Tôi là người Việt Nam, từ dòng máu đến ngôn ngữ đều 100% như vừa nói. Nếu lại kể đến chuyện ăn uống nữa thì hơn cả 100% bởi vì những thực phẩm bụi của nước này có thể nói là từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng lên Tây nguyên hầu như thứ nào tôi cũng hứng vào người, ăn và thị phi khen chê, ăn chỉ một lần hay tái ăn nhiều lần. Ăn cũng như làm nhà xuất bản, “Bản thảo anh mua thật đáng tiền/ Cuốn này xuất bản chuyến đầu tiên”“Rồi đây tái bản nhiều lần nữa” hay là… kêu ve chai tới, là tùy!

Sang chuyện nói và nghe tức chuyện sử dụng tiếng Việt thì vào lúc gần bốn mươi, chính xác là 36, tôi cũng có thể nhận là mình nói-nghe-đọc-viết tiếng mẹ một cách nếu có bị chê thì cũng chỉ bị chê như gió thoảng thôi.

Ấy vậy mà năm gần bốn mươi đó, lần đầu tiên nghe và mới hiểu tiếng “được”. Đó là trong những ngày tôi vừa trở thành người dân của một nước Việt Nam khác. Ban đầu chúng tôi được lưu dụng để dạy học, ít ngày sau người ta thông báo cho biết, theo lệnh trên chúng tôi – những giáo viên biệt phái – “được” đi học cải tạo. Học cải tạo tuy chỉ mới nghe nhưng làm sao tôi lại không hiểu đó là “bị” đi tù? Nhưng “được” đi tù thì đó là lần đầu tiên tôi nghe. Và tôi quan tâm đến tiếng này mãi cho đến nay.

Trò xiếc của “được” và “bị”
(Tranh biếm họa qua pinterest)

Logique thông thường, cái gì như một phần thưởng dù chỉ là một ánh mắt hay lời nói thiện cảm thì đó là “được”, trái lại những thứ không chờ mà đến, tất nhiên phải là “bị” rồi. Nhưng hai chữ này nhiều khi đổi chỗ cho nhau như làm xiếc mà tôi “bị” nhận hay “được” nhận tùy bối cảnh và thân phận. Miết rồi cái cặp “được/ bị” trở thành ngôn ngữ của sự đùa dỡn, móc ngoéo. Một cô bỗ bã hỏi em có đẹp không, bài em hay không, đáp “Hơi bị đẹp”, “Hơi bị hay” ý nghĩa là cái đẹp, cái hay (ở cô ấy) là… nạn nhân! Tiếng Việt dùng méo, nhưng một khi sống với nhiều những cái méo thì cái méo ít lại là tròn!!

Bây giờ đây, tuổi đời cũng không còn xấp xỉ 40 nữa, nghĩ lại tôi mới hiểu chữ “được” (đi tù) mà anh cán bộ dùng cho chúng tôi hồi ấy hóa ra lại có nghĩa của nó mà tôi không kịp nhận ra. Ngày ấy nghe thông báo người đi cải tạo mang tiền ăn một tháng ai cũng cho rằng xa nhà chỉ có 30 ngày. Là tại anh hiểu một tình huống nghịch lý bằng cái lý thông thường, lỗi ở anh!

Là mỗi sự việc đếu có tính lịch sử của nó cho nên nó không thể cho xuất hiện nguyên dạng kiểu tự phát thiếu cảnh giác. Thủ một vai trò, nhiệm vụ cho nên nó phải được khoác một trang phục phù hợp. Đi cưới vợ thì anh phải mặc đồ veste, vui lòng để quần jean áo gió ở nhà. Vào tiệm ăn phở xin đừng mang cơm theo và nhất là đừng hỏi người chủ tiệm phở đấy có formol – thứ để ướp xác chết – không! Con người trần thế của anh trong hai trường hợp đó phải được xuất hiện với nhiệm vụ lịch sử của nó. Từ hai tiếng “được/ bị” đổi chỗ cho nhau khi làm nhiệm vụ đó sẽ làm lộ ra nhiều nghịch lý. Nghịch lý không phải ở chỗ chữ dùng sai nhưng là một tình huống nghịch lý không thể được gọi bằng những tiếng thuận lý. Nghịch lý có trước, chữ đổi chỗ đến sau! Làm sao không có bọn thảo khấu khoác áo thầy tu? Mắt tinh tường anh sẽ nhận ra, mù quáng anh sẽ chết vì thảo khấu!

