Truyện Kiều là di sản quý báu của nền văn học Việt Nam. Nó đi vào trí nhớ tôi từ lời hát ru của bà và giọng ngâm Kiều của ông bên chén trà ngày xuân.

Bản Kiều của nội tôi có 58 chữ xuân. Ông thường ngâm vịnh cho con cháu nghe trong ngày đoàn viên đầu năm mới. Bản Kiều Trường Khiếm thị chuyển sang chữ Braille hiện nay có 57 chữ xuân. Nó được tác giả sử dụng uyển chuyển trong 56 cặp câu lục bát:

– Tả người con gái mắt trong như nước mùa thu, lông mày phơn phớt xanh như núi mùa xuân. Tác giả viết: “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.” (ở bản Kiều cổ nhất hiện nay) năm 1866 viết là: “Thấp xuân sơn”. Trong tự nhiên, vùng núi thấp cây cỏ xanh tươi hơn là vùng núi cao. Xứ Nghệ không được thiên nhiên ưu đãi, điều đó càng rõ nét.

– Chỉ người phụ nữ cao quý đã đến tuổi trưởng thành tác giả viết: “Phong lưu rất mực hồng quần/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kể“. Xuân ở đây là tuổi xuân của người con gái đẹp. Hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. Nói về cảnh nắng xuân đẹp, ấm áp (trong tiết Thanh minh) tác giả viết: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Xuân trong hai câu này là mùa xuân của đất trời. (Bản Kiều 1866 viết: Tiết vừa con én đưa thoi). Mùa xuân hội đủ ba mùa: tiết đông lạnh giá, tiết thu mát mẻ và tiết hạ nóng bức. Đồng bằng châu thổ sông Hồng mùa xuân rõ nét ba mùa Nguyễn Du mười năm sống ở Thái Bình, cảnh xuân trong đoạn này là cảnh xuân của Thái Bình. Vậy nên câu: “Tiết vừa con én đưa thoi” hay và chuẩn xác hơn.

Vì chị em Thúy Kiều lúc ở mộ Đạm Tiên có câu: “Một vùng cỏ áy bóng tà”. Cỏ áy là tên địa phương của Thái Bình gọi một loại cỏ dại. Loại cỏ này sinh trưởng tốt vào tiết tháng 3. Chúng xanh phơn phớt chứ không xanh ngắt như các loại cỏ khác. Chú thích câu (97): “Cỏ áy là cỏ úa vàng” theo tôi là không ổn, vì trước đó đã có câu: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Ba chị em Thúy Kiều trên đường về gặp mộ Đạm Tiên. Tả người con gái đẹp đang độ tuổi thanh xuân mà bạc phận. Tác giả viết: “Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương“. Chữ xuân là tuổi xuân của Đạm Tiên.

