Một mùa xuân lại về trên đất nước ta. Chào Xuân Ất Mùi 2015. Như vậy là bốn mươi cái tết đã đến kể từ sau khi đất nước thống nhất. Mùa xuân trời đất giao hòa, vạn vật tốt tươi, cây trái đâm chồi nẩy lộc, hoa tươi khoe sắc với đào hồng xứ Bắc và mai vàng phương Nam. Xuân về, lòng người hân hoan, tạm quên đi những lo toan thường ngày. Những chuyến xe xuôi ngược đưa khách bộ hành về quê sum họp cùng gia đình với bao cảm xúc. Không khí hối hả của thời khắc cuối năm đã làm cho đứa con xa xứ càng nôn nao mong chóng được chạy ùa về nhà, bên những người thân đang mong đợi để cùng tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới. Và rồi mong đợi cũng đã đến khi Chúa Xuân về chạm ngõ khắp nơi. Chuông đồng hồ đổ, báo Giao thừa. Mọi người trong gia đình quây quần cùng nhau bên mâm cỗ với những lời chúc tốt đẹp. Các cụ cao niên bên bàn trà nhắc chuyện tết xưa và đàm đạo về “ngũ thường” trong tâm thức Việt.

1. Vài nét về “ngũ thường” và tâm thức Việt

“Ngũ thường” là năm điều thường có, hằng có của con người. Đó là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân tức lòng thương người, thương muôn loài, lòng từ thiện. Nhân là căn bản của đạo làm người. Người có lòng nhân thì lúc nào cũng được an vui, hạnh phúc. Nghĩa là đạo nghĩa, là cách cư xử theo lẽ phải, đạo lý. Trong xử thế, nghĩa quan trọng nhất, giúp đưa con người đến đạo đức. Lễ tức lễ nghi, hiểu rộng ra là sự tôn trọng, hòa nhã trong giao tiếp với mọi người, là phép tắc tốt đẹp trong xử thế, thể hiện sự tôn nghiêm trật tự, hòa hợp trong suy nghĩ và hành động. Trí tức trí tuệ, chỉ khả năng nhận thức. Trí giúp hiểu biết rõ ràng và hành động tránh được sai lầm. Tín là sự tin tưởng, niềm tin, con người phải sống thật thà để mọi người tin mình. Tín rất quan trọng, thể hiện giá trị nhân phẩm của con người (uy tín). Trong lịch sử dân tộc, “ngũ thường” hình thành từ thực tiễn cuộc sống, qua quá trình hoạt động, giao tiếp giữa người với người, trở thành những vấn đề thường thức trong ứng xử. Đến thời phong kiến, do ảnh hưởng của Nho giáo, “ngũ thường” được nâng lên thành 5 đức tính của bậc chính nhân quân tử. Ngày nay, những chuẩn mực đạo đức này mặc dù có thay đổi về nội hàm nhưng các giá trị của nó vẫn được xã hội trân trọng.

“Tâm thức, đôi khi được gọi tắt là tâm, là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí tuệ (intellect) và ý thức (consciousness), thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn và trí tưởng tượng; tâm thức là dòng ý thức. Nó bao gồm tất cả các quá trình có ý thức của bộ não. Đôi khi, trong một số ngữ cảnh, nghĩa của từ tâm thức còn bao hàm hoạt động của tiềm thức con người.”[1] Ở góc độ là những hoạt động của tiềm thức con người, tâm thức Việt trong bài viết này chỉ những hồi tưởng qua các bài học văn hóa ở Quốc văn giáo khoa thư, được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng như nhà thơ Giang Nam đã tự sự trong bài Quê hương: “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…”. Trang sách nhỏ mà tác giả nói đến là cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Tâm thức Việt còn là những ký ức về gương sáng của các anh hùng dân tộc, anh hùng mở cõi, danh nhân văn hóa, tôi thần trung liệt được ghi chép trong các quyển Quốc sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam liệt truyện, Việt Nam sử lược,… .Hoài niệm về các bài học ở sách Quốc văn và những gương sáng trên trang Quốc sử sẽ là bài học đối nhân xử thế cho mỗi con người trong cuộc sống. Bởi lẽ, “Nhân là người và thế là đời. Mỗi cuộc đời là một trường hợp cụ thể của trạng thái xã hội. “Đối nhân xử thế” không chỉ là nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng mà còn là nghĩa vụ đáp lại của cộng đồng hoặc của tập thể đối với mỗi con người.”[2] Những nghĩa vụ đó chỉ được hoàn thành khi các giá trị đạo đức “ngũ thường” được gìn giữ và lưu truyền trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam.

2. Ngày tết nghĩ về “ngũ thường” trong tâm thức Việt

“Ngũ thường” là một phạm trù văn hóa, trong đó nhân, nghĩa, lễ, trí, tín không hề tách rời từng nội dung, trái lại luôn gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, không chỉ thể hiện những quy chuẩn đạo đức của con người, của xã hội mà còn phản ánh những sự kiện, hiện tượng của lịch sử. Qua lăng kính “ngũ thường”, giúp hiểu lịch sử chân thật và sinh động hơn. Vì thế, văn hóa Việt và lịch sử dân tộc không bao giờ tách rời mà luôn hòa quyện với nhau trong một thể thống nhất, hình thành cốt cách và nét đẹp tâm hồn của người Việt.

