Lần gần nhất tôi đến Sa Pa là một ngày tháng ba cùng một đoàn từ thiện của người công giáo. Mặc dù tôi theo đạo Phật và thích đi chùa nhưng với bản tính cái gì cũng muốn biết nên thỉnh thoảng tôi cũng đi xem lễ nhà thờ và quen biết một vài bạn bên công giáo. Theo cảm nhận của tôi, dù là đức mẹ Maria hay đức Phật tổ Như Lai, họ cũng đều hướng các tín đồ của mình tới cái thiện, tới điều tốt đẹp.

Khởi hành từ Hà Nội lúc 6h tối, vượt qua những cung đường hiểm trở của vùng núi cao Tây Bắc, chúng tôi đến thị trấn Sa Pa vào lúc 3h sáng. Trời khá lạnh, cả thị trấn còn yên ngủ. Dưới ánh điện, Nhà thờ đá Sa Pa trông đẹp lung linh, có cảm giác như tôi đang lạc vào một câu chuyện cổ tích ở một nơi xa lắc lơ thời thơ bé. Chúng tôi được cha xứ đưa đến một ngôi nhà thờ nhỏ của bà con dân tộc có tên là Khúc Hạo và nghỉ lại ở đó.

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông trạc 40-45 tuổi. Mọi người kính cẩn chào anh là cha. Anh có vẻ dung dị và hồn hậu khác hẳn với vẻ hào hoa phong nhã của cha Ran-phơ trong bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, nhưng trông anh cũng khá ưa nhìn. Anh tiếp chúng tôi rất ân cần, biết tôi là người bên lương, anh có vẻ khá trịnh trọng gọi tôi là “bác” xưng “tôi”. Rồi anh vội vàng đi lấy chăn đệm cho các con chiên của mình nghỉ ngơi. Trông anh, tự nhiên tôi có ý nghĩ rất lạ; “nếu anh ấy lấy vợ sinh con thì chắc chắn đó sẽ là một người cha, người chồng tốt”, rồi bật cười với ý nghĩ của mình. Nhà khách của nhà thờ được chia làm hai, một bên dành cho nữ, một bên dành cho nam. Do trời lạnh và mệt nên chui vào chăn ấm là tôi trôi vào giấc ngủ rất ngon.

Sapa Lao Cai - Free photo on Pixabay

Tôi thức dậy cùng tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Ngoài sân đã có một vài bà con người đồng bào đến tham dự buổi thánh lễ, già trẻ đủ cả. Lúc này tôi mới nhìn rõ cảnh vật của nhà thờ Khúc Hạo. Ngôi nhà thờ nằm biệt lập trên một quả đồi, xung quanh là rừng rậm, không khí khá thoáng mát và trong lành.

Sau bữa ăn sáng gồm toàn những thực phẩm do chính nhà thờ tự sản xuất, tôi đến khu thánh đường xem lễ. Hôm nay Sơ thay cha giảng đạo. Sơ là một cô gái tầm 30 tuổi khá xinh đẹp. Cô nói được cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Buổi lễ diễn ra khá trang nghiêm kết thúc là tiếng chuông nhà thờ và những bài thánh ca du dương trầm bổng. Tiếng hát vang lên giữa núi rừng tạo nên một cảnh tượng thật khó quên

Chúng tôi chờ bà con hành lễ xong rồi bắt đầu chia quà, mọi người có vẻ rất vui, nhất là đám trẻ con. Nhìn những ánh mắt hân hoan của bọn trẻ, chúng tôi ai cũng thấy vui và phấn khởi bởi công việc của mình đã đem đến niềm hạnh phúc cho mọi người

Rời nhà thờ Khúc Hạo, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là bản Cát Cát. Chúng tôi quyết định tự mang các đồ mình quyên góp được đến từng nhà tặng cho các em nhỏ chứ không tổ chức rềnh rang ầm ĩ.

Bản Cát Cát thật đẹp, men những con đường nhỏ và hẹp, chúng tôi dừng chân ở những ngôi nhà bé xíu. Ai cũng bị hớp hồn bởi khung cảnh hùng vĩ nơi đây, một bên là dãy núi cao trùng trùng, một bên là vùng thung lũng Sa Pa với những thửa ruộng bậc thang hút mắt. Dọc hai bên đường là những quầy hàng bán đồ lưu niệm của đồng bào dân tộc. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi là Thác Bạc – khu trung tâm vui chơi của bản Cát Cát. Ở đây chúng tôi được thưởng thức một buổi biểu diễn ca nhạc khá thú vị, thậm chí tôi còn được mời lên sân khấu tham gia múa sạp cùng đoàn diễn viên ở đây.

Mảnh đất Tây Bắc đã lôi cuốn biết bao du khách bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên, vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao và cả nét hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ vùng núi. Ở đây, tôi đã bắt gặp những đôi mắt trong veo, những nụ cười tươi tắn như những bông hoa của núi rừng của bầy em nhỏ. Tôi mải mê vui chơi cùng mấy đứa trẻ, cảm giác như tìm lại được thời thơ ấu của mình.

Trẻ con ở đây chúng vừa ngây thơ, vừa già dặn đến buồn cười. Sự phát triển của du lịch đã dạy cho chúng những mánh khoé để lấy lòng du khách. Chúng buộc vào cổ tay du khách những chiếc vòng chỉ đỏ và bảo tặng họ sự may mắn, và tất nhiên chúng sẽ được đáp lại bằng tiền thưởng. Số tiền chắc chắn là cao hơn giá trị của chiếc vòng rất nhiều.

Chúng tôi ghé qua từng nhà và tặng cho các em quần áo, giày dép, bánh kẹo. Trong một căn nhà nhỏ, tôi đã gặp hai đứa trẻ con tầm hai ba tuổi. Chúng thơ thẩn chơi với nhau một mình trong nhà, tự bón cho nhau ăn. Chợt nghĩ nếu là ở Hà Nội bằng tuổi này có lẽ vẫn được bố mẹ ông bà dỗ dành từng thìa một.

Rời bản Cát Cát, chúng tôi chia tay Sa Pa để trở về Hà Nội, chuyến đi này, mục tiêu của chúng tôi không phải là ngắm cảnh mà làm một chuyến thiện nguyện nên không có nhiều thời gian. Nhưng hai ngày ngắn ngủi cũng đã để lại trong tôi nhiều kí ức đẹp. Kí ức về ngôi Nhà thờ đá Sa Pa lung linh trong đếm vắng, về ngôi nhà thờ Khúc Hạo giữa rừng xanh và vị cha xứ hồn hậu, về bản Cát Cát xinh đẹp và những em bé mắt tròn xoe. Tôi thầm hẹn một ngày gần nhất sẽ quay lại để khám phá thành phố mờ sương tuyệt đẹp này.