Có một thứ gắn bó với người Việt Nam từ khi lọt lòng mẹ cho tới phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi lên “cõi tiên”. đó là chiếc chiếu cói.

Theo sử sách ghi lại thì chiếc chiếu cói ra đời từ khi Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ đi sứ sang Trung Quốc đã tìm hiểu, học hỏi được bí quyết nghề dệt chiếu ở Quảng Tây Trung Quốc mang về truyền dạy cho dân làng Hới nay thuộc xã Tân Lễ huyện Hưng Hà (Thái Bình). Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn, chiếu đẹp hơn. Rồi từ làng Hới, nghề dệt chiếu được phát triển ra cả nước. Đó là các làng chiếu Nga Sơn (Thanh Hoá), Kim Sơn (Ninh Bình), Sơn Tịnh, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định), Vĩnh Thái (Nha Trang, Khánh Hoà), Tân Duyên – Đầm Dơi, Tân Lộc – Thới Bình, Tân Thành – Cà Mau… và nhiều nơi  khác.

Nguyên liệu chính để dệt chiếu là cói và đay là hai loại cây được trồng ở vùng duyên giang, duyên hải. Dệt chiếu, phải có hai người làm. Khi dệt, hai tay người thợ nâng đưa khổ về phía trước sao cho giữa hai lần sợi đay tạo thành một khe hở nhỏ, đồng thời có một người ngồi bên đưa sợi cói vào khe hở đó. Ngay lập tức, người thợ rập khổ xuống sao cho các sợi chiếu nằm ngang khít đều nhau.  Người thợ cứ tiếp tục làm thế cho đến khi hoàn thành tấm chiếu. Trong khi dệt, người thợ thường xuyên chú ý bẻ viền ở đầu gáy để tấm chiếu được bền, đẹp, không bị xổ. Dệt xong tấm chiếu đầu tiên, người thợ phải chú ý để các sợi đay còn dài ra một đoạn để khi dệt tấm chiếu thứ hai, các sợi đay được nối với đầu sợi đay của tấm chiếu thứ nhất, như vậy công việc dệt chiếu được tiến hành một cách liên tục và nhanh chóng.

Dệt chiếu xong, người thợ tiếp tục công đoạn in hình trang trí rồi hấp sấy.

Chiếu có nhiều loại. về màu sắc có chiếu trơn và chiếu hoa. về kích thước có chiếu đơn và chiếu đôi… Nói chung chiếu có nhiều loại: chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu kẻ sọc màu, chiếu in hoa, chiếu cạp điều, chiếu sợi xe… Chiếu đơn khổ rộng từ 0,80m đến 1,2 m (dùng cho cá nhân). Chiếu đôi thường 1,5 đến 1,6 m (dùng cho gia đình). Chiếu mới có màu trắng ngà, ưa nhìn, có mùi thơm cói đồng dễ chịu. chiếu dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn. chiếu có độ mềm vừa phải, dễ giặt, thoáng sạch, thoát nước nhanh, mau khô…

Với bàn tay tài hoa khéo léo của mình, những người thợ chiếu ở những miền quê đất nước gửi vào trong tấm chiếu ấy tình yêu quê hương xứ sở của mình. Người thợ chiếu Thu Xà (Tư Nghĩa), Cổ Luỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) gửi tình cảm của mình vào tấm chiếu những sắc màu tươi tắn có in hình con bướm, trái đào… Người thợ chiếu  Hoài Châu, Hoài Nhơn (Bình Định) gửi tình cảm của mình vào những tấm chiếu mềm mại dệt bằng sợi cói, sợi tra… Bằng những nguyên liệu đơn giản như cây lác, cây bố và một khung dệt kết cấu thành nhiều lỗ để dệt theo nhiều kích cỡ khác nhau, người thợ làng chiếu Tân Duyệt – Đầm Dơi, Tân Lộc – Thới Bình, Tân Thành (Cà Mau) đã dệt nên những “đôi chiếu bông có chiều dài hai thước để tô điểm nơi chốn loan phòng”. Bằng kỹ thuật điêu luyện và tài nghệ lâu đời, người thợ chiếu làng Hới (Thái Bình) đã dệt nên những tấm chiếu hới có thương hiệu nổi tiếng cả nước từ ngày xưa cho đến bây giờ. Còn cái đẹp quyến rũ của chiếu Nga Sơn, Kim Sơn là sự óng chuốt, mềm mại. Từ xa xưa, chiếu Nga Sơn, Kim Sơn đã được các bậc vua chúa ở kinh kỳ Thăng Long biết tới…

Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (chiếu cói Việt  Nam) | Văn mẫu lớp 8

Chiếc chiếu cói đã gắn bó với người Việt Nam từ thuở nằm nôi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Suốt một đời dài dằng dặc năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi xuân  (mà cũng có khi ngắn ngủi vô cùng) ấy, con người ta, dù chỉ quanh quẩn xó nhà hay xuống bể, lên rừng, tung hoành khắp trời nam đất bắc thì lúc nào và ở đâu – con người ta cũng phải không ngừng vật lộn, tranh đấu. Chỉ khi về ngã vào chiếc chiếu màu trắng ngà thơm thơm mùi cói đồng hay màu thâm thâm khai khai mùi nước đái trẻ con – chỉ khi ấy, con người ta mới được thật sự là chính mình. Chỉ khi ấy, con người ta mới được ngơi nghỉ. Chiếc chiếu đã an ủi con người ta, vỗ về con người ta, đưa con người ta vào giấc ngủ ngon lành và mơ những giấc mơ tiên…

Cũng trên chiếc chiếu màu trắng ngà hay thâm thâm ấy, con người ta đã được hưởng những niềm vui bình dị của con người. Trên chiếc chiếu trắng ngà hay thâm thâm ấy, sự sống đã được sinh sôi… Mùa xuân, hạnh phúc, hoa đào nở, chim hót líu lo, gió lành và nắng vàng xôn xao… có lẽ cũng được bắt đầu từ trên những chiếc giường có trải những tấm chiếu trắng ngà hay thâm thâm ấy.

Những khi con người ta “khố rách, áo ôm”, khốn cùng quẫn bách nhất, trên đời không có ai làm bạn – những người bạn xa gần, thân sơ, kể cả bạn chí cốt, bạn nối khố có thể cũng bỏ ta mà đi. ấy thế mà chiếc chiếu không bỏ ta. Những khi khốn cùng quẫn bách nhất, ta vẫn còn có manh chiếu rách làm bạn…

Thử hỏi trên đời này, còn có người bạn nào thuỷ chung, trọn tình, trọn nghĩa với ta như chiếc chiếu này chăng ?

Xã hội loài người đã và đang tiến lên văn minh hiện đại. Nhiều thứ sẽ không còn bóng dáng trong cuộc đời này nữa. Thế nhưng, chiếc chiếu cói thì có lẽ sẽ còn mãi, sẽ còn mãi với từng gia đình, còn mãi, còn mãi với con người, với dân làng, với đất nước.