Vì sao bạn không tiết kiệm tiền được?

Nếu bạn luôn cảm thấy “không xài gì mà vẫn hết tiền” thì khả năng cao là bạn… không biết mình đã tiêu gì thật và không có một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng. Xã hội hiện đại luôn khuyến khích con người mua sắm và chi tiêu ngày càng nhiều. Những chiến dịch marketing quy mô và các quảng cáo thường trực trên TV, internet đánh mạnh vào cảm xúc người tiêu dùng và luôn nhắc nhở họ phải mua ngay món đồ họ thích mà không để bạn có thời gian suy nghĩ và cân nhắc. Cứ như vậy, bạn bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu vô thức. Việc chi tiêu dựa vào cảm xúc sẽ làm bạn vung tay quá trán ngay thời điểm vừa nhận được lương và phải chật vật vào cuối tháng.

white ceramic mug on table

Xác định rõ mục tiêu tiết kiệm

Bạn nên xác định rõ bạn tiết kiệm để làm gì: mua nhà, mua xe, lập gia đình, sinh con, đầu tư học tập cho con, hưu trí,… để có thể vạch ra một ngân sách và lộ trình tiết kiệm phù hợp nhất với tình trạng tài chính hiện tại của bản thân.

Ví dụ bạn muốn mua xe hơi giá 500 triệu đồng, bạn đã có sẵn 200 triệu. Lương mỗi tháng của bạn được 20 triệu đồng. Ban muốn dành 30% số lương để tiết kiệm tức 6.000.000 mỗi tháng. Như vậy bạn sẽ để dành được số tiền 300.000.000 đồng còn lại trong khoảng 4-5 năm.

Ngoài việc đặt mục tiêu dài hạn, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu lớn và lập các mục tiêu ngắn hạn để theo đuổi kế hoạch tốt hơn. Chẳng hạn với mục tiêu tiết kiệm 5 năm như trên, bạn có thể chia nhỏ ra mục tiêu mỗi năm để không cảm thấy “ngộp thở” trước số tiền phải tiết kiệm quá lớn.

Việc xác định mục tiêu tiết kiệm và lập kế hoạch sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ nét về việc tiết kiệm và chủ động tính trạng tài chính của bản thân đồng thời cảm thấy có nhiều động lực hơn.

Tiết kiệm trước, chi tiêu sau

Nhiều người hay có ý nghĩ chi tiêu dè sẻn, cuối tháng còn bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu. Tuy nhiên phương pháp này hiếm khi nào có hiệu quả, đặc biệt đối với những người yêu thích mua sắm, ăn uống và hưởng thụ. Bạn sẽ tự cho phép mình tiêu xài thêm chút nữa, chút nữa và nhận ra mình không còn chút nào để tiết kiệm vào cuối tháng. Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên gửi tiết kiệm ngay từ đầu tháng, lý tưởng hơn là gửi tiết kiệm tự động.

Tiết kiệm với phương pháp Kakeibo của người Nhật

 Yếu tố tiên quyết bạn cần nắm vững khi tiết kiệm đó là luôn nhận thức được việc chi tiêu của bản thân. Chỉ có nắm rõ mình chi tiêu gì bạn mới có thể lập một kế hoạch chi tiêu hiệu quả. Bạn có thể tham khảo phương pháp Kakeibo của Nhật, một phương pháp quản lý tài chính cực hiệu quả có thể giúp bạn cắt giảm chi tiêu đến 40%.

 

Kakeibo là một phương pháp quản lý chi tiêu do nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Mokoto Hani sáng tạo ra. Ý thức được tầm quan trọng của việc ý thức được tình trang tài chính của bản thân và tin tưởng vào việc quản lý tài chính mang đến cuộc sống bền vững và hạnh phúc, bà đã cho xuất bản cuốn sổ chi tiêu Kakeibo dành cho các bà nội trợ.

Sau khi nhận được tiền lương đầu tháng, bạn hãy lấy giấy bút ra và bắt đầu thực hành Kakeibo cho số tiền chi tiêu còn lại. Chu trình Kakeibo tuân theo những bước sau:

CHU TRÌNH KAKEIBO
Bước 1: tính toán tổng thu nhập của cả tháng từ các nguồn (lương, làm thêm, phụ cấp,…) và trừ đi tất cả các chi phí cần thiết cố định như nhà cửa, các hoá đơn điện nước,… để xem bạn còn bao nhiêu tiền để chi tiêu.

