Do sự tương đồng về địa lý và lịch sử, văn hóa và dân tộc của người Khmer vùng đất Nam Bộ với các nước Phật giáo Nam tông láng giềng, như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar mà Phật giáo được lan truyền, bén rễ một cách tự nhiên, sâu sắc trong tâm thức văn hóa cộng đồng người Khmer nơi đây. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về thời gian du nhập của Phật giáo hệ Nam truyền vào vùng dân cư này, nhưng có thể khẳng định rằng, Phật giáo đã có mặt ở nơi đây từ những năm đầu công nguyên. Trải qua gần 2000 năm tồn tại và phát triển trong cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phật giáo Nam tông đã trở thành thành tố quan trọng nhất tạo nên đặc trưng văn hóa, và có tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer.
Ngôi chùa Khmer, nơi hội tụ và kết nối văn hóa truyền thống
Trong lịch sử phát triển của cộng đồng dân tộc Khmer vùng ĐBSCL thì sự xuất hiện, dung nhập đạo Phật vào đời sống của đồng bào có vai trò hết sức quan trọng. Trải qua biến thiên của lịch sử, Phật giáo Nam tông đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống với nền tảng giáo lý vững chắc, với những luân lý đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến những giá trị cao cả: “chân – thiện – mỹ”. Những bài học về “vô thường”, “vô ngã, vị tha”, “từ bi hỷ xả”, “an lạc”, “niết bàn”, … đã thấm nhuần trong tâm thức mỗi người dân Khmer ĐBSCL. Chính sự ngưỡng vọng này đã làm cho Phật giáo càng gần gũi và có mối quan hệ khăng khít với đời sống cộng đồng, mà trong quan hệ ấy, ngôi chùa Khmer được coi là điểm hội tụ.
Trong phum, sóc của đồng bào người Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vậy, chùa thường được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, nằm ở trung tâm của phum, sóc để thuận tiện cho việc đi lại hành lễ, của các tín đồ, Phật tử. Kiến trúc chùa Khmer, ngoài chánh điện, nơi quan trọng nhất, để thờ Phật, trong khuôn viên chùa còn có các công trình khác vừa gắn với việc tu học của sư sãi, đồng bào, lại vừa thiết thực phục vụ các hoạt động khác trong đời sống người dân nơi đây, như: Tam quan, sala – nơi sinh hoạt lễ hội của các tín đồ, nơi tập trung đồng bào để bàn bạc các công việc chung của phum, sóc. Thư viện – nơi cất giữ Kinh sách, thư tịch Phật giáo và các sách vở, tài liệu văn hóa xã hội chung phục vụ việc tu học, tra cứu của đồng bào. Phòng học, phục vụ việc tu học của các sư sãi, việc phát triển văn hóa, đào tạo chữ Khmer và học tập của con em trong phum sóc. Khu tháp, lò hỏa táng, phục vụ các hoạt động liên quan đến việc ra đi của bất kỳ một người dân nào trong phum, sóc, như thiêu xác và hỏa táng các tín đồ, Phật tử khi qua đời,… Như vậy, các công trình trong khuôn viên chùa Khmer không chỉ phục vụ các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo thuần túy và đời sống tu hành của sư sãi, mà chùa cũng chính là nơi thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo nơi thực hiện các hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng dân cư tại phum, sóc.
Đặc biệt, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn có thể coi như ngôi từ đường chung của phum, sóc. Trải qua bao thế hệ, cứ đời sau tiếp nối đời trước, cả khi sống và khi đã chết, cuộc đời mỗi người dân trong cộng đồng đều gắn bó chặt chẽ với ngôi chùa. Khi chết, xác của họ được hỏa táng trong lò hỏa táng của nhà chùa, sau đó tro cốt của họ được rước về thờ ngay trong chùa, vĩnh viễn được ở bên Đức Phật. Cứ mỗi năm đến ngày lễ Đôn-ta, vào giữa tháng 9 dương lịch (30/8 âm lịch), dân trong phum, sóc dù có đi làm ăn xa mấy cũng trở về chùa, nơi lưu giữ tro cốt của người thân, để lễ Phật và thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, những người đã sinh thành và dưỡng dục mình, nay đã về với Đức Phật. Đây là một nét văn hóa đẹp, đậm tính nhân văn cao cả, mang dấu ấn đặc trưng của đạo đức Phật giáo. Khi ấy, ngôi chùa, ngôi từ đường chung trở thành nơi cố kết và gắn bó giữa những người đã ra đi và những người còn ở lại, giữa những người đã khuất và những người còn sống, giữa thế hệ cha ông và bao thế hệ con cháu.