Trong những ngày tết cổ truyền dân tộc, “ngũ thường” được biểu hiện qua nhiều ứng xử. Trước hết về “Nhân”, đó là ước muốn đầu năm mọi người đều được cơm no áo ấm. Vì thế, các gia đình có điều kiện thường hay cúng dường cho chùa, phát chẩn cho người nghèo vào những ngày giáp tết 29, 30 tháng Chạp. Một điểm đặc sắc là không chỉ lo cho người đang sống, lòng nhân của người Việt còn thể hiện qua cúng gạo muối cho những người đã khuất trong mâm cỗ Giao thừa. Như vậy, “nhân” của người Việt không có giới hạn, mà nói như ngôn ngữ nhà Phật là mang tính Quảng đại.

“Nghĩa” được thể hiện qua mừng tuổi và cúng cơm ngày đầu năm. Đây là những tập tục mang tính đạo nghĩa lâu đời của người Việt. Sáng mồng Một tết, con cháu chúc thọ các cụ cao niên trong gia đình với những câu có nội dung chúc sống lâu, khỏe mạnh. Đáp lại, các cụ chúc con cháu thành đạt trong công việc, học hành, gia đình hạnh phúc, tài lộc tăng tiến. Ông bà thường chuẩn bị sẵn các phong bao đỏ trong có ít tiền lì xì mong con cháu suốt năm được nhiều may mắn, “tiền vô như nước”. Ở mâm cơm ngày tết, con cháu

 

Con cháu mừng tuổi ông bà. Ông bà lì xì cho con cháu

dâng cúng ông bà tổ tiên những thức ngon để bày tỏ sự tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Khi lễ tất, gia chủ cung thỉnh các vị cao niên trong gia đình, tộc họ ngồi vào nơi trang trọng để dùng bửa cơm đầu năm cùng con cháu với niềm vui sum họp và hy vọng suốt năm luôn được sung túc, đoàn viên.

Mâm cơm ngày tết
 “Lễ” được thể hiện ở việc nhắc nhở cháu con công ơn của ông bà, cha mẹ, tình nghĩa họ hàng. Vì thế, ngày tết các gia đình tựu họp tại nhà thờ họ, phủ thờ tộc họ dâng lễ các bậc tiền hiền, đi tết trong họ với một ít lễ vật mừng năm mới và những câu thăm hỏi về công ăn việc làm, chuyện học hành, công tác để bày tỏ tình thân ái và nghĩa gia tộc. Trong những lời thăm hỏi, thường kẻ dưới phải khiêm cung đối với bậc trưởng thượng. Anh em, thân tộc luôn hòa nhã, quan tâm nhau. Ông bà, cha mẹ luôn yêu thương bảo ban con cháu điều hay lẽ phải, gương sáng chuyện tốt để mong hậu nhân noi theo. Bởi lẽ, trong tâm thức người Việt luôn tin rằng những ngày đầu năm là những ngày rất thiêng, nói điều tốt đẹp, mong cầu hạnh phước thì cả năm sẽ được như ý. Điều đó chứng tỏ tư duy hướng thiện, một nét đẹp ở cốt cách của dân tộc.
“Trí” biểu hiện ở sự nhận thức một cách đúng đắn, rõ ràng điều hay lẽ phải. Cũng như mọi đức khác, muốn rèn “trí”con người phải học để nâng cao hiểu biết và trong việc học thì “tiên học lễ, học học văn”, trước hết phải học đạo nghĩa sau mới đến văn hóa, kiến thức khoa học. Qua đó cho thấy người Việt rất coi trọng văn hóa lễ nghĩa. Bởi thế, ngày tết các cụ thường chúc cháu con thông minh đỉnh ngộ, học hành sáng suốt, thi đâu đậu đó  kèm lời dặn dò: “Nhân bất học, bất tri lý” tức người không học sẽ không hiểu biết về đạo lý, trở thành kẻ ngu dốt. Sự học không có giới hạn, phải quyết tâm và thực hiện suốt đời.

“Tín”là đức thứ năm của “ngũ thường”, được xây dựng bằng những việc làm, ứng xử chân thật, tạo nên giá trị cá nhân và niềm tin cho mọi người. Trong dân gian, những câu “nhất ngôn cửu đỉnh” hay “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” để chỉ những người biết giữ chữ “tín”. Ngày tết, “tín” trong văn hóa dân tộc được người Việt thể hiện độc đáo qua đĩa trầu cau trên bàn thờ gia tiên, bởi lẽ đó không chỉ nói lên sự thủy chung mà còn là sự trân quý đức “tín” trong tình anh em, nghĩa vợ chồng.

Như vậy, qua những hoạt động trên cho thấy, “ngũ thường” trong tết Việt hàm chứa nhiều giá trị về đạo lý, có nguồn gốc từ thực tiễn cuộc sống. Hiểu “ngũ thường” qua ứng xử ngày tết dân tộc là góp phần khám phá các giá trị văn hóa Việt, giúp nền tảng đạo đức được duy trì, nét đẹp phong tục được gìn giữ, truyền thống của dân tộc được tồn lưu.
Cùng với các ứng xử ở ngày tết, những mẫu chuyện về “ngũ thường” luôn được các bậc cao niên lưu giữ trong tâm thức và nhắc nhở cháu con qua nhiều bài học trong Quốc văn giáo khoa thư.

