùng Quy Hóa (Vĩnh Phú,Yên Bái). Họ Trần giúp vua Cao Tông dẹp được Quách Bốc.

Thái tử Sảm cùng mẹ là An Toàn hoàng hậu chạy về Hải Ấp, Hạo Sảm lấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung và phong tước cho những người trong họ Trần.Từ đây họ Trần tham chính và nắm giữ tất cả quyền hành. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái tử [Sảm] đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người? Bởi cao Tông rong chơi vô độ, giường mối bỏ hỏng, cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả.

Tháng 10 năm Canh Ngọ (1210) Lý Cao Tông mất lúc 38 tuổi.

Lý Huệ Tông

Thái tử Hạo Sảm là hoàng tử thứ ba lên ngôi lúc 16 tuổi tức Lý Huệ Tông. Huệ Tông dùng cậu là Đàm Dĩ Mông làm Thái úy phụ chính, Đàm thái hậu cũng tham chính .Họ Đàm muốn nhân quyền ngoại thích mà lộng hành, chính sự ngày càng suy. Sách Đại việt sử lược có ghi Một đêm bà Thái hâu sai bắt Nhân Quốc vương và hai Vương tử là người con trai thứ sáu, người con trai thứ bảy, cả ba đều bị đem dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua, để vùi lấp cái manh mối của việc cải lập. Xong rồi sai khiêng những cái thây ấy để ở ngoài cửa cung Lâm Quang”. Ba người em cùng cha khác mẹ của vua Huệ Tông bị Đàm Thái hậu sát hại thảm khốc mà nhà vua không làm gì được.

Vua Huệ Tông không có con trai, các anh em của nhà vua bị giết, quan lại bất tài. Bấy giờ thiên hạ đại loạn, các thế lực nổi dậy đánh lẫn nhau, danh nghĩa là phù nhà Lý dẹp giặc. Trong đó họ Trần, họ Tô ở Lưu Gia (Thái Bình), Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hưng Yên), Nguyễn Nộn ở Tiên Du (Bắc Ninh).Các vương hầu như An Nhân vương, Nghĩa Tín vương, Ô Kim hầu, tướng Lý Quang Bật đã đem quân giúp đỡ Đàm Thái hậu đánh họ Trần. Các vương hầu này đều thuộc họ Lý họ còn giữ được truyền thống quân sự có từ đầu nhà Lý.

Trần Tự Khánh có công dẹp loạn Quách Bốc ,được giữ chức vụ quan trọng trong triều chính có thế lực càng ngày càng mạnh. Lý Huệ Tông thua trận đánh họ Trần phải chạy lên Trĩ Sơn thuộc Lạng Châu (nay là Lạng Sơn). Tự Khánh không thuyết phục được Lý Huệ Tông trở về kinh, bèn sai người đi đón con của vua Anh Tông là Huệ Văn Vương ở Hạc Kiều lập làm vua. Sách Đại Việt sử lược viết tháng 3 năm Giáp Tuất (tháng 4 năm 1214), Huệ Văn vương lên ngôi ở điện Đại An, đổi niên hiệu mới là Càn Ninh, xưng là Nguyên Vương. Mọi việc trong triều do Trần Tự Khánh quyết định.

Trần Tự Khánh sai Vương Lê đi đón Lý Huệ Tông, rồi phế vua Nguyên Vương xuống làm Huệ Văn vương như cũ. Nguyên Vương ở ngôi được 2 năm (1214-1216), mất năm Tân Tị (1221).

Năm 1216, Huệ Tông phong Trần thị làm Thuận Trinh phu nhân. Cuối năm đó, mùa đông, phong làm Hoàng hậu. Huệ Tông phong chức cho người họ Trần: Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, anh trai Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị phán thủ, tước Liệt hầu. Năm 1217, Huệ Tông thường phát điên, tự xưng là Thiên tướng, uống rượu ngủ li bì. Chính sự không quyết đoán, quyền hành dần dần về tay họ Trần.

Năm 1223, Thái úy Trần Tự Khánh qua đời, Huệ Tông lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Trần Thủ Độ được phong làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ và cũng từ đấy mọi việc trong triều đều do Trần Thủ Độ định đoạt.