– Kim Trọng nghe tiếng Kiều từ lâu nay mới được gặp mặt. Chỉ bằng hai câu thơ tác giả đã diễn tả được ý đó: “Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng-tước khóa xuân hai Kiều“. Xuân là tuổi trẻ của hai chị em Kiều. Chữ xuân là nguồn gốc sinh ra chữ xuân nối tiếp. Ở đây ta thấy có sự tương phản giữa mùa xuân của đất trời và tuổi xuân của con người: “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai” Bóng hồng: Bóng người con gái, đây chỉ bóng của hai chị em cô Kiều. Xuân lan thu cúc: hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu, mỗi đóa hoa có một vẻ đẹp riêng. Thúy Kiều và Thúy Vân cũng vậy, mỗi người có một vẻ đẹp riêng. Nhưng con tim mách bảo chàng Kim rằng Thúy Kiều mới là người chàng mong đợi. Diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều nhớ Kim Trọng tác giả viết: “Hải đường là ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà“. Hải đường: Thứ cây có hoa đẹp thường được dùng để ví với người con gái có nhan sắc cao sang. Đông lên. Láng giềng phía đông. Hướng đó có chàng Kim. Chữ xuân mang hàm nghĩa mùa xuân của đất trời và tuổi xuân của cô gái trẻ, đang nặng lòng nhớ người yêu. Kiều là con nhà gia giáo, nàng không được phép đi tìm chàng. Sau lần gặp gỡ tình cờ, Kim Trọng cũng không nguôi nhớ Kiều. Chàng không tìm người gặp Vương ông thưa chuyện mối mai như lẽ thường. Kim thuê trọ sau nhà nàng để mong được gặp Kiều. Mặc dù là một trí thức phong kiến nhưng Kim cũng là người trọng tình yêu tự do. Chàng muốn biết ý nàng trước khi cho người tới mối mai. Chỉ cách một bức tường mà bên trong trông ngóng, bên ngoài chờ mong. Tiếng gọi của con tim đã cho họ gặp nhau: “Sinh rằng: Rày gió mai mưa/ Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi! xuân là thời gian. Tròn một năm nhớ mong Kim Kiều mới gặp được nhau. Kim Trọng muốn trao chút kỉ vật làm tin. Đây là đoạn thơ có nhiều chữ xuân nhất trong truyện: “Khuôn thiêng dù phụ tắc thành/ Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời“. Khuôn thiêng: chỉ ông trời như là cái khuôn thiêng đúc ra muôn vật bằng phép màu. Hai người gặp nhau đây cũng là duyên trời. Chữ xuân là tuổi xuân của chàng Kim. Tỏ tình khéo như vậy thì nàng sao có thể từ chối. Từ đó thêm một chữ xuân nữa được ra đời: “Lượng xuân dù quyết hẹp hòi/ Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru?”. Lượng xuân: Tấm lòng rộng lượng như mùa xuân nuôi dưỡng muôn vật; có ý bao dung người khác. Đây chỉ tấm lòng của Thuý Kiều. Dân gian có câu: “Gái yêu bằng tai/ Trai yêu bằng mắt” quả không sai. Kim hiểu tâm lý phụ nữ như vậy thì Kiều sao có thể từ chối:

Lặng nghe lời nói như ru/ Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng“. Vẻ đa tình của Kim Trọng, được trộn lẫn trong sự thâm thúy của nhà Nho. Cái vẻ tình tứ của Kim Trọng cũng khiến cho Thúy Kiều phải xúc động trong lòng mà biểu lộ ra trên ánh mắt long lanh. Tán gái khéo như vậy chẳng trách là bạn đồng môn với “Vương Quan mà Kim Trọng không mượn cớ chơi với Vương Quan để đến nhà gặp Kiều: “Một tường tuyết trở sương che/ Tin xuân đầu dễ đi về cho năng”. Chữ xuân ở đây mang nghĩa là người yêu. Nó đóng vai một danh từ. Chỉ bằng một từ xuân Nguyễn Du đã diễn tả được tâm trạng của hai kẻ yêu nhau. Ở đoạn trên chỉ Kim biết phía trong bức tường có Kiều. Bây giờ Kiều cũng biết bên ngoài có Kim. Mặc dù họ xa mặt nhưng không cách lòng. Hai người yêu nhau chờ gặp nhau thời gian dài như vô tận. Bởi vậy nên chữ xuân lại được tác giả sử dụng nối tiếp: “Lần lần ngày gió đêm trăng/ Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”. Chữ xuân vẫn là danh từ chỉ thời gian. Mùa xuân qua đi họ vẫn chưa được gặp nhau. Tuy vậy nhưng họ vẫn ngắm chung một ánh trăng, tắm chung ngọn gió. Sinh nhật, ngoại gia Vương ông không mang Kiều theo là một cơ hội tốt cho họ gặp nhau:

– “Đủ điều trung khúc ân cần/ Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng“. Xuân ở đây mang nghĩa là rượu. Nó là danh từ. Chén rượu gợi tình xuân. Tình xuân thì chữ xuân lại là tính từ. “Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”. Chữ xuân ở đây mang nghĩa là niềm vui, hạnh phúc. Qua bao nhiêu ngày mong chờ nay Kim mới được gặp nàng. Hỏi không vui sao được? Cha mẹ chưa về nàng lại đến với chàng. Kim Trọng đương mơ màng nửa tỉnh, nửa mê khi Thuỷ Kiều đến thì có cảm tưởng như thấy thần nữ đến. Chàng không tin vào mắt mình. Kim gặp người yêu bằng xương bằng thịt chứ không phải trong mơ.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang: “Liêu-dương cách trở sơn khê/ Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang”. Chữ xuân ở đây có nghĩa là người cha của Kim Trọng. Kim Trọng về quê chịu tang chú. Gia đình Kiều bị mắc oan. Kiều phải bán mình chuộc cha. Chữ xuân nữa được ra đời để chỉ người cha. Nó nằm trong cặp lục bát thể hiện tâm trạng của Kiều: “Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân“. Vừa gặp được Kiều Kim phải từ biệt về quê chịu tang chú.

