Đại Nam Quấc âm tự vị – Bộ tự điển tiếng Việt đầu tiên của nước ta

Sách được soạn từ năm 1889 đến 1893, chia làm 2 quyển, khổ 31 x 24cm. Quyển I từ vần A đến vần L, gồm 608 trang (không kể 14 trang đánh số La Mã ở đầu sách viết các phần tiểu tự (như “lời nói đầu”); dấu riêng (như “phàm lệ”); kể về các dòng vua Trung Hoa, từ Phục Hi sắp về sau và kể các dòng vua nước Nam – lấy trong sách Ngoại kỷ và Bổn kỷ; cùng là sai sót (đính chính) và bổ di (bổ sung một số mục từ), do nhà Rey, Curiol & Cie Sai Gon in năm 1895. Quyển II từ vần M đến vần X, gồm có 596 trang (không kể 4 trang đầu đánh số La Mã là các phần đính ngoa (đính chính cuốn thứ nhất và cuốn thứ hai); bổ di và lời dặn (cách dùng sách).

Vì sao gọi tự vị mà không gọi tự điển? Ngay ở phần đầu bài tiểu tự, Huỳnh Tịnh Của đã khiêm tốn giải thích:

“Có kẻ hỏi, tự điển, tự vị khác nhau thể nào; sao sách ta làm kêu là tự vị mà không gọi là tự điển, lại hỏi tự vị ta tham dụng chữ nho sao gọi là tự vị quốc âm?

“Tự điển tự vị khác nhau có một sự rộng hẹp: tự điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải cứ kinh truyện làm thầy; chí như tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển, dẫn tích gì. Tuy sách ta làm có chú giải rộng, có đem những lời ngạn ngữ, có trưng những lời nói chuẩn đích trong các ca vãn hay, như là ca trù, Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều, vân vân; nhưng vậy cũng là chuyện chơi, chuyện ngoài, không phải là kinh điển. Suy một lẽ ấy, dầu sách ta rộng rãi, tường tất thể nào, cũng chưa dám bì với tự vị Tàu mà gọi là tự điển”.

Lúc đầu Huỳnh Tịnh Của có ý định dịch ra tiếng Pháp, và ông đã làm như vậy với sự giúp đỡ của vài người Pháp. Nhưng sau, vì thấy cần phải bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức, và cũng do lời khuyên của A. Landes (1850 – 1893, là một nhà Đông phương học) nên ông quyết định bỏ phần dịch sang tiếng Pháp.

Trong tiểu luận Cao học ngữ học, ông Nguyễn Văn Y đếm chữ, thấy bộ sách này gồm tất cả 7.537 chữ (đơn tự). Tổng số các từ ngữ, thành ngữ được giải nghĩa ở sau mỗi đơn tự vào khoảng 30.000, ở đó có giải cả những câu trong sách nho (có viết kèm chữ Hán). Trước mỗi đơn tự có in kèm chữ Hán, chữ Nôm.

Theo ông Y, đặc điểm nổi bật của bộ Đại Nam quốc âm tự vị đối với người Việt ngày nay là nó chứa rất nhiều từ ngữ xưa, có thể rất thông dụng ở thế kỷ XIX, nhưng hiện nay chúng ta không còn nói, viết nữa. Và nó có đến trên 500 câu thành ngữ, tục ngữ mà không thấy có mặt trong sách Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc cũng như Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức sau này – là những quyển sách chứa nhiều thành ngữ, tục ngữ nhất so với các ấn phẩm cùng loại (Biết thêm: sách tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn của Huỳnh Tịnh Của in năm 1897 có đến 1.226 câu).

Theo Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, t.II, Đại Nam quốc âm tự vị cũng có rất nhiều từ ngữ về thảo mộc và cầm thú của nước ta và của khu vực miền Nam. Nhưng lại có ít nhân danh, địa danh. Nhân danh của Việt Nam thì quá ít, ít hơn cả nhân danh Trung Hoa. Sách chỉ có hơn 300 địa danh. Sách còn ghi một số chữ bắt nguồn từ tiếng Miên, tiếng Tàu, tiếng Pháp đã được sáp nhập vào tiếng nói Việt Nam, hay đúng hơn, được sáp nhập vào tiếng nói Sài Gòn, của Nam Bộ.