Phật giáo Nam tông, yếu tố chi phối đời sống văn hóa cộng đồng
Từ khi sinh ra đến khi chết đi, cuộc sống của mỗi người dân đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL đều gắn chặt với ngôi chùa. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong các hoạt động lễ hội văn hóa cộng đồng, thậm chí tới các công việc cá nhân của mỗi gia đình như ma chay, cưới hỏi, làm nhà… luôn có sự tham gia trực tiếp hay sự hướng dẫn của các sư trong chùa. Các công việc gắn với cá nhân hay tập thể đó đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ triết lý của Phật giáo Nam tông. Trong các lễ hội của cộng đồng (hoặc có nguồn gốc từ Phật giáo, hoặc có nguồn gốc từ dân gian) đều thể hiện rõ rệt vai trò của nhà sư và ngôi chùa Khmer.
Đồng bào Khmer vùng ĐBSCL trong một năm có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thì trong số đó có tới 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do sư sãi Phật giáo đứng ra tổ chức trong khuôn viên các chùa, với sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Trong 5 lễ hội còn lại, mặc dù không được diễn ra trong khuôn viên các chùa Khmer nhưng vẫn có sự tham gia của đông đảo tín đồ, Phật tử và vác vị sư. Có thể thấy, bên cạnh vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện tri thức và nhân cách cho thành viên của cộng đồng, ngôi chùa Khmer còn là nơi vun bồi văn hóa truyền thống cho người dân đồng bào Khmer nơi đây.
Sự ảnh hưởng của nhà chùa và văn hóa Phật giáo tới cộng đồng người Khmer vùng ĐBSCL là rất sâu sắc. Trước hết, đó là ngôn ngữ và chữ viết. Trong lịch sử phát triển của dân tộc Khmer, nhà chùa luôn là nơi đào tạo những tri thức dân gian cho con em trong phum, sóc. Người vào chùa tu học tiếp thu các kiến thức văn hóa thông qua chữ Khmer, được học kinh sách, tụng niệm bằng tiếng Khmer, Pali. Với người Khmer, các ngôn ngữ này được coi là những ngôn ngữ thiêng liêng, chỉ dùng trong tụng niệm và là phương tiện chuyển tải những nội dung cao cả trong kinh điển Phật giáo.
Có thể nói, sự tiếp nhận và phát triển Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người dân Khmer ĐBSCL đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng mang đậm dấu ấn Phật giáo, mà ngôi chùa chính là điểm trung chuyển quan trọng, là cầu nối cho Phật giáo đến với cộng đồng.
Vai trò của vị sư Phật giáo Nam tông Khmer với cộng đồng
Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện giới luật Phật giáo Nguyên thủy, người phụ nữ không xuất gia đi tu. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer có khoảng 10 ngàn vị sư, chiếm khoảng 25% trong tổng số người tu hành theo Phật giáo ở Việt Nam. Đối với tín đồ là cộng đồng người dân tộc Khmer, sư là hiện thân, hiện tiền của Phật. Trong tâm thức của đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL, sư tăng luôn được tôn trọng tuyệt đối. Cũng chính vì thế, vai trò của vị sư trong cộng đồng rất cao. Họ không chỉ là người thực hiện sứ mệnh hóa đạo, mà còn là người định hướng, tổ chức, hướng dẫn những hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, … cho tín đồ, Phật tử. Trong chừng mực nào đó, họ còn là những tác nhân quan trọng làm nên tính đặc trưng trong văn hóa cộng đồng.