Nhận lời đính ước với Kim, Kiều phải bán mình chuộc cha. Cùng là vì chữ hiếu nhưng gánh của Kiều nặng hơn Kim. Chữ xuân thứ ba chỉ người cha, nằm trong lời khuyên nhủ của Kiều với Vương ông khi cha được thả về nhà: “Cõi xuân tuổi hạc càng cao/Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”. Bản Kiều (1866) viết: “Xuân huyện tuổi hạc càng cao”. Huyện có nghĩa là mẹ như vậy “Xuân huyên tuổi học càng cao” hay hơn “Cỗi xuân tuổi hạc càng cao”. Cụm từ (tuổi hạt càng cao) cũng đủ ý là già lắm rồi. Dù thế nào thì Kiều cũng là phận gái trong nhà, trước sau nàng cũng phải đi lấy chồng. Mặc dù cha mẹ tuổi đã cao nhưng còn cha, có mẹ là còn gia đình. Các em của nàng không bị ly tán. Việc nhà tạm êm xuôi nàng lại nghĩ đến tình riêng. Thúy Kiều ngồi thức bên đèn tự trách mình. Từ đó mới có chữ xuân trong cặp lục bát sau:

– “Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân/ Dưới đèn ghé (?) đến ân cần hỏi han“. Giấc xuân: Giấc ngủ ngon, êm ái. Ngủ nghỉ là tính từ nhưng hoạt động ngủ lại là động từ. Chữ xuân ở đây là một động từ. Nó cũng là chữ xuân động từ duy nhất trong năm mươi bảy chữ xuân của truyện. Thúy Kiều là một cô gái chung tình. Nàng đã không bội ước với Kim. Phong tục nối dây của một số dân tộc em thay chị, chị thay em là việc rất bình thường. Ở đây chị trao duyên cho em là một việc bất đắc dĩ mà Kiều phải làm và bắt buộc Vân phải nhận. Để sẻ bớt gánh nặng cho Kiều: “Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ thay lời nước non”. Chữ xuân là tuổi trẻ của Thúy Vân. Nàng nhận duyên của chị một cách bình thản cam chịu. Vân biết chàng Kim không yêu mình. Nàng mới gặp Kim một lần trong ngày xuân. Chàng đứng nói chuyện với Vương Quan, ánh mắt luôn hướng về Kiều. Kim như không biết có nàng ở bên. Phụ nữ phong kiến lấy chồng không có tình yêu là việc rất bình thường. Cũng như Thúy Vân là người trọng tình yêu tự do. Chị em gái sống bên nhau. Nàng sao không hiểu tâm trạng của Kiều. Nàng ủng hộ chị giữ kín chuyện không nói với mẹ cha. Nỗi khổ của nàng Vân là một nỗi khổ không thể giãi bày. Kiều ngất trên tay Thúy Vân: “Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng/ Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài“. Chữ xuân ở đây cũng là người cha. Giờ mới biết con gái mình đã nặng lòng với Kim. Tác giả không nói nhiều về Vương ông, nhưng việc ông về sinh nhật ngoại gia là ta đủ thấy, Vương ông là người cũng rất coi trọng chữ hiếu. Hiếu kính với cha mẹ sẽ được các con đền đáp lại là luật nhân quả của muôn đời. Xét các sự kiện, Vương ông chuẩn bị lễ vật về bên ngoại là con gái trả nghĩa cho cha mẹ. Kiều bán mình chuộc cha chữ hiếu nàng trả cho gia đình nặng hơn Vương ông rất nhiều. Đó là cái phúc đình được hưởng. Qua việc này tác giả cũng gián tiếp khuyên bạn đọc gieo mầm thiện sẽ được quả phúc: “Rước nàng về đến trú phường Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong”. Bản Kiều 1866 viết: “Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong”. Kiều bị giam một mình trong phòng. Phòng xuân là phòng đêm tân hôn. Xuân tỏa mang nghĩa bao trùm, xuân khóa thể hiện tính chặt chẽ. Chữ xuân ở đây là bức tường bao bọc lấy Kiều: “Đêm xuân một giấc mơ màng/ Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ!” Bản Kiều 1866 viết: “Tiệc xuân một giấc mơ màng”. So sánh giữa hai từ đêm xuân và tiệc xuân. Ta thấy tiệc xuân sâu sắc hơn là đêm xuân vì nó mang nghĩa Thúy Kiều như là một bữa tiệc của Mã Giám sinh. Đêm xuân của đôi vợ chồng mới cưới, chan chứa tình xuân. Đêm xuân của Thúy Kiều sau khi thỏa mãn “thú tính”, Mã Giám sinh để Kiều nằm trơ ra đó một mình còn hắn thì ra khỏi phòng để đuốc hoa suốt đêm không tắt. Như vậy tiệc xuân sẽ chuẩn xác hơn.

