Từ Việt gốc Hán hay từ Hán Việt, có người định lượng chiếm 65 – 70%, cũng có người định lượng chiến 70 – 80% thậm chí là 85% trong tiếng Việt. Chung quy cũng chỉ có một ý: lớp từ Hán Việt chiếm một lượng lớn, rất lớn trong tiếng Việt. Vậy người Việt đã dụng tiếng Hán cùng tiếng Việt như thế nào?
Từ Hán Việt – hiểu sao cho đúng?
Từ Hán Việt là từ vựng sử dụng trong tiếng Việt có gốc từ tiếng Hán nhưng đọc theo âm tiếng Việt. Nếu bạn hiểu từ Hán Việt được sử dụng theo nghĩa tiếng Hán và được người Việt mượn để dùng thì đó chỉ là một cách hiểu rất “thô sơ”. Khi xem xét nghĩa của từ Hán Việt, chúng ta không nên rập khuôn theo kiểu đối chiếu với nghĩa của từ Hán nguyên gốc. Kiểu đối chiếu này sẽ làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo linh hoạt của người Việt.
Trên thực tế, các từ gốc Hán khi vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do “áp lực” của cấu trúc tiếng Việt. Có nghĩa là, chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua vỏ ngữ âm thanh ban đầu.
Có thể dẫn ra vô số trường hợp để nói về điều này. Chẳng hạn, từ “hy sinh” trong tiếng Hán có nghĩa chỉ con vật dùng tế trời hoặc thần linh. Nhưng khi vào tiếng Việt, nó lại có ý nghĩa là “chết vì một lý tưởng cao cả” hay “tự nguyện nhận về phần mình những thiệt thòi mất mát vì lợi ích chung của cộng đồng”. Từ “khôi ngô”, từ Hán có nghĩa “to lớn”, còn từ Hán Việt lại có nghĩa “mặt mũi sáng sủa, thông minh”. Khi mượn, ngôn ngữ đi vay mượn có thể thay đổi theo quy ước của mình để sử dụng cho phù hợp chứ không nhất thiết phải “bê nguyên xi” từ ngôn ngữ gốc.
Từ Hán Việt bị Việt hóa như thế nào?
Diễn biến của các từ gốc Hán trong tiếng Việt nhìn chung rất phức tạp. Tuy vậy, những kết quả phân tích về chúng đã cho phép rút ra một số hướng Việt hóa như sau:
Một là, thay đổi kết cấu
Dễ thấy nhất là xu hướng rút gọn hàng loạt từ ghép thành từ đơn: văn (văn chương, văn học), lệnh (mệnh lệnh), đảm (đảm đương), hạn (kỳ hạn), điệu (yểu điệu),… Cùng với đó, người Việt lại phát triển thành từ ghép Việt Nam theo công thức: từ Việt + từ Hán (hoặc từ Hán + từ Việt). Ví dụ: cảm mến, bao gồm, bày biện, bình bầu, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động, đo đạc,…
Ngay cả những từ ghép mang gốc Hán hoàn toàn, khi trở thành từ Hán Việt thì cũng có sự chuyển đổi vị trí. Ví dụ: náo nhiệt (Hán: nhiệt náo), di chuyển (Hán: chuyển di), tố cáo (Hán: cáo tố), phóng thích (Hán: thích phóng),…
Lại có những từ ghép hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt thay hẳn một yếu tố nào đấy để dùng riêng: họa sĩ (Việt) – họa sư/họa công (Hán); tường tận – tường tế (Hán)… Thậm chí, những kết cấu ngôn ngữ Hán rất ổn định, rất bền vững là thành ngữ, thì cũng phải thay đổi lúc trở thành thành ngữ Hán Việt. Những từ nằm trong ngoặc đơn ở các thí dụ sau là gốc Hán: tác oai tác quái (tác uy tác phúc), khẩu Phật tâm xà (Phật khẩu xà tâm), du thủ du thực (du thủ hiếu nhàn), thập tử nhất sinh (cửu tử nhất sinh), an phận thủ thường (an phận thủ kỹ), thượng lộ bình an (nhất lộ bình an),…
Hai là, thay đổi ngữ nghĩa
Với những từ ghép đa nghĩa, lắm khi chúng ta chỉ chọn một số ý nghĩa nào đấy mà thôi. Chẳng hạn từ “phù phiếm”, ta chỉ dùng nghĩa bóng là “không thiết thực” mà không dùng nghĩa đen là “ngồi thuyền dạo chơi” hay “trôi nổi không cố định”.
Nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt chủ động phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán. Từ Hán “đinh ninh” vốn có nghĩa “dặn dò”, lúc trở thành từ Hán Việt thì có thêm nghĩa mới là “yên trí”, “cho là vậy”. Hoặc từ “bồi hồi” vốn có nghĩa “đi đi lại lại”, người Việt còn hiểu là “bồn chồn, lòng dạ không yên”.
Đặc sắc và có lẽ táo bạo nhất là cách thay đổi toàn diện ý nghĩa: hình thức vay mượn, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn. Như khôi ngô, từ Hán có nghĩa “to lớn”, còn từ Hán Việt lại có nghĩa “thông minh”, “mặt mũi sáng sủa”. Hoặc “mê ly”, từ Hán có nghĩa “mơ hồ, không rõ”, từ Hán Việt có nghĩa “rất hay, rất hấp dẫn”. Hoặc “lẫm liệt”, từ Hán có nghĩa là “rét mướt”, từ Hán Việt có nghĩa “oai phong”. Với những trường hợp này, tính Việt hóa đã đạt đến mức triệt để.
