Thuở cắp sách đến trường, tôi được học bài “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Mấy chục năm sau, tình cờ đọc sử biết thêm chuyện “Lê Lợi giết Lê Lai”. Chính sử không viết rõ hai ông Lê Lai là hai người khác nhau hay là cùng một người. Bán tín bán nghi, tôi tò mò đi kiếm sách đọc thêm.

Xin đem những điều học thêm được ra bàn luận.

Tài liệu viết về Lê Lợi và Lê Lai tương đối nhiều. Để cho dễ theo dõi vấn đề, đề nghị chúng ta cùng đọc lại mấy bộ sử theo trình tự thời gian.

Sách đầu tiên viết về Khởi nghĩa Lam Sơn còn lưu truyền đến ngày nay là Lam Sơn thực lục (LSTL) của Lê Lợi, viết năm 1431. Con cháu công thần Lê Sát còn cất giữ được một bản sao chép sách LSTL này (Nguyễn Diên Niên và Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty văn hóa Thanh Hóa, 1976, viết tắt LSTLTH).

Bài này sẽ dùng bản LSTL của dòng họ Lê Sát (gọi tắt là bản Lê Sát, được sao chép vào khoảng năm 1715) làm tài liệu gốc để đối chiếu với các sách khác.

Bản Lê Sát gồm hai phần viết khác nhau :

– LSTL do Lê Lợi viết, dùng đại danh từ “trẫm”.

– Những lời chú do người khác viết, dùng đại danh từ “vua”.

Chuyện Lê Lai và mấy chuyện khác (Lê Thận được gươm thần, thần áo trắng v.v.) nằm trong phần chú, nghĩa là do người khác viết.

1) Chuyện Lê Lai cứu chúa trong bản Lê Sát như sau:

(…) “Vua thoát nạn đi thẳng đến Trịnh Cao là đất giáp giới Ai Lao, đồn trú lại. Lương thực ít ỏi, tuyệt đường đi về Linh Sơn, Mường Cốc? Quân lính chịu khổ, đói rét vất vả hàng mười ngày liền, đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm nước uống, người ngựa đều đói khốn. Vua hỏi ai là kẻ bề tôi tận trung, hết lòng lo việc nước. Lúc đó, có Lê Lai vốn người thôn Dựng Tú, tính cương quyết, nghiêm nghị và thẳng thắn, diện mạo khác thường, sức khỏe và chí khí hơn người, chỉ mình Lê Lai nói:

– Tôi tự nguyện đổi áo, ngày sau bệ hạ nên nghiệp đế, có thiên hạ, nhớ đến công của tôi, cùng con cháu tôi muôn đời sau được chịu ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi vậy.

Vua vái trời khấn rằng:

– Lê Lai có công đổi áo, mai sau, Trẫm và con cháu Trẫm, con cháu các công thần tướng tá, nếu không nhớ công ơn ấy thì nguyền đền cỏ này hóa thành núi rừng, ấn báu này hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần này hóa thành đao mác thường.

Vua khấn xong, Lê Lai cưỡi ngựa phi ra, thay vua cứu nước, tự xưng là vua Lê. Giặc Minh tưởng là thật, trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Do đó, tình thế hòa hoãn, Vua được tạm yên “. (LSTLTH, tr. 241).

Lê Lợi tìm người hết lòng lo việc nước. Lê Lai tự nguyện đổi áo và bị quân Minh trói bắt về tâu lên vua nhà Minh.

*

2) Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn Thư (TT), Khoa Học Xã Hội, 1968), bộ sử của nhà Lê do Ngô Sĩ Liên soạn năm1479, không chép chuyện Lê Lai đổi áo, thay vua cứu nước.

*

3) Phạm Phi Kiến (đậu tiến sĩ năm 1623) chép trong sách Thiên nam Trung nghĩa thật lục :

(…) “Lai bèn đem binh đến thành Tây (Tây đô), hô lớn khiêu chiến, tự xưng là Bình Định Vương. Người Minh vây bắt, gia cực hình. Sau vua phong hai con là Bá và Viện làm trung lang tướng. Khi vua lên ngôi, tặng Lai hiệu Thái thượng quốc công nguyên huân công thần; lại ban thụy Trung dũng đại vương; đưa tùng tự ở Thái miếu. Đến đời Gia Tông (Dương Hòa năm đầu 1635) cấp một trăm mẫu ruộng tế”. (theo bài Những lời thề của Lê Lợi của Hoàng Xuân Hãn, trong Hoàng Xuân Hãn (HXH), tập 2, Giáo Dục, 1998, tr. 599-633).