– Kiều bị Mã Giám sinh đưa về lầu xanh. Nàng tự vẫn để phản đối việc Tú bà ép mình phải làm theo ý mụ. Chữ xuân tiếp theo là lời khuyên giải của Tú bà khi nàng tỉnh lại, sau cơn mê: “Một người dễ có mấy thân/ Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài”. Theo Tú bà thì Kiều tuổi còn trẻ đương thì nhan sắc còn lộng lẫy, tấm thân còn trong trắng. Nàng chết sẽ rất uổng phí. Chữ xuân là tuổi xuân của Kiều: “Lỡ chân trót đã vào đây/ Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non“. Chữ xuân là tuổi trẻ của Kiều. Theo ý Tú bà thì Kiều cứ ở đó không phải tiếp khách, đợi khi có người tử tế mụ sẽ cho lấy chồng. Mặc dù là người thông minh sắc sảo nhưng Kiều không nhận ra được những lời “đường mật” của Tú bà. Ở vào hoàn cảnh của Kiều thì có nhận ra cũng không còn cách nào khác. Từ đó mới có chữ xuân tiếp theo: “Trước lầu Ngưng – Bích khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”. Bản Kiều 1866 viết: “Trước sau Ngưng Bích khóa xuân/Vệt non xa, tấm trăng gần ở chung”. Chữ xuân ở đây chính là Kiều. Tú bà đã giữ đúng lời hứa. Mụ đưa nàng ra lầu Ngưng Bích ở một nơi hoang vắng lạnh lẽo Quanh nàng chỉ có sóng nước. Ngọn núi là một vết mây mờ xa tít. Trong khung cảnh đó Kiều càng dễ tin lời Sở Khanh: “Một chàng vừa trạc thanh xuân/ Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”. Thanh xuân: Người còn trẻ tuổi đang thời xuân sắc. Ở đây là Sở Khanh, hắn làm ra vẻ nho nhã, để lừa Kiều. Cách tả Mã Giám sinh và Sở Khanh viết hai câu thơ lại gần nhau, ta thấy đều có sự giả tạo phơi bày ra trước mắt: “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao/ Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”. Kiều đã sập bẫy của Tú bà. Nàng phải buộc tiếp khách trong lầu xanh. Chữ xuân tiếp theo nói về cảnh Kiều trong lầu xanh: “Mặc người mưa Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì”. Tú bà tận dụng sắc đẹp của Kiều, bắt nàng phải tiếp khách triền miên. Kiều mặc khách muốn tìm vui trong sự ái ân, riêng nàng thì không thấy hứng thú gì. Chữ xuân là sự vui vẻ của trai gái yêu nhau. Nó còn có nghĩa chán nản nhục nhã của thân phận gái lầu xanh: “Khi về hỏi liễu Chương-đài/ Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”. Kiều nhớ người yêu, khi chàng Kim ở Liêu Dương về hỏi thì nàng đã vu quy. Không biết Thủy Vân đã thay Kiều, lấy Kim Trọng hay chưa? Chàng có chấp nhận lấy em thay chị hay không? Chữ xuân ở đây là nàng Thúy Vân.

