Lịch sử Chợ Lớn gắn liền với thương mại và cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 xuất hiện các nhân vật đặc biệt, để lại dấu ấn ít nhiều trong ký ức người dân Sài Gòn – Chợ Lớn không chỉ về phương diện kinh tế mà còn trong lĩnh vực văn hóa và xã hội.

Mộ ông Lý Tường Quan ở Q.Tân Phú, TP.HCM
ẢNH: HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Lý Tường Quan (Bá hộ Xường)

Gia tộc họ Lý bắt đầu từ ông Lý Sáng Công (1781 – 1855), tên tự là Lý Sáng Ế (hay Ái), người Hoa từ Quảng Đông đến miền Nam lập nghiệp, lấy vợ Việt là bà Trần Thị Thơ. Lý Sáng Công sống ở Chợ Lớn đầu thế kỷ 19. Sau khi mất, ông được người con thứ ba là Lý Tường Quan (1842 – 1896) an táng ở khu mộ tổ gia đình họ Lý thuộc khu đất P.12, Q.5, góc đường Nguyễn Chí Thanh và Ngô Quyền. Ông Lý Tường Quan do có tài và thành công trong thương trường nên được bầu là bang trưởng bang Triều Châu ở Chợ Lớn và người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.

Bá hộ Xường khi sinh thời cư ngụ tại số 292 Quai de Gaudot (nay là Hải Thượng Lãn Ông). Căn nhà cổ này (nay là từ đường họ Lý) đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2009. Gia đình ông Bá hộ Xường có nhiều nhà ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Theo ông Võ Văn Sổ (trong Tham luận về Hán – Nôm: Một số hiểu biết về Hán – Nôm), ông Bá hộ Xường không những giỏi trong thương trường, mà còn là một người có học, biết nhiều. Ông Bá hộ Xường còn để lại ít nhất ba tựa sách in ở Quảng Đông mà ông là tác giả (Phiên Thành Phước Trai tiên sinh): Ấu học thi diễn nghĩa, Thiên tự văn diễn nghĩa, Tam tự kinh diễn nghĩa. Nội dung thiên về giáo dục, viết bằng chữ Hán và dịch ra Nôm theo thể văn thơ.

Quách Đàm

Ngoài câu nói “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” để chỉ các nhân vật giàu có ở Sài Gòn – Chợ Lớn, còn có câu nói riêng về các người Hoa giàu có ở Sài Gòn – Chợ Lớn là: “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”, cho thấy Quách Đàm là nhân vật Hoa kiều thứ hai sau chú Hỏa về cơ sở thương mại và sức mạnh kinh tế. Trụ sở của nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm nằm ở Quai de Gaudot cạnh rạch Chợ Lớn (sau này khi rạch lấp, Quai de Gaudot trở thành Boulevard Gaudot, sau thời Pháp là đường Khổng Tử và nay là Hải Thượng Lãn Ông). Tòa nhà này hiện nay vẫn còn.

Trong bài báo tựa đề Le Bouddha de la richesse, đăng trên tờ nhật báo Le Journal xuất bản ở Paris ngày 18.7.1927, phóng viên Georges Manue viết về cuộc đời và đám tang của Quách Đàm cho biết nhiều chi tiết về con người Quách Đàm. Mặc dầu ông bị liệt giường nhiều năm trước khi mất, nhưng đầu óc rất minh mẫn và vẫn tiếp tục điều khiển công việc làm ăn từ giường nằm. Bài báo này cũng cho biết, Quách Đàm – một người đến Chợ Lớn từ trong hầm tàu khởi hành ở Hồng Kông, trên tay hoàn toàn không có gì mà chỉ không bao lâu ông đã trở thành đại phú đến hai lần. “Ông có nhiều ruộng lúa và nhiều nhà máy xay xát. Ông có cả ngàn héc ta cao su, trước khi cao su trở thành mốt làm ăn, và cả đất trồng trà, cà phê cùng một đội tàu thương mại đi các cảng Singapore, Hồng Kông. Ông đứng đầu cả trăm tiệm, cơ ngơi thương mại, và điều khiển nhiều chục công việc, xây dựng nhiều khu hoàn toàn mới. Nước Pháp đã tặng ông huy chương Bắc đẩu bội tinh mà ông lấy đó làm hãnh diện”, bài báo viết.

Quách Đàm mất ngày 14.5.1927, thọ 65 tuổi. Cáo phó đăng trên tờ Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) ngày 18.5.1927. Tờ Écho Annamite ngày 31.5.1927 đã có bài phóng sự về đám tang Quách Đàm. Con trai trưởng Quách Đàm là Quách Khôi cũng mất sau đó, vào năm 1929, đám tang Quách Khôi cũng đình đám và lần này có phi công Poulet tham dự, đặc biệt là có một phi cơ của Công ty Air-Asie vừa mới sáng lập, bay trên đoàn đám tang và thả bông hoa xuống.
Ngày nay ký ức của người Sài Gòn – Chợ Lớn về ông Quách Đàm là người xây dựng chợ Bình Tây (Q.6) và tòa nhà trụ sở Công ty Thông Hiệp trên đường Hải Thượng Lãn Ông.

Tạ Mã Điền

Ông Tja Ma Yeng (Tạ Mã Điền) tục danh là Má Chín Dảnh sinh năm 1862 ở Batavia (đảo Java, Indonesia) và mất năm 1940 ở Chợ Lớn. Ông là người Hoa gốc Phúc Kiến từ đảo Java (thuộc Hà Lan lúc này) đến Chợ Lớn vào năm 1885 buôn bán và xuất khẩu gạo. Ông có tàu vận tải chở hàng chạy bằng hơi nước và rất nhiều nhà cửa ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Ông là bang trưởng bang Phúc Kiến, hội viên của Hội đồng thành phố Chợ Lớn.

Ông sở hữu hai nhà máy xay lúa. Trong giai đoạn đầu ông lập Công ty buôn bán gạo Vạn Nguyên, nhập quốc tịch Pháp năm 1905 và sau đó mua lại một nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước của một công ty Pháp (của ông Andrew Spooner trước kia). Bốn người con trai của ông theo Tây học là Tạ Thanh Thuyền, Tạ Thanh Tông, Tạ Thanh Hảo và Tạ Thanh Tri cũng đều tham gia vào lĩnh vực thương mại.

Tạ Mã Điền là người thành lập Trường tiểu học Minh Dương ở Chợ Lớn và Trường trung học Pháp Hoa (Lycée Franco – Chinois), sau này gọi là Trường Bác Ái (ngày nay là Đại học Sư phạm TP.HCM). Qua sự đóng góp về phát triển kinh tế ở Nam kỳ, năm 1932, ông được chính phủ Pháp ban thưởng Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh.