1. TỔNG QUAN

Nguồn gốc và phân bố cây lúa luôn là đề tài tranh luận nóng bỏng của các nhà khoa học và khảo cổ học thế giới. Tuy nhiên, gần đây nhờ các kỹ thuật và khoa học tiến bộ đã giúp làm sáng tỏ một số vấn đề tranh chấp. Những kỹ thuật di truyền, công nghệ sinh học, phương pháp đồng vị phóng xạ, cùng các phân tích khoa học đã giúp các nhà nghiên cứu mang ra ánh sáng nhiều vấn đề khảo cổ chưa được rõ ràng.

Vào tháng 2 năm 2006, một nhóm khảo cổ hỗn hợp Việt, Úc và Nhựt đã khai quật một nghĩa địa cổ có niên đại từ 3.500 đến 4.000 năm ở Mân Bạc, khoảng 90 cây số phía nam Hà Nội. Ông Marc Oxenham, một nhà khảo cổ học của Trường Đại Học Quốc Gia Úc cho rằng những dấu hiệu sơ khởi khám phá từ các nghĩa địa trên cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay có thể do các di dân từ phương Bắc mang đến hơn là do cư dân bản xứ đã biết trồng trọt từ lâu. Ý kiến này không đồng thuận với kết luận của các cuộc nghiên cứu khác trong nước và thế giới hơn thế kỷ vừa qua, vì các lý do sau đây: (i) Nền nông nghiệp sơ khai đã xuất hiện ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng 8-10 thiên kỷ hoặc xa hơn, trong nền văn hóa Hòa Bình; (ii) Các bộ lạc trồng lúa đã xuất hiện ở các nước Đông Nam Á vào khoảng 5.000-6.000 năm trước trong nền văn hóa Bắc Sơn; (iii) Nền nông nghiệp, nhứt là nông nghiệp nhiệt đới, chỉ có thể xuất hiện, tiến hóa và phát triển mạnh ở vùng có khí hậu ấm áp và ẩm ướt. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng miền thượng du Bắc Bộ là một trong những trung tâm nguyên thủy của cây lúa trồng ngày nay (Chang, 1985).

Cho nên, nguồn gốc của nền nông nghiệp, nhứt là ngành lúa gạo, không nhứt thiết bắt nguồn từ phương Bắc, trái lại, có thể do cư dân lâu đời đã bắt đầu nền nông nghiệp sơ khai vào giữa thời đại Đá Mới. Cuộc khai quật nghĩa địa Mân Bạc xác nhận cư dân ở Việt Nam trong thời đại Hùng Vương đã có giao thoa giữa giống Mã Lai bản địa và Mông Cổ di cư từ miền nam sông Dương Tử (nước Sở, nước Việt…).

Sau đây là tóm lược các công trình nghiên cứu chính về nguồn gốc và phân bố cây lúa trồng. Trên quả địa cầu này, chỉ có người dân châu Á và châu Phi biết thuần dưỡng lúa dại thành lúa trồng hiện nay. Đó là lúa châu Á (Oryza sativa) và lúa châu Phi (Oryza glaberrima) có hai nguồn gốc, phát triển và phân phối riêng biệt. Tùy theo khí hậu, cây lúa châu Á được phân ra làm 3 nhóm khác nhau – lúa Indica ở vùng nhiệt đới, lúa Japonica (hay Sinica) ở vùng ôn đới và Javanica (còn gọi Japonica nhiệt đới) ở Indonesia, trung gian giữa 2 thứ lúa kia.

2. XẾP LOẠI LÚA

Cây lúa trồng thuộc họ Poaceae (Graminea hay họ Hòa Thảo), phụ họ Pryzoideae, tộc Oryzae, dòng Oryza, loài Oryza sativaOryza glaberrima. Loài Oryza sativa là lúa trồng ở châu Á và Oryza glaberrima lúa trồng ở châu Phi. Ngoài ra, còn có hơn 20 loài lúa dại sống rải rác trên thế giới như Đông Nam Á, Nam Á, Úc Châu, New Guinea, Phi Châu, Trung và Nam Mỹ. Sự xếp loại cho cây lúa trải qua một thời gian hơn 200 năm, với rất nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu vì không có hệ thống xếp loại duy nhứt được đặt ra. Do đó, có nhiều loài lúa dại được xếp cùng tên hoặc lẫn lộn nhau, tùy theo các nhà nghiên cứu, ngoại trừ hai loài lúa trồng (sativaglaberrima) và 7 loài lúa dại (australiensis, eichingeri, latifolia, minuta, schlechteri, ridleyi và brachyantha) (Nayar, 1973).

