Vì sao khi gãi lại giúp chúng ta hết ngứa?
Cảm giác ngứa ngáy thật khó chịu. Chúng ta ngứa hàng chục lần mỗi ngày do nhiều nguyên nhân bao gồm: Dị ứng, thời tiết khô hay do các mầm bệnh gây ra. Ngoài ra, còn có những lý do kỳ bí khác, đôi khi nhắc đến chữ “ngứa” cũng làm ta thấy ngứa.
Ví dụ muỗi cắn chẳng hạn. Khi một con muỗi cắn bạn, nó tiêm vào cơ thể một hợp chất chống đông máu khiến cơ thể giải phóng Histamine một chất hóa học làm mao mạch sưng lên nhằm gia tăng tốc độ lưu thông máu để tăng tốc quá trình miễn dịch, đó là lí do khiến vết cắn côn trùng ửng đỏ và sưng lên.
Khi bị ngứa, bạn đưa tay gãi. Hành vi này giúp ngăn chặn hoạt động của tế bào thần kinh trong tủy sống truyền tín hiệu từ vùng da đến não, hết cảm giác ngứa.
Các công trình nghiên cứu trước đây khẳng định một phần của tủy sống (vùng spinothalamic) đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tín hiệu về cảm xúc. Tế bào thần kinh trong vùng này sẽ hoạt động tích cực hơn khi có tác nhân gây ngứa trên da.
Nghiên cứu mới nhất trên các loài linh trưởng của ĐH Minnesota ghi nhận, hành vi gãi giúp ngăn chặn hoạt động của tế bào thần kinh vùng spinothalamic trong suốt thời gian bị ngứa, nghĩa là ngăn chặn tủy sống truyền tín hiệu từ vùng da bị kích thích đến não. Do đó giúp ta hết cảm giác ngứa.
Cơ chế trên dường như chỉ xảy khi cơ thể bị ngứa, còn trong điều kiện bình thường, hành vi gãi không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của não. Nhà nghiên cứu Glenn Giesler hy vọng kết quả lần này có thể cung cấp thêm chứng cứ chính xác giúp điều trị bệnh ngứa mãn tính hiệu quả ngay từ lần đầu tiên. Ông kiến nghị cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để có thêm cơ sở khoa học vững chắc.
Giáo sư Gil Yosipovitch, chuyên gia điều trị chứng ngứa đến từ ĐH Wake Forest (Mỹ) cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh ngứa mãn tính, trong đó bao gồm bệnh zona, AIDS, vấn đề về túi mật và bệnh Hodgkin. Các chứng bệnh này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân và hiện nay vẫn chưa thể điều trị. Do đó phát hiện trên có ý nghĩa lớn trong việc điều trị.
Ông nói: “Việc kích thích cơ học hoặc sử dụng thuốc có thể gây ức chế các tế bào thần kinh tạo ra cảm giác ngứa nhưng không gây hại đến da. Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị hiệu quả chứng ngứa mãn tính”. Ông cũng nhấn mạnh ngứa là một hiện tượng phức tạp có liên quan đến các yếu tố như cảm xúc và sinh lý. “Câu hỏi được đặt ra là điều gì xảy ra với những bệnh nhân bị ngứa mãn tính mà hành vi gãi có thể làm cho tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn?”.
Tiến sĩ Paul Bays, Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức UCL nhìn nhận rằng nghiên cứu cung cấp một phần chứng cứ quan trọng giải thích những cơ chế sinh lý về cách thức giảm cảm giác ngứa. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ tại sao hành vi gãi chỉ có tác dụng với chứng ngứa, mà lại không hiệu quả với cảm giác đau – vốn được truyền lên não với cùng cơ chế”.
Ngứa có ý nghĩa gì?
Một giả thuyết khá thuyết phục là da đã tiến hóa để biết thứ gì chạm vào nó để đề phòng với các tác nhân nguy hiểm bên ngoài. Và khi ta gãi thì sẽ tống khứ những thứ gây hại có thể đang lẩn trốn trên da, như một côn trùng hay gai độc chẳng hạn. Điều này giải thích vì sao ta không thấy ngứa các nội tạng bên trong cơ thể vì cơ bản nó đã được bảo vệ khỏi các tác nhân bên ngoài, chứ ngứa ở trong thì gãi thế quái nào được.
Tuy nhiên, ở một số người mắc phải chứng rối loạn cảm giác, gây ngứa ngáy khó chịu. Ví dụ khi mắc phải một chứng rối loạn tâm lí gọi là ảo tưởng kí sinh trùng. Họ luôn trong tình trạng lo lắng rằng cơ thể họ đầy kí sinh và rệp đang bò dưới da, khiến họ ngứa ngáy vô cùng. Và căn bệnh này chỉ có thể điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.