Về “nhân”, đó là chuyện Không nên hành hạ loài vật, kể về một con bò kéo cái xe chở nặng hàng hóa đang lên dốc, nó cố sức mãi nhưng xe vẫn không xê dịch được chút nào. Người phu xe vội nhảy xuống, vỗ về con bò, mồm thì nói năng dịu dàng như động viên, tay thì bắt bánh cố đẩy cho xe đi. Một lát, xe lên khỏi dốc, người phu để cho bò đứng nghỉ và lại đến bên cạnh vuốt ve, ra dáng thương yêu lắm. Câu chuyện cho lời khuyên về lòng nhân ái: “Loài vật không phải là vô tri vô giác, mà lại giúp ta được công kia việc nọ, ta nên trông nom, săn sóc, chớ có hành hạ đánh đập nó.”[3] Chuyện Tôi tớ trong nhà nói về anh Mậu đang quát mắng đầy tớ, người cha thấy vậy mới bảo rằng: “Kẻ đầy tớ ở với ta, giúp ta được bao nhiêu công việc: nào quét nhà, gánh nước, nào chẻ củi, nấu cơm, làm đủ mọi việc, thật là vất vả khó nhọc. Ví không có đầy tớ, liệu con có làm lấy được không? Vậy đối với đầy tớ, ta phải nên ăn ở cho có lượng, đừng có hơi một tí đã quát tháo lên như thế”[4] Bài học ở câu chuyện là: Phải khoan hòa, nhân ái, công bằng với người giúp việc.

“Nghĩa” được lưu giữ qua những chuyện xưa tích cũ như Không tham của người kể về ông Nguyễn Đình Thản ở huyện Châu Lộc, tỉnh Nghệ An, ông mua một ngôi nhà cũ, định sửa sang lại để ở. Khi đào viên đá tảng ở ngôi nhà cũ, người cháu thấy dưới có hai hũ đựng mười lạng bạc, đem chuyện trình với ông. Ông nói :”Đây là của người chủ cũ, không phải của ta, chớ nên lấy. Nếu lấy là lấy của phi nghĩa. Ta nên để trả người ta”.[5] Chuyện Không vì tiền mà làm điều phi nghĩa kể về ông Mã Duy Hàn, thuở còn hàn vi, trọ học ở một nhà giàu. Nhà này có thù với một nhà khác, định bày mưu vu tội cho người ta nên đem một trăm nén vàng bảo ông đứng ra làm việc ấy. Ông không chịu và bảo rằng: “Xưa nay tôi học những gì, mà bây giờ tôi lại tham của hại người như thế?”. Nói đoạn, ông nghĩ bụng rằng: nhà này cậy có tiền của, toan làm những điều gian ác, không phải là nhà ta ở được, bèn dọn đi tìm nhà khác ở”.[6]

Ở góc độ phép tắc trong xử thế, người Việt lấy “Lễ” đãi nhau được ghi nhận qua nhiều mẫu chuyện: Thờ phụng tổ tiên kể ngày tết Nguyên đán, ông Lý đưa các con đến nhà thờ họ để tế lễ. Khi đến nơi, ông giảng giải cho các con: “Đây là nhà thờ của họ ta, để thờ cúng tổ tiên, vậy nay nhân ngày mồng một tết, chúng ta là cháu chắt, phải đến lễ để tỏ lòng kính nhớ.”[7] Chuyện Phải biết ơn thầy dạy: “Tục ta thuở trước, cứ mồng năm ngày tết là học trò phải đến tết thầy. Không những khi còn đang học, mà khi đã thôi học rồi, có khi đã làm nên danh phận, cũng vẫn phải giữ lệ ấy[8]. Học trò trọng thầy như cha vậy. Khi thầy mất thì học trò phải tống táng, phải trông nom phần mộ, và đến ngày giỗ thì phải cúng tế. Ấy cái tục của ta ngày xưa trọng thầy như vây.”[9] Chuyện Kính trọng người già cả kể về một nhóm học trò ngồi xúm xít ở hàng nước, đang cười nói. Một ông cụ lưng còng, tóc bạc muốn vào hàng nước ngồi nghỉ, nhưng không còn ghế. Tức thì cậu học trò ít tuổi nhất thấy thế vội đứng lên nhường chỗ cho cụ. Bài học về “lễ” được thể hiện qua câu nói của ông cụ: “Các cậu là học trò tràng nào, mà khéo học được những điều lễ phép như thế! Lão đây thật lấy làm quý hóa cái nết của các cậu”[10]

