Mì ăn liền được sử dụng phổ biến bởi sự tiện lợi, rẻ tiền và hương vị hấp dẫn. Tuy nhiên, thực phẩm này lại tiềm ẩn những mối nguy hiểm tới sức khỏe mà ít ai ngờ.
Mì ăn liền là một món ăn phổ biến đối với những người có ít thời gian và hạn hẹp về kinh tế, trong đó đặc biệt là sinh viên. Năm 2015 Hiệp hội mì ăn liền thế giới công bố Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản là những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mì ăn liền có rất nhiều bất lợi cho sức khỏe mà bạn không ngờ tới.
Không dễ phân hủy sau nhiều giờ
Theo Life Hack, mì ăn liền khó tiêu hóa, nên hệ thống tiêu hóa buộc phải làm việc cật lực trong nhiều giờ để phân hủy chúng. Nó cũng gây trở ngại cho lượng đường trong máu và giải phóng insulin nếu tiêu hóa quá nhanh. Thực phẩm lưu giữ quá lâu trong cơ thể khiến các hóa chất độc hại, chất bảo quản như: butylated hydroxyanisole (BHA) và t-butylhydroquinone (TBHQ) tồn tại trong cơ thể. Hai hợp chất này được chứng minh có thể gây ung thư và các bệnh hen suyễn, trầm cảm, tiêu chảy nếu tiếp xúc với cơ thể trong thời gian dài.
Mì ăn liền là một món ăn phổ biến đối với những người có ít thời gian và hạn hẹp về kinh tế, trong đó đặc biệt là sinh viên.
Tăng nguy cơ bệnh tim
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) phát hiện những phụ nữ tiêu thụ mì ăn liền thường xuyên, khoảng hơn 2 lần/tuần có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tới 68% so với những người ăn ít hơn, bất kể họ có thực hiện chế độ ăn uống hoặc tập thể dục điều độ hay không.
Hội chứng chuyển hóa là thuật ngữ chỉ những người có nguy cơ cao mắc các chứng béo phì, huyết áp cao, nồng độ cholesterol xấu, tiểu đường, bệnh tim hay đột quỵ. Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn nam giới vì mức độ hormone và tỷ lệ trao đổi chất của hai giới khác nhau.
Nhiều muối
Mì ăn liền có chứa rất nhiều muối, trong khi đó, tiêu thụ quá nhiều muối có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của con người. Một gói mì thông thường có chứa ít nhất 2.700mg natri, trong khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo lượng natri tối đa mỗi ngày là 2.300mg (1.500mg cho nhóm người mắc một số bệnh nguy hiểm). Một nghiên cứu trên tờ American Journal of Hypertension năm 2014 cho biết chế độ ăn uống giàu natri là một nhân tố chính gây ra tỷ lệ tử vong cao ở 23 trường hợp nghiên cứu. Lượng natri dư thừa trong cơ thể cũng gây huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Chứa các hóa chất độc hại
Mì ăn liền rất tiện lợi nhưng không hề tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Lifehack).
TBHQ là một sản phẩm phụ dùng trong ngành công nghiệp dầu khí, thường được dùng như một phụ gia rẻ tiền để bảo quản thực phẩm. Trước đó, một nghiên cứu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện những sợi mì sau khi được đưa vào cơ thể con người không thể phân hủy dễ dàng sau 2 giờ là do hóa chất TBHQ. Sự nguy hiểm của phụ gia này có thể làm suy yếu các cơ quan, phát triển các khối u ung thư, bao gồm u dạ dày.
Tháng 6/2012, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) phát hiện các chất gây ung thư benzopyrene có trong 6 nhãn hiệu mì ăn liền khác nhau. Tuy mức độ benzophyrene chưa đủ để gây hại, các lô sản xuất mì ăn liền này vẫn bị thu hồi và cấm lưu hành trên thị trường sau đó.
Hóa chất gây ung thư và rối loạn nội tiết tố bisphenol-A (BPA) cũng được tìm thấy trong các cốc xốp đựng mì. Hóa chất này có thể gây kích thích tố ở phụ nữ, giống như estrogen, làm phát triển những triệu chứng bất thường ở cơ thể và dẫn đến một số bệnh như ung thư vú, bệnh tim, tiểu đường… BPA cũng ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi trong bụng mẹ. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy người mẹ có nồng độ BPA cao trong cơ thể dễ sinh con gái bị triệu chứng trầm cảm, hiếu động trước 3 tuổi.