Biên bản ván cờ là một bản ghi các nước đi của 2 kỳ thủ trong một ván đấu. Trong quá trình diễn ra ván đấu, mỗi đấu thủ phải tự ghi cả nước đi của mình và nước đi của đối phương vào biên bản ván cờ. Nhờ có biên bản ván cờ, ta có thể dễ dàng lưu giữ và xem lại các ván cờ của mình. Xếp cờ vua
Việc này có rất nhiều ý nghĩa trong việc học tập cờ vua. Vì, biết sai sót ở đâu trong ván cờ ta có thể chỉnh sửa, rút kinh nghiệm để dần trở nên tốt hơn trong tương lai. Để học cách ghi chép biên bản ván cờ vua, chúng ta cần nắm bắt được một số kiến thức cách sắp xếp bàn cờ vua và cách ghi chép biên bản ván cờ vua sau đây.
Bàn cờ vua, cách xếp cờ vua và kí hiệu các quân cờ
Bàn cờ vua có hình vuông 8×8 , gồm 64 ô đen trắng xen kẽ nhau và được đánh thứ tự chiều ngang từ a đến h, và chiều dọc từ 1-8 . Các ô là giao điểm sẽ được đặt tên theo chữ cái ( hàng ngang) – số ( hàng dọc). Ví dụ: ô b2: tức là ô giao điểm của hàng b, cột 2.
Các quân cờ vua được kí hiệu tên viết tắt lần lượt sẽ là:
V (Vua), H (Hậu), X (Xe), M (Mã), T (Tượng).
Lưu ý: Quân Tốt không có kí hiệu.
Ví dụ: Trong bàn cờ vua trong hình, ta có vị trí của các quân cờ trong bàn cờ vua như sau:
Bên trắng:
– Vua nằm ở ô b2 (hàng 2 cột b), được ký hiệu là: Vb2
– Tốt nằm ở ô e6 (hàng 6 cột e), ký hiệu là: e6
– Tượng nằm ở ô d5 (hàng 5 cột d), ký hiệu là: Td5
Bên đen:
– Vua nằm ở ô g8 (hàng 8 cột g), ký hiệu là: Vg8
– Hậu nằm ở ô d8 (hàng 8 cột d), ký hiệu là: Hd8
– Tốt nằm ở ô d6 (hàng 6 cột d), ký hiệu là: d6
Cách ghi chép biên bản ván cờ vua
Về cơ bản, kỳ thủ ghi chép nước đi như sau:
ký hiệu viết tắt của quân cờ (viết chữ in) + ô nó di chuyển đến (viết chữ thường).
Trong luật chơi cờ vua cơ bản, chúng ta biết sẽ có một số nước di chuyển quân cơ bản như ăn quân, bắt quân… Cách ghi chép chi tiết như sau:
– Cách ghi chép ván cờ khi bắt quân:
Nước bắt quân thường được thể hiện bằng ký tự “x” chen giữa.
Ví dụ: Trên bàn cờ ta thấy nếu tốt đen (c5) ăn quân tốt trắng (d4) ta ghi: cxd4 hoặc cd4 hoặc c:d4 (thường ghi là: cxd4 )
– Cách ghi chép ván cờ vua khi di chuyển quân:
Trong bàn cờ vua trên hình, ta thấy Quân trắng có 2 quân Mã, 1 mã nằm cột b1, mã còn lại cột f3. Lúc này, có 1 điều khá đặc biệt là: cả 2 quân Mã đều có thể di chuyển về ô d2. Vậy cách ghi như thế nào?
Với trường hợp này:
+ Nếu mã cột b di chuyển về ô d2, ta ghi: Mbd2
+ Nếu mã cột f di chuyển về ô d2, ta ghi: Mfd2
– Cách ghi chép ván cờ khi nhập thành
Nước nhập thành gần (nhập thành cánh VUA) ta ghi: 0-0
Nước nhập thành xa (nhập thành cánh HẬU) ghi: 0-0-0
– Cách ghi phong cấp cho Tốt
Nước phong cấp được biểu diễn bằng dấu =.
Ví dụ: g8=H hay h1=M (tốt đến ô g8 thành Hậu hay tốt đi h1 thành Mã)
– Cách ghi chiếu Vua
Nước chiếu được thể hiện bằng dấu “+” ghi ở cuối nước đi. Vd: Xd1+
Nước chiếu bí thể hiện bằng dấu “#”, cũng ghi ở cuối nước đi. Vd: Mf7#
– Cách ghi kết quả ván đấu:
Sau khi đấu xong ván cờ, ghi kết quả bằng các điểm số: 1 – 0 (Trắng thắng); 1/2 – 1/2 (hòa); 0 – 1 (Đen thắng).
Ngoài ra còn 1 số cách ghi để đánh giá nước cờ
Cơ bản chỉ dành cho những người bình luận ván cờ vua: ví dụ trên bàn cờ: Xc7+ (xe c7 chiếu, hậu cũng chiếu) đây là 1 nước rất hay, người bình luận sẽ ghi: Xc7+!!
! nước đi hay
!! nước rất hay
+- trắng ưu thế tuyệt đối
-+ đen ưu thế tuyệt đối
? nước cờ không hay (sai lầm)
?? nước đi quá tệ
Lời khuyên cho các kỳ thủ khi ghi biên bản ván cờ vua
1. Khi ghi biên bản, bạn phải ghi cho cả bên Trắng và bên Đen:
Có nhiều kỳ thủ chỉ ghi lại những nước đi của mình, để rồi cuối cùng không thể xem lại ván cờ, vì thiếu đi phần nước đi của đối thủ.
2. Thực tế khi thi đấu, chúng ta thường bị cuốn theo diễn biến ván cờ mà quên ghi lại một nước đi nào đó. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn khi ta muốn xem lại.
Do đó, kỳ thủ nên tập thói quen: chia từng nước đi của ván cờ thành 2 giai đoạn:
– Sau khi đối thủ vừa đi xong.
– Trước khi ta thực hiện nước đi của mình.
Sau khi đối thủ vừa đi xong, ta lập tức ghi lại nước đi. Thậm chí là không cần phải suy nghĩ. Ghi lại nước đi trước, rồi hãy bắt đầu suy nghĩ xem đối thủ đang có dự định gì.
Trước khi đi quân, hãy ghi ra biên bản nước đi dự kiến. Thậm chí ở những trận đấu có đặt đồng hồ, thói quen như này cũng rất tốt: vừa tránh quên ghi lại, vừa giúp ta có thêm cơ hội để cân nhắc về nước đi của mình. Nếu thấy nước đi dự kiến có vẻ gì đó không ổn, đừng ngại bôi xóa.
3. Nếu có thể, hãy cùng đối thủ xem lại biên bản ván cờ vua sau khi trận đấu kết thúc
Xem lại ván đấu cùng với đối thủ là một cách rất hay để bạn tiến bộ – nâng cao tâm lý thi đấu và hiểu thêm về những diễn biến đã xảy ra trên ván cờ. Thay vì một mình phân tích, tự hỏi tại sao đối thủ đã thực hiện nước đi này, nước đi kia, thì chúng ta có thể hỏi chính người tạo ra chúng?