“Khẩu thị tâm phi” nghĩa là miệng nói một đằng nhưng trong lòng lại nghĩ một nẻo, miệng và tâm không thống nhất với nhau. Là loại người bất hiếu, bất trung, bất nghĩa. Người như thế xưa kia gọi là tiểu nhân trong số kẻ tiểu nhân và bị người đời khinh thường.
Trong lịch sử, những kẻ đại gian thần thường là những kẻ “khẩu thị tâm phi”. Nói một đằng nghĩ một nẻo. Là loại người bất hiếu, bất trung, bất nghĩa. Triệu Cao triều nhà Tần là một ví dụ điển hình.
Sau khi Tần nhị thế Hồ Hợi lên làm Hoàng đế, đã tin một cách mù quáng vào hoạn quan Triệu Cao. Thậm chí Hồ Hợi còn bổ nhiệm Triệu Cao làm Lang trung lệnh. Triệu Cao từ lúc lên làm quan lớn lập tức thể hiện ra bộ dạng đắc chí của kẻ tiểu nhân.
Ông ta một mặt dẫn dụ Tần nhị thế Hồ Hợi trầm mê vào tửu sắc. Một mặt lại tận sức tiêu diệt những người đối lập. Bởi vậy, quan chức cao thấp trong triều đình đều căm hận ông ta. Hơn nữa, rất nhiều người còn muốn giết chết ông ta.
Triệu Cao cũng biết rằng trong triều có rất nhiều người muốn lấy mạng của mình. Vì thế ông ta tìm cách mượn tay Hồ Hợi để loại bỏ những người đối địch trước.
Triệu Cao nói: “Bệ hạ! Thiên tử nếu muốn khiến đại thần tôn kính và phục tùng thì cần phải làm cho họ ngay từ đầu đã có một loại cảm giác thần bí. Bệ hạ nên khiến họ chỉ có thể nghe thấy tiếng của Người mà không thể nhìn thấy dung mạo của Người. Huống hồ hiện tại Bệ hạ còn rất trẻ tuổi. Lúc làm việc khó tránh khỏi những chỗ không thỏa đáng. Nếu Bệ hạ mỗi ngày đều triệu kiến đại thần, thời gian lâu dài chỉ e sẽ bị chúng đại thần nhạo báng.”
Tần nhị thế Hồ Hợi nghe xong gật gật đầu, nói: “Khanh nói có lý, nhưng ta phải làm thế nào? Dù sao thì cũng không thể không lên triều được!”
Triệu Cao cười, nói: “Thần có một biện pháp, Bệ hạ mỗi ngày hãy ở trong thâm cung, giao cho thần và một số quan hiểu rõ luật nhận bản tấu của các đại thần. Thần tiếp tấu chương xong sẽ giao lại cho người xem, cùng bàn bạc xử lý. Cứ như thế, Bệ hạ cũng sẽ không phải lo lắng có sự tình nào xử lý không được thỏa đáng.”
Hồ Hợi nghe xong vô cùng cao hứng và đồng ý với ý kiến của Triệu Cao. Từ đó về sau, mỗi lần chúng thần vào triều đều không còn được gặp Hoàng thượng nữa. Thay vào đó, họ chỉ có thể gặp được Triệu Cao cùng những người trong vây cánh của ông ta diễu võ dương oai. Độc tài xử lý việc triều chính.
Khi biết Thừa tướng Lý Tư vốn là người cùng mưu với ông ta sửa chiếu thư trợ giúp Hồ Hợi lên ngôi cũng càng ngày càng bất mãn trước việc làm của mình. Triệu Cao lại nghĩ ra một kế độc. Dự tính giệt trừ Lý Tư, cũng bằng cách “khẩu thị tâm phi”.
Triệu Cao tìm đến quý phủ và nói với Lý Tư: “Lý Thừa tướng, ta có chuyện muốn cầu ngài. Ngài nhất định phải giúp ta!”
Lý Tư cười nhạt một tiếng và nói: “Thật sao? Không ngờ, Lang trung lệnh cũng có việc cầu ta!”
Triệu Cao giả vờ như không nghe thấy lời ấy của Lý Tư. Làm bộ ra một vẻ đáng thương rồi nói: “Thừa tướng! Ta biết hiện giờ cả triều đình đang nói ta không đúng. Nhưng mà chính là ta cũng không có cách nào khác! Ngài cũng biết. Hiện giờ thiên hạ đại loạn, nơi nơi đều là phản tặc.