Đại Nam quốc âm tự vị là quyển tự điển mở màn cho một loạt các từ điển Việt Nam khác sau này. Các nhược điểm, sai lầm của nó không thể tránh khỏi bởi Huỳnh Tịnh Của hoặc làm một mình, hoặc làm với một nhóm nhỏ – mà người Việt Nam khi ấy thì chưa có mấy kinh nghiệm trong việc to lớn và khó khăn này. Vả lại, tiếng và chữ Việt Nam từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi nên người đọc bây giờ thấy nhiều điều lạ. Chính những điều đó lại là một trong những cái hay của một quyển sách góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.

Soạn tự vị để “làm chuẩn thằng” (chuẩn: cái để đo mặt bằng; cái giảng để đo chiều thẳng đứng) cho tiếng nói trong điều kiện chỉ làm một mình “từ A đến X” và đích thân sửa bản in với trên 1.200 trang chữ nhỏ (kể cả chữ nho, chữ nôm) mà chỉ mất có hơn 4 năm (ngoài giờ, vì ông là công chức), ta không thể không thán phục sự cố gắng phi thường của ông. Có thể nói, nếu không vì động cơ thích thú và vô cùng yêu tiếng Việt, ông không dễ thực hiện được một công trình vĩ đại, mang tính “mở đường” như thế.

Nhờ Huỳnh Tịnh Của mà ta biết được phép đếm ngày xưa, có một số tiếng nay không còn dùng, hoặc dùng với nghĩa khác hẳn. Thí dụ như:

– Một vẹo là mười muôn (tức một ức).

– Một triệu là một trăm muôn.

– Một kinh là mười triệu.

– Một tĩ (dấu ngã) là một trăm triệu (?).

– Một tải là trăm ngàn ngàn triệu (tức là một trăm ngàn tỉ: 100.000.000.000.000) v.v…

Ta biết, tiếng Việt thay đổi rất nhanh, trước đó khoảng 60 năm, tự điển Tabert cho biết đơn vị đo lường: về đếm thì, từ một đến ức, triệu, kinh, tỉ, cai, nhương câu, nhản, chính, tải; cách đo thì từ ai, trần, huy, châu, hốt, hào, ly, phân, đồng, lượng đến nén, cân, yến, bình, tạ, quân (500 cân); đo (đất) thì từ ly, phân, tấc, thước, ngũ, sào đến mẫu… Và sau đó 60 năm (1945) người ta không còn dùng vẹo, kinh, tĩ (một trăm triệu), tải như hồi cuối thế kỷ XIX mà Đại Nam quốc âm tự vị đã ghi.

Nhờ có Đại Nam quốc âm tự vị mà ta biết, viết rừng sát là ngộ nhận, phải viết là rừng sác, vì theo tự vị này, sác là rừng nước mặn (ở gần biển), cây sác là cây nước mặn. Hoặc như chữ bòng bong trong bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu: “Bữa bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”, có sách giải là bọt xà bông (xà phòng), Đại Nam quốc âm tự vị ghi bòng bong: vải, hoặc đệm buồm may làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng theo ghe thuyền”. Lại như nói đèn cầy (nến, bạch lạp), người ta thường hiểu đó là loại đèn trước đây làm bằng sáp, mở, paraffin, nhưng Đại Nam quốc âm tự vị cho biết đó là loại đèn làm bằng nhựa cây cầy (là “thứ cây có mủ trắng trắng, người ta hay dùng để làm đèn”).

Huỳnh Tịnh Của nghĩ rằng, “hễ có tiếng nói, ắt phải có tự vị làm chuẩn thằng. Chữ nho thì cứ tự điển Khương Hi, chữ nôm chọn trong các ca vãn hay đã nói trước, cả thảy đều dùng chính nôm chính chữ; quốc ngữ Latin thì tùy theo thói quen, giữ cho thiệt tiếng thiệt vần”.

Nhờ vậy nên ta biết cá cóc và cá cốc khác nhau; chim kéc và chim két cũng khác xa; “tấm ván dài để làm cầu giả mà đi (từ ghe) lên đất” phải viết là đòn giày; còn “thứ bánh dẻo làm bằng bột nếp, dùng chày quết nhuyễn dặt về tròn tròn, ấy là bánh một người con thứ vua Hùng Vương làm mà dâng, cùng được nối ngôi cho vua cha” thì phải viết là bánh giầy.