– Sống trong lầu xanh, Kiều gặp Thúc Sinh, chàng ngưỡng mộ sắc đẹp của nàng. Từ đó mới có chữ xuân là niềm hạnh phúc của Thúc Sinh và Thúy Kiều: “Hải đường mơn mởn cành tơ/ Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng“. Chữ xuân trong cặp câu này mang nghĩa là mùa xuân. Để diễn tả sự đắm say của chàng Thúc với Kiều, ngay cặp câu lục bát tiếp theo chữ xuân lại được dùng trở lại với nghĩa hạnh phúc của đôi trai gái trong sự hoan lạc: “Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng/ Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng”. Mặc dù cặp câu lục bát 1239 . 1240 chữ xuân nói sự việc Kiều không có cảm giác khi tiếp khách nhưng đến cặp câu lục bát 1285 -1286 nàng đã cảm nhận được niềm hạnh phúc với Thúc Sinh. Vì chàng là người tôn trọng nàng. Ba người yêu của Thúy Kiều: Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Chỉ có chàng Thúc là con người thực nhất. Tình yêu của chàng đã giúp nàng thấy được hạnh phúc giản dị của đời thường: “Dịp đầu may mắn lạ đường/Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê”. Chữ xuân ở đây để chỉ người cha của Thúc Sinh. Xã hội Nho gia thân phụ có vai trò rất lớn trong việc hôn nhân của các con. Tuy rằng Thúc Sinh không thuyết phục nổi cha mình chấp nhận Kiều nhưng chàng là con người thực yêu nàng bằng tình yêu của đời thường. Lúc đầu họ chỉ là quan hệ khách hàng giữa kẻ mua và người bán, sau mới trở thành tri kỉ: “Sinh càng một tỉnh mười mê/ Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”. Đây là cặp lục bát duy nhất trong truyện một câu có tới hai chữ xuân. Cả hai chữ xuân đều chỉ niềm hạnh phúc của Thúc Sinh. Chữ xuân thứ hai có thêm nghĩa là Thúy Kiều. Nàng là mùa xuân của chàng. Sống trong niềm hạnh phúc Kiều vẫn không quên thân phận của mình. Từ đó chữ xuân lại được tác giả sử dụng để nhắc nhở chàng Thúc về gia đình của mình: “Chúa xuân đành đã có nơi Ngắn ngày, thôi chớ dài lời làm chi” Chữ xuân là Thúc Sinh. Chàng có vợ rồi, vui chơi một lát rồi về. Theo Kiều làm lẽ mà không được vợ cả chấp nhận, còn khổ hơn gái lầu xanh. Cho dù chàng là đàn ông có quyền quyết đoán thì trên còn có cha mẹ, không biết có được người thương hay không. Bằng tấm chân tình của mình chàng Thúc đã thuyết phục được Kiều về sống với mình. Từ đó mới có chữ xuân: “Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi/ Phong lôi nổi trận bời bời”. Chữ xuân là Thúc ông. Ông giận dữ vì con lấy gái lầu xanh. Thúc ông đưa Kiều lên quan xét xử. Cảm phục tài năng của Kiều vị quan đã cho nàng đoàn tụ cùng Thúc Sinh. Mặc dù Thúc Sinh rất yêu nàng nhưng Kiều vẫn khuyên chàng về quê thăm vợ cả và nói cho Hoạn Thư biết. Nàng là người phụ nữ phong kiến có khuôn phép: “Rạng ra gửi đến xuân đài/ Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia”. Chữ xuân là người cha. Thúc ông cũng nhận thấy được địa vị của con trai mình. Ông cũng giục con về thăm nhà và vợ cả. Thái độ của Thúc ông trong đoạn này cũng đủ biết Hoạn Thư là người thế nào: “Tiễn đưa một chén quan hà Xuân đình thoắt đã dọn ra Cao đình”. Chữ xuân là khoảng sân nhà Thúy Kiều. Nơi nàng tiễn chàng về thăm quê. Đường đi xa xôi cách trở, nàng là người vợ tránh sao khỏi lo lắng cho chồng. Tác giả cho nàng nói lên tâm sự của mình lúc tiễn chồng bằng 14 câu thơ. Điều đó đủ thấy tâm trạng Kiều bị dồn nén đến mức nào? Trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân tác giả cho nàng nói với chồng trong phòng kín, buổi chia tay của hai người không có sự luyến lưu như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Chia tay thế này nên khi gặp nàng ở nhà vợ cả sự đớn đau của chàng tăng lên bội phần: Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân/ Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên. Chữ xuân ở đây là khoảng thời gian Thúc Sinh và Thúy Kiều hạnh phúc bên nhau.