Nhưng còn Hoàng thượng thì sao? Mỗi ngày chỉ biết uống rượu mua vui. Vừa xây dựng cung A Phòng. Vừa thu thập một số đồ vô dụng (ý chỉ kỳ trân dị bảo). Ngài nói xem, những người bề tôi như chúng ta có thể không sốt ruột sao? Kỳ thực, ta vẫn luôn muốn can gián Hoàng thượng. Nhưng nghĩ lại một chút thì thấy mình chỉ là một hoạn quan, địa vị quá thấp hèn, cho nên cũng không dám đi. Ngài thì không như thế, ngài là Thừa tướng của đại Tần. Chẳng phải đây chính là việc thuộc bổn phận của ngài sao!”
Lý Tư nghe xong, thở dài một tiếng rồi nói: “Ai nha! Kỳ thực, ta cũng sớm muốn đến khuyên can Hoàng thượng. Nhưng hiện giờ Hoàng thượng không lên triều. Ta ngay cả gặp mặt Hoàng thượng cũng không được. Làm sao có thể can gián được đây?”
Triệu Cao thấy Lý Tư đã mắc bẫy của mình. Liền vội vàng nói: “Triệu Cao ta tuy rằng địa vị thấp hèn, nhưng sẵn lòng muốn giúp ngài chuyện này. Lần sau, đợi lúc Hoàng thượng rảnh. Ta sẽ cử người đến báo cho ngài. Đến lúc ấy, ngài nhất định phải đến can gián Hoàng thượng!”
Lý Tư nghe xong, không biết đây là độc kế của Triệu Cao nên vô cùng cảm tạ ông ta. Hơn nữa, ông còn vô cùng hối hận vì bản thân trước đây đã trách lầm người.
Nhưng thực ra, tâm địa của Triệu Cao đâu có tốt như vậy! Ông ta thực sự đã phái người đến báo cho Lý Tư. Nhưng cũng không phải là lúc Hoàng thượng không rảnh rỗi, chỉ có điều là vào đúng những lúc Hồ Hợi đang chơi đùa vui vẻ, hoan lạc, phấn khích nhất. Cứ như vậy, Triệu Cao dùng hết kế này đến kế khác, ngoài miệng nói với Lý Tư một đằng. Nhưng trong tâm lại âm mưu quỷ kế toan tính hại người. Cuối cùng giết chết cả Lý Tư và Hồ Hợi.
Những người “khẩu thị tâm phi” suy cho cùng cũng là vì chút lợi ích. Quyền lực của bản thân mà “sống hai lòng”. Nhưng kết cục mà họ đem lại, lại chính là “hại người hại mình”.
Người xưa có câu: “Trời cao nghe thấy tất cả”. Chính là nói rằng Thượng Thiên có thể nghe thấy và giám sát tất cả việc thiện ác trong thế gian. Căn cứ vào đó mà ban phúc hay giáng họa.
Bởi vậy, một người nếu “khẩu thị tâm phi”. Dẫu nhất thời có lừa gạt được người ta, nhưng Thần linh đều thấy chân tướng mọi chuyện một cách hết sức rõ ràng. Những trò khôn khéo, giấu diếm che đậy. Hay xảo quyệt lừa lọc đều chỉ là tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Cuối cùng nhận kết cục bi thảm mà thôi.
Trước kia, có một người tên gọi là Nhâm Quốc Tá. Mắc bệnh thời gian rất lâu nhưng vẫn chưa khỏe lại. Bèn mời Đạo sỹ tới giúp ông ta khẩn cầu Thượng Thiên ban cho bình an khỏe mạnh.
Đêm đó, Nhâm Quốc Tá nằm mộng thấy một vị thần nói với ông ta: “Nhâm Quốc Tá, ngươi cả đời làm người Khẩu thị tâm phi. Từ nhỏ đến lớn chưa từng làm một việc thiện nào hết. Tội ác mà ngươi phạm phải đã được kết án. Giờ chết của ngươi sắp sửa tới rồi“. Quả nhiên Nhâm Quốc Tá không lâu sau thì chết.
An Hòa (t/h)