Chẳng hạn, loài spontaneaperennis được xem như rất gần với lúa trồng sativa; nên có tên thay đổi rất thường: loài oryza dưới dạng spontanea, hàng niên, xem như một loài độc lập O. fatua, hay O. sativa var. fatua hoặc O. rufipogon (Sampath, 1962). Loài đa niên O. perennis đươc xem như O. rufipogon Griff và loài hàng niên như O. nivara Sharma et Shastry.

Vào 1753, ông Lineaeus, người đầu tiên đã mô tả và xếp loài lúa sativa trong dòng Oryza. Pilger (1915) tìm được và mô tả loài thứ hai, schlechteri từ mẫu thu thập được bởi Schlechter vào năm 1907 ở miền bắc Tân Guinea (Nayar, 1973). Bà Prodoehl (1922) đã viết bản thảo chi tiết cho giống lúa này và 17 loài được mô tả khá chi tiết. Sau đó, dòng Oryza được đặc biệt quan tâm đến với rất nhiều chi tiết bởi nhiều nhà nghiên cứu, như Roscheviez (1931), Chevalier (1932), Sasaki (1935), Morinaga (1943), Chatterjee (1948), Sampath (1961, 1962, 1964), Tateoka (1963, 1964), Chang (1964), Shastry 1965, và Sharma và Shastry (1965, 1971), Sharma (1973) và Nayar (1973). Trong đó, ông Morinaga (1943, 1954) là người đầu tiên đã sử dụng kỹ thuật phân tích genome để định danh các loài lúa dại. Công trình nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học này (sự tiếp hợp của các nhiễm sắc thể giống nhau) đã giúp phân tích các loài lúa được chính xác hơn.

3. NGUỒN GỐC CÂY LÚA VIỆT NAM

Trên thế giới có hai loại lúa trồng quan trọng: lúa châu Á và lúa châu Phi. Cây lúa châu Á hiện chiếm ưu thế trong khâu sản xuất, tiêu thụ và thị trường thế giới vì tiềm thế năng suất cao gấp 2-3 lần lúa châu Phi. Nguồn gốc và phân phối của cây lúa châu Á khó có thể xác định rõ ràng vì cây lúa được con người thuần dưỡng và canh tác từ thời tiền sử. Nhiều nghiên cứu được thực hiện từ gần cuối thế kỷ XIX đến nay đã giúp chúng ta có được vốn hiểu biết khá rộng từ nhiều góc cạnh của vấn đề, cũng như giúp chúng ta có nhiều tin tưởng hơn cho một số giả thuyết về nguồn gốc và phân bố cây lúa trồng.

Nguồn gốc của cây lúa trồng là đề tài thảo luận sôi nổi từ lâu, đặc biệt từ hai nước: Trung Quốc và Ấn Độ. Có rất nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và đề nghị nhiều địa điểm nguồn gốc khác nhau tùy theo lề lối suy luận, phương pháp khảo cứu và các tư liệu thu thập được từ lịch sử, công trình khảo cứu hoặc dân gian. Cho đến thập niên 1950, các nghiên cứu mới có cơ sở vững chắc hơn khi kỹ thuật di truyền tế bào được áp dụng. Địa điểm nguồn gốc xuất phát cây lúa trồng đầu tiên phải hội đủ 4 tiêu chuẩn sau đây:

  1. Tổ tiên trực tiếp của cây lúa hay lúa dại phải hiện diện hoặc đã xuất hiện nơi đó;
  2. Di chỉ khảo cổ xác nhận cây lúa đã được trồng nơi đó;
  3. Sự hiện diện loài nguyên thủy của cây lúa trồng; và
  4. Biến đổi di truyền giữa lúa trồng và lúa dại phải khác biệt ở nơi đó.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cây lúa trồng hiện nay, nhưng một cách tổng thể, 4 giả thuyết sau đây được các nhà khảo cứu đề cập đến nhiều nhứt: nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và đa trung tâm.