– Được Hoạn Thư chấp thuận Thúc Sinh trở lại với Thúy Kiều không ngờ rằng đã mắc mưu của Hoạn Thư. Nghĩ rằng nàng đã chết Thúc Sinh lại trở về nhà Hoạn Thư. Chàng không ngờ lại gặp nàng ngay trong nhà vợ cả mình. Chàng rất yêu và ngưỡng mộ nàng nhưng bản tính quá yếu hèn không dám thừa nhận và bảo vệ nàng. Cách hành xử của Hoạn Thư rất tàn nhẫn nhưng lại thể hiện mình là người có giáo dục. Hoạn Thư cũng là đại diện cho tầng lớp phụ nữ con nhà gia giáo. Trong Kim Vân Kiều truyện, Hoạn Thư đánh Kiều rất nhiều. Trong “Truyện Kiều”, Hoạn Thư chỉ làm nhục tinh thần. Đó là một sáng tạo rất lớn của tác giả: “Sen tàn, mai lại nở ra/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân“. Chữ xuân là mùa xuân của đất trời. Một năm có bốn mùa, Kiều đã ở trong nhà Hoạn Thư được ba mùa. Tuy là người nham hiểm nhưng hành xử được như Hoạn Thư không phải người phụ nữ nào ở vào địa vị đó cũng làm được. Chữ xuân ở đây còn hàm nghĩa mở ra một trang mới cho Kiều. Hoạn Thư không hoàn toàn là người vô cảm. Hoạn Thư cũng cảm động về hoàn cảnh éo le của Kiều và mến một tài năng. Bởi vậy nên cơn giận mới giảm được ba bốn phần. Hoạn Thư chiều theo nguyện vọng của Kiều cho nàng ra tu ở Quan  m Cát: “Sớm khuya tính đủ dầu đèn/ Xuân Thu cắt sẵn hai tên hương trà“. Xuân, Thu: Xuân Hoa, Thu Nguyệt, là tên hai đứa hầu gái được cắt ra để lo việc thắp hương, pha trà. Thực ra Hoạn Thư đã cho hai đứa hầu gái ra để canh chừng Thủy Kiều, không cho có dịp được gặp Thúc Sinh. Hoạn Thư là người hiểu hơn ai hết Thúc Sinh ở bên vợ cả nhưng hồn lại ở nơi vợ lẽ. Sống bên người chồng như vậy thì cũng chẳng hạnh phúc gì. Người phụ nữ nào có thể vui được khi chồng yêu người khác? Hoạn Thư cũng khổ về mặt tinh thần. Ăn miếng trả miếng Hoạn Thư đã trả lại Kiều thứ mà mình phải gánh chịu. Nhân lúc Hoạn Thư vắng nhà Thúc Sinh lẻn ra gặp Kiều tâm sự. Chữ xuân tiếp theo được tác giả sử dụng để chỉ chàng Thúc: “Đã cam chịu bạc với tình/ Chúa xuân để tội một mình cho hoa”! Chữ xuân ở đây là Thúc Sinh. Chàng không bảo được cho Thuý Kiều, đã để tội cho nàng một mình phải gánh chịu cảnh đày đọa. Một lần nữa chữ xuân lại được tác giả sử dụng để chỉ tuổi trẻ của Thúy Kiều: “Vì ta cho lụy đến người/ Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh”. Kiều bị Hoạn Thư đày đoạ như vậy thì cũng thiệt cả một thời trẻ trung. Thúc Sinh khuyên Kiều đi trốn để bảo toàn tính mạng. Quá yêu chàng Thúc đã trở nên mù quáng, Kiều như con cá nằm trên thớt. Nếu muốn giết Kiều với Hoạn Thư dễ như trở bàn tay, nhưng trong lúc cơn ghen lên tới đỉnh cao Hoạn Thư cũng không làm. Bây giờ cơn ghen đó đã được giảm ba bốn phần và Kiều đã đi tu thì điều đó có thể xảy ra được không? Nếu chàng Thúc sáng suốt hơn một chút và hành động thông minh hơn thì có lẽ Kiều không phải rơi vào thanh lâu lần thứ hai. Qua cảnh hai người nói chuyện ta thấy Kiều mặc dù đã đi tu nhưng vẫn chưa thoát tục. Điều đó đã nói lên nàng còn nhiều gian nan khổ ải. Ở trong hoàn cảnh của Hoạn Thư mấy ai giữ nổi cơn ghen. Thế mà Hoạn Thư vẫn giữ được bình tĩnh bề ngoài, điều đó cũng đáng nể trọng. Trở về nhà gặp chồng tâm sự với Kiều, đứng nghe chán mới bước vào, vẫn nói cười như không thử hỏi mấy ai làm được? Thái độ của Hoạn Thư càng làm cho Kiều khiếp sợ và tự trốn đi. Từ đó mới lại có chữ xuân trong cặp lục bát dưới đây: “Cửa thiền vừa cữ cuối xuân/ Bóng hoa đầy đất vẻ ngân vang trời”. Chữ xuân là mùa xuân của tự nhiên muôn loài. Thúy Kiều nói dối ni cô Giác là dấu hiệu kết thúc của chuỗi ngày bình yên Duyên để có chỗ nương thân. Chữ xuân ở đây ngắn ngủi của nàng. Khi biết Kiều trốn từ nhà Hoạn Thư, Giác Duyên cũng rất kinh hãi. Với , mắt thuần hậu của nhà tu hành ni cô đã không nhận ra bộ mặt thật của Bạc bà. Sự lầm lẫn đã đẩy Kiều trở lại lầu xanh lần thứ hai. Kiều gặp Từ Hải. Nàng trở thành phu nhân của chàng. Chữ xuân tiếp theo nằm trong đoạn Từ Hải đi đánh trận, Kiều ở nhà vò võ một mình. Nàng nhớ cha mẹ ở chốn quê xa: “Xót thay huyện nỗi xuân già/ Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?” Xuân huyện chỉ cha mẹ, cha mẹ ở miền quê xa đã già lắm rồi. Trên con đường lưu lạc Kiều thường nhớ gia đình trong những lúc buồn và cô đơn. Vì không ở đâu nàng có cuộc sống êm đềm như ở nhà mình khi xưa. Chữ xuân tiếp theo nằm trong đoạn Từ Hải thắng trận trở về: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Chữ xuân ở đây mang nghĩa vui vẻ đằm thắm. Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Bằng tài khéo nói của mình Hoạn Thư đã được tha bổng. Điều đó đã thể hiện cái tài của tác giả truyện Kiều trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Vì chồng chung ai dễ mà chiều cho ai. Kiều mắc lừa Hồ Tuân Hiến. Binh hùng tướng mạnh của Từ Hải tan rã. Nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Kiều được ni cô Giác Duyên cứu giúp. Cả đoạn truyện dài không có một chữ xuân nào.