Khoảng năm 1990 gì đó, đi chấm thi TNPT tôi hiểu và giữ thái độ im lặng trong khi cô bạn ngồi cạnh hết cau đôi mày lá liễu lại mím đôi mội trái tim! Là người ta luôn triển khai khẩu hiệu “Thực hiện mùa thi nghiêm túc” và giám sát chúng tôi khá kỹ tuồng như lơi ra thì bọn nhà giáo này sẽ… tiêu cực! Kết quả chấm buổi đầu cho ra tỷ lệ trên trung bình thấp quá. Người của trên xuống làm việc, ông khen chúng tôi nghiêm túc, ông phản ánh quá trình học 12 năm của học sinh là gian khổ v.v. và v.v., cuối cùng ông lại khen và nhắc chúng tôi quán triệt câu “vạch lá tìm hoa” chắt chiu từng nỗ lực của con em!! Và ông ra về…

Kết quả, tỷ lệ đậu là… hơn 99%! Cuộc thi kết thúc bằng tiệc liên hoan đông vui mừng… thành công tốt đẹp! Nghịch lý có trước, ngôn ngữ (trường hợp này là điểm) đến sau, thêm một lần tôi quán triệt chuyện “được/ bị”! Giám khảo chúng tôi “được” (hay bị?) chấm theo chỉ đạo và “bị” thành nạn nhân!

Ngày học trong trường SQ Thủ Đức, một lần tôi bị phạt dã chiến do áo phanh ngực, túi áo không cài để lòi gói thuốc lá ra ngoài. Một ba lô đầy đủ, súng đạn như đi trận lên trình diện ông Thiếu tá Liên đoàn trưởng nổi tiếng là hắc búa. Lệnh cho tôi chạy xuống khu CLB ở xa đó khoảng 500m xin chữ ký của một cô tên Vân, ông nhấn mạnh… cả đi và về 5 phút! Nghe xong tôi ù chạy, nhưng ông kêu lại vặn vẹo rằng 5 phút không thể làm nổi tại sao cứ nhắm mắt làm liều? Tôi cãi thi hành trước khiếu nại sau thì ông lại bảo mù quáng như tôi thì ra trường chỉ giết lính! Cuối cùng “tội mù quáng” bị phạt 50 hít đất, “tội cãi cấp trên” 50 cái nhảy xổm nữa là đủ trăm! Tôi mệt đứt hơi và giả vờ xỉu để xù mấy chục cái hít đất còn lại! Ông thiếu tá không nhận ra và tôi hiểu nghịch lý cũng có cách để trị! Về sau tôi biết người ta dùng cái nghịch lý để huấn luyện chúng tôi thành người lính tuyệt đối phục tùng!

Đời sống này, tôi không cho phép bất cứ ai được nói nó không đáng sống, nhưng hãy vui lòng nhất trí với tôi nó đầy nghịch lý cần nhận thức đúng và tìm cách khắc phục! Ở đâu cũng có nghịch lý mai phục và tôi không thất vọng khi bị phục kích! Mọi thứ tình như anh em, tình lứa đôi, thầy trò, bạn bè… rất nhiều khi cũng như vậy cả. Nghịch lý có đó, nó cũng có cái to cái nhỏ, sáng suốt thì chọn được cái nhỏ nhất có nghĩa tổn thất sẽ không đáng kể!

Các cụ thời xưa bảo “Lấy vợ xem tông, gả chồng xem giống” là nhắc sự thận trọng, không hấp tấp lao đầu “trò xiếc được/ bị” đó. Tôi được em yêu hay tôi bị yêu bởi em, tôi được ly dị với em hay tôi bị em đưa ra tòa! Hạnh phúc và bất hạnh sao lại chỉ gói trong hai tiếng “được/ bị”, Trời ạ!

Cao Thoại Châu