Kiến thức ngày nay, số 125 mục Chuyện Đông chuyện Tây có giải thích thành ngữ “ăn như hạm”. Tôi xin góp ý như sau. Nói “ăn như hạm” là hàm ý “ăn nhiều” “ăn khoẻ. Ở đây, người ta hiểu theo cách thông thường “hạm” là “chiến hạm”, “tàu chiến” hay “tàu há mồm”. Chiến hạm có thể chứa nào là binh lính, vũ khí, thiết giáp, máy bay, v.v.. Người ta ví von người ăn khoẻ, ăn không biết no với sức chứa của “chiến hạm” hay “hạm” là hiểu theo cách đó. Rất mong An Chi cho biết ý kiến về cách hiểu này của tôi.
Xin thẳng thắn khẳng định rằng đây là một cách hiểu sai.
Dictionnaire annamite-français của J. F. M. Génibrel đã ghi nhận ba từ hạm như sau:
– hạm 1. Tigre féroce, Grand tigre (…)
– hạm 2. (Tàu trận) Navire de guerre.
– hạm 3. (= Hãm) Menton.
Thành ngữ ăn như hạm đã được tác giả xếp vào từ hạm thứ nhất (có nghĩa là cọp dữ, hổ to).
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nhận hai từ hạm như sau:
– hạm 1. Tàu chiến đóng với sắt dày.
– hạm 2. Hầm, hùm, hổ hay cọp.
Thành ngữ ăn như hạm đã được tác giả xếp vào từ hạm thứ hai (= hổ, cọp).
Vậy ăn như hạm có nghĩa là ăn như cọp. Vấn đề đã rõ ràng. Nhưng cũng xin nói thêm rằng hạm trong chiến hạm, hạm đội, hàng không mẫu hạm, v.v. chỉ mới bắt đầu thông dụng trong tiếng Việt từ sau Thế chiến II (1939 – 1945) còn thành ngữ ăn như hạm thì đã ra đời trong tiếng Việt, ít nhất cũng là trong phương ngữ Nam Bộ, tự đời nào rồi.
Từ tổ tàu há mồm, với tính cách là ẩn dụ dùng để chỉ các miệng ăn con trẻ vô tội và vô tư, cũng chỉ mới xuất hiện từ thập kỷ 50 trong phương ngữ Bắc Bộ, sớm lắm cũng chỉ là cuối thập kỷ 40, mà thôi. Nó cũng chẳng có liên quan gì về nguồn gốc với thành ngữ ăn như hạm cả.