Trả lời nhanh cho câu hỏi tiêu đề: tùy thuộc.

Nhưng tùy thuộc vào cái gì? Bài này tôi xin phân tích một vài ưu nhược điểm của các kích cỡ bàn cờ vây (dành cho mục đích học chơi cờ). Nếu đã chơi khá một chút rồi (trình độ hơn 10k) thì chỉ nên chơi bàn 19×19.

bàn cờ vây

Bàn cờ vây 19×19

Bàn cờ vây

Vì cờ vây không có những quân đặc thù như cờ vua (mà chỉ có các quân đen trắng) nên kích thước bàn cờ cũng có thể thay đổi linh hoạt.

Theo nghiên cứu sử học thì bàn cờ vây lúc ban đầu không có kích cỡ 19×19 mà bé hơn (13, 15, 17). Bàn cờ 19 được phát hiện sớm nhất vào đời nhà Tùy và được sử dụng như kích thước bàn cờ chuẩn để thi đấu các giải chính thức.

Bàn 9×9 – Học hiểu thắng & thua

Trở ngại bự nhất của việc học cờ vây là hiểu được thắng thua. Ai thực sự quan tâm đến chuyện thắng thua của cờ vây thì nên thử với bàn 9.

Hình ở trên là một trận đấu đã kết thúc với bàn 9. Mỗi bên không cần phải đi quá nhiều quân. Đất cũng dễ dàng được chia đôi. Với bàn 9, sẽ có rất ít vị trí cần thu quan (kết thúc trận đấu, hoàn chỉnh đất, ví dụ hai nước khoanh tròn của Đen và Trắng trong hình).

Việc giải thích đất của bên nào bên nào cũng dễ hơn. Ở dưới là một ví dụ cho một trận đấu 9×9 đơn giản, chỉ có 25 nước đi được thực hiện.

Nhược điểm của việc chơi bàn 9×9 là, nó chán ngắt, do nhỏ quá nên chưa kịp xoay sở gì thì trận cờ xong bà nó rồi.

Đối tượng phù hợp với bàn 9×9 là 
1. Những bạn nhỏ tuổi (<10), sợ chơi bàn rộng sẽ bị choáng.
2. Những bạn lớn tuổi quá (>20), chơi cờ mà không hiểu làm thế nào để thắng nên dễ bức rức, bước đầu cứ chơi bàn 9 cho nhanh hiểu rồi tính tiếp.

Bàn 13×13 – Lựa chọn bình thường

Tuy khá rộng hơn bàn 9×9, bàn 13 vẫn chưa đủ lớn để người chơi phát triển “chiến lược chiến thuật” gì ghê gớm. Nhiệm vụ chủ yếu của hai bên lúc này vẫn là chiếm đất ở một nửa bàn cờ (chia đôi đất trên bàn cờ).

Số lượng nước đi của bàn 13 nhiều hơn gấp đôi bàn 9 (169 vs 81) nên việc kết thúc ván đấu đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn. Việc đuổi bắt quân đối phương cũng sẽ thú vị hơn một chút.

Người học chơi có thể chọn 2 hướng:
1. Hoặc tạm bỏ qua việc hoàn tất trận đấu để xem ai thắng ai thua mà chỉ nên tập trung vào ăn quân đối phương.
2. Hoặc hạn chế việc ăn quân (chỉ lấy đất, né quân đối phương ra). Tập chơi ở những vùng lớn, tập thu quan, hoàn tất đất.

Đối tượng phù hợp với bàn 13×13 là 
1. Hầu hết mọi người, hehe.
2. Biết kiên nhẫn một tí, vì phải tốn kha khá thời gian mới chơi “xong” được ván cờ.
3. Đã chơi bàn 9×9, đã chán bàn 9×9.

Bàn 19×19 – WTF?

Bàn 19×19 chắc là “ác mộng” với mấy bạn mới học chơi :d

Kể không phải khoe chớ hồi mới tập chơi, tôi bụp luôn bàn 19 mà chơi, lí do là không biết sự tồn tại của bàn 9 hay 13, hehe. Đến lúc chơi khá rồi nhìn lại thì mới thấy đấy cũng là một “chiến lược” thú vị.

Trong thời gian học chơi, việc hoàn tất một trận đấu với bàn 19 là việc không thể. Việc này đòi hỏi mình phải hiểu rất nhiều hình cờ lúc thu quan. Chưa kể đến việc người chơi sẽ rất bối rối để lựa chọn nước đi nếu chưa biết một số vấn đề căn bản về khai cuộc, trung cuộc, tấn công, phòng thủ.

Ngược lại, bàn 19 có nhiều ưu điểm so với bàn 13 hoặc 9.
– Chơi hoài không thấy hết. Đỡ mất công bày lại bàn khác. (just kidding)
– Chỉ ở bàn 19 thì khái niệm “khai cuộc” mới có nhiều vấn đề để học.
– Vì quá rộng nên bàn 19 có nhiều cơ hội hơn cho những người thua cục bộ ở một phần bàn cờ. Trận đấu không quanh quẩn ở một nơi mà hai kì thủ có thể bay loạn xạ để chơi nơi mình muốn ^___^.
– Học quan sát ở góc rộng hơn, chung hơn.
– Tập dí quân, giết quân, phá mắt, điểm, cắt, chặn, bẻ,… tá lả. Chiến đấu rất sướng.
– Có nhiều cơ hội được chơi với người giỏi hơn (vì người giỏi hơn lười chơi bàn 13)

Đối tượng phù hợp
1. Những bạn thích ăn quân, ăn quân và ăn quân.
2. Những bạn thích học “chiến thuật” cơ bản của cờ vây.
3. Độ tuổi phù hợp từ 10 – 20.
4. Chưa hứng thú lắm với chuyện “thắng một trận cờ”.

Kết luận

Kết luận lại cũng như mở bài thôi, là tùy thuộc. Các bạn phải chơi thử cả 3 rồi mới quyết định được mình phù hợp với bàn nào.

Nhưng bàn nào thì bàn, cứ cố gắng chơi tốt tốt một chút để chơi được bàn 19, vì bàn 19 mới đúng là cờ vây, còn hai loại kia là cờ vây cho người mới học chơi.

Mà có ai muốn mình ở trong trạng thái “học chơi” dài dài đâu.
Nhỉ?