Hoàng Xuân Hãn cho rằng Phạm Phi Kiến đã dùng tài liệu khác ngoài LSTL, như phần phổ (dòng họ Lê Lai) để viết.

Chưa chắc Phạm Phi Kiến đã dựa vào phần phổ của dòng họ Lê Lai vì Phạm Phi Kiến chép các mĩ tự của Lê Lai và tên các con của Lê Lai không giống LSTL của Lê Lợi và tất cả các bộ chính sử đời sau.

Phạm Phi Kiến đã thêm chi tiết Lê Lai bị gia cực hình. Nếu cho rằng gia cực hình có nghĩa là giết chết thì, theo Phạm Phi Kiến, Lê Lai bị quân Minh giết tại Tây đô.

*

4) Đến đời Vĩnh Trị (1676-1680), Hồ Sĩ Dương vâng lệnh vua Lê Hi Tông sửa đổi, trùng san LSTL của Lê Lợi.

Sách LSTL trùng san của Hồ Sĩ Dương (gọi tắt là bản Hồ Sĩ Dương) (Nguyễn Trãi toàn tập (NT), Khoa Học Xã Hội, 1976) có nhiều điểm không còn giống LSTL của Lê Lợi. Hồ Sĩ Dương thay đổi bố cục của LSTL. Chuyện Lê Lai và tất cả các chuyện khác, trước kia được chép trong phần chú, bây giờ được đưa vào nằm trong LSTL. Quan trọng hơn nữa là Hồ Sĩ Dương đổi đại danh từ “trẫm” (vua tự xưng) thành “vua”(lời bề tôi). Vô tình hay cố ý, Hồ Sĩ Dương đã phủ nhận Lê Lợi là tác giả LSTL.

Chuyện Lê Lai của bản Hồ Sĩ Dương như sau:

“Bấy giờ quân ta mới thắng nhỏ, mà thế giặc lại đang lớn mạnh, vua liền vời các tướng lại nói rằng :

– Ai có thể mặc áo hoàng bào thay ta đem năm trăm quân và hai thớt voi đi đánh thành Tây Đô, thấy giặc ra đánh thì tự xưng “ta là chúa Lam Sơn”, để cho giặc bắt được, cho ta có thể ẩn náu nghỉ binh, thu nhặt binh sĩ mưu cử sự về sau ?

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai nói :

– Thần nguyện đổi lấy áo bào. Ngày sau Bệ hạ thành nghiệp đế, có được thiên hạ, nhớ đến công thần mà cho con cháu muôn đời của thần được chịu ơn nước. Đó là điều thần mong ước.

Vua vái trời mà khấn rằng :

– Lê Lai có công đổi áo, sau này trẫm cùng con cháu trẫm và các tướng tá công thần cùng con cháu họ, nếu không nhớ đến công ấy, thì xin điện cỏ này hóa thành rừng núi, ấn báu hóa ra cục đồng, gươm thần hóa ra dao thường.

Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cổng trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy binh mạnh xông ra đánh. Lê lai cưỡi ngựa phi vào trận giặc, nói rằng:
Ta là chúa Lam Sơn đây !

Giặc liền vây và bắt trói đem vào trong thành xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng”. (NT, tr. 50, 51).

Hồ Sĩ Dương cho biết:

– Lê Lợi đưa ra ý đổi áo.

– Lê Lai bị quân Minh bắt trói đem vào trong thành (Tây Đô) xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng.

Lê Lợi chủ động nghĩ ra kế hay. Cái chết và nơi chết của Lê Lai được xác định giống Phạm Phi Kiến.

Như vậy là bản Hồ Sĩ Dương đã khác bản Lê Sát về cả nội dung lẫn hình thức.

5) Đại Việt thông sử (1759, đời Lê Hiến Tông) của Lê Quý Đôn (gọi tắt là Thông Sử (TS), KHXH, 1978) chép trong phần Đế kỷ :

” Lúc ấy, binh tướng của ta đương thời kỳ ban đầu, còn rất ít ỏi, thế mà quân Minh có tới hơn 4 vạn rưởi tên (…)

Vua bèn hỏi các tướng:

” Có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín thời xưa không ?”.

Người ở thôn Dậng Tú là Lê Lai khảng khái vâng mệnh, tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh. Tướng Minh mừng rỡ, liền dồn cả quân vây chặt Lê Lai, Lê Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết, chúng bèn lui binh, ta được thoát nạn”. (TS, tr. 35).