Để nhắc nhở cháu con những tấm gương hiếu học, ngày tết các cụ thường đọc lại bài học về “trí” Làm người phải học: “Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài, Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi. Con người ta cũng khác gì, Học hành quí giá, ngu si hư đời. Những anh mít đặc thôi thời, Còn ai mua chuộc, đón mời làm chi.”[11] Có học sẽ ý thức việc giữ gìn phẩm hạnh như chuyện Có học phải có hạnh, kể về ông Sài Thế Viễn, thuở nhỏ đi học thường chăm chú rèn luyện tâm tính. Thấy vậy có người nói, đi học cốt để thi đỗ làm quan, chớ tâm tính tưởng không cần gì cho lắm. Ông đáp: “Học hành ai cũng muốn cầu cho giỏi, nhưng học giỏi mà lại giữ được phẩm hạnh thì mới thật là đáng quí. Chớ học mà không có hạnh cũng chẳng làm gì. Phẩm hạnh tức là danh giá của con người ở đời vậy.”[12]

Chuyện một người thợ đá có lương tâm nói về Sái Kinh, một kẻ gian nịnh nhưng có quyền thế, thấy Tư Mã Quang và các sử thần là những người trung thực, đem lòng ghen ghét, sai người thợ là An Dân khắc tên những người ấy vào bia đá với nội dung nói xấu, rồi cho đặt ở các nơi. Người thợ đá không chịu và nói rằng: “Chúng tôi ngu dốt, không hiểu ý làm sao, nhưng cứ như bọn ông Tư Mã Quang thì ai cũng khen là chính trực, mà sao bảo là gian tà, tôi không nỡ khắc”. Quan phủ giận, toan bắt tội. An Dân khóc mà nói rằng: “Bắt làm thì tôi xin làm, nhưng xin tha cho, đừng bắt khắc tên người thợ đá ở dưới bia.” Quan phủ nghe câu ấy, cũng thẹn mặt với người thợ đá. Câu chuyện để lại bài học “Người ta ở đời phải ăn ở cho trung hậu thành thực, dẫu được giàu sang mà làm điều trái đạo, thì thế nào cũng không làm, mà làm điều ngay lành, thì dẫu có cực khổ, cũng cố làm cho được.”[13]. Đó là bài học về “tín” vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người

Như vây, “nhân” biểu hiện từ lòng yêu thương loài vật đến những người giúp việc trong gia đình, chứng tỏ nội hàm của nó rất rộng lớn và phong phú. Không tham của người vì “vật phi nghĩa bất thủ”, không ở nhà người ác vì “người phi nhân bất giao” là những biểu hiện về đạo “nghĩa”. Nhắc nhở cháu con về công đức ông bà tổ tiên, công ơn thầy cô, biết giúp đỡ kính trọng người lớn tuổi là những bài học đầy tính nhân văn về “lễ”. Phải chăm chỉ học hành và giữ phẩm hạnh là điều hằng tâm về “trí”. Trung hậu trong cuộc sống, biết lấy điều thật thà làm đầu là bài học về “tín”. Các bài học về “ngũ thường” nêu trên vẫn còn bàng bạc trong tâm thức mỗi người Việt từ thuở ê a các trang sách Quốc văn giáo khoa thư ở buổi đầu cắp sách đến trường.

Cùng với các phong tục ngày tết và bài học ở giáo khoa thư, “Ngũ thường” còn được ghi chép trong những trang sử Việt.

Gương sáng về đức “nhân” có rất nhiều, nhưng nổi bật hơn cả là ở Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Bình Định vương Lê Lợi. Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Giáo sư Lê Thành Khôi đã đưa ra một sự kiện nhằm minh chứng cho tấm lòng yêu thương tướng sĩ của Trần Quốc công tiết chế: Năm 1285, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, để khơi dậy tinh thần yêu nước của tướng sĩ, Hưng Đạo vương đã  soạn bài Hịch tướng sĩ  với lời lẽ thắm thiết đầy lòng nhân ái:


Sách Quốc văn giáo khoa thư                                              Sách Đại Việt sử ký toàn thư

“Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta thăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười…”[14] Ngoài ý nghĩa đề cập tình đoàn kết quan quân, lời hịch còn cho thấy, vị Quốc công tiết chế đứng đầu quân đội lúc bấy giờ mà chăm lo cho tướng sĩ như thế, nếu không phải là người có lòng nhân ái sâu sắc thì không thể nào viết được một áng văn bất hủ như vậy. Đồng thời đây cũng là một độc đáo trong lịch sử quân sự nước ta, bởi lẽ Hưng Đạo vương là người đầu tiên đã gửi tâm thư cho quan binh. Điều này ông luôn tâm niệm cho đến cuối đời và nhắc nhở cho vua Trần khi được hỏi về kế giữ nước “… có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”[15]

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1427), tướng giặc Vương Thông gửi thư xin hàng, bấy giờ các tướng sĩ và nhân dân ta rất căm thù giặc Minh, kéo nhau đến khuyên Bình Định vương giết chúng. Vương dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Và lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nổi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”[16] Sau đó, cấp cho 500 chiếc thuyền và 2 vạn ngựa cùng lương thực cho hàng quân Minh về nước. Những việc trên đã được Nguyễn Trãi đúc kết qua Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Truyền thống văn hóa Việt, vốn yêu chuộng hòa bình không thích chiến tranh, nhưng khi bắt buộc phải đánh giặc/trừ bạo thì điều chủ yếu là để bảo vệ chủ quyền quốc gia, cho muôn dân yên ổn sinh sống/an dân. Trong và sau chiến tranh, nhân nghĩa là vấn đề hàng đầu không chỉ trong đối sách ngoại giao mà còn là nét chủ đạo trong văn hóa Việt.

