300 năm, một thời gian quá ngắn với các thành phố khác, nhưng đằng sau 300 năm là mấy nghìn năm, là lịch sử, là văn hóa của toàn dân tộc. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi – ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Những Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Nguyễn Trung Trực đều có gốc gác từ miền Trung và xa hơn, miền Bắc, những “lưu dân” đầu tiên vào Gia Định khẩn hoang, lập ấp… hẳn chắc là trước cái ngày mà Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh chúa Nguyễn lập trấn dinh. Và những người dân ấy, cùng với họ là những tướng lĩnh, trí thức, thợ thầy, nhà buôn… đã đến đây lập nghiệp, họ mang đến một nền văn hóa.

Rồi cùng với hoàn cảnh địa lý, khí hậu, chính trị, kinh tế… nền văn hóa ấy dần dần mang một sắc thái riêng, phản ánh nắng trời màu nước của vùng châu thổ sông Hậu, phản ánh những ruộng đồng, lũ lụt, cây trái và con người mới. Một vùng đất mới, một sắc thái văn hóa mới là điều đơn giản và rõ ràng ở nhiều nơi trên thế giới. Thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị” biến Nam kỳ thành thuộc địa và cố tách nó ra khỏi Trung kỳ, Bắc kỳ. Điều đó quả cũng đã để lại một số dấu vết trong đời sống Sài Gòn. Cũng như sau đó, hai mươi năm chiến tranh nữa, Mỹ vô và cùng với Mỹ lại có một số sắc thái văn hóa dị biệt. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là phụ, cái chính vẫn là một nguồn mạch thống nhất bền vững của văn hóa Việt xuyên suốt từ thời đại vua Hùng dựng nước đến nay.

Sự đa dạng trong thống nhất của một nền văn hóa dân tộc hay của cả một nền văn hóa toàn cầu là một điều tốt đẹp. Ở đất mới khai phá, chúng ta đã có được một sắc thái văn vùng hóa mới với những nét đặc sắc cũng như những nét hạn chế.

Thời trước Cách mạng Tháng Tám, một số học giả, nhà văn vì lẽ khác, mà có phần chắc là chịu ảnh hưởng của chính sách kỳ thị, chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp, nên đã có một cái nhìn không đúng về văn hóa, văn chương Nam bộ. Ông Phan Khôi bắt bẻ việc người Nam thường hay viết sai chính tả (Phụ nữ tân văn -1929 – 1930) làm cho một số người phản ứng lại, cho là ông “lên mặt dạy đời”. Phạm Quỳnh trên Nam Phong (1919) cho trí thức Nam kỳ mất gốc vì “nói toàn tiếng Tây”: “Coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam kỳ Tây hóa đã sâu lắm, hầu như không còn chút gì phong thể An Nam nữa”. Lại còn cho báo chí ở Nam kỳ “nhiều về lượng, kém về chất”. Mấy chục năm sau, một nhà lý luận trong nhóm “Sáng tạo”, ông Trần Thanh Hiệp cho rằng “Văn nghệ miền Nam không có quá khứ. Phản ứng lại có người viết rất đúng: “Lập luận như thế là tách rời miền Nam khỏi cái truyền thống tình thần dân tộc, phủ nhận tất cả giá trị cổ truyền bao gồm cả văn chương bác học và nên văn chương bình dân, cô lập miền Nam thành một thế giới riêng biệt không có lịch sử. Dầu cố ý hay vô tình, một lập luận như thế – ngoài cái tính chất nông nồi còn có một ý nghĩa ngược lại đối với nguyện vọng chung của dân tộc là thống nhất đất nước” (Nguyễn Phủ – Bách Khoa 1/9/1960).