Lê Quý Đôn là người đọc nhiều sách, biết nhiều điển tích, đã thêm chuyện Kỷ Tín vào LSTL và cho biết rõ là quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết.

Cái chết của Lê Lai lại một lần nữa được xác định, nhưng khác bản của Phạm Phi Kiến và Hồ Sĩ Dương. Tuy vậy, ở mục Liệt truyện của Thông Sử, Lê Quý Đôn lại viết:

” Khi (Lê Lai) đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình. Sau đó giặc lui quân về thành Tây Đô, việc phòng bị của chúng mới hơi sơ hở, vua (Lê Lợi) có thời cơ, nghỉ binh, nuôi chứa nhuệ khí, để có thể trăm trận trăm thắng, và lấy được thiên hạ “. (TS, tr.157).

Xử cực hình Lê Lai rồi sau đó quân Minh rút vào trong thành Tây Đô. Vậy Lê Lai bị xử cực hình ở đâu ? Nếu ở Đông Quan (như Lê Quý Đôn viết ở đoạn trên) thì chúng ta phải hiểu là quân Minh phải ở ngoài thành Tây Đô để chờ tin giết Lê Lai. Cứ cho là Tây Đô–Đông Quan–Tây Đô đi về mất độ 4, 5 ngày. Quân Minh phải đóng ở ngoài thành 4, 5 ngày, không đánh nhau, trước khi rút vào trong thành. Chuyện vô lí, chả lẽ quân Minh lại ngu xuẩn đến mức như vậy. Chỉ còn lại giả thuyết là Lê Lai bị xử cực hình tại trận hoặc trong thành Tây Đô.

Đối chiếu hai đoạn viết của Lê Quý Đôn chúng ta không khỏi phân vân, bối rối. Lê Lai bị giết ở Tây Đô hay Đông Quan? Phải chọn một trong hai nơi chứ không thể chấp nhận cả hai được ! Phải chăng Lê Quý Đôn đã tham khảo cả bản Phạm Phi Kiến hoặc bản Hồ Sĩ Dương để viết rằng Lê Lai bị xử cực hình (tại Tây Đô) mặc dù chính Lê Quý Đôn đã phê bình bản Hồ Sĩ Dương là do “các nho thần đã vâng mệnh vua đính chính, chỉ căn cứ vào hiểu biết của mình, lấy ý riêng mà sửa chữa, thêm, bớt, sai mất cả sự thực, không phải là nguyên bản sách cũ” (TS, tr. 110), nên mới viết mâu thuẫn như vậy ?

*

6) Đại Việt sử ký tiền biên (1800, nhà Tây Sơn) của Ngô Thì Sĩ (gọi tắt là Tiền Biên (TB), KHXH, 1997) chép cũng không rõ ràng, dứt khoát :

“Lê Lai bèn đem quân đến thành Tây Đô khiêu chiến, tự xưng là Bình Định Vương. Giặc Minh dốc quân ra bao vây, bắt về xử cực hình. Từ đấy các nơi thuộc thành Đông Quan đều truyền tin là Bình Định Vương đã chết…”.(TB, tr. 552).

Lê Lai bị giết ở Tây Đô, nhưng tin lại từ Đông Quan được truyền đi.

*

7) Việt sử tiêu án cũng của Ngô Thì Sĩ (Văn Sử, Hoa Kì, 1991, tr. 298) chép :

“Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật, không lưu ý…”.

*

8) Lịch triều hiến chương loại chí (1821, đời Minh Mạng) của Phan Huy Chú (tập 1, Sử Học, 1960) sau lời án công nhận Lê Lai vì nước bỏ mình, có thêm lời chú :

(…) “Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem có ai đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt. Vua nhân dịp trốn thoát.” (tr. 266).

Ở đây, Phan Huy Chú chép lại việc Kỷ Tín của Lê Quý Đôn nhưng chỉ nói Lê Lai bị bắt, như bản Lê Sát.

*

9) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1881) (gọi tắt là Cương Mục (CM), Giáo Dục, 1998), bộ sử của nhà Nguyễn lại thêm vài chi tiết mới, rõ ràng :

” Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phía Vương khốn quẫn quá ! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau ?” Trong các tướng chẳng ai đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay.

Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô “. (CM, tập 1, tr. 770).

