Xyanua hay Cyanua là một hợp chất hoá học có chứa nhóm xyano (C≡N). Hóa chất này hoạt động nhanh mạnh, có khả năng gây chết người dưới nhiều dạng hợp chất khác nhau trong thời gian ngắn.
Chỉ cần 50mg – 200mg xyanua hoặc hít phải 0,2% khí xyanua, có thể khiến một người trưởng thành tử vong.
Xyanua có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: thể rắn (như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN)), lỏng, hay khí (như hydro cyanide (HCN) hoặc xyanua clorua (CNCl)).
Chất độc này xuất hiện ở khắp mọi nơi từ các chất tự nhiên trong một số thực phẩm và thực vật cho đến trong hạt của các loại trái cây phổ biến, như quả mơ, táo và đào. Ngoài ra, xyanua còn xuất hiện trong khói thuốc lá.
Xyanua độc như thế nào?
Khi xyanua đi vào cơ thể của một người thì nó sẽ khiến các tế bào của cơ thể không sử dụng được oxy và chết. Vì tim và não sử dụng rất nhiều oxy nên 2 bộ phận này bị ảnh hưởng nhiều nhất khi cơ thể bị nhiễm độc xyanua.
Mức độ ngộ độc do xyanua gây ra tùy thuộc vào lượng mà một người tiếp xúc, lộ trình tiếp xúc và thời gian tiếp xúc.
Dấu hiệu và triệu chứng khi bị ngộ độc xyanua
Triệu chứng khi bị ngộ độc xyanua tương tự như một số triệu chứng khác của bệnh bình thường nên rất khó phát hiện.
Bị ngộ độc xyanua khi tiếp xúc với một lượng nhỏ xyanua, nạn nhân sẽ có một số hoặc tất cả các dấu hiệu và triệu chứng sau đây trong vài phút: chóng mặt, đau đầu, thở nhanh, tim đập nhanh, bồn chồn, buồn nôn và ói mửa.
Nếu nạn nhân tiếp xúc với một lượng lớn xyanua bằng bất kỳ con đường nào cũng có thể bị co giật, mất ý thức, chấn thương phổi, nhịp tim chậm, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Nếu may mắn sống sót sau ngộ độc xyanua nghiêm trọng, nạn nhân vẫn có thể bị tổn thương tim, não và thần kinh.