Từ Đông sang Tây xưa nay có rất nhiều môn cờ khác nhau, mỗi môn cờ lại có một luật chơi của riêng nó với những ưu điểm và điều thú vị dành cho những người chơi. Cờ vây là một môn cờ ra đời từ rất sớm, nhưng lại không được phổ biến như cờ Vua hoặc cờ Tướng. Luật chơi của cờ Vây tương đối đơn giản nhưng cờ Vây chứa đựng trong nó những lối chơi biến hóa, phức tạp nhất trong số các trò chơi được biết từ xưa đến nay. Một kỷ thủ cờ Vây- ông Emmanuel Lasker đã nói: “Cờ Vua chỉ hạn chế cho nhân loại sống trên Trái Đất, trong khi cờ Vây vượt khỏi thế giới này.”
Bàn cờ và quân cờ vây
Bàn cờ vây
Bàn cờ vây tiêu chuẩn có dạng hình vuông, thường được làm bằng gỗ, bao gồm 19 đường kẻ dọc và 19 đường kẻ ngang, cắt nhau tạo thành 361 giao điểm và các ô bằng nhau. Các giao điểm của các đường kẻ ngang và dọc chính là vị trí đặt các quân cờ.
Trên bàn cờ vây, giao điểm ở trung tâm bàn cờ được đánh dấu 1 điểm đen và gọi là Sao trung tâm ( thiên nguyên), ngoài ra còn 8 điểm đen được đánh xung quanh bàn cờ như hình bên dưới, được gọi là các sao từ 1 đến 8.
Ngoài kích thước tiêu chuẩn kể trên, bàn cờ vây có thể có các kích thước khác là 9×9, 11×11, 13×13, 15×15, 17×17. Bàn cờ 9×9 thường được sử cho người mới bắt đầu tham gia học luật chơi.
Quân cờ
Quân cờ Vây có hình tròn dẹt, bằng nhựa, sứ hoặc gỗ. Bộ cờ vây tiêu chuẩn bao gồm 180 quân cờ trắng và 181 quân cờ đen, tổng cộng là 361 quân cờ.
Cách chơi một ván cờ vây
1. Mục tiêu của trò chơi Cờ vây
Đó là người chơi nào dành được nhiều “đất” hơn người chơi đó sẽ dành chiến thắng. Để hiểu thêm về “đất”, bạn hãy xem tại mục 3 – Các khái niệm cơ bản khi chơi Cờ vây trong bài viết này nhé.
2. Bắt đầu trò chơi
Bàn cờ vây khi bắt đầu trò chơi là bàn cờ trống, không có quân cờ nào. Cờ vây được chơi bởi 2 người chơi. Mỗi người chơi được chia cầm một bên quân Đen hoặc Trắng.
3. Lượt đi đầu tiên
Người cầm quân đen sẽ đi trước, do số lượng quân đen nhiều hơn quân trắng 1 quân. Tuy nhiên trong luật chấp quân, quân trắng có thể đi trước.
Luật chấp quân:
Người chơi có quyền chấp từ 2 đến 9 quân. Các quân chấp lần lượt được đặt vào các vị trí sao thiên nguyên, sao góc và sao biên. Quân đặt vào các sao này là quân Đen và quân Trắng được quyền đi trước. Đối với Chấp quân, sẽ có 1 số điều luật riêng được nhắc tới ở các phần dưới.
Cách đặt quân:
Quân cờ phải được đặt vào giao điểm của các đường kẻ. Không đặt quân vào ô vuông hay trên đường kẻ.
Ví dụ: Hai quân Đen trong hình là đúng luật. Các đặt các quân Trắng như dưới là sai luật.
Một quân cờ khi đã đặt xuống thì không được phép di chuyển trừ trường hợp bị ăn quân và phải nhấc ra khỏi bàn cờ. Các quân cờ bị nhấc ra khỏi bàn cờ này là các quân cờ “ tù binh”, bị đối phương làm cho hết “ khí”. Không được phép đặt quân ở vùng hết “khí”
Để hiểu thêm về khái niệm về “ khí” hãy xem thêm tại mục 3 của bài viết này.
4. Các lượt đánh tiếp theo
Người chơi thứ hai tiến hành lượt đi của mình. Hai bên người chơi thay phiên nhau chơi lượt đi của mình.
Đến lượt của mình, mỗi người chơi sẽ có một khoảng thời gian để suy nghĩ và chơi cờ. Nếu hết khoảng thời gian này mà người chơi không thể đặt xuống bất cứ quân cờ nào thì bị xử thua là hết thời gian. Tuy nhiên người chơi có quyền bỏ lượt.
Trong trường hợp đến lượt chơi của mình, 1 người chơi bỏ lượt thì quyền đánh thuộc về đối phương. Nếu hai người chơi đều bỏ lượt liên tiếp thì sẽ kết thúc ván cờ.
5. Kết thúc ván cờ
Một ván cờ vây kết thúc khi:
– Hết thời gian: khi một đối thủ đến lượt đánh mà không đánh và không tiến hành bỏ lượt.
– Đầu hàng: Đến lượt đánh của mình, người chơi đầu hàng.
