Thấy người hay thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi.

Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở thì phải cố mà trừ đị

Người chê ta, mà chê phải, tức là thày ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy.

Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn… như thế dù muốn không hay cũng không được.

Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cứ bậy mà lại ghét người chê mình; rất dở mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chệ.. Như thế dù không muốn không dở cũng không được

(Tuân Tử)

GIẢI NGHĨA: 

Quân tử: Người có tài đức hơn người.
Tiểu nhân: Kẻ bất chính, gian ác, tự tư, tự lợi.
Hổ lang: Cọp và chó sói, hai giống tàn bạo.
Cầm thú: Cầm giống có hai chân và hai cánh, thú giống có bốn chân; hai chữ chỉ loài chim và loài muông.
Chính trực: Ngay thẳng.
Trung tín: Hết lòng, thật bụng.

Tuân Tử: Tên là Huống, tên tự là Khanh, người nước Triệu, thấy đời bấy giờ cứ loạn luân mãi và phong hóa suy đồi, làm sách nói về lễ nghĩa, lễ nhạc, cốt ý để chỉnh đức và hành đạo.

LỜI BÀN:

Cái đạo tu thân rút lại chỉ có theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Ðối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. “Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình” có như thế thì mới tu thân được.