“Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng…”

Từ bao đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Không lạ gì khi xuồng ba lá còn được mệnh danh là “đôi chân của người dân vùng sông nước Nam Bộ” hay người ta thường đùa nhau là “đi bằng tay”, bởi chỉ cần hai tay chèo là dù gần dù xa cũng có xuồng nâng bước.

Xưa kia khi vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:“Dẫu xuồng ba lá lênh đênh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Anh ơi chớ ngại ngần chi
Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên”

Xuồng Ba Lá / Dory Boats, Bến Tre | P1030776 | Gavin White | Flickr
Xuồng ba lá là tên gọi dựa trên cấu tạo của loại xuồng được ghép bởi ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng. Dưới các thanh cong, người thợ đóng xuồng nghĩ ra cách khoét lõm hình bán nguyệt gọi là những “lỗ lù”, có nhiệm vụ thông nước giữa các khoang xuồng, giúp nước gom lại một chỗ, dễ tát. Tính linh hoạt của xuồng ba lá đặc biệt có ý nghĩa khi được sử dụng ở trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước, là những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác phải… chào thua. Nhờ nhỏ, gọn, nhẹ nên xuồng có thể dễ dàng luồn lách trên những đoạn đường chật hẹp. Đồng thời, do diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế tối đa sức cản của nước nên nó có khả năng di chuyển nhanh ngay cả ở nơi nước nông. Độc đáo hơn, xuồng đôi khi còn được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước, một mái ấm tâm linh chở che con người trước mưa nắng vô thường của đất trời Tây Nam Bộ.

Cùng là “họ” xuồng, ngoài xuồng ba lá còn có năm lá và xuồng tam bản, loại xuồng tam bản là loại xuồng lớn hơn. Trước đây nó chỉ có một chèo, sau này để đi lại nhanh hơn người dân nơi đây “chế” thêm một chèo nữa. Tương tự, ghe cũng có nhiều loại: ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài… ghe tam bản mui ngắn, có đến chín mảnh ghép hoặc nhiều hơn. Ghe có đôi be gió để làm chỗ nghỉ ngơi và để hàng hóa.

Xuồng ba lá nói riêng, xuồng ghe nói chung cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông nước gắn với người dân miền Tây Nam Bộ như một nét đẹp văn hóa, và cũng từ nét đẹp văn hóa này xuất hiện những câu hát hò chèo ghe, hò sông Hậu, Đồng Tháp… đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho vùng sông nước miền Tây này.

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ miền Tây Nam Bộ đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honda, thậm chí có cả ô tô. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng xuồng ba lá. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam Bộ không thể không ngồi trên xuồng ba lá đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh, một nét thân thương của “Miền Tây gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về!”.