– Không còn đất: Khi trên bàn cờ vây không còn nước nào để mở rộng đất nữa
– Hai bên người chơi đều bỏ lượt.
6. Cách xét kết quả ván cờ
Khi ván cờ kết thúc, hai bên người chơi sẽ ngồi lại để cùng tính kết quả của ván cờ như sau:
– Trao trả tù binh: Trước tiên hai bên sẽ tiến hành trao trả tù binh cho nhau. Bên Đen trả tù binh cho bên Trắng bằng cách đặt các quân Trắng vào vùng đất của bên Trắng. Bên Trắng cũng tiến hành tương tự.
– Đếm đất: Sau khi tiến hành trao trả tù binh, đếm số đất của mỗi bên đang có theo số “mục”.
– Cộng “mục”: Người chơi đi sau được cộng thêm một khoản gọi là “mục”.
Bàn cờ 19×19: Cộng 6.5 mục
Bàn cờ 17×17: Cộng 4.5 mục
Bàn cờ 15×15: Cộng 3.5 mục
Bàn cờ 11×11: Cộng 1.5 mục
Bàn cờ 9×9: cộng 0.5 mục
Số đất cuối cùng của người đi trước bằng số đất vừa đếm. Số đất của người đi sau bằng số đất đếm được cộng thêm mục.
Mục tiêu của cờ Vây đó là giành được càng nhiều đất càng tốt. Vì vậy, bên nào nhiều đất hơn thì bên đấy thắng.
Các khái niệm cơ bản khi chơi cờ vây
1. Đất
Đất là một vùng bàn cờ nhất định, được bao quanh toàn bộ bởi quân Đen ( hoặc quân Trắng). Cũng có thể sử dụng các biên và góc bàn cờ để vây đất.
Trong hình bên dưới, các điểm đánh dấu chéo chính là các vùng đất của các bên Đen và bên Trắng. Vùng đấy ở phía bên ngoài chưa được tính là vùng đất của bên nào.
Các điểm đánh dấu là các giao điểm của bàn cờ, được gọi là mục, dùng làm đơn vị tính của đất. Ví dụ, trong hình trên, bên Đen có 12 mục, bên Trắng có 16 mục.
2. Khí
Khí là giao điểm sát một quân cờ theo đường ngang và dọc. Một quân cờ đặt xuống bàn, nó sẽ có 4 khí nếu nằm ở giữa bàn cờ, có 3 khí nếu nằm trên biên và 2 khí nếu nằm ở góc.
Tăng khí: Khi ta đặt một quân cờ cùng màu bên cạnh quân cờ đã có, chúng sẽ nối với nhau và tạo ra một đám quân có nhiều khí hơn. Ví dụ, ở hình dưới, ta thấy hai quân cờ Đen có 6 khí.
Giảm khí: Ngược lại, khi ta đặt một quân cờ khác màu bên cạnh quân cờ đã có, quân cờ này sẽ bị giảm đi 1 khí. Ví dụ: quân cờ Đen bên dưới chỉ còn 3 khí.
3. Ăn quân hay bắt quân
Khi một bên người chơi đi quân và chẹn nốt khí cuối cùng của một quân hoặc một đám của đối phương, đám quân này sẽ bị coi là “ hết khí”. Tất cả đám quân bị bắt làm “ tù bình” và bị dời khỏi bàn cờ. Số tù binh này được sử dụng để tính điểm cuối ván cờ vây.
Ví dụ như hình bên dưới, quân Đen chỉ còn 1 khí duy nhất. Nếu quân Trắng đi và hình tam giác, quân Trắng sẽ ăn được 1 quân Đen và loại nó ra khỏi bàn cờ.
4. Điểm hết khí
Là các giao điểm ở bên trong vùng đất của một bên đã được vây kín. Như ở trên đã nhắc tới, trong cờ vây, có hai nước đặt quân cấm là:
– Không được phép đặt quân vào giao điểm của trong vùng đã bị đối phương chặn hết khí ( bị bao vây).
– Cấm đi vào giao điểm còn lại cuối cùng của đám quân đã bị đối phương vây chặt.
5. Mắt
Là một hay nhiều giao điểm trống của một đám quân bị vây kín một bên. Có hai loại mắt là mắt to và mắt nhỏ. Mắt nhỏ có từ 1-2 giao điểm. Mắt to có từ 3 giao điểm trở lên.
Ngoài ra, mắt cũng được chia thành hai loại là mắt thật và mắt giả. Mắt thật là mắt hoàn chỉnh, trong các vị trí đều có đủ quân. Mắt giả thiếu quân, về sau có thể không còn mắt nữa.
Trên đây là những kiến thức, điều luật và cách chơi cơ bản của môn cờ vây.Khi bắt tay vào chơi cờ, bạn sẽ dần dần học thêm được nhiều kinh nghiệm và mẹo bày nước cờ để giành được nhiều lợi thế nhất. Như bạn đã biết, cờ vây là môn cờ thiên biến vạn hóa với rất nhiều các nước cờ phức tạp khác nhau mà bạn có thể mất nhiều năm mới có thể thuần thục hết được.