Khi nhắc đến bánh dày, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến sự tích “Bánh chưng bánh dày” đã quá nổi tiếng trong dân gian Việt Nam. Ở vùng đất cổ thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP Nam Định), người ta vẫn truyền nhau cách thức làm bánh dày truyền thống đã làm nên thương hiệu. Bánh dày Vị Dương đã trở thành vật phẩm để thờ cúng trong các lễ hội truyền thống, trong ngày giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và trong việc họ, việc làng.
Thưởng thức bánh dày Vị Dương, thực khách sẽ cảm nhận được độ dẻo dai của phần vỏ bánh được làm từ bột nếp, phần nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường, dừa bào. Nếu thưởng thức bánh dày mặn sẽ cảm nhận được vị bùi của đậu xanh, một ít mỡ phần, tiêu xay. Bánh dày nhân chay chỉ có bột nếp xoa mỡ bên ngoài.
Bánh sẽ có màu trắng tinh, tròn trịa, dẻo dai và mùi thơm ngon đến khó cưỡng, nằm gọn trong những chiếc lá chuối màu xanh đã được cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh.
Bánh dày Vị Dương được khách xa gần đến đặt mua với số lượng phục vụ cho các cửa hàng ăn uống khắp các nơi, hội nghị, tiệc cưới. Cái vị bánh dẻo quẹo, đỗ xanh mềm mịn thơm nồng, cùng với những kì công người làm bánh gửi gắm trong đó mới thấy được người Vị Dương tự hào về món bánh đặc sản truyền thống nhiều ra sao. Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên ban thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của quê ta…