– Kim Trọng về chịu tang chú được nửa năm thì quay lại tìm Thúy Kiều. Lúc đó cũng đang là mùa xuân. Thấy cảnh nhà hoang tàn, Kim Trọng tìm hỏi được gia đình Vương ông. Chàng biết Kiều đã phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng khóc thương người yêu, mình gầy xác về “Xuân huyên lo sợ biết bao/ Quá ra khi đến thế nào mà hay”. Ở đây chỉ thấy nói đến cha mẹ của Thúy Văn mà không hề nói đến cha mẹ của Kim Trọng. Liệu Kim Trọng dám vượt cả quyền cha mẹ mình để giải quyết vấn đề hôn nhân, trong khi còn có tang chủ. Theo tôi không có sự xuất hiện của cha mẹ Kim Trọng. Vì cuộc sống không có người hoàn hảo. Đây là một dụ ý của tác giả “Truyện Kiều”. Xem lại đoạn Kim Kiều gặp nhau. Mặc dù tình trong như đã mặt ngoài còn e nhưng Kim Trọng vẫn không nhờ người tới gặp Vương ông mai mối. Chàng chờ ở phía ngoài tường bao nhà Kiều suốt một năm ròng mới gặp được nàng hỏi ý. Tính cách chàng Kim như vậy thì việc lấy vợ không có sự hiện diện của cha mẹ cũng là dễ hiểu. Vương ông làm lễ cưới cho Kim Trọng. Qua Thúy Vân chàng thấy được hình bóng của người yêu: “Người yêu điệu kẻ văn chương/ Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì“. Chữ xuân là tuổi trẻ của đôi trai gái. Tuy vui duyên mới nhưng Kim Trọng cũng không quên tình xưa: “Những là phiền muộn đêm ngày/ Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?” Chữ xuân là mùa xuân. Ở đây nó thể hiện nỗi nhớ da diết của chàng Kim. Tuy Vân và Kiều là hai chị em nhưng như tác giả đã nói: Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười thì thay thế nhau hoàn toàn sao được.