3.1. Giả thuyết nguồn gốc Trung Quốc

Vào năm 1882, de Candolle đã dựa vào tài liệu của Bretschneider và Stanislav Julien đề cập về một nghi lễ tôn giáo đặt ra bởi hoàng đế Thần Nông (2800-2700 trước Công Nguyên – CN) và cho rằng cây lúa trồng ở Trung Quốc sớm hơn Ấn Độ. Trong nghi lễ này, Hoàng Đế và các quan cao cấp đã gieo 5 loại hạt (ngũ cốc): lúa, khoai ngọt, lúa mì và hai loại hạt kê. Do đó, ông de Candolle và nhiều người khác cho rằng các loại hạt giống trên xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Chatterjee (1947, 1948) lúc đầu cho rằng cây lúa xuất xứ từ Ấn Độ vì người Ả Rập lần đầu tiên biết đến cây lúa từ Ấn Độ. Sau đó, Chatterjee thay đổi lập trường khi tìm thấy tên thông thường Oryza gần giống với chữ Hy Lạp Oruza và chữ Tamil Arisi và tất cả chữ này đều bắt nguồn từ chữ Ou-lizz, có nghĩa là lúa ở tiếng thổ ngữ Nengpo của người Tàu, cộng thêm tục lệ nghi lễ gieo lúa ở đời Thần Nông. Tuy nhiên, chữ dùng cho cây lúa trong triều đại nhà Chu đã liên quan đến thổ ngữ của miền biển Trung Quốc, Đông Dương và Thái Lan.

Ông Ting (1949) đề nghị rằng cây lúa xuất phát từ Trung Quốc, vì loại thảo mộc này đã được nói đến lần đầu tiên trong văn học dưới thời Thần Nông (3000 tr CN) và trong thời đại Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn (2600-2200 tr CN). Ting cho biết hạt lúa và lá lúa được tìm thấy trong cuộc khai quật Yan-shao 2600 tr CN và cũng tìm thấy bộ xương (1400-1122 tr BC) có khắc đặc tính cây lúa. Ông cũng báo cáo đã tìm được mày lúa và hạt lúa ở địa điểm khai quật cách Uckan 150 km trong vùng thung lũng sông Hoàng Hà. Ông cho rằng hạt lúa có liên hệ với “O. sativa f. spontanea ssp. Keng Ting”. Hạt lúa có chiều dài 6,97 mm và chiều rộng 3,47 mm với mày có lông, hạt có đuôi. Vài di tích khảo cổ lúa được tìm thấy lần đầu tiên ở vài nơi của nền văn hóa Lungshnoid. Các di vật khác được báo cáo ở thiên niên kỷ thứ III và IV tr CN. Mẫu lúa trồng cổ nhứt thuộc loại Indica được tìm thấy ở cuộc khai quật tại Ho-mu-tu, phía đông Trung Quốc vào niên đại 5008 ± 117 tr CN hay cách nay khoảng 7.000 năm.

Theo Bellwood (2005:116), cuộc nghiên cứu gần đây ở động Xianrendong và Diaotonghuan, đông bắc tỉnh Jiangxi cho biết phytoliths1 lúa dại đã có mặt cách nay khoảng 13.000 năm; nhưng trong thời kỳ lạnh giá và khô khan “Tiểu hạn” (Younger Dryas: 13.000-11.500 năm) lúa dại vắng mặt, đã làm cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc xét lại phytoliths lúa mà họ cho rằng một phần do thuần dưỡng khoảng 8.000-9.000 năm! (Zhao, 1998, Lu et al., 2.000).

3.2. Giả thuyết nguồn gốc Ấn Độ

Ông Watt (1892) viết rất nhiều sách về lúa, đã tìm thấy vài loài lúa dại ở India như rufipogon (hàng niên và đa niên) và Porterssia coarctata. Lúa gạo cũng được sử dụng ở nhiều nghi lễ trong xứ này. Do đó, Ông kết luận rằng cây lúa trồng có thể xuất phát từ bán đảo Ấn Độ và lan rộng đến các nơi khác. Ramiah và Ghose (1961) ủng hộ lý thuyết của Watt. Cây lúa đến Trung Quốc vào khoảng 3000 trước CN từ Nam Á và Đông Nam Á.

Ông Vavilov (1951) cho rằng Ấn Độ có thể là trung tâm nguồn gốc cây lúa và sau đó được truyền sang Trung Quốc. Roschevicz (1931) tin rằng Africa là nguồn gốc cây lúa sativa vì lục địa này có nhiều loài lúa dại hơn Châu Á và lúa trồng có thể tự xuất hiện ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Dương.

Ông Gustchin (1938) đề nghị rằng cây lúa có thể xuất hiện đầu tiên ở cả hai bên triền núi Hymalaya. Những hạt lúa hóa thạch được tìm thấy ở Hastinapur (Uttar Pradesh) có niên đại phóng xạ cách nay từ 2.700 đến 3.000 năm (Chowdhury and Ghosh, 1953).