Cùng với “nhân”, Quốc sử còn ghi nhận nhiều gương trung nghĩa. Các sử thần triều Lê đã chép trong Toàn thư: Ất Dậu [Thiệu Bảo] năm thứ 7 [1285], Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, khi bị giặc bắt, “Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Vương thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, rồi bị giết.”[17]

Trong Khởi nghĩa Lam Sơn, năm Kỷ Hợi (1419), giặc Minh vây ngặt ở vùng núi Chí Linh, chúng quyết bắt cho được thủ lĩnh nghĩa quân để dập tắt cuộc khởi nghĩa. Tình thế đó chỉ có một lối thoát là phải có người giả làm Lê Lợi, chấp nhận hy sinh. Bình Định vương “mới hỏi các tướng rằng: có ai làm được như người Kỷ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không? Bấy giờ có ông Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc thay áo ngự bào cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân nhà Minh tưởng là Bình Định vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.”[18] Nhờ đó, Lê Lợi rút về Lư Sơn, Lỗi Giang khôi phục lực lượng, tổ chức kháng chiến thắng lợi.

Tấm lòng tiết liệt của Trần Bình Trọng “thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, gương đại nghĩa  “Lê Lai cứu chúa” là những biểu hiện sáng ngời về đức “nghĩa” trong lịch sử dân tộc.

Không chỉ có “nhân” và “nghĩa”, Quốc sử còn tôn vinh nhiều danh nhân tiêu biểu cho đức “lễ”, “trí” và “tín”. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được biết đến như một anh hùng dân tộc và ở ông còn chói ngời nhân cách một bề tôi luôn thủ lễ và trung tín đối với vua. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Năm 1294, khi Thượng tướng thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải mất, sử quan có nhắc lại chuyện cũ: “Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bả “Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”.

Quốc Tuấn trả lời:

“Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”.[19]

Về vấn đề này, Toàn thư cũng chép một chuyện khác: “Một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm nước thơm, từng đùa bảo Quang Khải:

“Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:

“Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.

Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.

Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.”[20]  Biết khéo léo chối từ chức tước để giữ trọn “tình nghĩa trên dưới”, chủ động mời Trần Quang Khải tắm để xóa đi hiềm khích giữa hai gia đình đã tiêu biểu cho đức “lễ” cao cả của vị Quốc công tiết chế thời nhà Trần.

Về gương “trí dũng” trong sử Việt không thể không kể đến anh hùng dân tộc Quang Trung và “anh hùng mở cõi”[21] Nguyễn Hoàng. Ở Nguyễn Huệ – Quang Trung, “trí” được thể hiện qua qua hai sự kiện: Thứ nhất, đánh thắng quân Xiêm năm 1785. Lịch sử cho biết “… chỉ trong vòng một ngày với cuộc đại thắng ở Rạch Gầm – Xoài Mút tiêu diệt gần như trọn vẹn lực lượng của Xiêm và Nguyễn Ánh. Huệ không tấn công thẳng vào tổng hành dinh của địch đặt tại Sa Đéc, được tập trung làm thành một vị trí vững chắc. Bởi vậy, cần phải kéo địch ra ngoài, trên một trận địa do chính Huệ lựa chọn.”[22] Thứ hai, năm 1789 giặc Thanh sang xâm lược, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung trực tiếp chỉ huy tiến quân ra Bắc. Tài trí của ngài được thể hiện qua sự tự tin cao độ khi trả lời Ngô Văn Sở: “Ta đã tính sãn rồi. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân. Lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách nói cho thật khéo, thì mới ngăn được ngòi chiến tranh. Việc ấy phi Ngô Thì Nhậm không ai làm nổi. Đợi mười năm nữa, ta đủ thời gian gây nuôi, nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì nó.”[23] Và để tăng thêm niềm tin cho tướng sĩ, ngài đã quả quyết: “Nay hãy ăn tết Nguyên Đán trước, đợi sang xuân ngày mồng 7, vào thành Thăng Long lại mở yến tiệc, bọn các ngươi nhớ lấy lời nói của ta xem là nói dối hay là nói đúng.”[24] Biết chủ động đưa địch vào trận địa do mình lựa chọn, tự tin trong kế hoạch hành binh và tiên đoán chính xác thời gian chiến thắng như thiên tài quân sự Nguyễn Huệ-Quang Trung chỉ có được ở những bậc trí dũng hơn người.

