An Lão – Bình Định là nơi sinh sống, vẫy vùng của loài cá niên phóng khoáng, được ca tụng là “cá vua” hay “cá đại gia”. Cá niên chỉ cư ngụ nơi nước chảy xiết, trong veo, tinh khiết, thức ăn duy nhất là rêu đá dưới chân thác. Nó là loài cá của núi rừng, vừa dũng mãnh vừa thanh tao, mình trắng đẹp, không lớn lắm, to thì nhỉnh hơn 2 ngón tay nhưng rất khoẻ, suốt ngày cứ lao mình vun vút ngược dòng suối như muốn thử sức cùng với tốc độ của dòng chảy.
Cá không cần qua chế biến gì, chỉ cần đem nướng một loáng, khi bốc mùi thơm lừng là xong. Khi ăn, chấm với muối giã ớt xanh, thêm vài giọt chanh, vài lát cà chua kẹp rau thơm. Cá càng nhỏ, ăn càng tuyệt. Ăn cá niên nướng ngon nhất là cách dùng tay gỡ thịt cá hoặc cầm nguyên con chấm muối mà cắn nhai ngấu nghiến, hít hà bởi vị ớt cay nồng. Hương vị cá thơm ngon đậm đà, thoang thoảng mùi thảo mộc thật là khó tả. Ruột cá niên là bộ phận quý nhất mà kẻ sành ăn nào cũng thích với vị đăng đắng, thanh thanh của mật cá. Ăn rồi vẫn còn thòm thèm, không ngán.
Ngoài nướng là ngon nhất, cá niên còn được làm gỏi. Cá sống được vệ sinh sạch sẽ, xắt lát, vắt chanh, gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với lá dớn non (loại cây mọc ven sông, đặc trưng của An Lão), đọt non của cây lộc vừng, thêm chút ớt xanh. Món gỏi cá niên càng hấp dẫn hơn khi có vị chát của lộc vừng, vị nhớt của lá dớn cùng với mùi thơm đặc trưng riêng của cá, phảng phất hương vị rong rêu, sông nước chốn sơn hà.