Lê Lai biết trước là đi chết thay Lê Lợi. Hậu quả tất yếu là Lê Lai bị người Minh bắt và giết chết. Lê Lai chết ở đâu ? Cương Mục chép giống Thông Sử, chỉ cho phép suy ra là Lê Lai bị giết ở Tây Đô.

10) Lịch sử Việt Nam của Uỷ ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam (KHXH, 1971, tr. 244) chép:

“Quân Minh tập trung lại bao vây để bắt sống Lê Lai và tiêu diệt đội quân cảm tử. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa thoát khỏi một cơn hiểm nghèo.

Hành động xả thân vì nước của Lê Lai đã trở thành một hình tượng anh hùng không bao giờ phai mờ trong ký ức của dân tộc ta”.

Đoạn trên thì Lê Lai bị bắt sống, đoạn dưới thì Lê Lai có hành động xả thân vì nước. Tuỳ người đọc muốn hiểu sao thì hiểu.

Trên đây là 10 sử liệu quan trọng của ta. Có thể kể thêm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (Trung tâm học liệu, 1949, tr. 219), Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn (Khai Trí, 1960, tr. 360) nhưng 2 bộ sử này chép tương tự sử của nhà Nguyễn.

Nhận xét đầu tiên là chuyện Lê Lai cứu chúa rõ ràng đã bị đời sau sửa đổi. Lúc Lê Lợi còn sống (1431), văn bản chỉ kể rằng Lê Lai bị quân Minh trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Hơn 200 năm sau, Phạm Phi Kiến (khoảng 1635) xướng lên rằng Lê Lai bị quân Minh gia cực hình. Hơn 300 năm sau, Lê Quý Đôn (1759) đi xa hơn một bước nữa, không những Lê Quý Đôn chép rằng Lê Lai bị quân Minh giết, ông còn ví Lê Lai với Kỷ Tín. Tiếc rằng Lê Quý Đôn đã chép Lê Lai bị giết lúc thì tại Tây Đô, lúc thì tại Đông Quan. Các sử gia đời sau thường dựa theo chuyện Kỷ Tín của nhà bác học Lê Quý Đôn để kể chuyện Lê Lai cứu chúa.

Trở lại bản Lê Sát.

Lê Lai bị quân Minh trói bắt về tâu lên vua nhà Minh nghĩa là gì ?

Toàn Thư và Tiền Biên cho biết rằng từ trước cũng như trong thời kì Khởi Nghĩa Lam Sơn, nhà Minh đã nhiều lần đưa ra chính sách chiêu dụ để dụ dỗ vua quan của nước ta ra hợp tác với chúng. Có nhiều dấu hiệu tỏ rằng quân Minh chấp hành chính sách này. Cụ thể là vua Trần Quý Khoáng, cha con Hồ Quí Ly, Nguyễn Phi Khanh, Trần Nhật Chiêu…, các tướng Nguyễn Xí, Đỗ Bí của Lê Lợi, khi bị quân Minh bắt đều được đưa về Đông Quan, trước khi bị giải sang Yên Kinh. Quân Minh chỉ giết ai chửi mắng, chống lại chúng.

Năm 1408 vua Minh xuống chiếu : ” Còn nghĩ bọn thù chúng vốn là ngu dốt, hoặc bị bách vì cùng đói, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hoặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình đáng nên thương, nếu nhất khái bắt tội cả, trẫm thật không nỡ. Ngày chiếu thư này đến nơi đều tha bỏ cả…”. (TT, tập 2, tr. 235).

Năm 1409, ” Kinh lộ lần lượt đầu hàng, những dân còn sót lại bị bắt làm nô tỳ và chuyển bán đi tan tác bốn phương. Thượng thư Hoàng Phúc lại đặt quan chia nhậm từ Thanh Hóa trở ra bắc, người thổ nào có thể chiêu an, hoặc có công chém giết cướp bóc thì Trương Phụ đều cho làm quan “. (TB, tr. 535).

Năm 1411 : “…Trong ấy nếu có người dũng cảm người kiến thức, có thể bắt được mấy người đem nộp, cũng cho quan to tước cao; những kẻ làm ác nếu biết gột rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, không những là được khoan tha tội lỗi, lại cho làm quan nữa “. (TT, tập 2, tr. 214).

Năm 1416 : ” Nhà Minh chiêu dụ các quan cũ của triều trước, giả cách bổ đi các nha môn quân làm việc, rồi đưa về Yên Kinh giữ lại. Bọn đua chen vốn không phải là quan cũ, chưa được thực giao quan chức cũng hăng hái ra, trong nước trở nên trống rỗng. Ở vài năm thấy gian khổ thỉnh thoảng họ lại trốn về “. (TB, tr. 549).

