Các loại hình kiến trúc phổ biến ở phương Đông nhìn chung có thể được chia làm hai nhóm dựa trên lịch sử tiến hoá.
Nhóm 1 là kiến trúc đặc trưng và phổ biến vào thời Đường. Gồm:
- Huyền sơn
- Vũ điện
- Trùng thiềm
- Hiết sơn
- Tứ giác toàn tiêm.
Những kiến trúc truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc còn lại ngày nay chủ yếu thuộc nhóm này.
Nhóm 2 là là đặc trưng kiến trúc Tống, kế thừa đến Minh Thanh. Gồm:
- Ngạch sơn
- Quyển bằng
- Viên toàn tiêm
- Khôi đính
- Bát giác lâu.
Những kiến trúc Trung Quốc, Việt Nam còn lại ngày nay chủ yếu thuộc nhóm này.
Ảnh sau sẽ cho mọi người cái nhìn tổng quan về hình dạng những loại kiến trúc vừa kể.
Sau đây xin được nói chi tiết về từng dạng kiến trúc:
1. Huyền Sơn
Huyền Sơn vốn nhiều dạng, nhưng thuật ngữ này chủ yếu ám chỉ Huyền Sơn dạng Tiêm Sơn, có sơn tường đỉnh nhọn phổ biến vào thời Đường, đối lập với Quyển Bằng là dạng đỉnh cong thời Tống-Minh-Thanh.
Đây là dạng nhà có 2 mặt mái. Mái nhô ra một đoạn khỏi Sơn Tường (Chữ “Huyền” nghĩa là treo lơ lửng, ám chỉ 2 rìa của mái lơ lửng giữa không trung).
Kiểu nhà này vì thùy tích kéo dài đến nóc mái nên không có thang tích, hay nói cách khác, thùy tích và thang tích chập lại làm một.
Sơn Tường nhà Huyền Sơn còn được gia cố thêm kèo cột ốp sát vào tường. Dạng nhà này thường được dùng làm tòa nhà nhỏ, thứ yếu trong quần thể cung điện, chùa chiền và là nhà chính trong nhà ở của người dân nói chung.
2. Ngạnh Sơn
Có kiểu dáng tương tự như Huyền Sơn, nhưng hai rìa mái không nhô ra khỏi sơn tường. Ngạnh Sơn có tường chủ yếu làm bằng gạch đá, không như Huyền Sơn có tường chủ yếu bằng gỗ.
3. Vũ điện
Đây là công trình thuộc loại cổ xưa nhất, về sau này lại là dạng công trình cấp cao nhất (có lẽ do người phương đông nệ cổ), có 4 mặt mái nhô ra khỏi sơn tường và đều lợp ngói, không có sơn hoa (tức đầu hồi tam giác).
Tại Việt Nam, công trình này chỉ thỉnh thoảng được thấy trên một số dấu tích còn sót lại như trên các lăng mộ thời Lê. Thời Nguyễn hầu như không có vết tích nào.
4. Hiết Sơn
Dạng kiến trúc này có rìa bờ mái chĩa ra khỏi Sơn Tường như Huyền Sơn, nhưng phía 2 mặt sơn tường còn có thêm 2 mặt mái nữa. Hiết Sơn còn gọi là Cửu Tích vì có 9 đường mái ( 1 chính tích, 4 thùy tích, 4 thang tích).
5. Tứ Giác Toàn Tiêm
Còn gọi là Tứ phương Toàn Tiêm. Loại nhà gác hình vuông 4 góc, mái chụm lại thành một điểm (toàn tiêm)
Ngoài ra còn có dạng Tam Giác, Lục Giác, Bát Giác cũng tương tự, chỉ khác biệt ở số mặt mái và phương hướng lầu. Dạng Bát Giác và Lục Giác còn được dùng làm lầu các, gác chuông và xây thêm mặt mái lên trên (trùng thiềm). Riêng dạng Bát Giác thì đến kiểu thời Tống mới phổ biến.
6. Viên Toàn Tiêm
Tương tự như các dạng đa giác toàn tiêm, nhưng mái có dạng tròn (viên).
7. Khôi Đính
Tương tự dáng tứ giác toàn tiêm, nhưng có đường thuỳ tích cong lượn sóng, các mặt mái có hình dạng tựa quả chuông.
8. Quyển Bằng (hay gọi đầy đủ là Quyển Bằng thức Hiết Sơn)
Là một sự phá cách của Hiết Sơn thông thường. Dạng kiến trúc này tương tự Hiết Sơn nhưng phần trên của mái không có chính tích mà được uốn cong như đường sóng.