Ở Ấn Độ, di vật lâu đời của lúa được tìm thấy ở vỏ trấu trộn với đất sét (vật dụng kiến trúc) tại Lothal (Quận Ahmedabad, Gujarat) được xác định niên đại 2.300 tr CN. Mười một mẫu lúa trên 2000 năm được tìm thấy ở nhiều nơi và được báo cáo ở Ấn Độ. Hai mẫu lúa cổ xưa thuộc nền văn minh Harappan nổi tiếng ở Ấn Độ khoảng 2200-1700 tr CN (Nayar, 1973). Di vật cổ nhứt là hạt lúa và trấu được tìm thấy trên đồ gốm và phân bò ở Koldihwa, Uttar Pradhesh, có niên đại phóng xạ 6.570 và 4.530 B.C. (Vishnu-Mittre 1976; Sharma et al. 1980).

3.3. Giả thuyết nguồn gốc vùng núi Đông Nam Á

Trong vùng Đông Nam Á gồm cả Việt Nam, còn rất ít công cuộc khai quật trên diện tích rộng lớn để nghiên cứu so với các hoạt động khảo cổ qui mô tại hai quốc gia lớn: Trung Quốc và Ấn Độ; cho nên, các giả thuyết và công cuộc khảo cổ học của vùng này chưa có tiếng vang nhiều để tạo ra sức thuyết phục đối với các nhà khảo cổ học khác trên thế giới. Ngoài ra, trong thiên niên kỷ từ X đến VI các vùng đồng bằng trũng thấp ở ven biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bị biển tiến xâm nhập có lúc lên đến 5 m trên mực nước biển hiện nay; nên làm ngập lụt, cuốn trôi nhiều di vật trong thời gian 4.000 ngàn năm đó.

Trong thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng ở vùng Đông Nam Á, bên cạnh giả thuyết về Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Hamada (1949) và Burkill (1953) xem Đông Dương là trung tâm xuất hiện của cây lúa vì cây lúa phân hóa sâu rộng hơn hết ở vùng này.

Ông Vavilov (1951) cho rằng một số hoa màu gồm cả lúa bắt nguồn từ trung tâm Hindustan, gồm có Ấn Độ Assam và Myanmar (Miến Điện).

Ông Barrau (1966) cho rằng cây lúa có thể đã được thuần hóa ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương vì có rất nhiều lúa dại nổi tiếng ở vùng này.

Trong 1952, nhà địa chất học Carl Sawer đưa giả thuyết thảo mộc đầu tiên trên thế giới được thuần dưỡng ở Đông Nam Á. Ông Solheim II, Giáo Sư nhân chủng học và học trò Chester Gorman thuộc Đại Học Hawaii muốn chứng minh giả thuyết này qua nhiều cuộc khai quật tại miền bắc Thái Lan, đặc biệt ở Non Nok Tha. Họ khám phá dấu tích hạt và trấu trên gốm có niên đại ít nhứt 6.000 năm và đồng ý với Ông Sawer nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện trong nền văn hóa Hòa Bình cách nay ít nhứt 8.000 năm tại miền bắc biên giới Thái Lan và Miến Điện, tuy nhiên cần phải khảo cứu thêm để đánh giá xác nhận (Solheim II, 1967 và 1971).

Ông Moringa (1972) nêu giả thuyết rằng cây lúa có thể bắt nguồn từ vùng núi non và thung lũng Đông Nam Á hơn là từ Ấn Độ, vì nhiều nền văn hóa cổ xưa xuất phát từ vùng núi non này. Sau khi lai giống giữa những giống lúa ở chân núi Hymalaya như Nepal, Bhutan và Shikkimu với các giống lúa ở 6 vùng sinh thái như (i) japonica ở vùng ôn đới; (ii) aus (hè-thu), (iii) boro (đông-xuân), (iv) aman (mùa) ở vịnh Bengal; (v) tjereh và (vi) bulu (javanica) ở Indonesia, Ông ta suy đoán rằng lúa trồng xuất phát từ miền đông nam chân núi Hymalaya và bành trướng đến 6 vùng sinh thái trên. Lúa aus, boro, aman và tjereh thuộc nhóm lúa indica.

Ông Chang (1976), sau khi quan sát 34.000 giống lúa thế giới ở ngân hàng gien của IRRI, nhận thấy rằng có biến đổi rộng lớn trong các đặc tính và sinh thái của các giống lúa thu thập ở vùng núi non Đông Nam Á, gồm có Nepal, Shikkim, Assam (Ấn Độ), Bangladesh, Bắc Myanmar, Bắc Thái Lan, Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.