– “Chế hoa gặp hội trường văn/ Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”. Bảng xuân: Bảng niêm yết tên những người đậu thi Hội vì hội thi thường mở vào mùa xuân. Kim Trọng được cử đi làm quan ở huyện Lâm Truy. Nơi Mã Giám sinh mang Kiều về. Thúy Vân nằm mơ thấy Thúy Kiều: “Phòng xuân trướng rủ hoa đào/ Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng”. Chữ xuân là phòng ngủ của Thúy Vân. Lúc Mã Giám sinh đến mua Kiều, hắn nói là huyện Lâm Thanh. Kim Trọng bao năm vẫn tìm nàng ở huyện Lâm Thanh. Ngay buổi sáng hôm sau Kim Trọng thăng đường hỏi tin Thúy Kiều. Chàng mới hiểu chuyện về nàng. Kim Trọng được nhà vua bổ nhiệm đi làm quan ở huyện Nam Bình. Trên đường đi chàng ghé qua nơi Từ Hải thất trận hỏi thăm về nàng. Biết Kiều đã chết, gia đình lập đàn giải oan cho nàng. Họ gặp được ni cô Giác Duyên và được bà dẫn về gặp Kiều. Trông xem đủ mặt một nhà/ Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi. Mười lăm năm Kiều mới gặp lại gia đình. Cha mẹ nàng vẫn khỏe. Các em của nàng đều đã phương trưởng. Còn Kiều thì sao? “Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa/ Mười phần xuân có gầy ba bốn phần”. Chữ xuân ở đây là nàng Kiều. Mặc dù nàng có gầy đi nhưng qua bao nhiêu sóng gió Kiều vẫn đẹp như xưa. Trở lại với gia đình Thúy Vân và song thân ép nàng kết hôn với Kim Trọng. Không thể từ chối nàng đã làm lễ bái đường với chàng. Canh khuya bức gấm rủ thao/ Dưới đèn tỏ dạng má đào thêm xuân. Chữ xuân là vẻ đẹp của Kiều. Mặc dù Thúy Kiều và Kim Trọng yêu nhau nhưng họ mãi mãi chỉ là bạn. Lần trước Thúy Kiều từ chối chàng vì nàng muốn giữ cho tình yêu của hai người được trong sáng. Lần này nàng lại từ chối chàng vì nàng đã quyết đi tu và vì Thúy Vân em gái của nàng: “Chừng xuân tơ liễu còn xanh/ Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân”. Chữ xuân là Thúy Kiều. Cặp lục bát này nằm trong lời nói của chàng. Kim Trọng muốn nói rằng Thuý Kiều còn trẻ, nghĩ chưa thoát khỏi được chuyện ân ái vợ chồng. Bằng trí thông minh của nàng, Kiều lại thuyết phục được Kim Trọng. Nàng đánh đàn cho người yêu nghe: “Khúc đâu êm ái xuân tình/ ấy hôn Thục đế mình đỗ quyên”. Chữ xuân là tiếng đàn của nàng. Kiều gảy đàn lần này là lần thứ sáu. Trong suốt năm lần trước tiếng đàn của Thuý Kiều đều sầu thảm chỉ có lần sau cùng tái hồi Kim Trọng thì tiếng đàn mới được vui vầy. Kiều lập am thờ Phật cho người đi đón Giác Duyên nhưng nhà sư đã không còn ở đó nữa. Chữ xuân cuối trong truyện: “Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”. Vườn xuân là cảnh vui vẻ trong gia đình như khu vườn xuân có hoa nở tươi tốt đẹp đẽ.

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du luôn là tác phẩm để những người yêu mến văn học dân tộc đọc và suy ngẫm. Với kỳ công xây dựng nhân vật và dụng công tu từ tiếng Việt, “Truyện Kiều” đã trở thành viên kim cương sáng lấp lánh của văn học Trung đại nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung. Chỉ cần một chữ xuân như đã trình bày trên cũng đủ để tác phẩm sống mãi với thời gian..

L.T.C

* Tài liệu tham khảo: Truyện Kiều bản 1866. Bản Liễu Văn Đường, Nghệ An. Nguyễn Quảng Tuân phiên âm khảo di. Nhà xuất bản Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học 2004.