Ba là, thay đổi màu sắc tu từ
Thông thường, với hai từ đồng nghĩa (một từ Hán Việt và một từ Việt), thì dùng từ Hán Việt mang tính trịnh trọng hơn, hoặc văn hoa hơn. Ví dụ: phụ nữ/đàn bà; nhi đồng/trẻ em; phu nhân/vợ; mẫu tử/mẹ con; trường thọ/sống lâu; từ trần/chết…
Tuy nhiên, có những từ Hán Việt lại mang màu sắc tu từ trái ngược so với từ gốc Hán. “Đáo để” vốn có nghĩa “đến tận đáy”, “đến cùng”, song trong ngôn ngữ Việt Nam lại là “riết róng, đanh đá”. “Thủ đoạn” tiếng Hán có nghĩa “phương pháp, kỹ thuật”, song đối với chúng ta thì đây là từ chỉ “mưu mẹo, mánh khóe” theo nghĩa xấu. “Dã tâm” trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa “tham vọng”, song biến thành từ Hán Việt thì có nghĩa “lòng dạ hiểm độc”.
Từ đây trở lên có thể thấy người Việt đã “can thiệp” mạnh mẽ để biến đổi tiếng Hán khi “cho phép” ngôn ngữ này gia nhập tiếng Việt như thế nào. Vậy, nguyên nhân vì đâu mà từ Hán Việt bị biến đổi nghĩa?
Từ Hán Việt – Nguyên nhân biến đổi nghĩa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc biến đổi nghĩa tiếng/từ Hán thành từ Hán Việt. Về căn bản thì có hai nguyên nhân sau:
Một là, nguyên nhân do tiếp biến văn hóa
Bản thân văn hóa Hán khi đi vào Việt Nam cũng đã có độ “chiết xạ” nhất định, hay nói cách khác là có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội của người Việt. Ví dụ các khái niệm “trung”, “hiếu” khi vào Việt Nam đã biến đổi, ở Trung Quốc thì “trung với chủ, hiếu với cha mẹ”; ở Việt Nam, ngoài ý nghĩa trên còn có “trung với nước, hiếu với dân”. Chúng ta đều biết, ngôn ngữ và văn tự là một trong ngữ thành tố quan trọng của văn hóa. Vì vậy, lớp từ Hán Việt khi vào Việt Nam buộc phải chấp nhận những điều kiện do nhu cầu của người Việt đặt ra về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tu từ và phong cách cho phù hợp với môi trường mới.
Hai là, nguyên nhân do tiếp biến ngôn ngữ
Ngôn ngữ có tính quy ước, nghĩa là đôi khi không cần biết đúng sai, miễn được cộng đồng chấp nhận là được. Để cho dễ hiểu, có thể liên hệ đến hiện tượng “teencode”. Về mặt ngôn ngữ học thì teencode là loại ngôn ngữ “chệch chuẩn”, nhưng vì nó được cộng đồng teen chấp nhận nên vẫn được lưu hành (dù hiện tại đã suy giảm). Tương tự, có rất nhiều yếu tố Hán vào tiếng Việt đã được người Việt quy ước lại về nghĩa trên vỏ ngữ âm vốn có của tiếng Hán để phù hợp với cách sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Ví dụ người Hán nói: Thái Sơn, Hoàng Hà, Trường giang, cổ thụ, sinh nhật, tối ưu, đế quốc, giới tuyến, gia nhập, bổ sung, nội bộ, tái hiện, tận dụng, đề cập, đồng hành,… nhưng người Việt lại nói: Núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, sông Trường Giang, cây cổ thụ, ngày sinh nhật, tối ưu nhất, nước đế quốc, đường giới tuyến, gia nhập vào, bổ sung thêm, trong nội bộ, tái hiện lại, tận dụng hết, đề cập đến, đồng hành cùng,… mặc dù sơn nghĩa là núi, hà nghĩa là sông, thụ nghĩa là cây, nhật nghĩa là ngày, tối nghĩa là nhất, quốc nghĩa là nước, tuyến nghĩa là đường, nhập nghĩa là vào, sung nghĩa là thêm, nội nghĩa là trong, tái nghĩa là lại, tận nghĩa là hết, cập nghĩa là đến, đồng nghĩa là cùng… Những trường hợp này là do quy ước, cho nên dù thừa từ nhưng về cơ bản thì nó vẫn đúng, trừ những người làm việc trong lĩnh vực liên quan ngôn ngữ, thì người bình dân không ai bắt bẻ những lỗi này cả.
Lời nhắn của Ngày ngày viết chữ: Có nhiều bạn tâm sự, bởi vì biết nghĩa tiếng Hán nên đôi khi các bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt, cứ trăn trở mãi là nên dùng đúng nghĩa gốc Hán hay cứ “dùng bừa” như người Việt vẫn dùng. Thật ra, chúng ta phải hiểu rằng từ gốc Hán tuy là chúng ta đi vay mượn nhưng không phải vay mượn hoàn toàn mà có sự biến đổi. Việc chúng ta hiểu nghĩa gốc Hán rất tốt, nhưng chỉ nên xem đó như một cơ sở đối chiếu để hiểu biết thêm chứ không nên sử dụng rập khuôn rồi rũ bỏ sạch sẽ những lớp nghĩa hay cách dùng đã biến đổi của người Việt. Như Ngày ngày viết chữ đã nói rất nhiều lần “nửa đùa nửa thật” trên fanpage, chúng ta biết nghĩa gốc Hán để tăng cường hiểu biết, làm dày thêm trí óc chứ đừng tùy tiện “sửa lưng” cách dùng từ trong tiếng Việt, đừng làm chuyện “phản xã hội”, ngôn ngữ tự có đời sống riêng của nó.