“Tào Tháo rượt” (hay “Tào Tháo dí”) là cách gọi dân gian để chỉ bệnh tiêu chảy. Thành ngữ này thường dùng để chỉ “tình trạng khẩn cấp” do bệnh tiêu chảy gây ra, cần phải kiếm chỗ “giải quyết” ngay. Vậy nhân vật Tào Tháo có liên quan gì tới “Tào Tháo rượt” hay không? Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng yếu tố:

– Tào Tháo (曹操; 155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán (Trung Quốc), lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Trong Tam Quốc chí hay Tam Quốc diễn nghĩa có chi tiết cho thấy “Tào Tháo rượt” (曹操 追 Tào Tháo truy), đó là cảnh Tào Tháo “đánh Từ châu. Vài vạn quân của Lưu Bị không chống nổi, bị thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc… (Wikipedia, mục “Tào Tháo”). Nhưng chi tiết này chẳng dính dáng gì tới bệnh tiêu chảy. Ở Trung Quốc, người ta gọi bệnh tiêu chảy là Phúc tả 腹瀉 (phúc: bụng; tả: chảy dốc xuống, chảy tháo ra, gọi chung là “tiêu chảy”) và cũng chẳng… “ăn nhập” gì tới ông Tào Tháo cả. Người Trung Quốc có thành ngữ 说到曹操曹操就到 (thuyết đáo Tào Tháo, Tào Tháo tựu đáo), nghĩa là “vừa nhắc đến Tào Tháo, Táo Tháo đã đến”, nói ngắn gọn hơn: 说曹操曹操到 (thuyết Tào Tháo, Tào Tháo đáo) – “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”, và nhìn chung, cũng chẳng liên quan gì tới bệnh… “ải chỉa”!

Vậy, thành ngữ “Tào Tháo rượt” có nguồn gốc từ Việt Nam chăng? Đúng vậy! Nhưng tại sao lại lấy nhân vật Tào Tháo để nói về bệnh tiêu chảy? Xin thưa, có quan điểm cho rằng trong tiếng Việt “tháo dạ” có nghĩa là “tiêu chảy”, do có chữ “tháo” nên người ta liên tưởng đến “Tào Tháo” để nói về bệnh này, một cách chơi chữ, nhằm tránh nói trực tiếp đến “tiêu chảy”. “Bị Tào Tháo rượt” có nghĩa là “bị bệnh tiêu chảy rượt”. Điều này đúng, nhưng cần phải phân tích sâu hơn, kẻo giải thích nhầm, dẫn tới hiểu không chính xác về từ nguyên.

Xét về ngôn ngữ, Tào Tháo là danh từ riêng, chữ tào 曹 trong chữ Hán và Nôm đều viết giống nhau, nhưng chữ tháo lại viết khác nhau: tháo 操 (Hán) – tháo 造 (Nôm). Cần lưu ý, chữ “tháo” trong tên của Tào Tháo không liên quan gì tới bệnh tiêu chảy, bởi vì chữ tháo trong cả Hán – Nôm không phải là chữ tháo (Nôm) trong tháo dạ (tiêu chảy).

Trong chữ Nôm, có ba chữ: tháo 操 (trong tháo vát), tháo 慥 (trong tháo chạy) và tháo 躁 (trong tháo lui), những chữ này có thể dùng trong tháo dạ. Tại sao? Vì chữ Nôm là chữ ghi âm tiếng Việt, khi viết tháo dạ người ta thường dùng một trong ba chữ tháo đó. Song cần lưu ý, trong chữ Nôm còn có những chữ tháo khác, mang ý nghĩa khác, không được sử dụng trong tháo dạ.

Trong chữ Nôm, có ba chữ dạ (肔,胣,腋) dùng để chỉ dạ dày (bao tử), tất cả đều có thể dùng trong tháo dạ. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi thấy từ tháo dạ có cách viết khác nhau trong chữ Nôm. Nhân tiện, khi nói về bệnh tiêu chảy, chúng tôi đề nghị sử dụng thống nhất chữ Nôm như sau: 操肔 (tháo dạ).

Kết luận

“Tào Tháo rượt” là một cách nói mà người bình dân chúng ta mượn từ “Tào” của nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc chí như là một kiểu khôi hài cho vui. Hiện tượng đồng âm giữa chữ Tháo (danh từ riêng, đọc theo âm Hán Việt) với chữ tháo (trong tháo dạ, đọc theo tiếng Việt) đã giúp tạo ra thành ngữ “Tào Tháo rượt”. Cách chơi chữ đồng âm như thế rất phổ biến trong tiếng Việt.

————————–

Vương Trung Hiếu