Theo chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo John Maxwell, có 5 cấp độ mà nhà lãnh đạo phải trải qua trong quá trình phát triển của mình.
Cho dù chúng ta đang nhắc đến những nhà quản lý, CEO của các tập đoàn khổng lồ hay là những huấn luyện viên, giáo viên… thì chúng ta đều có thể gọi họ là một nhà lãnh đạo. Nhưng làm sao để phân chia cấp bậc và biết họ đang ở quá trình nào trên con đường trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu?
Để giải quyết câu hỏi này, John Maxwell – một tác gia nổi tiếng người Mỹ, chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo đã chia ra 5 cấp độ lãnh đạo với từng ưu, khuyết của mỗi cấp độ trong cuốn ““The 5 Levels of Leadership”.
Cấp độ đầu tiên là điểm xuất phát của sự lãnh đạo. Đối với mỗi cấp độ, John Maxwell giải thích cách mà một nhà lãnh đạo tương ứng được xác định và cách người đó có thể làm để phát triển lên cấp độ cao hơn. Cấp bậc lãnh đạo với mỗi người là khác nhau và thậm chí còn liên quan đến cả loại hình doanh nghiệp và kinh nghiệm bản thân người lãnh đạo đã trải qua.

(nguồn ảnh: toolshero)

Cấp độ 1: Vị trí

Đây là cấp thấp nhất trong các cấp lãnh đạo. Những người ở cấp 1 có thể là ông chủ nhưng họ không phải là lãnh đạo. Họ có cấp dưới; nhưng những người đó có thể không đồng lòng với họ. Họ dựa vào những quy tắc, quy định, chính sách và sơ đồ doanh nghiệp/tổ chức để kiểm soát cấp dưới của mình. Và những người cấp dưới này cũng sẽ chỉ tuân theo nhà lãnh đạo trong giới hạn nhất định mà doanh nghiêp/tổ chức đưa ra.
Đây là cấp độ lãnh đạo duy nhất mà có thể không cần khả năng và nỗ lực mà vẫn đạt được. Bất kỳ ai cũng có thể được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó. Đây có thể là một điểm khởi đầu tốt, nhưng mọi nhà lãnh đạo cần có tham vọng phát triển hơn thế.
Maxwell cho rằng “ Tại vị trí này, ảnh hưởng của bạn sẽ không thể mở rộng vượt quá ranh giới công việc của bạn. Càng ở lâu tại cấp độ này, bạn có thể có được những ích cá nhân nhưng sự tín nhiệm của nhân viên sẽ càng giảm”.

Cấp độ 2 : Chấp thuận

“Mọi người theo bạn vì họ muốn như vậy”, Maxwell nói. Tại cấp độ này, nhà lãnh đạo là một người đáng tin cậy và cấp dưới có khuynh hướng đồng thuận với những quyết định của họ.
Không chỉ có uy tín từ vị trí của bản thân, nhà lãnh đạo ở cấp độ 2 còn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ tốt cùng đội ngũ của mình. Họ hiểu rằng khi cấp dưới được thấu hiểu và quan tâm chân thành; được tin cậy và công nhân giá trị của bản thân… thì những người này ngược lại cũng tin tưởng vào nhà lãnh đạo và làm việc hết mình cho mục tiêu chung. Sự tác động qua lại này có thể thay đổi toàn bộ môi trường làm việc.
Tuy nhiên, sự tác động này không phải lúc nào cũng đem đến kết quả tích cực. Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo cần phát triển lên cấp độ 3.
“Mọi người sẽ theo bạn vì cảm xúc nhiều hơn là uy tín hiện có của bạn. Cấp độ này là sự tạo cảm hứng cho công việc. Tuy nhiên, nếu ở lại quá lâu có thể sẽ khiến cấp dưới trở nên khó bảo hơn và công việc cũng chưa chắc đạt được hiệu quả cao”.