Năm 1420 : “Tam ty nước Minh kiến nghị rằng, quan lại quân dân Giao Chỉ người phạm tội vặt, từ tội chết trở xuống, xin đều cho nộp thóc để chuộc tội theo thứ bậc khác nhau, để trữ lương nơi biên giới. Vua Minh nghe theo “. (TT, tập 3, tr. 11).

Năm 1426 : “… Vậy ban ơn mưa móc, cho đều được nhuần. Phàm quan lại nhân dân ở Giao Chỉ có can tội phản nghịch, đã kết giác hay chưa kết giác (phát giác) đã kết chính hay chưa kết chính (xử đoán) kể từ ngày chiếu thư này ban ra, không kể là tội lớn hay tội nhỏ, đều tha bỏ cho cả…”. (TT, tập 3, tr.22).

Cùng năm 1426 :”…Xuống chiếu đại xá cho tội nhân ở Giao Chỉ là Lê Lợi. Phan Liên hàng, cũng cho quan chức…”. (TT, tập 3, tr. 335).

*

Năm 1418, thanh thế Lê Lợi chưa nổi, nghĩa quân Lam Sơn còn rất ít ỏi, chưa mạnh. Lê Lai (Lê Lợi giả) bị trói bắt về tâu lên vua nhà Minh có nghĩa là quân Minh bắt ông tại Tây Đô, sau đó chúng đưa ông về Đông Quan chiêu dụ hoặc chờ ngày giải sang Yên Kinh như chúng đã từng làm với vua Trần Quý Khoáng, với cha con Hồ Quý Ly.

Lê Quý Đôn cũng xác nhận chuyện quân Minh đưa Lê Lai về Đông Quan, nhưng theo Lê Quý Đôn thì Lê Lai bị quân Minh giết tại đây.

Bản Lê Sát không chép Lê Lai bị giết tại thành Tây Đô, cũng không chép Lê Lai bị giết tại Đông Quan. Không có chữ nào nói rằng Lê Lai bị quân Minh giết.

Bản Lê Sát còn có hai chi tiết khác chứng tỏ rằng Lê Lai không bị quân Minh giết :

– Lê Lợi chép tên hơn 40 công thần bị chết trận, trong đó có tên hai con trai của Lê Lai là Lê Lộ và Lê Lâm, nhưng không có tên Lê Lai.

– Lê Lợi lập danh sách 35 công thần tham dự cuộc khởi nghĩa được phong thưởng. Bên cạnh chức tước được phong Lê Lợi ghi cả công của mỗi người.

Ông Lê Thạch được ghi là : Người đầu tiên ghi tên vào cuộc khởi nghĩa, làm quân hỏa thủ thiết kỵ đột. Lương nghĩa hầu, vì đánh Ai Lao mà trận vong.

Ông Lê Lai được ghi là : phong làm Diên phúc hầu, nhập nội. Lộ Khả Lam, vì dịch bào thế quốc sự (vì đổi áo thay việc nước).

Lê Lợi chỉ nói là Lê Lai có công đổi áo và không nói là Lê Lai bị quân Minh giết.

Theo bản Lê Sát thì không có bằng chứng nào nói rằng Lê Lai bị quân Minh giết.

*

Toàn Thư (bộ sử của nhà Lê) không chép chuyện Lê Lai cứu chúa. Hoàng Xuân Hãn phân tích và phê bình sự thiếu sót này :

” Sau khi đọc Thông sử, ta thấy hiển nhiên rằng chuyện Lê Lai hy sinh để Lê Lợi có thể trốn tránh trong cơn quẫn bách là chuyện thật, mặc dầu Toàn Thư, theo bản ngày nay còn đã bỏ sót. Vả về đời Lê Lợi, bản Toàn Thư hiện còn chép chuyện năm thì nhiều, năm thì ít, khiến ta có thể nghĩ rằng hoặc vì tài liệu đã mất nhiều trước đời Lê Thánh Tông, hoặc sử thần cẩu thả, hoặc bản đời sau khắc lại bớt xén nhiều “. (HXH, tập 2, tr. 612).

Hoàng Xuân Hãn dựa theo Lê Quý Đôn để phê bình sử gia Ngô Sĩ Liên !