Bước 2: Đặt mục tiêu tiết kiệm trong tháng và gửi ngay số tiền này vào ngân hàng, tuyệt đối không đụng đến nó.

Bước 3: Sắp xếp những mục cần chi tiêu theo các hạng mục

  • Nhóm cần thiết: những khoản bạn không thể không chi như tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại,…
  • Nhóm giải trí: mua sắm, cà phê, bạn bè, sách truyện, xem phim, thể thao,…
  • Nhóm phát sinh: ma chay, cưới hỏi, sửa chữa đồ đạc, thuốc men…

Bước 4: Đặt mục tiêu tài chính cho tháng đó ví dụ như cắt giảm chi phí thiết yếu bằng cách nấu ăn ở nhà, tìm được một cửa hàng giá tốt, không phung phí quá một số tiền nhất định cho mua sắm,…

Bước 5: Vào cuối tháng, hãy ngồi lại và hạch toán chi tiêu trong tháng xem bạn đã tiêu xài bao nhiêu và tiết kiệm được bao nhiêu (không tính khoản tiết kiệm đầu tháng)

Bước 6: Tìm ra những khoản vượt mức, những khoản bạn tiết kiệm được và rút kinh nghiệm cho tháng tiếp theo

Chi tiêu thông minh, tiết kiệm tối đa

Sự phát triển của ngành thương mại điện tử cho phép khách hàng mua sắm ở khắp mọi nơi một cách thật đơn giản và dễ dàng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến chị em phụ nữ luôn rơi vào trạng thái cháy túi. Những quảng cáo thường trực và những chương trình khuyến mãi luôn thúc giục bạn phải “mua ngay kẻo lỡ” nhưng bạn có thực sự cần những thứ đó hay không?<

Trước khi mua sắm một món đồ nào đó bạn hãy suy nghĩ thật kỹ và đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Bạn có thực sự cần món đồ đó không?
  • Món đồ đó có mang lại thêm giá trị cho bạn không?
  • Món đồ đó có phù hợp với những thứ khác bạn đang sở hữu hay không?

Mua sắm theo sở thích, cảm xúc sẽ khiến bạn hối hận về sau và nhận ra những món bạn đã mua chẳng mang lại một giá trị thêm nào hoặc không hề phù hợp với những món đồ khác và sẽ khiến bạn rơi vào một vòng lặp mua sắm. Chẳng hạn như bạn mua một chiếc áo khoác rất đẹp nhưng chiếc áo kia lại không phù hợp với tủ đồ của bạn, thế là bạn lại phải mua thêm áo váy, trang sức, giày dép để phù hợp với chiếc áo khoác ấy, cuối cùng bạn mất một khoản tiền lớn cho thời trang. Trong khi cũng với số tiền ấy, bạn có thể tiết kiệm hoặc đầu tư cho bản thân, làm dày thêm trải nghiệm như đăng ký một lớp học bạn thích, đi du lịch, mua sách,…

Đầu tư tiền bạc vào đúng chỗ

Để trở nên tự do về tại chính, cách tốt nhất không phải là để dành tiền thật nhiều mà là để tiền đẻ ra tiền cũng như có nhiều nguồn thu nhập. Nếu để khoản tiền dư nằm yên một chỗ, bạn sẽ khó mà trở nên giàu có được, thay vào đó hãy học cách đầu tư vào các kênh khác nhau. Một số kênh đầu tư được nhiều người ưa chuộng đó là chứng khoán, nhà đất, hùn hạp, mở một cơ sở kinh doanh nhỏ,…

Warren Buffet – tỷ phú đầu tư đã từng nói “Xét cho cùng, có một khoản đầu tư có thể thay thế tất cả khoản đầu tư khác: Đó là đầu tư vào bản thân. Không ai có thể lấy đi năng lực của bạn, và mọi người đều có tiềm năng, chỉ là họ vẫn chưa dùng đến thôi.” Việc đầu tư cho bản thân mình, nhất là khi còn trẻ sẽ làm bạn trở nên thông thái, hạnh phúc hơn và tiền bạc sẽ từ đó mà đến. Ngay cả khi đầu tư cho bản thân không hẳn sẽ đem lại lợi ích tức thời như chứng khoán, khi đi học một khoá học bạn thích, tham gia một câu lạc bộ hay đọc sách, bạn vẫn sẽ trở nên thú vị và có thêm nhiều bạn bè. Điều này sẽ làm bạn trở nên hạnh phúc hơn và gia tăng chất lượng cuộc sống của bạn.