Ở Nguyễn Hoàng, việc chọn vào Thuận Hóa trấn nhậm để thoát khỏi âm mưu thủ tiêu của Trịnh Kiểm, dùng mỹ nhân kế để trừ Lập Bạo, giúp dẹp dư đảng họ Mạc để tránh sự nghi ngờ của chúa Trịnh, mượn cớ dẹp loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Khuê để thoát khỏi sự kềm tỏa của chúa Trịnh Tùng, di huấn cho cận thần và con cháu những vấn đề mang tính quốc sách, hết lòng lo cho dân và biết thu phục hào kiệt, lo phát triển kinh tế – văn hóa, mở mang bờ cõi là những phẩm chất kiệt xuất của một bậc đại trí, của vị “anh hùng mở cõi”.[25]

Việt sử cũng ghi chép nhiều gương sáng về “tín”. Năm 1284, khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, Hưng Đạo vương lệnh cho các tướng đến hội quân ở Vạn Kiếp để chuẩn bị chống giặc. Lúc bấy giờ, Yết Kiêu được giao nhiệm vụ giữ thuyền ở Bãi Tân, thuộc sông Lục Nam. Khi quân Nguyên đến, thế giặc rất mạnh, quân ta thua trận, thủy quân tan cả. Lúc ấy, vương định bỏ đường thủy, rút theo lối chân núi mà quên đi bộ tướng của mình vẫn đang kiên cường quyết giữ trận địa theo quân lệnh. Biết được điều đó, Dã Tượng đã nói với chủ tướng:
“Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền”.

Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói:

“Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”[26]. Trong chiến tranh, “quân lệnh như sơn” nhưng chấp hành mệnh lệnh như Yết Kiêu thực đáng khen ngợi. Sẽ không quá nếu nói rằng chiến công của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn sẽ không lưu danh hậu thế nếu thiếu các tùy tướng trung tín như Yết Kiêu, Dã Tượng.

Năm 1285, khi quân Nguyên truy đuổi, vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng hoàng Thánh Tông được hộ giá đến sông Ba Chẽ (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu dạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương, nên nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi, …”[27]. Việc này, Ngô Sĩ Liên luận như sau: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như thế.”[28]

Bình Định vương Lê Lợi đuổi được giặc Minh, giành lại nền độc lập cho đất nước, tiếp tục phát triển nền văn minh Đại Việt bởi đã tin dùng các tôi thần trung tín như Lê Lai, Nguyễn Trãi. Nếu Lê Lai tiêu biểu cho đại nghĩa liều thân cứu chúa thì Ức Trai sáng ngời nhân cách của bậc đại “tín”. Nhiệm vụ nặng nề Lê Lợi giao cho ông là phải dùng ngòi bút phân điều chính nghĩa để kẻ thù hiểu được cuộc chiến tranh chúng đang tiến hành ở Đại Việt là phi nghĩa, từ đó nên xin hòa và rút quân về nước. Nguyễn Trãi đã thể hiện đầy đủ đức “tín” kể từ việc ông nghe lời cha tìm về Lam Sơn với Lê Lợi dâng Bình Ngô sách và trải qua bao gian khổ cùng chủ tướng. Chính bằng chữ “tín”, qua những lá thư của ông đã buộc các tướng giặc phải xin hàng, rút quân về nước, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Được như thế là do công lao của toàn dân tộc nhưng không thể không kể đến sự hoàn toàn tín nhiệm của Lê Lợi đối với Nguyễn Trãi và sự toàn tâm toàn ý của Nguyễn Trãi đối với nhiệm vụ được giao. “Được tín” và “trọng tín”là những bài học sinh động về niềm tin trong văn hóa Việt.

3. Thay lời kết

“Ngũ thường” là những chuẩn mực đạo đức xã hội ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, được đúc kết từ những giá trị của cuộc sống. Thời phong kiến, trở thành hệ tư tưởng chính trị – đạo đức Nho giáo, được tầng lớp sĩ phu xem là những phẩm chất của người “quân tử”, được đưa vào kinh sử cho sĩ tử trao dồi trong khoa cử. Chính những sĩ tử thấm nhuần tư tưởng “ngũ thường” sau khi đỗ đạt trở thành đấng “phụ mẫu chi dân”, đã đem các giá trị đạo đức này làm công cụ chăn dân trị nước, giáo huấn trong xã hội, lâu dần trở thành những điều thường có, hằng có mà tất cả mọi người đều phải tôn trọng, rèn thân luyện tính để đạt được.

