Khám phá pha dừng xe vỏn vẹn 2 giây tại đường đua

Trong cuộc đua gần đây, một pha pitstop (bảo dưỡng xe) kỷ lục đã được lập với thời gian chỉ vỏn vẹn 1,89 giây bởi đội đua F1 Anh Quốc Williams. Hãy cùng tìm hiểu, tại sao những người thợ có thể phục vụ những chiếc xe nhanh tới vậy?

Trong mỗi giải đua xe, chúng ta thường chỉ quan tâm tới những tay đua và những chiếc xe mà họ điều khiển. Nhưng để có thể tham gia cuộc đua và giành chiến thắng thì mỗi đội xe không thể thiếu pitstop.

Tổng chiều dài của chặng đua khoảng 300km, mỗi xe đua sẽ cần phải ít nhất một lần dừng xe tại chỗ bảo dưỡng (pitstop) để thay lốp và chỉnh sửa xe. Ngay khi tay đua tấp xe vào khu vực pitstop, khoảng chục người thợ ùa ra, nâng xe, thay cả bốn bánh, lau sạch kính, hạ xuống, xe phóng vút đi tiếp tục cuộc đua gay cấn. Cả quá trình này thường chưa tốn tới 10 giây.

Để làm được điều đó, những người thợ cần sự chính xác tuyệt đối, phối hợp nhuẫn nhuyễn để thực hiện công việc trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể bởi thời gian nhanh chậm một mili giây cũng có thể quyết định thắng bại của cả đội xe.

Với đường đua Nascar, một đội tối đa 6 người cần từ 11 tới 13 giây để thay bốn lốp cho một pitstop. Kể cả với những chặng đua dài như Le Mans 24 Giờ thì pitstop diễn ra lâu hơn những cũng không bao giờ mất tới một phút.

Trong cuộc đua European Grand Prix tại Baku, Azerbaijan diễn ra vào tháng sáu vừa qua, đội đua F1 Anh Quốc Williams đã lập một kỷ lục mới khi thực hiện một pha pitstop trong nháy mắt, chỉ tốn 1,89 giây. Phá vỡ kỷ lục được thiết lập trước đó là 1,92 giây của đội đua Red Bull tại US Grand Prix, Texas vào năm 2013.

Vây, tại pitstop điều gì đã xảy ra với những chiếc xe?

Với đường đua F1, xe sẽ được tay đua lái vào một làn dừng nhỏ, ngay trước giá nâng đã được đặt chờ sẵn với vận tốc khoảng 60km/h. Điều này đòi hỏi độ chính xác cực cao, tay đua phải dừng xe cực kỳ chính xác để không đâm vào những những thợ đang chờ sẵn. Một người sẽ nâng xe lên bằng giá nâng thủy lực và hai thành viên khác sẽ cân bằng hai bên của xe.

Ngay khi xe dừng lại, 12 thợ sẽ đồng loạt thay bốn bánh xe. Mỗi lốp sẽ có 3 người chờ sẵn, một người sẽ tháo đai ốc bánh xe bằng súng vặn ốc khí nén, bánh xe được gỡ ra, bánh xe mới được lắp vào và người cầm súng đã sẵn sàng siết đai.

Với chặng đua dài, xe sẽ được đổ xăng, có thể thay đổi người lái và với một số loại xe, với một số loại xe đèn và kính xe sẽ được lau sạch.

Có những đội thợ nhuần nhuyễn đến mức, xe chưa dừng lại hoàn toàn đã có thể xoắn chặt van súng vào đai ốc. Điều này, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối bởi mô men xoắn của những khẩu súng này cực mạnh, chỉ một sai sót nhỏ khi sử dụng có thể dẫn tới chấn thương rất nặng.

Khi súng rời khỏi trục bánh xe, thợ cơ khí sẽ kiểm tra kỹ để chắc chắn mọi thứ đã sẵn sàng, người này sẽ ra hiệu cho chiếc xe tham gia tiếp vào đường đua.

Xe tiếp đất, thợ nâng và cân chỉnh xe nhanh chóng rời khỏi ngay khi đèn đường pit sáng, chiếc xe lao vút vào đường đua.

Tốc độ pitstop đã đạt tới đỉnh cao, luôn mấp mé ở ngưỡng hai giây, thậm chí còn thấp hơn hai giây.

Tại sao, họ có thể đạt được thời gian cực ngắn như vậy?

Để đạt được kỷ lục về thời gian như vậy, các đội xe đều có thời lượng luyện tập kinh khủng. Pat Symonds, giám đốc công nghệ của Williams F1 cho biết đội của ông đã thực hiện khoảng 1700 pha pitstop mỗi mùa giải bao gồm cả những buổi tập luyện tại xưởng vào cuối tuần.

Bên cạnh đó, việc FIA (Liên đoàn ô tô thế giới) đưa ra luật cấm bơm xăng tại giải F1 từ mùa giải 2010 cũng kiến cho thời gian pitstop giảm xuống đáng kể.

Việc cầm bơm thêm xăng nhằm giúp mọi thứ diễn ra an toàn hơn, nhanh hơn, bởi trong quá khứ đã có một vài tai nạn hỏa hoạn xảy ra. Năm 1994, tại đường đua GP Đức, xe của Jos Verstappen từng bị nhấn chìm trong cầu lửa. Năm 2009, tại GP Brazil, xe của Kimi Räikkönen bốc cháy.

Khó tưởng tượng trong những năm tiếp theo, pitstop sẽ phát triển như thế nào? Liệu thời gian của pitstop có thể giảm xuống mức 1,5 giây? Hãy cùng chờ đợi nhé, chắc chắn sẽ rất thú vị.

TH/ST

Dành cho quý vị