Ông Nakagahra (1976) căn cứ trên nghiên cứu về sự phân bố của 12 loại lúa isozymes từ các vùng khác nhau ở châu Á, nhận thấy có biến đổi lớn của các giống lúa từ Assam đến Laos và cho rằng nguồn gốc cây lúa trồng ở vùng núi non Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan và Vân Nam của Trung Quốc.

Ông Higham (1989) báo cáo vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò được tìm thấy ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ 6.000-4.000 tr. CN.

Ông Watanabe (1997), sau khi nghiên cứu trên các vỏ trấu trong các lâu đài xưa cổ đổ nát để tìm lộ trình của lúa ở Á Châu, cho rằng trung tâm nguồn gốc trồng lúa ở vùng Assam-Vân Nam.

3.4. Giả thuyết đa trung tâm

Thông thường công tác nghiên cứu về địa danh và thời gian của nguồn gốc cây lúa căn cứ trên các di chỉ khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học và chứng cớ thực vật học. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một vài sự kiện mà kết luận thì không thể chính xác và khoa học, do các nguyên nhân sau đây:

Căn cứ vào nghi lễ gieo lúa xa xưa ở Trung Quốc để kết luận về nguồn gốc của cây lúa, lúa mì, khoai ngọt bắt nguồn từ nước này thì không được chỉnh lắm, vì các hạt giống này có thể xuất xứ từ các nơi khác hơn Trung Quốc. Thí dụ, cây lúa mì được biết xuất phát từ Trung Đông, khoai ngọt xuất xứ từ Nam Mỹ.

Di tích khảo cổ được sử dụng nhiều nhứt trong quá khứ cho các nghiên cứu về nguồn gốc thảo mộc. Tuy nhiên, các vùng có khí hậu ấm áp và ẩm ướt như Đông Nam Á với khí hậu gió mùa rất khó giữ được các mẫu di vật khảo cổ lâu dài, so với các vùng có khí hậu ôn đới hoặc lạnh và khô hơn như châu thổ sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Nếu chỉ căn cứ vào niên đại của các di vật khảo cổ tìm được, khả năng ước đoán về nguồn gốc có thể sai lầm lớn. Chẳng hạn, trong năm 2003, Đại Hàn khám phá nhiều hạt gạo cháy ở tỉnh Chungbuk có niên đại phóng xạ khoảng 15.000 năm (IRC, 2003); nhưng nước này không thể là trung tâm nguồn gốc của cây lúa trồng châu Á.

Ngoài ra, các tranh luận nêu trên thường căn cứ trên số lượng mẫu lúa nghiên cứu còn rất giới hạn.

Sự khác biệt tên lúa dại của loài O. sativa có thể gây ra suy đoán nhầm lẫn.

Các mẫu lúa dại thật sự không còn nữa vì do sự lai giống thiên nhiên giữa các lúa trồng và các loại lúa dại hàng niên.

Không áp dụng các biện pháp tổng hợp trong công việc nghiên cứu.

Do đó, ông Chang (1985), chuyên gia di truyền lúa của IRRI, xem xét lại tất cả tin liệu và các dữ kiện từ khoa học, khảo cổ, sinh học tiến hóa, hệ thống sinh học và lịch sử nông nghiệp để đưa ra kết luận rằng lúa trồng ở châu Á có thể bắt nguồn từ nhiều địa điểm một cách độc lập và đồng bộ, vì những nơi này hiện có nhiều loài lúa dại và lúa trồng cùng sống trong một môi trường. Những địa điểm này khởi đầu từ đồng bằng sông Ganges đến miền bắc Myanmar, miền đông bắc Thái Lan, bắc Lào, bắc Việt Nam, miền nam và tây nam Trung Quốc, và những vùng lân cận khác. Xin nhắc lại rằng ông Morinaga (1955) cũng nêu giả thuyết đa nguồn của cây lúa trồng vì nhiều biến đổi di truyền của cây lúa ở Châu Á.

Điều này cũng có thể suy diễn cho nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện độc lập, vì sự di chuyển xuyên quốc gia hoặc lục địa còn rất giới hạn trong thời kỳ cách nay 10-8 thiên kỷ.