Hơn 200 năm sau Lê Lợi, Phạm Phi Kiến là người đầu tiên (theo các văn bản hiện có) chép rằng Lê Lai bị quân Minh xử cực hình tại thành Tây Đô. Chuyện thêm thắt này vừa hay vừa đẹp nên được nhiều sử gia đồng tình chép theo, nhất là từ khi nhà bác học Lê Quý Đôn ví Lê Lai với Kỷ Tín.

Trên đây là chuyện “Lê Lai cứu chúa”.

*

Bây giờ xin đề cập đến chuyện ” Lê Lai bị Lê Lợi giết “.

Toàn Thư không chép chuyện Lê Lai cứu chúa, ngược lại lại chép chuyện ông Lê Lai bị Lê Lợi giết:

(Năm 1427, tháng giêng, ngày 13) “Giết tư mã là Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết”. (TT, tập 3, tr. 30; TS, tr. 56).

Ông Lê Lai bị Lê Lợi giết này là ai ? Toàn Thư không cho biết rõ.

Tiền Biên, Cương Mục và các bộ sử sau này chỉ chép chuyện Lê Lai cứu chúa và không chép chuyện Lê Lợi giết tư mã Lê Lai.

Thông Sử chép cả hai chuyện Lê Lai, một ông cứu Lê Lợi, bị quân Minh giết (chép theo Phạm Phi Kiến hoặc Hồ Sĩ Dương); một ông bị Lê Lợi giết (chép theo Ngô Sĩ Liên). Hai văn bản khác nhau được Lê Quý Đôn ghép lại, tạo ra lôgích có 2 ông Lê Lai khác nhau.

Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn (Khởi nghĩa Lam Sơn, KHXH, 1977, tr. 154-158) nhận định :

“Toàn Thư hoàn toàn không chép sự việc này (Lê Lai cứu chúa) và đến tháng 2 năm 1427 có chép chi tiết :” giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công ăn nói ngạo mạn” . Căn cứ vào chi tiết này có người phủ nhận việc Lê Lai hy sinh năm 1419. Thực ra không có căn cứ gì để cho rằng Lê Lai đã bị giết năm 1427 thì không thể có Lê Lai hy sinh năm 1419 vì rất có thể có hai người cùng tên họ, hay cùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính nên thư tịch cũ chép thành cùng tên họ. Hơn nữa Lam Sơn thực lục tục biên (bản sao năm 1942) lại chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và cả việc giết Lê Lai năm 1427. Điều ấy chứng tỏ lúc bấy giờ có hai người tên là Lai “.

(Sách Lam Sơn thực lục tục biên này chép Lê Lai bị bắt đem về thành ở xã Dựng Tú).

Bị vua giết mà vẫn còn được giữ họ vua (quốc tính) sao? Xã Dựng Tú thời Lê Lợi có thành không?

Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn dựa vào Lam Sơn thực lục tục biên (bản sao năm 1942) để kết luận rằng có 2 ông Lê Lai, một ông bị giết ở Dựng Tú (?), một ông bị Lê Lợi giết? Theo Lê Quý Đôn thì có 3 ông Lê Lai: một ông bị giết ở Tây Đô, một ông bị giết ở Đông Quan và một ông bị Lê Lợi giết.

Không những thế, Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn (sđd) còn đưa ra thêm mấy tài liệu tỏ rằng có nhiều ông Lê Lai tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn :

– Nguyễn Ba Lai người huyện Đăng Cao cũng là Lê Lai.

– Nguyễn Thận ở Mục Sơn cũng có tên là Lê Lai.

– Lê Văn An ở Mục Sơn cũng có tên là Lê Lai. Đặc biệt ông Lê Lai này “đã lấy thân thay Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại “. Ông Lê Lai này không bị quân Minh giết chết.

Tính tổng cộng ít ra cũng đã có bốn hay năm ông Lê Lai theo phò Lê Lợi từ ngày đầu! Thật khác xa với lời than của Nguyễn Trãi:

“Thế mà : Nhân tài lác đác như lá mùa thu,
Tuấn kiệt lưa thưa như sao buổi sớm…”

E rằng có hiện tượng thấy người sang bắt quàng làm họ như người xưa thường nói!

Hoàng Xuân Hãn phân vân tự hỏi :

“Lê Lai (bị Lê Lợi giết) này là ai ? chắc cũng là một đại công thần.Trùng tên chăng? hay là kẻ khắc chữ lầm tên ?”. (HXH, tập 2, tr. 608).