Nữ hoàng đế (1224 – 1226)

Huệ Tông không có con trai để nối nghiệp, nên công chúa Chiêu Thánh được lập làm Hoàng thái nữ. Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh rồi làm Thái Thượng hoàng, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo gọi là Huệ Quang thiền sư. Đàm thái hậu cũng theo ông vào đây xuất gia. Trần Cảnh con trai thứ của Trần Thừa được phong làm Chính thủ cho hầu hạ Chiêu Hoàng. Dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh làm chồng khi mới 7 tuổi như Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã ghi:

“Tháng 10, mùa đông, năm Giáp thân (2014)… nhà vua không khỏi bệnh, lại chưa có con trai thừa tự, trong cung duy có hai nàng công chúa: con lớn là Thuận Thiên, con bé là Chiêu Thánh, đều do Trần Thị sinh ra. Thuận Thiên đã lấy Trần Liễu nên nhà vua lập Chiêu Thánh làm Thái tử”, rồi nhường ngôi cho chồng năm 1226.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Xuống chiếu rằng:

“Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay”. Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết”.

Tháng 12, ngày Mồng Một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế….”.

Sau khi nhường ngôi cho Trần Cảnh, Chiêu Hoàng mới có 7 tuổi và được phong làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh. Khi Chiêu Thánh được 14 tuổi thì sinh con trai là thái tử Trịnh, nhưng không may bị mất ngay sau đó.

Từ đó bà đau ốm liên miên tới 5 năm sau (1237) mà vẫn chưa có con. Lúc này Trần Thủ Độ và mẹ ruột của bà là Trần Thị Dung (công chúa Thiên Cực, đã lấy Trần Thủ Độ), ép buộc Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa (vợ của Trần Liễu, anh của vua) đang có thai để củng cố nhà Trần và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.

Về việc này, sử gia Phan Phu Tiên có nhận xét: Tam cương ngũ thường là luân lý lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, là do Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy.

Có người bảo Thái Tông không giết anh, thế là nhân, nhưng tôi thì cho rằng cướp vợ của anh, tội ác đã rõ ràng, không giết anh là vì lẽ trời chưa mất mà thôi, sao được gọi là nhân? Xét ra sau này Trần Dụ Tông dâm loạn làm càn chưa hẳn không do Thái Tông đầu têu vậy.

Ngô Sĩ Liên viết: Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đổ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?

Chiêu Thánh xuất gia đi tu. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nơi tu hành của công chúa Chiêu Thánh, người dân làng Giao Tự (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn truyền tụng rằng ngôi chùa Linh Tiên của làng mình, xưa kia chính là nơi Lý Chiêu Hoàng về tu hành một thời gian.

Theo sách “Lý Thái Hậu thực lục”, sống với vua Trần nhiều năm mà đường con cái muộn mằn, Chiêu Hoàng luôn có nỗi buồn, bà bèn dâng biểu và được nhà vua ưng thuận. Từ đó, và rời cung cấm đi ngao du, thăm phong cảnh và giảng kinh thuyết pháp ở nhiều nơi, sau đó đến tu tại chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây (theo sách Việt Nam đại hồng sử). Có thuyết khác nói Lý Chiêu Hoàng tu tại chùa Vân Tiêu nằm trên sườn núi phía Tây Yên Tử lấy pháp danh là Vô Huyền, cho đến khi triều đình gả bà cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần).

Sử chép: Sau khi đánh tan giặc Nguyên (lần thứ nhất), ngày Mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1258) Thái Tông định công phong tước, cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu, lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Ngô Sĩ Liên nói: Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa. Chiêu Thánh và Lê Phụ Trần hai người con, trai là Thượng Vị hầu Tông, gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Tuy là vua, nhưng chỉ vì là phụ nữ, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với các bậc tiên vương, do quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội quân chủ.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn, người đã viết một số cuốn sách về các triều vua nhà Lý, đưa ra các giả thiết: Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô, có thể vì bà chỉ làm vua 2 năm, mà trong thời gian đó, do bà mới 7-8 tuổi, nên không nắm thực quyền.

Công chúa

Các con gái vua được sắc phong là công chúa, sử cũ chép về nhà Lý chỉ chú trọng về các vua, cho nên tên húy các công chúa không biên rõ cũng như tên húy các hoàng hậu và mẹ vua. Thông thường chỉ có chức danh được kể ra mà thôi. Các công chúa thì được phân công trông coi việc trưng thu các thứ thuế. Cho các vương hầu công chúa được quản các thuế theo thứ bậc khác nhau. Phần nhiều các công chúa được coi là công cụ trong chính sách bảo vệ và định an biên giới. Chủ trương dùng quan hệ hôn nhân để kết thân với các tù trưởng miền núi là một chính sách duy nhất được thực hiện dưới thời Lý, và thực tế đã cho thấy những hiệu quả to lớn.