“Ngũ thường” xuất phát từ đâu? Đa phần đều cho rằng do Khổng Tử soạn ra và những quy định trên được nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa – cũng như những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa – nối tiếp nhau tôn trọng và áp dụng, để duy trì sự tồn tại, thịnh vượng của các thể chế đó.[29] Tuy nhiên, bất cứ một triết thuyết nào cũng bắt nguồn từ thực tiễn. Cuộc sống vốn phong phú, đa dạng và không ngừng phát triển. Từ đó, nhiều vấn đề nảy sinh, được con người đúc kết thành những giá trị nhân sinh mà “ngũ thường” là một trong số đó. Tộc Bách Việt (trong đó có cư dân Lạc Việt của nước Văn Lang) cư trú trên địa bàn tương ứng với vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ nước ta và phần phía Nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.[30] Qua quá trình sinh sống, họ đã tạo nên nền văn hóa bản địa vững chắc, kết tinh bản lĩnh truyền thống dân tộc. Tiêu biểu, cư dân thời Hùng Vương và An Dương Vương là chủ nhân nền văn hóa Lạc Việt, tiền thân của văn minh Văn Lang – Âu Lạc, đã sáng tạo nên nhiều giá trị tinh thần từ rất sớm. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã minh chứng điều này. Nhóm tác giả Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á sau khi chỉ rõ địa giới nhà nước Văn Lang (như trên đã nêu) đã khẳng định nơi đây là “…lãnh địa của các tộc người Bách Việt, khác với các tộc người ở phương Bắc (trong đó có người Hán sau này). Nơi đây khí hậu ấm áp, sản vật phong phú, dân sống định cư, chuyên trồng lúa nước. Từ đó, văn hóa phương Nam cũng khác với văn hóa du canh du cư của các tộc người phương Bắc (về sau, người Hán tràn xuống, xâm chiếm vùng đất phía Nam khiến cộng đồng Bách Việt phải ly tán).”[31] Trong thời kỳ bị ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, để chống lại âm mưu đồng hóa, những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt được bảo tồn bằng nhiều phương thức khác nhau mới có thể giữ gìn và lưu truyền. Trong đó tôn giáo, văn tự, triết học, văn hóa được chuyển tải qua những câu chuyện và “vì hoàn cảnh lịch sử, câu chuyện ấy đã được kể lại hoặc là mơ hồ hoặc là dưới tên của dân tộc khác. Tuy nhiên Tổ Tiên người Việt đã khéo léo cất dấu cái văn hóa huyền vĩ của mình dưới những cách thức khác nhau của ngôn ngữ dân tộc mình.”[32] . Để rồi dưới ánh sáng khoa học ngày nay, các giá trị văn hóa đó đã được giải mã mà chủ nhân chính là người Việt. Có thể kiểm chứng bằng nhiều cứ liệu: Đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Năm 1973, với tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, Giáo sư Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) đã chứng minh rằng trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Việt Nam) thành lập sớm hơn các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành (Trung Quốc). Bởi vì: “Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Độ tới bằng đường biển, đó là một điều tất cả các học giả đều phải đồng ý. Phật Giáo tại Giao Châu do Ấn Độ truyền sang trực tiếp, không phải từ Trung Hoa truyền xuống.”[33] Như vậy, quan niệm đạo Phật ở Việt Nam ra đời sau và do từ Trung Hoa truyền sang là chưa chính xác. Tác phẩm Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á, cho thấy những ghi chép trong sử cũ cần xem lại: “Chi tiết Lạc Long Quân dạy dân cày cấy, làm ruộng, trồng dâu trong Truyện Họ Hồng Bàng, Tiết Liêu dùng gạo nếp làm bánh trong Truyện bánh chưng bánh dày, Thánh Gióng sử dụng ngựa sắt, roi sắt để đánh giặc Ân trong Truyện Đổng Thiên Vương cho thấy từ hơn hai ngàn năm trước công nguyên người Việt đã biết đúc kim loại để làm công cụ lao động (nông nghiệp) và vũ khí chống giặc. Việc Lạc Long Quân dạy dân cày cấy cũng bác bỏ truyền thuyết về quan thái thú quận Cửu Chân là Nhâm Diên dạy dân khai khẩn ruộng đất để có thóc gạo mà ăn. Việc Lạc Long Quân dạy dân về thứ bậc vua tôi, đạo cha con, vợ chồng cũng bác bỏ truyền thuyết quan thái thú quận Giao Chỉ là Tích Quang dạy dân biết điều lễ nghĩa.”[34] Mới đây, tác giả Viên Như đã công bố chủ nhân của Kinh Dịch và chữ Vuông là người Lạc Việt.[35] Những luận chứng khoa học nêu trên đã cho thấy sự ngộ nhận về một số vấn đề văn tự, tôn giáo, triết học, văn hóa ở nước ta có xuất xứ từ Trung Quốc là chưa chính xác. Thật ra các giá trị văn hóa đó do người Việt đã tạo nên từ trong cuộc sống. Sự tiếp giáp cương thổ, tương đồng văn hóa, liên quan chính trị có thể sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng lẫn nhau về đời sống tinh thần nhưng cũng không hẳn là hoàn toàn. Vì vậy, những vấn đề nêu trên không phải để phủ nhận các giá trị văn hóa Trung Hoa mà nhằm đề xuất một hướng tiếp cận mới: Từ thực tiễn cuộc sống, người Việt đã đúc kết nên những chuẩn mực đạo đức của riêng mình, trong đó có “ngũ thường” theo cách ứng xử văn hóa Việt. Các giá trị nhân, nghĩa, lễ, trí, tín được minh chứng qua các ghi chép ở Quốc sử và những bài học trong tâm thức Việt.

Việt Nam từ xưa đã từng mệnh danh là “Văn hiến chi bang”, nghĩa là “nước của lễ giáo nhân văn hiển lộ”. Nước có văn hiến thì không thể không xem trọng “ngũ thường”. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người Việt không khu cứng trong từng nội dung mà luôn giao hòa với nhau. Trong nhân có nghĩa, trong nghĩa chứa lễ, trong lễ gắn với trí, trong trí được đan xen với tín và ngược lại. Các đức này luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, hình thành nên cốt cách và tâm hồn Việt. Cho nên mâm cơm cúng gia tiên ngày tết vừa thể hiện đạo làm người (nhân), mà cũng là cách ứng xử hợp đạo lý (nghĩa), là phép tắc tốt đẹp trong xử thế, thể hiện sự tôn trọng lễ nghi của người Việt (lễ), người có học phải hiểu để tiếp tục lưu truyền cho hậu thế (trí) và qua đó tạo dựng những giá trị văn hóa dân tộc bằng niềm tin (tín), hướng đến chân, thiện, mỹ trong mỗi con người, trong mỗi gia đình và rộng lớn hơn là trong toàn xã hội. Như vậy, chỉ một sự việc đã bao hàm năm nội dung của “ngũ thường”. Những chuẩn mực đạo đức này được thể hiện qua nhiều ứng xử giao tiếp thường ngày và nhất là ở thời điểm thiêng liêng trong tâm thức Việt – ngày tết. Đồng thời, chính vì các giá trị đạo đức như trên nên “ngũ thường” đã được các sử gia lưu danh những anh hùng, tướng sĩ, danh thần trong sử Việt và các nhà soạn sách giáo khoa buổi đầu chữ Quốc ngữ đưa vào bài học ở Quốc văn giáo khoa thư.