Đánh giá về bộ sách này, Tự điển Văn học (Nxb. KHXH, H., 1984) viết: “Đại Nam quốc âm tự vị” là bộ tự điển giải thích ngôn ngữ dân tộc đầu tiên trong lịch sử. Huỳnh Tịnh Của đã góp nhặt từ vựng tiếng Việt trong sách từ hai nguồn: nguồn thơ văn tiếng Việt cổ điển và nguồn tiếng nói thông tục trong đời sống. Nhờ đó, ông đã tổng hợp được một kho từ vựng phong phú trên địa bàn cả nước, kể cả những từ vựng cổ. Có thể nói bộ sách không những là chứng tích cần thiết về trình độ phát triển của ngôn ngữ văn học dân tộc một thời kỳ nhất định, mà với phương pháp sưu khảo cẩn thận, mặc dù cách giải thích còn có phần sơ lược, đó còn là một tài liệu quan trọng cho người nghiên cứu ngữ âm lịch sử và ngữ văn học các đời sau”.

Sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988) nhận định:

“Đại Nam quốc âm tự vị thực sự là một công trình khoa học góp phần quan trọng không chỉ đối với chuẩn mực hóa, hoàn thiện tiếng Việt văn học, mà cả đối với khoa ngôn ngữ học về sau. Lời lẽ bàn bạc các vấn đề khoa học là rất xác đáng, chặt chẽ và đã khá gần với các biện luận hiện nay…”.

Học giả Vương Hồng Sển đã viết “Lời tự ngôn” trong sách Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nxb. Văn hóa, H., 1993): “Có một bộ sách thầy, tiếc cho anh Lộc Đình [tức học giả Nguyễn Hiến Lê] chưa mua, đó là bộ Đại Nam quốc âm tự vị Huỳnh Tịnh Của, nhà Khai Trí có tái bản, nhưng nay họ giấu hết, cũng không dễ gì tìm; bộ sách này tôi cho giàu nhất về tiếng nôm miền Nam, chứa nhiều nhất về tiếng nói cũ của ông bà chúng ta để lại. Buồn thay cho một người quán xuyến như ông Của, tài ba như ông Của, đơn thuần dọn bộ sách quý, từ Nam chí Bắc thảy còn dùng, mà nực cười thay trong cuốn “Lược truyện các tác gia Việt Nam” xuất bản ở Hà Nội, do Nxb. Sử học, Viện Sử học nhắc tên nơi trang 484, số 668, ấy các ông đúng đắn viết ra cuốn lược truyện công phu này, lại không biết Hoàng Tỉnh Trai, chính là ông Của! Ông Của đối với tôi, tôi vẫn tôn kính làm thầy, sách của ông chiếm trong tủ một số chỗ ngồi xứng đáng”.

Ông Huỳnh Tịnh Của sinh năm 1830, người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; mất ngày 23-12 năm Đinh mùi ngày 26-1-1908. Ông có 26 đầu sách đã xuất bản và đáng kể nhất là bộ “sách thầy” Đại Nam quốc âm tự vị; và là Chủ bút tờ Gia Định báo từ năm 1869.

Đề cập đến ông và nhận định về Đại Nam quốc âm tự vị, mọi người đều ca ngợi, xem ông là một người thầy “trong lĩnh vực nghiên cứu tiếng Việt, nhất là tiếng nôm miền Nam. Sách ông chứa nhiều nhất về tiếng nói cũ của ông bà chúng ta để lại. Ông đã sưu khảo cẩn thận về ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ văn học dân tộc một thời kỳ nhất định, giúp ích rất thiết thực cho người nghiên cứu ngữ âm lịch sử và ngữ văn học các đời sau Nhà văn Sơn Nam (Người Sài Gòn, Nxb. Trẻ, 1990) đánh giá Đại Nam quốc âm tự vị: là “Một công trình đáng kể về khối lượng và chất lượng, ghi lại lời ăn tiếng nói của mọi giới ở vùng đất Đồng Nai (quê ông – Huỳnh Tịnh Của – ở Bà Rịa). Những tiếng lóng, tiếng thông dụng mà các nhà “bác học” mãi đến nay còn do dự, chưa ghi vào tự điển vẫn có mặt trong quyển tự vị này: bánh hỏi, mười hai mụ bà, mười ba đức thầy, bòng bong…”.