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục cho rằng: “Thời bấy giờ không đặt tiết trấn; các việc quân sự và dân sự ở các châu đều do châu mục coi quản. Các châu miền thượng du lại giao cho các tù trưởng địa phương quản lĩnh. Nhà vua sợ khó khống chế được họ, nên mới kết mối giao hảo bằng cuộc hôn nhân để ràng buộc họ”.

Việc gả các công chúa cho các thủ lĩnh bộ tộc vùng biên g̣ọi là chính sách “Ki mi”. Phó Giáo sư Memoki Shiro dạy Đại học Osaka trong khẳng định:”Vai trò chính trị của các phụ nữ, kể cả các con gái nuôi, trong gia đình các vua Lý nhiều khi được coi là công cụ cho chính sách liên minh nhờ vào các cuộc cưới gả cho những nhân vật có thế lực ở địa phương (châu mục, thủ lĩnh v.v..). Qua việc này, vua có thể xây dựng và duy trì quan hệ đồng minh với các thế lực địa phương. Hiện tượng “đồng minh hôn nhân” với thế lực ở Lạng Châu (Bắc Giang và Lạng Sơn ngày nay), là thế lực khống chế đường bộ đi Quảng Tây, đã được các tài liệu ghi chép nhiều nhất […].

Sự kiện đầu tiên được nhắc đến trong chính sử vào năm 1029, vua Lý Thánh Tông gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu (Lạng Sơn) là Thân Thiệu Thái. Trong khi đó, tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) lại cho biết, ngay từ thời Lý Thái Tổ (1009-1028), châu mục Vị Long họ Hà đã làm con rể vua. Dẫn theo Tống sử, tác giả Hoàng Xuân Hãn cũng khẳng định: Giáp Thừa Quý, châu mục Lạng châu sau khi lấy con gái Lý Công Uẩn đã được đổi sang họ Thân, con cháu về sau nhiều đời làm châu mục và phò mã. Năm 1027, Thân Thừa Quý hướng dẫn người em trai của Lý Thái Tổ để đánh vào Quảng Tây thuộc Trung quốc.

Lê Tắc, tác giả của An Nam chí lược viết vào năm 1306 đã ghi nhận một sự kiện xảy ra vào tháng 6-1028 rằng: “Chuyển vận sứ Quảng Tây tâu nói: – Công Uẩn tự tiện khiến con em và rể là bọn Thân Thừa Quý đem quân vào bản đạo, cướp bóc dân biên thùy. Chúng tôi nhiều lần cho theo tìm, đều không chịu thả về những người đã bị cướp đi, e lâu dần sẽ trở nên việc đáng lo cho biên cảnh. Nay chúng tôi muốn tăng thêm binh sĩ đã huấn luyện của bản lộ, cùng quân sĩ bộ tuần kiểm, hội họp với tráng đinh các khe động, lấy tiếng đi đòi các người bị cướp, thừa tiện kiểm tra trừ khử ác đảng. Nên hạ lệnh cho bản lộ thiết thực hợp sức đánh giặc, nếu bọn Thừa Quý ra mặt kháng cự, cố ý giữ những người đã cướp đi, không chịu trả lại, tức thì cùng với Ung Châu cũng đồng phái số binh như bản lộ hiệp binh tiễu trừ. Về các người bị cướp đi, chúng tôi cho bí mật dò xét trước, để sau này quân cướp khỏi khống chế. Nếu lời tâu bày được y, chúng tôi xin lập tức thi hành”.

Sách Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát viết từ thời Tống ghi nhận: “Giáp Động là một bộ lạc lớn. Chủ động là Giáp Thừa Quý, lấy con Lý Công Uẩn rồi đổi ra họ Thân. Con Thừa Quý là Thiệu Thái lại lấy con gái Đức Chính (Lý Thái Tông). Con Thiệu Thái là Cảnh Long lại lấy con của Nhật Tôn (Lý Thánh Tông)”.