Trong Phật giáo Nam tông Khmer, mọi tu sỹ phải luôn đề cao chức năng giáo dục, trong đó việc giáo dục cho tín đồ, Phật tử, con em trong cộng đồng được coi là một nội dung quan trọng mà sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phải có trách vụ cao cả thực hiện. Vì thế, người tu hành trong Phật giáo Nam tông Khmer là người thầy thực sự. Trong các trường chùa, các lớp Bổ túc Pali, nội dung được đưa vào giảng dạy là chữ Pali, giáo lý, văn hóa, nghề thủ công và cả đạo đức nhân cách cho cộng đồng tín đồ. Các lớp học trong chùa này do chính các sư đảm trách, họ được gọi là các sãi giáo. Bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, các sãi giáo sẽ trực tiếp dạy cho con em trong cộng đồng các nội dung nói trên, phân theo từng cấp học. Qua các trường, lớp chùa do các sãi giáo đảm trách, hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều được đào tạo về các tri thức văn hóa, nghề thủ công ở một trình độ nhất định. Từ đó tạo dựng cho họ những hành trang ban đầu, căn bản nhất trước khi bước vào cuộc sống ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, các vị sư dạy học được cộng đồng kính trọng, cho nên tiếng nói, ý kiến của sư tăng về những công việc chung luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi thành viên trong phum, sóc. Không chỉ mang nghĩa hẹp là dạy trong trường chùa, các vị sư Khmer còn góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp qua việc lấy chính đạo hạnh và đức độ của mình trong cuộc sống làm gương cho xã hội, mà trước hết là trong cộng đồng người Khmer ở ĐBSCL.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc trong đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những năm tháng hào hùng đó, chung tay với Phật giáo cả nước, Phật giáo Nam tông Khmer đã có nhiều vị sư ưu tú xung phong tòng quân diệt giặc, trong số đó đã có những vị anh dũng hy sinh, như các Hòa thượng Hữu Nhem, Hòa thượng Sơn Vọng,…
Học phật là mục đích cao cả
Quy định mang tính khế ước xã hội của đồng bào người Khmer, các bé trai cần phải vào chùa tu học (không cố định về thời gian), một phần là đế báo hiếu cha mẹ, những người sinh thành dưỡng dục, phần quan trọng nữa là ghi nhận sự tôi luyện, tu học toàn diện trong môi trường chùa trước khi được cộng đồng coi là một người đàn ông trưởng thành. Thực tế, tùy vào thời gian dài hay ngắn, hầu hết những người đàn ông trong đồng bào Khmer ĐBSCL đã trải qua quá trình tu học tại chùa Khmer trước khi trưởng thành. Trong ngôi chùa Khmer, họ thực sự thực hành cuộc sống tu học của một vị sư theo truyền thống Phật giáo Nam tông. Trong quá trình tu học ấy của các tăng sinh, mỗi tín đồ, Phật tử và tất cả cộng đồng dân tộc Khmer đều thấy mình có trách nhiệm vinh dự là được tham gia vào việc hỗ trợ các hoạt động tu học vừa mang tính thuần túy tôn giáo vừa mang tính cộng đồng ấy bằng việc cúng dàng vật thực cho các vị sư, tham gia công sức, tiền của vào việc xây dựng chùa, các công trình liên quan khác trong khuôn viên chùa để phục vụ hoạt động chung ấy.
Sau một thời gian tu học tại chùa, các vị sư Khmer có thể chọn con đường xuất tu, trở về với cuộc sống gia đình, mang những hành trang tốt được trang bị trong lớp chùa để phục vụ xã hội với vai trò của một công dân. Họ cũng có thể phát tâm hiến dâng trọn cuộc đời của mình vào việc tu học theo giáo lý của Đức Phật, để tiếp tục con đường giáo hóa, dạy dỗ các tín đồ Phật tử theo hạnh nguyện của một vị xuất gia. Bất kỳ là xuất tu trở về với đời thường, hay tiếp tục con đường tu hành tịnh hạnh, những con người này đều luôn ý thức mình phải mang những điều cao cả trong giáo lý Phật giáo và trí thức xã hội được kế thừa trong môi trường chùa để phát huy, chia sẻ với cộng đồng, góp phần làm tốt đẹp hơn cho xã hội.
Trải qua hàng ngàn năm bén rễ và phát triển tại cộng đồng dân tộc Khmer vùng ĐBSCL, Phật giáo Nam tông với những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động vào việc hình thành nên đặc trưng văn hóa của cộng đồng. Những bài học về nhân quả báo ứng, về vô ngã vị tha, về yêu thương muôn loài, về nuôi nấng và phát khởi tâm thiện lành, về giữ gìn trai giới và báo hiếu,… đã trở thành phương châm sống của đồng bào nơi đây. Cuộc sống dù còn khó khăn vất vả về vật chất, nhưng con người vẫn đối xử với nhau hết lòng bằng sự chân thành, thuần phác. Những tệ nạn xã hội, đặc biệt là những xung đột gia đình, dòng tộc hầu như hiếm khi gặp thấy trong đồng bào người Khmer. Những giá trị nhân bản và đạo đức xã hội mà đồng bào Khmer ĐBSCL có được đến ngày hôm nay, phần lớn có ảnh hưởng từ các giá trị tích cực của giáo lý Phật giáo.
Với gần 2000 năm tồn tại, Phật giáo Nam tông đã và sẽ còn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ văn hóa đến giáo dục, từ kinh tế đến xã hội, từ kiến trúc, điêu khắc đến các môn nghệ thuật, từ ứng xử xã hội đến đạo đức con người, Phật giáo Nam tông sẽ còn đồng hành cùng sự phát triển của đồng bào người Khmer vùng ĐBSCL.