Xưa nay chỉ nghe nói đến quan thanh liêm chứ không nghe nói đến dân thanh liêm. Thật ra thanh liêm là thu liễm lòng tham lại để cho phẩm hạnh được trong sạch, thì riêng gì người làm quan, người có quyền có thế mới có đức liêm?

Truyện xưa ngẫm lại: Lòng thanh liêm của kẻ bán thịt dê
Diện kiến nhà vua. (Tranh minh họa qua ancient.eu)

Có một người bán thịt dê tên là Duyệt, sinh vào thời Chiến Quốc. Vua nước Sở là Chiêu Vương bị giặc đánh phải bỏ nước mà chạy, người bán thịt dê cũng chạy theo. Sau khi Sở Chiêu Vương lấy lại được nước, bèn thưởng cho những kẻ đã phò tá mình trong lúc sa cơ, người bán thịt dê cũng được thưởng. Ai nấy đều nhận, chỉ có người bán thịt dê từ chối, nói rằng:

– Trước hoàng thượng mất nước, tiểu nhân mất nghề bán thịt dê. Nay hoàng thượng lấy lại được nước, tiểu nhân được trở lại nghề bán thịt dê. Thế là tiểu nhân giữ được nghiệp cũ, đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng nữa!

Sở Chiêu Vương nhận thấy đây là người có nghĩa khí, càng động viên. Người bán thịt dê thưa:

– Hoàng Thượng lấy lại nước không phải là công tiểu nhân, nên tiểu nhân không dám lãnh thưởng!

Thấy không thể ép được người bán thịt dê. Sở Chiêu Vương đành bảo:

– Để rồi ta đến nhà của ngươi chơi vậy!

Người bán thịt dê đáp:

– Theo phép nước Sở, người nào có công to, được trọng thưởng thì Vua mới đến nhà. Nay tiểu nhân xét bản thân tiểu nhân, mưu trí không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Nay hoàng thượng bỏ phép nước, đến chơi nhà tiểu nhân, e thiên hạ nghe thấy chê cười vậy!

Vua Chiêu Vương nghe nói vậy, quay lại bảo quan Tư Mã Tử Kỳ rằng:

– Người hàng thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà lời nói nghĩa lý rất cao xa, ắt là nhân tài hiếm có. Nhà ngươi làm thế nào mời ra nhận chức Tam Công cho ta!

Người hàng thịt dê nghe thấy vậy, vội quỳ xuống, nói:

– Tiểu nhân biết chức Tam Công quí hơn nghề bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn. Nhưng tiểu nhân đâu dám ham tước lộc mà để Vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tiểu nhân thực không dám nhận! Xin cho tiểu nhân về giữ lấy nghề bán thịt dê của tiểu nhân.

Nói đoạn chắp tay bái lạy rồi xin lui ra.

Có người nói rằng: “tham” là thứ bệnh dịch lớn nhất trong thiên hạ. Ngay trong lợi ích thiết thân mà buông bỏ được của cải vật chất thì số người làm được quả thực ít như lá mùa thu vậy. Chính vì thế, “liêm” là một trong những đức tính khó rèn nhất.

Ngày nay, lòng tham của con người có phần mạnh mẽ hơn xưa. Ai ai cũng truy cầu danh lợi, thậm chí sử dụng tới cả những thủ đoạn rất xấu, khiến các mâu thuẫn càng thêm trầm trọng, quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng, chất lượng cuộc sống cũng theo đó mà xuống. Có câu rằng: “Nhân gian giống như quán trọ, tá túc vài ngày rồi vội rời đi”, những của cải vật chất nào có mang theo được, vậy mà cả đời phải khổ sở, vất vả vì nó? Người xưa coi trọng cuộc sống bình dị, không tham danh lợi sẽ nhẹ gánh hồng trần,  như câu chuyện của người bán thịt dê thật đáng để người đời suy ngẫm.

Hy Vọng