Con gái vua Lý Thái Tông và hoàng hậu Thiên Cảm là công chúa Lý Kiều Oanh được ban sắc phong cho làm công chúa hiệu là Tân Bình, gả cho quận công Hồ Đức Cường. Công chúa Tân Bình được sắc lập phủ đệ riêng ở trại Bố Chánh (sau này là phủ Tân Bình) ở cùng với chồng để trấn phủ.

Năm 1029 gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái.

Năm 1036 gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiện Lãm, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận. Từ đó việc gả công chúa cho châu mục trở thành lệ thường của nhà Lý.

Các công chúa là Động Thiên,Thiên Thành và con nuôi là Ngọc Kiều. Lý Thánh Tông thân ngự ở điện Thiên Khánh để xử kiện, cho công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, như vậy thì các công chúa có khả năng tham dự công việc triều đình.

Công chúa Ngọc Kiều được nhà vua gả cho Châu mục Chân Đăng họ Lê khoảng năm 1058. Đại Việt sử ký toàn thư chép : Quý Tỵ, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 4 (1113)… Mùa hạ phu nhân của châu mục Châu Đăng là công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương (Nhật Trung, em vua Thánh Tông), được (vua) Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục Châu Chân Đăng là người họ Lê, chồng chết, phu nhân tự thề ở góa, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. Bà xuất gia hiệu Diệu Nhân là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của thiền phái Ti ni đa lưu chi.

Vua Nhân Tông gả em gái là công chúa Khâm Thánh cho Hà Di Khánh ở Vị Long Châu Tuyên Quang, khống chế đường bộ sang Vân Nam. Theo Việt sử lược, Thiên Thành công chúa (vợ của Thân Đạo Nguyên ở Lạng Châu) dâng cho Nhân Tông “một con rùa có sáu con ngươi, ba chân” vào năm 1079 và hai con voi trắng vào năm 1106. Thụy Thánh công chúa (vợ của Phụ Thiên đại vương ở Châu Đăng châu?) cũng dâng cho Nhân Tông một con rùa có sáu con ngươi vào năm 1125.

Năm Đinh Mùi (1127), nhà vua lại gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương (vùng Thái Nguyên, Bắc Giang) là Dương Tự Minh.

Năm Giáp Tý (1144), vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong cho ông làm phò mã lang. Như vậy, hai triều vua Lý đều có công chúa gả cho Dương Tự Minh chứng tỏ vai trò của Dương Tự Minh vô cùng quan trọng. Vua Lý xuống chiếu rằng: Giao cho viên phò mã lang này cai quản các động dọc theo biên giới về đường bộ.

Dương Tự Minh gìn giữ phên giậu quan trọng bậc nhất bấy giờ là biên giới phía Bắc. Người nước Tống là Đàm Hữu Lượng đến cướp châu Quảng Nguyên (nay thuộc Cao Bằng) của nước ta, vị phò mã lang này được vua sai đi đánh, đã có công đánh thắng quân giặc.

Năm 1167, nhà vua gả công chúa Thiên Cực cho Châu mục Lạng Châu mang tước hiệu Hòa Trung Hầu và năm 1172 lại kén Châu mục Lạng Châu Dương Cảnh Thông làm Phò mã lang.

Việt sử lược chép năm 1180, Hà công Phụ đã cưới công chúa Hoa Dương. Một sự kiện đáng lưu ý khác, xảy ra vào tháng Giêng (âm lịch) năm 1212, là ngôi nhà của Thiên Cực công chúa ở Lạng Châu bị một tướng thuộc lực lượng họ Trần cướp phá (Việt sử lược). Nếu Thiên Cực này chính là công chúa đã cưới Hoài Trung Hầu vào năm 1167 thì việc Việt sử lược đã dẫn không phải chỉ nói về người quả phụ vẫn sống ở nhà chồng đã chết, thì sự kiện này có thể bao hàm hai ý. Thứ nhất, nàng công chúa đã lấy chồng có thể vẫn có tài sản riêng (nhà ở). Thứ hai, mặc dù Thiên Cực có nhiều khả năng thường trú ở Lạng Châu, nhưng cặp vợ chồng này không nhất thiết phải sống ở nhà chồng.

Năm 1224, vua Lý Huệ Tông “không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc” làm tài sản riêng.

