Sữa là một sản phẩm quen thuộc với các bé ngày nay. Tuy nhiên để tránh mua phải sữa giả, kém chất lượng cho bé, các mẹ hãy tìm hiểu ngay bài viết sau đây để biết cách phân biệt sữa giả sữa thật giúp bảo vệ sức khỏe cho bé yêu.
Các đầu nậu có nhiều thủ đoạn tinh vi để sản xuất và buôn bán sữa giả. Các hình thức phổ biến nhất là nhái nhà sản xuất, gia hạn sử dụng, thậm chí thu mua bao bì còn hạn sử dụng để thay thế sữa giả bên trong.
Đối với sữa nhái nhà sản xuất, người dùng có thể quan sát bao bì có hình ảnh mờ nhạt và không rõ nét, câu từ thiếu chính xác, sai lỗi chính tả do quá trình sao chép, hạn sử dụng bị tẩy xóa hoặc in chồng, vỏ hộp móp méo…
Tuy nhiên, người dùng khó phân biệt sữa giả đựng trong hộp thật. Một vụ bắt giữ sữa giả mới đây cho thấy, các cơ sở thường thu mua vỏ hộp chính hãng còn nguyên vẹn, không móp méo, hạn sử dụng dài… từ các cửa hàng phế liệu. Sau khi làm sạch, hộp được đóng gói sữa kém chất lượng và dập nắp giấy bạc, đóng nắp lon như sản phẩm thật. Sữa giả được gắn thương hiệu nổi tiếng để tăng lợi nhuận và dễ qua mắt người tiêu dùng.
Sữa giả, sữa kém chất lượng làm nguy hại đến sức khỏe trẻ em.
Hiện nay, dù đã được báo chí thông tin nhiều về các loại sữa giả, sữa kém chất lượng làm nguy hại đến sức khỏe trẻ em, nhưng không ít mẹ vẫn vấp phải những sai lầm đáng tiếc.
Chuyên gia dinh dưỡng Phạm Thị Yến Nhi chia sẻ trên báo Gia đình và xã hội: “Đã có không ít những trường hợp trẻ được bố mẹ đưa đến bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc sữa, nhẹ thì nôn, trớ, sốt, tiêu chảy, nặng thì co giật, nhiễm trùng toàn thân…”.
Mẹo phân biệt sữa giả
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết để phân biệt chất lượng sữa tốt-kém, các mẹ có thể căn cứ theo những điểm sau:
- Sữa bột ngon khi mở nắp ra sẽ tỏa mùi thơm mát dễ chịu, bột sữa mềm mịn và có màu vàng nhạt. Sữa bột kém chất lượng sẽ không thể có được những điều này, có thể là mùi hương không dễ chịu, bột bị vón cục và có màu lạ.
- Nếu muốn kiểm tra kỹ hơn thì có thể áp dụng một trong các cách sau: Cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. Sữa bột kém chất lượng hoặc giả sẽ lắng ngay xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy. Trong khi đó, sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên. Tương tự, khi đổ nước sôi vào cốc có sữa bột, sữa bột giả hoặc kém chất lượng sẽ tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa. Sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên.
Nếu sữa có mùi lạ và hôi, dùng vị giác lại phát hiện thấy vị lạ thì tuyệt đối không cho trẻ uống.
Công thức sản xuất sữa giả thường gồm đường, bột ngọt, bột sữa, chất tạo béo và hương liệu Trung Quốc. Trẻ nhỏ và người già, người đau ốm uống sữa giả có thể tiêu chảy, nôn trớ, chậm tăng cân, mắc các bệnh hô hấp, suy thận…
Bà Vũ Thanh Tâm – Giám đốc hệ thống cửa hàng Growmart, thuộc Tập đoàn Dược phẩm Việt Nam, cho biết người dùng có thể phát hiện sữa giả đựng trong hộp thật nếu huy động mọi giác quan.
Với kinh nghiệm lâu năm kinh doanh sữa bột châu Âu như Physiolac (Pháp), Kanny (Hà Lan), Ninolac (Bỉ), sữa tươi Neuburger (Đức), sữa gạo lứt Reis (Đức)…, bà Tâm tư vấn, trước hết cần dùng thị giác để kiểm tra sản phẩm còn nguyên vẹn hay bị tẩy xóa hạn sử dụng, nắp hộp cong vênh… Sau đó, tìm hiểu cửa hàng kinh doanh sữa có thuộc hệ thống phân phối của hãng hay không, bằng cách xem trên bao bì hoặc gọi điện thoại đến hãng.
Sau khi kiểm tra bằng thị giác và xúc giác, tiếp tục dùng khứu giác để phát hiện mùi. Nếu sữa có mùi lạ và hôi, dùng vị giác lại phát hiện thấy vị lạ thì tuyệt đối không cho trẻ uống. “Tốt nhất, nên mua các loại sữa khó bị làm giả, được đóng gói nguyên lon tại nước ngoài bằng kỹ thuật hiện đại từ vỏ đến nắp. Chọn mua sữa có hạn sử dụng được dập nổi thay vì in bằng mực”, bà Tâm chia sẻ.