Cấp độ 3: Thành quả

Ở cấp độ này, khả năng của những nhà lãnh đạo được xác định bằng những thành quả họ tạo ra cho doanh nghiệp/ tổ chức. Đây là một bước quan trọng phân biệt các nhà lãnh đạo thực sự với những người chỉ có vị trí lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo cấp 3 luôn luôn làm làm việc hiệu quả. Họ đem lại những tác động tích cực đến không chỉ đội nhóm của họ mà là toàn bộ doanh nghiệp/tổ chức.
“Mọi người đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho doanh nghiệp và đội nhóm.Các vấn đề được giải quyết đơn giản vì đã có bạn”.
Một số người không bao giờ chuyển từ Cấp 2 sang Cấp 3. Bởi họ dường như không thể tạo ra kết quả với những lý do như là: Thiếu kỷ luật , thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu khả năng quản trị… hay thậm chí là thiếu may mắn. Tuy nhiên, nếu muốn đi tới cấp độ lãnh đạo cao hơn, nhà lãnh đạo buộc phải tạo ra những thành quả lớn cho doanh nghiệp. Không có cách nào khác.
Ở cấp độ 3, những nhà lãnh đạo luôn là người rất xuất sắc trong vai trò của mình. Tuy nhiên, có điều một bất cập thường xảy ra là nếu vị lãnh đạo này rời khỏi vị trí thì tập thể sẽ gặp vấn đề. Lý do chính là bởi các cấp dưới của nhà lãnh đạo cấp 3 này luôn phụ thuộc vào hướng dẫn, chỉ thị mà họ thường nhận được từ người lãnh đạo của mình. Để tránh tình trạng này, nhà lãnh đạo cần lên cấp độ 4.

Cấp độ 4: Phát triển con người

Các nhà lãnh đạo ở cấp độ 4 luôn luôn tâm niệm rằng điều quan trọng nhất là đào tạo và thúc đẩy nhân viên của mình. Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo này thường xuyên giao việc cho cấp dưới của mình và để họ tự giải quyết theo phương cách của bản thân. Người lãnh đạo lúc này chỉ có nhiệm vụ giám sát tiến trình và góp ý.
Qua những nhiệm vụ ủy thác, nhà lãnh đạo giúp các nhân viên cấp dưới tự tin hơn và cho họ cơ hội phát triển khả năng làm việc. Về lâu dài, trong đội ngũ nhân viên này sẽ ra đời các nhà lãnh đạo kế cận. Theo John Maxwell, nhà lãnh đạo cấp 4 dành khoảng 80% thời gian của mình để huấn luyện cho các đồng nghiệp và nhân viên, và chỉ dành 20% để phát triển năng suất của chính mình. Khác với nhà lãnh đạo cấp 3, nhà lãnh đạo ở cấp này học cách cho đi nhiều hơn. Việc tập trung vào các kết quả có tầm quan trọng thấp hơn.
“Cam kết phát triển thế hệ lãnh đạo kế tiếp của bạn sẽ đảm bảo sự phát triển cho tổ chức và cho mọi người. Hãy làm bất cứ điều gì có thể để phát triển nó”. Maxwell chia sẻ

Cấp độ 5: Đỉnh cao

“Mọi người đi theo bạn vì bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì. Điều này chỉ dành cho những nhà lãnh đạo đã dành nhiều năm phát triển con người và tổ chức”.
Hiếm người lãnh đạo đạt đến Cấp 5 — Đỉnh cao. Họ hoàn toàn nổi bật so với những người khác. Họ thuộc nhóm tinh hoa trong số các nhà lãnh đạo và dường như sẽ mang lại thành công ở bất cứ nơi nào họ đến. Những nhân viên và đồng nghiệp của họ đánh giá cao lãnh đạo của mình tới mức coi người lãnh đạo như một tấm gương để noi theo.
Trong doanh nghiệp/ tổ chức mà họ dẫn đầu. Không chỉ họ là nhà lãnh đạo xuất sắc mà đội ngũ cấp dưới của họ cũng trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc nhờ sự thúc đẩy, phát triển của họ. Vậy nên ngay cả khi những nhà lãnh đạo cấp độ 5 không còn làm việc, họ vẫn được coi như là huyền thoại với những di sản mà mình để lại. Về lâu dài, các nhà lãnh đạo cấp 5 thường có ảnh hưởng vượt khỏi doanh nghiệp và lĩnh vực mà họ làm việc.