Tại Việt Nam, lúa dại rất phong phú và hiện diện rải rác khắp lãnh thỗ, từ Miền Nam đến Miền Trung và Miền Bắc. Lúa dại đa niên O. rufipogon và lúa dại hàng niên O. Nivara là những loài nguyên thủy, tổ tiên của các giống lúa trồng ngày nay Indica và Japonica, đã hiện diện lâu đời ở nước ta. Đó là một trong những yếu tố quan trọng xác nhận cây lúa có nguồn gốc ở Việt Nam. Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ cũng tin tưởng Miền Bắc Việt Nam là một trung tâm nguồn gốc lúa trồng của thế giới (Liên lạc cá nhân, 2000) (Trần Văn Đạt, 2005). Để có thông tin nhiều hơn, xin xem thêm Chương 3: Tiến hóa cây lúa và các loại lúa.

Theo các thành tựu khảo cổ học Việt Nam, nền văn hóa Hòa Bình đã xuất hiện ít nhứt cách nay 10.000-8.000 năm (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Nhiều nhà khảo cổ học thế giới cho rằng Việt Nam có thể đóng một phần vai trò sáng lập nền nông nghiệp sơ khai, nhứt là di chỉ Đa Bút và Cái Bèo có niên đại được xác nhận cách nay ít nhứt 6.500 năm (Bellwood, 2005). Bà Colani (1926), nhà khảo cổ học khám phá nền văn hóa Hòa Bình, đã tìm được ở hang động của di chỉ Bắc Sơn một mảnh đá có khắc hình lá họ Hòa Thảo (lá dài với những gân song song), và cho rằng đó lá lúa (Hình 1) (Theo Bùi Huy Đáp, 1980).

Hình 1: Hình lá cây thuộc họ Hòa Thảo (B) trên đầu mũi nhọn (A) (theo M. Colani)

Tại Việt Nam, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy những hạt gạo cháy tại di chỉ Đồng Đậu (tỉnh Vĩnh Phúc) khai quật 1962, có niên đại phóng xạ 3.050 ± 100 năm (Hình 2) (Viện Khảo Cổ Học, 1999), nhiều hạt lúa có hình dạng khác nhau ở di chỉ Gò Mun có tuổi carbon 1.120 ± 100 tr. CN (Sakurai, 1987), và dấu vết phấn hoa của một dòng lúa nước được tìm thấy ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) có niên đại phóng xạ 3.405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000).

Hình 2: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (3.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)

Tuy nhiên, các di vật khảo cổ học thu thập được đến nay còn giới hạn, do phạm vi khai quật các di chỉ còn nhỏ hẹp và phương pháp nghiên cứu còn cổ xưa. Dù thế, thành quả của hơn một thế kỷ khảo cổ học trong nước và các nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á cùng với nghiên cứu công phu của Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế ở Philippines đã giúp chúng ta tin tưởng thêm về nguồn gốc độc lập, bản địa của nông nghiệp, đặc biệt ngành trồng lúa.

Miền Thượng và Trung du Bắc Việt là một trong những trung tâm nguồn gốc lúa trồng Châu Á. Từ đó, cây lúa bành trướng về phương Nam theo dân di cư và giới thương mại.

Ngoài ra, di chỉ Đa Bút có nền văn hóa duyên hải sớm hơn các nền văn hóa lục địa, với xuất hiện đồ gốm sớm, biết chăn nuôi, làm vườn và có thể trồng lúa, nhờ giao thương với các nước trong vùng và hải đảo. Ở Miền Nam, có nền nông nghiệp cuốc đá chuyên trồng lúa nương và lúa nước ở Miền Đông Nam Bộ cách nay ít nhứt 5.000-4.000 năm, và nông nghiệp phãng trồng lúa nước ở Miền Tây trong nền văn hóa Óc Eo và tiền Óc Eo cách nay ít nhứt 2.600 năm.

4. KẾT LUẬN

Tóm lại, cây lúa có đời sống rất đa dạng trên khắp thế giới, ngoại trừ những nơi băng giá, ao hồ, sông ngòi, biển cả và sa mạc. Do đó, loại thảo mộc này trở nên cây lương thực quan trọng cho hơn phân nửa dân tộc thế giới, sau hàng ngàn năm tiến hóa phát triển; nhưng nguồn gốc vẫn còn là đề tài tranh cải của nhiều giới liên hệ, nhứt là các nhà khảo cổ học và khoa học gia địa phương và quốc tế. Trong hơn thế kỷ qua, nhiều chuyên gia Trung Quốc và Ấn Độ cố tranh luận để thuyết phục nguồn gốc cây lúa trồng châu Á xuất hiện sớm