Hải Dương và Hồ Khang (Lê Lợi và Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn, Thanh Hóa, 1988, tr.77) khẳng định:

“Nghĩa quân Lam Sơn có 2 người tên Lê Lai. Lê Lai ( bị Lê Lợi giết) ở đây không phải là Lê Lai đã hy sinh anh dũng để cứu Lê Lợi “.

Hai tác giả không cho biết dựa vào tài liệu nào.

Nguyễn Diên Niên thì thắc mắc :

(…) ” Còn sự hy sinh của Lê Lai thì khác hẳn. Đó là sự hy sinh cao cả nhất, có thể nói là to lớn nhất trong quá trình khởi nghĩa. Không có cái chết của Lê Lai thì không còn cơ đồ nhà Lê. Ấy thế mà Toàn thư, bộ quốc sử của triều Lê không có một dòng nào chép về cái chết ấy.

Thái độ đó phải được giải thích như thế nào ? Phải chăng sự im lặng này có quan hệ đến cái vị trí số 2 của Lê Lai sau Lê Lợi (trong Hội thề Lũng Nhai) và sự hy sinh của nhân vật số hai ấy để bảo tồn cuộc khởi nghĩa và người lãnh tụ tối cao ? Nhưng vấn đề này đã vượt ra ngoài công trình khảo cứu này”. ( LSTLTH, tr. 100).

Dường như Nguyễn Diên Niên không để ý đến chuyện Lê Lai bị trói bắt về tâu lên vua nhà Minh nằm trong bản Lê Sát do ông công bố.

Tiền Biên và Cương Mục không chép chuyện tư mã Lê Lai bị Lê Lợi giết. Như vậy đỡ gây thắc mắc cho người đọc? Trong bản Thông Sử (chữ hán) được Lê Mạnh Liêu dịch, tên tư mã Lê Lai bị đục mất chữ Lai. Xoá tên như vậy thì người đọc sẽ không biết người bị giết là ai?

Xung quanh chuyện ông Lê Lai cứu chúa còn mấy chi tiết khác cần được xem lại.

Bản Lê Sát có 3 bài văn thề nằm ngoài LSTL, một bài bằng chữ hán, hai bài bằng chữ nôm (LSTLTH, tr. 201-203). Bài Thệ Từ , còn gọi là bài Thề nhớ ơn Lê Lai (HXH, tập 2, tr. 600) do Lê Lợi sai Nguyễn Trãi chép năm 1429 bằng chữ nôm, được đời sau sao chép, có đoạn chính như sau :

“(…) Chúng bay cũng thời nhớ công Lê Lai hay hết lòng mà đổi áo cho trẫm chẳng có tiếc mệnh, mà chịu chết thay trẫm, công ấy cực cả thay. Trẫm đã táng Lê Lai trong đền Lam để mai sau thời cho con cháu Lê Lai ở hết lòng cùng con cháu trẫm (…)”.

Có lẽ Lê Quý Đôn đã dựa vào đoạn văn này để viết rằng :

“Vua (Lê Lợi) cảm động vì lòng trung nghĩa của ông (Lê Lai), trước hết sai người ngầm tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn (…). Tháng 12 năm sau (1429), nhà vua sai Nguyễn Trãi viết hai bản thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để vào trong hòm vàng, lại gia phong cho ông hàm thái úy.” (TS, tr. 157).

Sai người ngầm tìm di hài có nghĩa là ngầm tìm, lén tìm trong lúc còn quân Minh. Đọc sử ai cũng thấy rằng từ ngày khởi nghĩa đến ngày toàn thắng, Lê Lợi luôn luôn phải lo nghĩ đối phó một mất một còn với quân Minh. Không biết đã có lúc nào Lê Lợi được rảnh rang để nghĩ đến chuyện sai người ngầm tìm di hài Lê Lai đem về táng ở Lam Sơn hay ở đền Lam chưa?

Hoàng Xuân Hãn kết luận về bài Thề nhớ ơn Lê Lai như sau :

“(…) Được nhận là xác thật, bài thề A (tức là bài Thệ Từ) khẳng định thêm một vài sự kiện lịch sử. Câu Lê Lai hay hết lòng vì trẫm mà đổi áo cho trẫm, xác nhận chuyện đổi áo. Câu trẫm đã táng Lê Lai ở trong đền Lam chứng thực sự Lê Lợi sai lén tìm di hài Lai về táng ở Lam Sơn mà ta thấy chép trong Thông sử.

