Khắp cánh rừng huyện Đông Giang có nhiều loại họ tre cho măng như lồ ô, nứa, tre, dang…. Mùa hái măng từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, những cô gái Cơ tu, những người phụ nữ ở đây vào rừng từ sáng sớm để hái măng. Măng hái về, sẽ được bóc lớp vỏ già, khô cứng bên ngoài ra, chỉ lấy màu trắng, non bên trong. Tùy theo cách chế biến mà thái sợi dài hay khoanh tròn. Thường nếu nấu canh, làm món trộn thì thái sợ, còn nếu xào thì thái lát tròn. Đặc điểm của măng núi là mùi rất thơm, không đắng và luộc qua nước sôi vẫn không ngả sang màu vàng.
Điều đặc biệt ở món măng núi trộn là không cần nước xốt, nước tương, tôm thị hay bất kỳ thứ gì khác. Chỉ cần làm một bát nước mắm tói ớt, ớt xiêm thật cay nồng là đủ. Để món ăn thêm mùi thơm và vị béo, lấy ít dầu đậu phộng phi thơm với củ nén giã dập, đến khi ngả sang màu vàng là được.
Thơm ngọt, dai của sợi măng rừng Quảng Nam hòa cùng vị cay mặn của nước mắm, vị bùi của đậu phộng hấp dẫn vô cùng mỗi khi thưởng thức.