Người ta đóng đinh vào người bà cái danh xưng “dì ghẻ”, người ta lớn tiếng, ỉ ôi trước sự tham lam và dơ bẩn của bà. Nhưng thực chất rằng trong cái tập thể “người ta” ấy, có rất nhiều kẻ sẽ giống như bà. Thường thì những phán xét, định kiến dễ dàng được thốt ra mà người nói nghĩ rằng đúng đắn, vô hại lại có khi là minh chứng rõ nét cho những sự suy diễn vô căn cứ và thiếu đầu óc. Họ có thể nói, sưng sỉa bóc mẻ một cách dễ dàng chuyện nhà người khác nhưng khi đặt mình trong hoàn cảnh tương tự mấy ai dám chắc rằng mình sẽ làm khác đi?

Dì ghẻ không phải người tốt! Chắc chắn như thế! Chẳng ai tốt mà đi bạc đãi một đứa trẻ ngang tầm con mình, chẳng ai tốt mà hết lần này tới lần khác bày mưu tính kế chỉ để bóp chết mọi quyền lợi và năng lực phát triển của một đứa gái ngoan hiền, siêng năng và chăm chỉ. Chỉ cần đơn giản là bóc lột sức lao động, người đàn bà ấy đã có thể năm lần bảy lượt bị ném vào tù ở thời hiện đại, nhưng ở đây, không đơn tuần là sự hành hạ thể xác, bà còn ngang nhiên chà đạp lên mọi niềm vui sống của Tấm và thậm chí dùng chính bàn tay mình đưa Tấm về cõi vô tận chỉ để thoả mãn lòng tham chiếm hữu về một thân phận, địa vị mới. Cái danh người tốt có sức nặng riêng của nó và bà mẹ kế của Tấm hoàn toàn và không bao giờ có thể chạm tới. Với nhân cách và cảm xúc đã băng hoại đến mục ruỗng, người đàn bà kia đã tự mình biến mình thành một sinh thể sống không có trái tim. Cái khoảnh khắc bà kết liễu cuộc đời của Tấm cũng là lúc bà quyên sinh cho cả phần người bên trong của bà.

Và như thế bà dễ dàng trở thành kẻ phản diện trong con mắt của người khác. Nhưng sẽ có một phần nào đó, ở bà, vẫn đáng để suy ngẫm.

Người mẹ kế không hoàn toàn xấu. Một phận đàn bà mang kiếp vợ lẽ, đã qua một đời chồng và chồng mới cũng quy tận với đất trời, trong hoàn cảnh của truyện còn là một xã hội không mấy hưng thịnh và phát triển, bà ta một mình nuôi con đã đành còn gánh thêm một đứa con chồng cũng là tuổi ăn tuổi lớn. Và điều đáng nói, Tấm vẫn lớn lên xinh đẹp và trưởng thành, một phần vì chính bản lĩnh của Tấm, nhưng liệu còn có phần khác chính là sự thương xót bần tiện cuối cùng của người đàn bà không quen biết đó mà biểu hiện là chính sự cưu mang Tấm dù trong thân phận cũng nhiều bi kịch và tủi hờn không kém là “một đứa ở hầu hạ trong nhà”. Vì nếu đã ghét đến mức cay đắng không muốn nhìn thấy mặt nhau mỗi ngày, bà ta hoàn toàn có thể dễ dàng đuổi Tấm ra đường, vừa trút bỏ một gánh nặng trên đôi vai, vừa để bỏ quách cái sự chướng vướng như cái gai trong mắt mỗi lần trông thấy Tấm.

Theo cái logic của cổ tích hay dân gian lúc bấy giờ, trường hợp ấy là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng bà dì ghẻ đã không làm thế, ta sẽ cố tin rằng đó là một chút nhân tính còn vấn vương lại trong tâm hồn của người phụ nữ không mấy hạnh phúc kia.

Và như thế, bà có nhân tính, bà còn tình người hoặc giả chăng cái sự suy đoán trước đó là hoàn toàn sai thì bà vẫn có tình người và thậm chí là có rất nhiều nhưng không phải dành cho Tấm. Cái điều đáng nói là bà nuôi dã tâm tiết kiệm cái tình thương ấy với người khác, chứ không phải với con của mình. Bà thương Cám, rất mực thương, bà thương đứa con do chính bà mang nặng đẻ đau chứ không phải đứa con riêng của chồng. Và khi thương con, bất cứ người mẹ nào cũng chỉ mong muốn dành hết cho con những điều tốt đẹp nhất, bà mẹ kế không phải ngoại lệ.

