Chúng ta thường gọi người đồng hành, cùng góp sức với mình qua những khó khăn trong cuộc sống là người “chung lưng đấu cật”. Thành ngữ này đặc biệt thông dụng tại miền Bắc. “Chung lưng” thì hẳn ai cũng hiểu, nhưng còn “đấu cật” thì sao? Liệu “cật” ở đây có phải là quả thận như cách hiểu thông dụng?

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nghĩa đầu tiên của “cật” (viết bằng chữ Nôm là ?) là “lưng”, sau đó mới đến “quả thận”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng ghi nhận: “Cật: Lưng. No thân ấm cật… Đói không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay (tục ngữ), …Xưa kia kén lấy con dòng, bây giờ ấm cật no lòng thì thôi (ca dao). Chân không đến đất, cật không đến trời, nằm ngửa chơi bời ăn tiền thiên hạ (câu đố cái thuyền)”.

Một ai đó như anh

Như vậy, chữ “cật” ở đây cũng có nghĩa là “lưng”, vốn được dùng rộng rãi trong các văn liệu dân gian như trên. Nhưng như vậy “đấu cật” là “đấu lưng”, nghe vẫn còn khá khó hiểu. Tới đây, ta tìm hiểu tiếp nghĩa của từ “đấu”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có giảng: “Đấu: 1. Trộn, pha. Đấu nước sơn, đấu thuốc lào. 2. Câu, nối dính nhau. Đấu dây điện”.

Tóm lại “đấu cật” cũng cùng một nghĩa với “chung lưng”, tức nối hai tấm lưng để che chắn nhau qua gian khó. Có một câu tương tự là “kề vai sát cánh”, câu này thì được dùng phổ biến hơn trên cả ba miền.
(Minh Nhân)