Tổng cộng theo chính sử trong suốt thời Lý, có tất cả 12 lần nhà vua gả công chúa cho các tù trưởng ở miền núi phía Bắc, tuy rằng các sử thần đều coi đó là lệ thường, nên nhiều khi bỏ qua không chép Ngược lại, cũng không ít lần vua Lý lấy con gái các tù trưởng miền núi làm vợ, ví như trường hợp vua Thái Tông lấy con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng (Phú Thọ, Vĩnh Phúc)…

Vương triều nhà Lý chuyển sang nhà Trần sau 216 năm với 8 đời vua và Lý Chiêu Hoàng không ở ngôi lâu. Ba vị vua Lý đầu tiên là người lớn tuổi có đủ khả năng cai trị, nhưng từ đời Nhân Tông trở về sau, liên tục xuất hiện vua còn nhỏ được hoàng thái hậu nhiếp chính.

Hoàng thái hậu vẫn có quyền lực chính trị sau khi vua đã lớn như Linh Nhân Thái hậu (Ỷ Lan) thời Nhân Tông, Cảm Thánh Thái hậu thời Anh Tông, và Đàm Thái hậu thời Huệ Tông. Có lẽ nhằm mục đích bảo vệ quyền lực và tranh giành ngôi vua cho con, các bà hoàng thái hậu hay liên kết với người đứng đầu cấm quân, như Linh Nhân Thái hậu với Lý Thường Kiệt và Cảm Thánh Thái hậu với Đỗ Anh Vũ và không ngần ngại bức tử các vương hầu nhà Lý như Đàm hoàng hậu. Kết quả là việc kế thừa trực hệ của ngôi báu được duy trì lâu dài và tránh được can thiệp của nhà Tống nhưng dẫn đến diệt vong nhà Lý.

Tham khảo

Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
Thiền Uyển tạp anh

Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm

Kể từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, ở nhiều góc độ khác nhau, Vương triều Nguyễn từng bị phê phán gay gắt và thời kỳ...

Việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa thời VNCH

Có một so sánh chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác nhưng cũng không đến nỗi khập khễnh, đó là, nếu nhà nông ra đồng làm việc cần con trâu,...

Tục lệ ma chay cúng lễ của người Việt xưa

“Lệnh vua thua lệ làng” mỗi nơi sẽ có những phong tục,tập quán mang nét đặc trưng riêng. Sau đây là những tục lệ ma chay của người Việt. 1....

Thi hào Rabindranath Tagore viếng Saigon 1929

Năm 1929, một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hóa chính trị Saigon lúc bấy giờ là thi hào của Ấn Độ Rabindranath Tagore viếng Saigon trong...

Hành Trình Dài 500 Năm Của Cây Bút Chì

Không chỉ là dụng cụ học tập ngay từ thuở chập chững tới trường mà bút chì còn là công cụ thường ngày của các kiến trúc sư, các nhà...

Sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc

Tôi vốn là người làm nghề nghiên cứu văn học.Trong cái nghề thuộc loại công tác tư tưởng này, những năm trước 1975, tôi chỉ được phép đọc các sách...

Tha-La một địa danh lịch sử

Trên đường từ thành phố Sài Gòn đi tới cửa khẩu Mộc-Bài theo quốc lộ 22A, qua khỏi khu công nghiệp hiện đại Trảng-Bàng là đến trung tâm thương mại...

Ngắm nhan sắc Hoàng hậu Nam Phương qua ảnh

Hoàng hậu Nam Phương (1914 – 1963) tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị hoàng hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Lúc sinh...

Việt Nam – Đất nước của những kẻ lười biếng

Đây là một bài viết tôi sưu tầm được, nhưng tôi phải nói trước với bạn là ngôn từ của nó không hề ngọt tai, nếu bạn chưa sẵn sàng...

Thành ngữ “Ba que xỏ lá”

Trong thời Pháp thuộc, có một bọn người chuyên tổ chức những “trò chơi có thưởng”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá, mỗi...

Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh và nhạc Phạm Duy

Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh được nhiều người ngưỡng mộ với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình”. Đặc biệt, hai...

Sông, hồ ở Hà Nội xưa và nay

Thủ đô Hà Nội là vùng đất có rất nhiều sông, hồ tự nhiên. Chính hệ thống sông, hồ này đã tạo cho Hà Nội có nhiều cảnh quan thiên...

Exit mobile version