nước mình. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho biết nguồn gốc cây lúa trồng có thể xuất phát từ nhiều trung tâm khác nhau trong vùng Châu Á, có tính cách độc lập và đồng bộ. Loài lúa trồng sativa có thể xuất phát sớm trong nền văn hóa Hòa Bình ở nhiều nơi khác nhau, từ đồng bằng sông Ganges, Ấn Độ đến miền thượng du Bắc Việt. Dù thế, chúng ta hy vọng rằng với những kỹ thuật mới như phân tích phythollis (ngoài bào tử phấn hoa), các cuộc khai quật sâu rộng hơn và sự quan tâm nhiều hơn của ngành khảo cổ học trong nước đối với lịch sử nông nghiệp sẽ giúp tìm thấy các vết tích lúa gạo xa xưa hơn kết quả hiện có.


Chú thích:

(1) Phytoliths là những vật vi tế trong một số thảo mộc, gồm họ Hòa thảo, đậu, sắn, cây gỗ…, được cấu tạo bằng chất silica hoặc dưới dạng calcium oxalate không bị hủy hại với thời gian, nên được dùng trong khảo cổ học để xác định loại thảo mộc và niên đại.


  • TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Barrau, J. 1966. The Indo-Pacific area as a centre of origin and domestication of plants. Symp. Ethnobot., Centen. Celebrations Peabody Mus. Natur. Hist., Yale Univ., New Haven, Conn. Cited in K.C. Chang (1970).
  • Bellwood, P. 2005. First Farmers: The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing, Victoria, Australia, 360 pages.
  • Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa ở Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 563 trang.
  • Burkill, I.H.1953. Habits of man and the origins of cultivated species of the Old World. Proc. Linn. Soc. London 164: 12-41.
  • Chang, T.T. 1964. Present knowledge of rice genetics and cytogenetics. Tech. Bull. 1: 96, IRRI, Los Banos, Philippines.
  • Chang, T.T. 1976. The rice culture. Philosophical Transactions of the Royal Society. London, B, 275:143-157.
  • Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice – A case study. Iowa State Journal of Research, Vol 59
  • (4): 425-455.
  • Chatterjee, D. 1947. Botany of wild and cultivated rices. Nature , London, 160: 234-237.
  • Chatterjee, D. 1948. A modified key and enumeration of the species of Oryza Linn. Indian J. Agr. Sci. 18: 185-192.
  • Chevalier, A. 1932. Nouvelle contribution à l‟ étude systématique des Oryza. Rev. Bot. Appl. Agr. Trop. 12: 1014-1032.
  • Chowdhury, K.A. and Ghosh, S.S. 1953. Rice in ancient in India. Sci. Cult.19: 207-209.
  • Colani, M. 1926. Découverte du paléolithique dans la province de Hoabinh, L’Anthropolopie, vol XXVI, Paris, France.
  • de Candolle. 1883. Origines des plantes cultivées. Bibliothèque scientifique internationale. Paris.
  • Ghosh, S. S. 1961. Further records of rice (Oryza ssp.) from ancient India. Indian Forest. 87: 295-301.
  • Gustchin, G.G. 1938. Le riz: origine et histoire de sa culture. Riz Rizicult. 12:61-96.
  • Hamada, H.1949. Consideration on the origins of rice cultivation. Nippon Saku-motsu Gakkai Kiji, 18: 106-107.
  • Higham, C. F. W. 1989. Rice cultivation and the growth of Southeast Asian civilization. Endeavour 13: 82-8.
  • IRC (International Rice Commission). 2003. World oldest rice found. IRC Newsletter (Special Edition), FAO, Rome, vol. 52: 42.
  • Lu, H, Lieu, Z, Wu, N. et al. 2002. Rice domestication and climate change: phytoliths evidence from East China. Boreas 31:378-85.
  • Morinaga, T. 1943. Cytogenetical studies on Oryza sativa
  • The cytogenetics of F1 hybrid of O. minuta Presl. and O. latifolia Desv. Jap. J Bot. 12:347-357.
  • Morinaga, T. 1954. Classification of rice varieties on the basis of affinity. In Studies on Rice Breeding. Jap. J. Breed. Suppl. 4:1-14.
  • Morinaga, T. 1955. History of Japonese rice. Norin, Kyokai, Tokyo (trong Matsuo, 1997).
  • Morinaga, T. 1972. Japanese rice and its introduction from abroad. In Morinaga, T., Kihara, H., Tshukuba, J and Ueno,
