Trong “Kinh Dịch” viết: “Thiện không tích, không đủ để thành danh. Ác không tích, không đủ để diệt thân”. Kỳ thực, con người sống trên đời, chẳng phải đều như vậy cả sao?
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện bởi vì làm việc ác mà cuối cùng bị ác báo, ngay cả người ấy làm Vua cũng không thể thoát được. Trong “Thái bình nghiễm ký” cuốn 129 có ghi chép câu chuyện lịch sử của Hoàng đế thời Bắc Chu như sau:
Vào thời Bắc Chu, Hoàng đế Vũ Đế đối với thái tử (sau là Tuyên Đế 559 – 580) vô cùng nghiêm khắc. Ông chuyên phái hoạn quan Thành Thận giám sát nhất cử nhất động của con trai mình. Hoàng đế quy định rằng: nếu Thái tử làm điều gì sai trái mà Thành Thận không trình tấu thì sẽ bị đem đi xử tử. Vì thế, Thành Thận không thể làm gì khác hơn là thường xuyên hồi báo những việc làm sai trái của thái tử. Hoàng đế Chu Vũ Đế trước sau đã đánh Thái tử tổng cộng hơn một trăm gậy.
Sau này Thái tử lên ngôi, xưng là Tuyên Đế. Một hôm, Tuyên Đế nhìn thấy vết sẹo trên người mình, nhớ lại chuyện năm xưa, ác khí liền nổi lên.
Hoàng đế tra hỏi đám tùy tùng: “Thành Thận ở nơi nào?“
Người bên cạnh trả lời: “Thành Thận đã ra khỏi triều, nhậm chức ở bên ngoài.”
Tuyên Đế liền hạ lệnh triệu hồi Thành Thận về cung. Sau khi bắt được Thành Thận về triều đình, Tuyên Đế tuyên bố “lập tức xử tử“ vị hoạn quan này. Thành Thận trong lòng vô cùng không phục, lạnh lùng nói: “Đó là năm xưa phụ thân của Hoàng đế hạ lệnh muốn thần giám sát. Thần không có tội. Giờ đây, Hoàng đế bội nghịch quá đáng, xử tử người vô tội, quỷ thần mà biết được, nhất định sẽ không tha!“
Sau khi Thành Thận bị xử tử không lâu, một hôm có một cung nữ trong lúc mở miệng ngáp vặt thì chảy nước mắt. Chỉ vì chuyện này, cung nữ bị cáo buộc là “vì nhớ Thành Thận”. Hoàng đế lập tức hạ lệnh đánh đập tra khảo cung nữ này. Nhưng ngay khi vừa mới đánh vào đầu cung nữ, Tuyên Đế đã kêu to như chính mình bị đau đầu. Lại đánh vào đầu cung nữ, Tuyên Đế lại kêu đau đầu.
Tuyên Đế không vì thế mà cho dừng lại việc tra khảo đánh đập cung nữ. Trái lại, ông ta càng thêm tức giận nói rằng: “Cô ta là oan gia đối đầu của ta!“ Tuyên Đế liền hạ lệnh cho người “Lạp chiết kỳ yêu” (một hình thức tra tấn, hành hạ ở lưng người bị hại) cung nữ đến chết. Nhưng ngay lúc đó, lưng của Tuyên Đế cũng bắt đầu đau nhức dữ dội.
Đêm hôm đó, Tuyên Đế rời khỏi Nam Cung, bệnh càng lúc càng trầm trọng hơn. Hôm sau, khi trở về lại Nam Cung, phần eo lưng của Tuyên Đế đau đến mức không cách gì cưỡi ngựa được, chỉ có thể ngồi xe mà đi. Đến chỗ người cung nữ bị sát hại, Tuyên Đế nhìn thấy có một bóng đen hình người hiện ra trên nền đất.
Lúc đó có người nói ấy là máu của người cung nữ bị tra tấn đến chết. Người hầu trong cung bèn lấy nước tẩy rửa, nhưng hình ảnh đó tẩy mãi không sạch. Họ cứ làm mãi lặp lại 3 lần như thế, nhưng vẫn không hết được. Không còn cách nào khác, Hoàng Đế hạ lệnh cho người đào bỏ chỗ đất cũ đi, lấy đất mới lấp lên. Nhưng đến đêm hôm sau, cái bóng hình người màu đen ấy vẫn hiện lên như cũ.
Cứ như thế qua 7, 8 ngày sau thì Tuyên Đế bị thối rữa toàn thân, người đầy mủ mà chết. Lúc hạ táng, đầy tớ cố mang xác cùng với chiếc giường đem chôn, nhưng chân giường cong vẹo và không thể lay động được. Chỉ có chiếc giường của người cung nữ bị tra tấn mà chết kia là chân giường ngay thẳng và có thể lay chuyển được. Vì vậy, họ liền đặt thi thể thối rữa đầy mủ của Tuyên Đế lên chiếc giường ấy mà chôn cất cùng nhau. Người đời sau đều cho đó là ý đồ của quỷ thần. Tuyên Đế chết cách thời điểm Thành Thận bị xử tử oan chỉ có 20 ngày.
Từ những suy nghĩ và việc làm của Tuyên Đế lúc tại vị mà xét, có thể suy đoán được rằng, ông ta thời thanh thiếu niên quả thực là loại người bất thiện. Phụ thân của ông ta nghiêm khắc quản thúc, đó cũng là hy vọng ông ta bỏ ác theo thiện, tương lai có thể trở thành một vị Hoàng đế tốt.
Việc Thành Thận giám sát ông ta cũng chỉ là phụng mệnh Hoàng đế mà làm việc, không có gì sai trái cả. Việc Hoàng đế Vũ Đế khi còn sống đã điều Thành Thận ra bên ngoài kinh thành nhậm chức, có thể là vì tránh để ông ta bị Tuyên Đế trả thù sau này. Nhưng vị Tuyên Đế này, cố sức đem ông ta từ bên ngoài trở về cung để xử tử, đích thực là không thông hiểu tình lý, giết chết người vô tội. Hành vi của ông ta cũng hàm chứa tâm lý thù hận và trả thù đối với phụ thân của mình. Thành Thận nói ông ta là kẻ “bội nghịch” cũng là rất có lý.
Có thể thấy, ngay cả Hoàng đế làm điều ác cũng nhận phải kết cục bi thảm. Đây là bài học cũng là lời răn lưu truyền muôn đời cho hậu thế.
An Hòa (dịch và t/h)