Đáng khâm phục ở bà chính là tình thương của bà gắn với những “sự hy sinh” tự nguyện và sẵn lòng. Bà sẵn sàng dùng chính bàn tay đẫm máu của mình tàn sát người khác, làm biết bao điều gian ác chỉ để rải hoa hồng lên con đường tương lai của Cám. Người mẹ ấy rất “đáng khen”, “đáng ngợi ca”, chỉ tiếc rằng thứ tình cảm chân thành và thiêng liêng ấy đã là một sai lầm ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, nó biến cái niềm đáng khen đáng ca ngợi ấy trở thành một khái niệm nằm trong ngoặc kép với đầy sự khinh bỉ và lên án. Hết lần này đến lần khác không từ thủ đoạn giẫm đạp lên người khác để cứu vớt cho sự sinh tồn của con, của một thân phận bi hèn, bà còn ra sức dạy dỗ cho đứa con bà rất mực yêu thương trở nên như mình, sống trong hèn hạ, trong dơ bẩn.

Bà đã hết mực nuông chiều và yêu thương con bằng cách dỗ dành, bằng sự vỗ về, bằng viên kẹo ngọt chứ không phải bằng sự nghiêm khắc cần có. Bà bảo vệ con như bảo vệ một quả trứng non nớt vừa rời lòng mẹ, ủ ấm nó dưới đôi cánh của mình, mong muốn tự chính tay bà thay con phá dỡ lớp vỏ cứng cáp bên ngoài, vì nỗi lo sợ rằng con sẽ đau đớn, vì không muốn con trầy xước mà quên mất rằng “quả trứng mà bị nứt từ bên ngoài vào trong thì sẽ là sự diệt vong”. Một cánh bướm phải tự mình chui ra lớp kén dày mới bay lên được; sự bao bọc, nom chăm là điều đáng quý; nhưng lớn lên mà không có bản năng, ý thức đấu tranh để sinh tồn thì chỉ như loài ấu trùng chui ra dưới sự nắn bóp của con người, mãi mãi khuyết tật và muôn đời khuyết tật, trở thành một dị vật sống khép mình bên lề tự nhiên. Bà thương con, nhưng cái tình thương lớn lao đến mức dị dạng ấy lại chính đi cướp đi sự phát triển tự nhiên của Cám, để cuối cùng chính Cám cũng biến mình thành một kẻ suy tàn như mẹ nó, với đôi tay đẫm máu, tự dấn thân để giết chết những kẻ chen chân vào cuộc sống hôn nhân với niềm hạnh phúc giả tạo trong danh phận của một hoàng hậu cao quý.

Mụ Dì Ghẻ' cơn ác mộng giữa ban ngày của Ngô Thanh Vân

Mang tình yêu sai lầm ấy cho con, với cái niềm vui duy nhất là con có một cuộc sống giàu sang, sung sướng đủ đầy, người mẹ ấy hoàn toàn rất đáng thương và cái nét tâm hồn thật đẹp vốn có ấy sau cùng lại hóa thành một chuỗi bi kịch cho chính cuộc đời con lẫn cuộc đời bà. Và dẫu cho cùng chính tình thương con đã át đi tất thảy mọi nỗi thương yêu khác của bà với cuộc đời, để tự bà biến chính mình thành kẻ phản diện xấu xa, đồi bại, thành một phế nhân tâm hồn của xã hội. May mắn thay cho bà chính là Cám cũng hết mực thương bà, dẫu có là đứa xấu xa, tàn bạo, đứa con ấy vẫn thương mẹ và đó dường như là niềm vui chính đáng duy nhất mà người đàn bà tội nghiệp được nhận, được trao tặng lại sau tất thảy mọi nỗi đáng thương và đáng trách mà bà gây ra.

Cho đến lúc kết thúc tác phẩm, dẫu chỉ còn một thân một mình nơi quê nhà, nhung nhớ con một mình giữa cung điện xa hoa, phú quý, bà chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt vốn có bấy lâu và sung sướng vì đón nhận món quà từ xa gửi đến vì tưởng đó là của con gái biếu mình. Cái chi tiết ghê rợn cuối cùng khi bà đã ăn chính thịt của người con gái ở phần cuối truyện như là cái giá phải trả của chính bà vì đã mê muội nuôi lớn một quái vật trong những điều xấu xa tăm tối. Trên thế gian này, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người mẹ mất con, huống hồ là tự ăn lấy từng tấc da tấc thịt của con mình, điều đó phải chăng là một cái giá quá đắt cho một thứ yêu thương mù quáng và không lối thoát?

Những gì người ta nói về bà không hoàn toàn sai cũng không hoàn toàn đúng, họ không sống trong thân phận và hoàn cảnh của bà để thấu hết những gì bà đã trải qua, những điều đã khiến bà biến mình trở thành một người đàn bà xấu xa và tồi tệ đến thế. Nhưng, sau cái kết thúc tất yếu của một kẻ phản diện trong văn học dân gian, đã góp phần nảy sinh rất nhiều bài học nhân văn và đầy sâu sắc, thước đo của một tình mẫu tử chân chính không nằm ở sự nuông chiều, sự đong đếm những giá trị đã cho đi mà ở sự chân thành, ở cảm xúc, ở sẻ chia, ở cả những bài học mềm rắn phù hợp và thấu tình đạt lý.