  • eds. History of Biology in Japan of dawn of its civilization, Yokendo, Tokyo (trong Matsuo, 1997).
  • Nakagahra, M. 1976. The differentiation of cultivated rice based on geographical distribution of marker genes. Current Advances in Breeding, 17: 35-44 (trong Matsuo, 1997).
  • Nayar, N. M. 1973. Origin and cytogenetics of rice. Advances in Genetics, vol 17, Academic Press Inc., New York and London.
  • Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn. 2.000. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến name 1884. NXB Sài Gòn, 479 trang.
  • Ramiah, K. and Ghose, R. L.1951. Origine and distribution of rice. Indian, J. Gent. Plant Breed. 11: 7-13.
  • Pilger, R. 1915. Neue und weniger bekannte Graminee aus Papuasien. Bot. Jaarb. 52: 167-176 (trong Nayar, 1973).
  • Prodoehl, A. 1922. Oryzae monographice describuntur. Bot Arch. 1: 211-224, 231-255.
  • Roscheviez, R. J. 1931. A contribution to the study of rice. Tr. Prikl. Bot. Genet. Selek. 27(4): 3-133 (in Russ.)
  • Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tongking) delta of Vietnam. In History of Asian Rice, Shogakukan, Tokyo, 235-276.
  • Sampath, S. 1961. Notes on taxonomy of the genus Oryza . Shokubutsugaku Zasshi 74: 269-270.
    Sampath, S. 1962. The genus Oryza: Its taxonomy and
  • relationships. Oryza 1 (1): 1-29.
  • Sampath, S. 1964. Suggestions for a revision of the genus Oryza. In Rice Genetics and Cytogenetics, Proc. Symp., Los Banos, Philippines, Elsevier, Amsterdam, p 22-23.
  • Sasaki, T. 1935. On the distribution of species in the genus Oryza. In Papers on Crop Science Commemorating Prof. S. Kikkawa‟s 25 years of Service, p 631-750 (in Japanese) (in Nayar, 1973).
  • Sharma, S. D. and Shastry, S.V.S. 1965. Taxonomic studies in genus Oryza IV. The Ceylones Oryza spp. Affin
  • officinalis Wal. ex Wall. Indian J. Gentics, 25:168-1172.
  • Sharma, S. D. and Shastry, S.V.S. 1971. Phylogenetic studies in genus Oryza I. Primitive characters. Riso, 20:127-136.
  • Sharma S. D.1973. Evolution in genus Oryza. In Advancing Frontiers in Cytogenetics. Hindustan Publishing Corp., New Delhi, p 5-10.
  • Shastry, S.V.S. 1965. Genomic differentiation in the genus Oryza. Indian J. Genet., 26: 258-282.
  • Solheim II, W.G. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22.
  • Solheim II, W.G. 1971. New light on a forgotten past. National Geographic, Vol. 139, No. 3.
    Tateoka, T. 1963. Taxonomic studies of the genus Oryza.
  • Key to the species and their enumeration. Shokubutsugaku Zasshi 76: 165-173.
  • Tateoka, T. 1964. Taxonomic studies of the genus Oryza. Rice genetics and Cytogenetics, Proc. Symp., Los Banos, Philippines, Elsevier, Amsterdam, p 15-21.
  • Ting, Y .1949. Origin of rice cultivation in China. Coll. Agr. Sun. Yat. Sen. Univ., Agron. Bull., Ser. III No. 7: 18 (in Chinese).
  • Trần Văn Đạt. 2005. Sản xuất lúa gạo trên thế giới: Hiện trạng và khuynh hướng phát triển trong thế kỷ 21. NXB
    Nông Nghiệp, Hà Nội, 502 tr.
  • Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.
  • Viện Khảo Cổ Học, 1999. Thời Đại Kim Khí Nam Bộ. Khảo Cổ Việt Nam, Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 349-398.
  • Vavilov, N. I. 1951. The Origin, Variation, Immunity and Breeding of Cultivated Plants, Chronica Botanica, Waltham, Massachusette, pp 364.
  • Vishnu-Mittre. 1976. Discussion. In Early history of agriculture, Philosophical Transactions of Royal Society of London B275: 141.
  • Watanabe, Y. 1997. Phylogeny and geographical distribution of genus Oryza. Science of the Rice Plant, Vol. 3: Genetics, Food and Agricutlutre Policy Research Center, p. 29-39.
  • Watt, G. 1892. Rice. In Dictionary of Economic Products of India, Superintendent, Gov. Printing, Calcutta, 5: 498-653.
  • Zhao, Z. 1998. The Middle Zangtze region in China is one place where rice was domesticated. Antiquity 72:885-96.