Chùa Từ Đàm ở Huế là ngôi chùa cổ in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam

Tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu Quán, thuộc phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, chùa Từ Đàm là một ngôi chùa cổ danh tiếng ở Huế.

Chùm ảnh: Chùa Từ Đàm – nơi ghi dấu một trang sử dữ dội của Cố đô Huế

Đây cũng là một ngôi chùa in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.

Theo các sử liệu, chùa do Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ 17, và sau đó được đặt tên là chùa Ấn Tôn, với ý nghĩa là “lấy sự truyền tâm làm tông chỉ”.

Trong cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, chùa Ấn Tôn bị hư hại nặng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng. Đến năm 1813, chùa mới được tái thiết.

Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa Ấn Tôn thành chùa Từ Đàm (do kỵ húy tên vua là Miên Tông), với ý nghĩa là “đám mây lành của Phật pháp”.

Là nơi quy tụ những học giả Phật giáo xuất sắc nhất miền Trung, trong giai đoạn thực dân Pháp thống trị Việt Nam, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm của phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ từ thập niên 1920.

Năm 1951, một hội nghị rất quan trọng được tổ chức tại chùa, nhằm thống nhất Phật giáo trên toàn quốc, quy tụ các đại biểu của 6 tập đoàn Tăng già và cư sĩ cả nước.

Hội nghị đã ra quyết nghị thành lập một Tổng hội lấy tên là Hội Phật giáo Việt nam, qua đó thống nhất Phật giáo Việt Nam và gia nhập Phật giáo thế giới.

Về mặt kiến trúc, chùa Từ Đàm lúc mới hình thành chỉ là tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Sau các cuộc trùng tu lớn vào những năm 2000, diện mạo của chùa đã thay đổi toàn diện khi tòa chính điện mới bề thế cùng tòa tháp Ấn Tôn 7 tầng uy nghiêm được xây dựng.

Ngày nay, chùa Từ Đàm là một điểm đến nổi tiếng xứ Huế, thu hút rất đông du khách tới thăm hàng năm.