Tung Sơn, một trong những ngọn núi thiêng cao đẹp hùng vĩ và trùng điệp bậc nhất Trung Hoa cổ đại, nổi tiếng với ngôi chùa Thiếu Lâm tự. Ngoài ra, từ xưa đến nay, nơi đây còn được xưng là nơi của các tăng đạo tu hành.

Thiếu Lâm Tự
(Hình minh họa: Qua read01)

Các bậc tiên hiền thời cổ đại cho rằng, những nơi sông núi linh thiêng là đối ứng với các vì sao trên bầu trời. Với tư tưởng đó, Tung Sơn được xưng là ranh giới của Hiên Viên tinh.

Cao tăng Nhất Hạnh triều nhà Đường từng nói rằng, thời thượng cổ có năm vị đại Đế. Trong đó, Hiên Viên Hoàng đế là người ở giữa. Tung Sơn lại là ngọn núi nằm giữa năm ngọn núi thiêng của Trung Hoa là Đông nhạc Thái Sơn, Tây nhạc Hoa Sơn, Nam nhạc Hành Sơn, Bắc nhạc Hằng Sơn và Trung nhạc Tung Sơn. Bởi vậy mà Tung Sơn còn được gọi là “Trung nhạc”.

Tương truyền rằng, khi Hoàng Đế đi du ngoạn đến Tung Sơn đã gặp và bái kỳ nhân Hoa Cái làm thầy. Ông cũng chế định ra cách làm lịch, mở ra văn minh Hoa Hạ. Thái Thượng Lão Quân cũng cưỡi rồng giáng hạ xuống núi Tung Sơn truyền đạo pháp. Học giả uyên thâm của các triều đại cũng đều tụ lại ở chốn Tung Sơn để dạy học, truyền đạt kinh nghiệm của mình. Vì vậy mà Tung Sơn cũng được xưng là nơi hòa hợp ánh sáng của “Đạo giáo động thiên”, “Nho học thánh địa”, “Thiền Tông tổ đình”.

Trên đỉnh núi Tung Sơn cao chót vót ngàn thước là ngôi chùa cổ Thiếu Lâm tĩnh tại nhìn cõi trần. Tựa như một viên minh châu lóng lánh, sáng chói cùng năm tháng, cùng pháp luân kết thánh duyên.

Trăm ngàn năm qua, Đế vương, tướng quân, quan to hiển hách đều ngưỡng mộ danh tiếng của Thiếu Lâm. Đứng trên Thiếu Lâm nhìn lên là bầu trời bao la rộng lớn, nhìn xuống là thế gian nhỏ bé, dường như những thị phi ân oán trong lòng đều có thể ngay lập tức hóa thành làn khói nhẹ bay đi. Chúng sinh từ khắp nơi tới tế lễ, cầu phúc hay lưu lại thiền ngộ đạo từ xưa đến nay nườm nượp không dứt.

Duyên ngộ đặc biệt

Thiếu Lâm Tự
(Hình minh họa: Qua kknews)

Thiếu Lâm tự được xây dựng vào năm thứ 19 niên hiệu Thái Hòa thời Bắc Ngụy. Theo cuốn “Tục cao tăng truyện” ghi chép, Thiếu Lâm tự ban đầu được Hiếu Văn Đế xây dựng cho nhà sư Bạt Đà, người đã thuyết giảng bộ kinh Phật giáo ở Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ.

Bạt Đà mồ côi cha từ 6 tuổi, thuở nhỏ hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Sau khi quy y nơi cửa Phật, Bạt Đà dốc lòng tu hành suốt hơn 20 năm nhưng vẫn chưa tu thành chính quả. Quá buồn rầu, Bạt Đà từng không quý tiếc bản thân mình. Ngay lúc ấy, Bạt Đà gặp một vị đồng môn đắc đạo khai ngộ cho ông, nói: “Tu hành cần phải có cơ duyên, lúc thời cơ thích hợp đến, ngài tự nhiên sẽ có được thu hoạch. Ngài đặc biệt có duyên với Trung Quốc, tại sao không đến đó tu hành?”

Được vị đồng môn khai đạo, Bạt Đà cùng kết giao nhiều người và đi vân du qua nhiều nước. Đầu tiên họ tới Phất Lâm quốc (phía đông La Mã). Sau đó, ông lại dọc theo con đường Tơ Lụa, đi qua Tây Vực, lặn lội đường xá xa xôi hiểm trở, cuối cùng đã đi đến Bình Thành (nay là Đại Đồng, Sơn Tây), Trung Quốc. Thời điểm ông tới Trung Quốc cũng đúng vào thời kỳ Bắc Ngụy, thời kỳ Phật Pháp ở đây rất phát triển.