Chẳng cần phải nhắc đến bề dày truyền thống của văn học Đàng trong, Gia Định với những tên tuổi như Ngô Thế Lan, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Cư Trinh qua đến Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tỉnh trong “Gia Định tam gia” rồi đến Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, và sau đó với các tên tuổi hẳn là còn mới lạ đối với nhiều người: Nguyễn Trọng Quản (1865 -1911), người viết tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ở nước ta xuất bản năm 1887: Thầy Lazaro Phiền, Lê Hoằng Mưu với tiểu thuyết 500 trang Người bán ngọc, một chuyện tình – vụ án ly kỳ, nhiều tình tiết phải nói là mới lạ – hiện đại – lần đầu tiên được mô tả trong văn chương Việt Nam. Hồ Biểu Chánh thì ta đã biết nhiều, nhưng ta nên lưu ý đến trường hợp Phi Vân với các truyện ngắn trong Đồng quê. Đó là những truyện sâu sắc và giàu tính nghệ thuật, với một quan điểm nghệ thuật mới, độc đáo về người nông dân, về đồng quê Nam bộ. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó đều cao, cao không nhường bất kỳ tác phẩm nào viết về nông thôn, nông dân trong văn chương Việt. Rõ ràng văn hóa – viết của người viết rất cao: ở đây tôi muốn nói ông tiếp nhận sáng tạo văn chương phương Tây trong cách nhìn, cách mô tả nhiều sắc thái thẩm mỹ.

Ngoài thành tựu về văn chương, thì cái đặc sắc của nghệ thuật Sài Gòn – miền Nam nằm ở sân khấu, có thể gọi chung là nghệ thuật trình diễn, bao gồm cả kịch, cải lương, tuồng và sau này là điện ảnh. Một tài năng như Trần Hữu Trang sân khấu hiện đại hay một tác gia tuồng thời xưa như Bùi Hữu Nghĩa (với Kim Thạch kỳ duyên), một đạo diễn điện ảnh cỡ như Hồng Sến (với Cánh đồng hoang)… là những tên tuổi chói sáng cả nước. Đó là chưa nói đến bậc thầy như Nguyễn Sáng – một họa sĩ hiện đại bậc nhất, hay với Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng. trong âm nhạc.

– Để có một cái nhìn có tính quan niệm hơn là đi vào cụ thể, chi tiết, ta có thể nhìn thấy những đặc điểm cốt yếu gì về văn hóa – văn chương Nam bộ.

– Do hoàn cảnh lịch sử, Nam bộ – Sài Gòn đã đi trước một bước trong việc tiếp biến (aculuration) đối với văn hóa văn minh Pháp, phương Tây. Điều đó thể hiện ở nhiều trí thức lớn, ở văn chương, hội họa, điện ảnh.

– Tinh thần dân chủ trong nội dung văn hóa thể hiện khá rõ qua các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Đến các tác gia nổi tiếng sau này.

– Việc tiếp nhận Nho giáo ở miền đất mới này có những nét riêng: đi từ dưới lên (chứ không từ kinh sử, khoa bảng), nhiều khi ảnh hưởng “truyện Tàu”, tuồng tích lại có nhiều tác dụng tích cực.

– Văn chương gắn với lời nói thường, không “huê dạng”, ít từ chương. Có người lầm tưởng đó là nhược điểm. Hóa ra đó là ưu điểm, là hiện đại, là dài lâu. Dĩ nhiên, không ai không khuyến khích sáng tạo, chưng cất, nâng lên tầm nghệ thuật, tránh “tự nhiên chủ nghĩa”.

– Báo chí có sớm, có tờ báo tồn tại hàng mấy chục năm, đăng nhiều thời sự, có nhiều cái có tính chất hàng ngày (quotidieneté) được phản ánh, đó chính là cái gốc lâu dài của tiểu thuyết, kịch, của nghệ thuật.

– Ít thích lý luận trừu tượng, tư biện, kinh viện, giàu óc thực tế, nắm bắt nhanh kỹ thuật, gắn lý luận và tình cảm, về gần cái chân chất, bình dị, đó cũng là nét khu biệt khá rõ của văn hóa Nam bộ.

Trên đại thể, có thể thấy do được ảnh hưởng của một vùng đất mới mà văn hóa Nam bộ hình thành sau mà lại có kế thừa đổi mới, có cái lại thành “hiện đại” trước, và do đó nó có những đóng góp có ý nghĩa cho toàn quốc.

Ngày nay, khi đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa… văn hóa Nam bộ, Sài Gòn đang đứng trước những thách thức lớn. Miền đất giàu tiềm năng, miền đất của lúa gạo, công nghiệp và dầu khí… này đang lớn mạnh nhanh, nhưng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Nguy cơ tụt hậu vì nguy cơ văn hóa bị xâm lăng trở lại, bị “mất gốc” và phai nhạt truyền thống, thua sút về dân trí (nhất là ở vùng đồng bằng), đó là những vấn đề dài lâu mà nếu không giải quyết có hiệu quả thì sẽ có những ảnh hưởng mất mát không nhỏ.