Khoảng giữa tháng 5 đến tháng 8 được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tới Lái Thiêu – Bình Dương. Ngoài các loại trái cây như mít tố nữ, sầu riêng hay bòn bon, các khu vườn xanh tươi này đã cho ra trái măng cụt thơm ngọt, mọng nước và trở thành một đặc sản để đón tiếp du khách. Và hương vị ấy lại được nâng tầm khi kết hợp cùng với gà để chế biến thành đĩa gỏi vô cùng hấp dẫn.

Gỏi măng cụt được làm khi trái còn xanh vỏ nhưng phần “cơm” (ruột) đã chín tới, “cơm” măng vừa giòn, có vị ngọt, chua vừa phải. Chế biến món gỏi măng cụt khó nhất là khâu cắt măng cụt lấy “cơm” măng vì khi trái còn xanh nhựa rất nhiều, dao cắt một nhát đã dính cứng, không sao đưa dao được và “cơm” đổ màu nâu sậm, rất xấu. Vì vậy, đòi hỏi người chế biến phải am hiểu về ẩm thực địa phương và thật khéo léo để chế biến mà “cơm” măng vẫn trắng. Sau đó có thể cắt “cơm” thành khoanh tròn mang hình dạng một bông hoa, hay chỉ đơn giản là tách múi và loại bỏ hột.

Gỏi được trộn với tép bạc luộc lên lột vỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng hay gà vườn luộc xé phay, trộn với “cơm” măng đã tách hột, thêm các loại gia vị cần thiết giúp món ăn trở nên ngon miệng. Gỏi măng cụt được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm.

GỎI GÀ MĂNG CỤT – món ăn “lạ” từ cái tên cho đến hương vị

Thưởng thức gỏi gà măng cụt Lái Thiêu giữa vườn cây trái mát rượi là trải nghiệm tuyệt vời mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Bình Dương