Năm 386, Thác Bạt Khuê – hậu duệ của Hoàng đế đã giành lại độc lập của người Thác Bạt. Sau đó ông đổi tước hiệu của mình thành Ngụy vương, sau này triều đại của ông được gọi là Bắc Ngụy. Thác Bạt Khuê bắt đầu bắt tay vào xây dựng cung thất, miếu thờ. Ngoài việc Thác Bạt Đảo (đời cháu của Thác Bạt Khuê) từng cấm Phật giáo thì các đời Hoàng đế Bắc Ngụy đều vô cùngkính trọng nhà Phật.

Sự ra đời của Thiếu Lâm tự

thiếu lâm tự
(Hình ảnh qua: zzci.gov.cn)

Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (Hoàng đế đời thứ 7 nhà Bắc Ngụy) hết lòng tin theo Phật Pháp, nên vô cùng kính trọng những tăng nhân đến từ Tây Vực. Khi vị sư Bạt Đà tới, Hiếu Văn Đế đặc biệt quan tâm, chăm sóc chu đáo. Ông lấy ngân khố để cung cấp nuôi dưỡng sư Bạt Đà, đồng thời còn khai mở thạch thất để các tăng nhân có thể an tâm tĩnh tọa tu luyện mà không bị can nhiễu bởi những ồn ã bên ngoài.

Lúc ấy, trong đất Bình Thành có một vị phú hào giàu có họ Khang, cả đời hết lòng tin theo Phật, thường hay bố thí làm việc thiện giúp người. Vị nhà giàu họ Khang cũng bỏ một số tiền xây dựng một ngôi chùa nhỏ cho sư Bạt Đà. Sư Bạt Đà hàng ngày thường ngồi trong chùa đả tọa tĩnh tu.

Một hôm, có một đám trẻ nhỏ vì tò mò muốn xem diện mạo kỳ dị của vị sư Bạt Đà nên đứng ở cánh cửa lén nhìn ông. Không ngờ, chúng nhìn thấy bên trong chùa là một vầng hào quang như đang “rực cháy”.

Chúng tưởng rằng bên trong bị cháy nên sợ hãi chạy tới báo cáo chủ nhân họ Khang. Nhưng khi mọi người tới thì chỉ nhìn thấy sư Bạt Đà vẫn đang ngồi đả tọa tĩnh tu như mọi khi, không có một ngọn lửa nào. Lúc ấy, mọi người mới hiểu ra được những cảnh tượng kia là sự huyền diệu và thù thắng mà người tu hành đạt được.

Bắc Ngụy Hán Văn Đế rất yêu thích văn hóa nhà Hán. Ông phá vỡ những ràng buộc của dân tộc Tiên Ti (dân tộc thiểu số thời cổ, ở vùng Đông Bắc, Nội Mông, Trung Quốc), cách tân toàn bộ những tập tục của dân tộc này. Ông cũng cải sửa dòng họ Thác Bạt của mình thành “Nguyên” của dân tộc Hán, cũng chuyển kinh đô từ Bình Thành về Lạc Dương. Lần dời đô này diễn ra trong hai năm. Trong đợt dời đô này, nhà sư Bạt Đà cũng mang kinh sách đi theo đoàn người.

Sau khi đến thành Lạc Dương, Hán Văn Đế lại xây dựng tĩnh viện cho sư Bạt Đà làm nơi tĩnh tọa tu hành. Nhưng nhà sư Bạt Đà muốn đến nơi rừng núi Tung Sơn. Vì vậy, Hán Văn Đế theo ý nguyện của nhà sư Bạt Đà xây dựng chùa chiền trên Thiếu Thất Sơn ở Tung Sơn.

Phía đông và phía tây của dãy núi Tung Sơn được chia thành núi Thái Thất và Thiếu Thất. Từ phía nam nhìn về phía bắc là những dãy núi non trùng trùng điệp điệp, giống như ngàn lá cây xếp thành hoa sen, hiển lộ ra một vùng đất thiêng xuất sinh hiền tài. Dân chúng xưng nơi đây là “Cửu đỉnh liên hoa sơn”. Năm thứ 19 niên hiệu Thái Hòa (năm 495), Hiếu Văn Đế đã tu kiến cho nhà sư Bạt Đà một ngôi chùa trong khu rừng rậm phía sau Cửu đỉnh liên hoa sơn cho nên ngôi chùa được gọi là Thiếu Lâm tự (ngôi chùa trong rừng sâu, gần đỉnh Thiếu Thất).

An Hòa (dịch và t/h)