Cuộc sống là sự nối tiếp quá khứ với hiện tại và mang tính kế thừa, do đó hiện nay mặc dù xã hội có nhiều thay đổi, cuộc sống buộc con người phải năng động hơn để thích ứng với hoàn cảnh, tuy nhiên sẽ là thảm họa, ít nhất về mặt đạo đức, nếu các giá trị của “ngũ thường” không được con người của xã hội hiện đại trân trọng và tiếp nối. Bởi lẽ, người không có nhân sẽ thành kẻ độc ác, người không có nghĩa sẽ thành kẻ bội bạc, người không có lễ sẽ thành kẻ vô phép, người không có trí sẽ thành kẻ ngu dốt và người không có tín sẽ thành kẻ giả dối. Làm người không ai muốn trở thành kẻ độc ác, người bội bạc, tên vô phép, thứ ngu dốt, hạng giả dối. Hơn nữa, người Việt “trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho ăn ở.”[36] Và như thế tin rằng “ngũ thường” sẽ tiếp tục được gìn giữ, tôn vinh như những giá trị đích thực của cuộc sống không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS. Phan Huy Lê – PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Nxb Chính trị quốc gia.

2. Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội.

4. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học.

5. Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn-Lương Ninh (1985), Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

6. Nhiều tác giả (2014), Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á, Nxb Văn hóa -văn nghệ.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2014), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa.

8. Thạch Phương-Hồ Lê-Huỳnh Lứa-Nguyễn Quang Vinh (2014), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

9. Trần Trong Kim (2000), Việt Nam sử lược, Quyển 1, Nxb TP.Hồ Chí Minh.

10. Viên Như (2014), Người Việt – Chủ nhân kinh Dịch và chữ Vuông, Nxb Hồng Đức.

11. Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Nxb Trẻ.
12. Bách khoa tri thức – Thế nào là Tam cương, ngũ thường? http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1705-1776-633438675330430000/100-loi-giai-dap-ve-van-hoa-Viet-Nam/The-nao-la-tam-cuong-ngu-thuong.htm.

CHÚ THÍCH
[1] Xem Wikipedia : http://vi.wikipedia.org/wiki/Tinh_th%E1%BA%A7n.

[2] Thạch Phương-Hồ Lê-Huỳnh Lứa-Nguyễn Quang Vinh (2014), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr 137.

[3] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Nxb Trẻ, tr 40

[4] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 267.

[5] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 50 – 51

[6] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 52.

[7] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 265.

[8] Xin xem thêm chuyện Học trò biết ơn thầy trong Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 189.

[9] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 276.

[10] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 187.

[11] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 192

[12] Việt Nam tiểu học tùng thư  (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 35.

[13] Viêt Nam tiểu học tùng thư (1995), Quốc văn giáo khoa thư, Sđd, tr 71 – 72.

[14] Dẫn theo Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, tr 214.

[15] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội, tr 84.

[16] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 301.

[17] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 57.

[18] Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, quyển 1, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, tr 226.

[19] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 76.

[20] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 76.

[21] Chữ dùng của Giáo sư Phan Huy Lê. Xem GS. Phan Huy Lê – PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Nxb Chính trị quốc gia, tr 538 và tr 542.

[22] Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Sđd, tr 371.

[23] Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, tr 382

[24] Quốc sử quán triều Nguyễn (2014), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr 551.

[25] Xem: Đỗ Kim Trường,  455 năm nhìn lại buổi đầu dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, trong GS. Phan Huy Lê-PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Sđd, từ tr 354 – 376.
[26] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 54 – 55.

[27] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 57.

[28] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr 57.

[29] Xem Bách khoa tri thức – Thế nào là Tam cương, ngũ thường?,

[30] Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn-Lương Ninh (1985), Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tr 62.

[31] Nhiều tác giả (2014), Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á, Nxb Văn hóa –văn nghệ, tr 137 – 138.

[32] Xem Viên Như (2014), Người Việt – Chủ nhân kinh Dịch và chữ Vuông, Nxb Hồng Đức.

[33] Xem Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr 26 và các tr 27 – 43.

[34] Nhiều tác giả (2014), Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á. Sđd, trang 142 – 143.

[35] Xem Viên Như (2014), Người Việt – Chủ nhân kinh Dịch và chữ Vuông, Nxb Hồng Đức.

[36] Trần Trong Kim (2000), Việt Nam sử lược, quyển 1, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, tr 6.