(…) Kết luận đoạn này là có nhiều phần chắc rằng bài A (bài Thệ từ) nhắc đúng lời Lê Lợi đã thề trước mặt các công thần về việc báo ơn Lê Lai và đã bắt mọi người thề theo”. (HXH, tập 2, tr.613).

Thế nhưng:

Toàn Thư (tập 3, tr. 76-78) và Cương Mục (tập 1, tr.864-866) lại cho biết :

“(Năm 1433, tháng 8) Vua về Lam Kinh. Tháng 8 nhuận, sao chổi mọc ở phương tây. Ngày 22, vua băng ở chính tẩm.

(…) Mùa đông tháng 11 ngày 22, rước về chôn ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn.

(…) Tháng 12, các quan theo hầu về Tây kinh, dựng điện Lam Sơn”.

Điện Lam Sơn đọc nôm là Đền Lam Sơn hay Đền Lam. Điện Lam Sơn được dựng sau khi Lê Lợi chết, để thờ Lê Lợi. Chuyện Lê Lợi táng Lê Lai ở đền Lam không thể xảy ra được. Có nhiều khả năng, nếu không muốn nói là chắc chắn, là đời sau đã không nhắc đúng lời Lê Lợi, đã chép thêm chuyện táng Lê Lai ở đền Lam vào bài văn thề. Trừ phi ở Lam Sơn lại có hai hoặc nhiều đền Lam!

*

Tóm lại, chuyện Lê Lai cứu chúa có vài điều mờ ám, đáng nghi ngờ.

*

Cho rằng có hai hay bốn năm ông đại thần Lê Lai, trùng tên trùng họ, cùng theo phò Lê Lợi, là điều hơi khiên cưỡng, chỉ làm rắc rối thêm chứ không giải thích được những điều thêu dệt, thậm chí mâu thuẫn của các sử thần. Vả lại trong dân gian đã có con cháu một đại công thần cho biết rằng ông tổ của họ là Lê Lai “đã lấy thân thay Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại “. Có một ông Lê Lai cứu chúa không bị quân Minh giết !

Hay là ông Lê Lai cứu chúa này chỉ bị trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Ông “đã lấy thân thay Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại “? Quân Minh không chiêu dụ được ông. Ông được hưởng chính sách ân xá (hay được nghĩa quân Lam Sơn giải phóng?). Nhờ có công cứu chúa ông được phong tư mã, một chức lớn thời Lê Lợi. Năm 1427 ông phạm tội ăn nói ngạo mạn, bị Lê Lợi giết.

Đối với quân Minh thì Lê Lợi “chưa từng giết bậy một người nào, bắt được viện binh của nhà Minh hơn 10 vạn người đều tha hết cả “, nhưng đối với các công thần, các nguỵ quan về đầu hàng, thì Lê Lợi lại “đa nghi hay giết, đó là chỗ kém” như Ngô Sĩ Liên đã đánh giá.

Kháng chiến thành công, Lê Lợi đã bắt giam Nguyễn Trãi một thời gian. Trần Nguyên Hãn nhận xét rằng Lê Lợi là người “có tướng như Việt Vương, không thể cùng sung sướng được”. (TS, tr.109).

Lê Lợi sai người bắt Trần Nguyên Hãn khiến ông phải than trước khi tự tử :”tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã hoàn thành vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho” (TS, tr. 190). Phạm Văn Xảo cũng bị Lê Lợi giết. Giết hai ông rồi, “sau này vua Thái Tổ (Lê Lợi) hối hận, thương hai người bị oan ” (TS, tr. 193).

Rất có thể giết Tư mã Lê Lai rồi Lê Lợi cũng hối hận, cũng cảm động vì lòng trung nghĩa của Lê Lai nên đã cho tổ chức lễ thề nhớ ơn Lê Lai. Từ đây trở đi, Lê Lai được tẩy oan, được phong thưởng, truy tặng, được thờ. Con cháu Lê Lai được các vua đời sau khen tặng v.v. như chính sử ghi chép.

Dân gian đặt câu ” Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi ” cũng không ngoài mục đích phục hồi danh dự cho Lê Lai bị giết oan, góp phần làm đẹp thêm trang sử.

Giả thuyết trên đây cần được các nhà sử học lưu ý, nghiên cứu thêm ngõ hầu làm sáng tỏ chuyện ông Lê Lai cứu Lê Lợi và ông Lê Lai bị Lê Lợi giết.

(Lyon, 11/2002)